NHÀ VĂN MINH CHUYÊN VÀ TÁC PHẨM “VÀO CHÙA GẶP LẠI”

Ngày đăng: 08:50 05/07/2023 Lượt xem: 1.538
NHÀ VĂN MINH CHUYÊN VÀ
TÁC PHẨM “VÀO CHÙA GẶP LẠI”


Nhà văn Minh Chuyên
 
       Ban Biên tập được Chủ tịch Võ Sở chuyển cho cuốn ngữ văn lớp 11 (Tập 2) do NXB Đại học Huế phát hành. Ngay trang đầu có bút tích của Nhà văn tặng Chủ tịch. Trong cuốn Ngữ văn này có tác phẩm của Minh Chuyên. Tác phẩm “Vào chùa gặp lại” nói về cuộc đời có thực của một nữ chiến sĩ Trường Sơn. Qua tác phẩm, người đọc mới thấm thía được những mất mát của chiến tranh, những hi sinh của những người lính nói chung, của nữ chiến sĩ Trường Sơn nói riêng. Chắc chắn tác phẩm sẽ có giá trị truyền cảm rất cao cho các thế hệ học sinh hiểu về chiến tranh về cái giá của hòa bình mà các thế hệ cha anh đã chiến đấu để có được hôm nay.
       Nhân chuẩn bị đến ngày Thương binh – Liệt sỹ 27-7 Ban Biên tập Trang Thông tin điện tử Trường Sơn xin giới thiệu Nhà văn Minh Chuyên và Tác phẩm “Vào chùa gặp lại”
 
      1-Nhả văn Minh Chuyên tên đầy đủ là  Nguyễn Minh Chuyên. Ông sinh ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1993; Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp văn Hà Nội; nhập ngũ 1967, chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ (B2).
       Năm 1974 - 1975 ông tham gia trại sáng tác văn học của Tổng cục Chính trị quân đội: Viết kỷ niệm sâu sắc chống Mỹ cứu nước. Năm 1976 ông chuyển ngành làm phóng viên báo Thái Bình. Từ năm 1979 - 1984 là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học & Nghệ thuật Thái Bình; năm 1985 – 1996 là Ủy viên thường vụ Hội Văn học & Nghệ thuật Thái Bình, Ủy viên Đảng đoàn Hội Văn học & Nghệ thuật Thái Bình. Từ 1997 đến 2007 Biên tập viên chính - Đạo diễn Phim Tài liệu Đài truyền hình Việt Nam. Từ 2008 đến nay là Đạo diễn cao cấp Đài truyền hình Việt Nam.

 

Minh Chuyên trong gian trưng bày các tác phẩm hậu chiến tranh

     2. Tác phẩm: Minh Chuyên có một kho đồ sộ những tác phẩm văn học, điện ảnh, báo chí… Xin nêu một số tác phẩm tiêu biểu.
– Miền quê anh đến (tập truyện ngắn, 1985); Làm tiếp Surenco (tập truyện ngắn, 1986); Người gặp trong mơ (tập truyện ngắn, 1990); Người lang thang không cô đơn (tập ký, 1993); Thử thách (tập ký, 1994); Người lạc về đâu (tiểu thuyết, 1995); Người không cô đơn (tập truyện ký, 1995); Bút ký Minh Chuyên (tuyển tập, 1996); Điểm tựa cuộc đời (tập truyện ký, 1997); Di họa chiến tranh (tập bút ký, 1998); Nỗi kinh hoàng (tập ký, 2004); Hậu chiến Việt Nam (tập ký, 2004, 2005); Cha con người lính (tập kịch bản, 2006); Kịch bản truyền hình (tập kịch văn học, 2007); Những linh hồn da cam (tập ký 2008); Linh hồn Việt Cộng (tập ký 2009); Và 115 kịch bản sân khấu, điện ảnh, truyền hình đã dàn dựng, công diễn, phát sóng truyền hình      
Bức tường Trường Sơn trong bảo tàng "các tác phẩm hậu chiến tranh"
 
     3- Bảo tàng các"Tác phẩm Hậu chiến tranh
     Nhà văn Minh Chuyên đã ấp ủ xây dựng Bảo tàng các tác phẩm Hậu chiến tranh từ lâu. Ông đã lập Dự án và được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt vào ngày 02/11/2018. Không chỉ được cấp thêm đất mà nhà văn Minh Chuyên còn được UBND tỉnh Thái Bình hỗ trợ kinh phí xây dựng. Ngoài số tiền đầu tư của chính quyền, Bảo tàng còn được sự ủng hộ của nhiều đồng nghiệp, bạn bè của Minh Chuyên và các nhà hảo tâm.
     Khu trưng bày của Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên có diện tích 250 mét vuông. Khu trưng bày hiện nay có khoảng 2 vạn trang tài liệu, 600 tác phẩm văn học và điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng cũng như nỗi đau hậu chiến. Độc giả có thể tìm thấy trong bảo tàng những trang bản thảo đã úa màu thời gian với bút tích của chính tác giả, cũng như có thể tham khảo các thư từ, báo chí xung quanh các tác phẩm làm nên tên tuổi Minh Chuyên như "Người không cô đơn", "Chiếc cũi trần gian", "Vết thương không mảnh đạn"...
      Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên được thi công từ năm 2018 đến năm 2020. Trong đó có những công trình mỹ thuật tiêu tốn hàng tỷ đồng, như bức phù điêu tái hiện sử tích "Huyền thoại Trường Sơn". Tuy nhiên, gây hứng thú nhất cho những ai đã đọc những bút ký hậu chiến của nhà văn Minh Chuyên chính là những bức tranh minh họa các câu chuyện từng rúng động dư luận trong "Vào chùa gặp lại" hoặc "Thủ tục làm người còn sống".
    Nếu tác phẩm "Vào chùa gặp lại" viết về những nữ chiến sĩ sau chiến tranh bị thương tật phải nương náu chốn cửa Phật, thì tác phẩm "Thủ tục làm người còn sống" viết về anh bộ đội Trần Quyết Định vì lạc đơn vị ở chiến trường Campuchia nên có sự nhầm lẫn biến anh trở thành liệt sĩ, và Trần Quyết Định phải bôn ba chứng minh sự tồn tại của bản thân trên cõi đời.
    Trong Bảo tàng của mình, nhà văn Minh Chuyên cũng dành nhiều không gian cho những nhà văn viết về đề tài hậu chiến. Ví dụ, nhà thơ Phạm Tiến Duật với những câu thơ cháy bỏng về Trường Sơn, thì có hẳn một góc riêng khá ấn tượng.
     Hiện nay, mỗi ngày Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên đều có khách đến tham quan, mà nhiều nhất là giáo viên và học sinh các trường học của các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam... Có lẽ chưa có nhà văn nào ở Việt Nam có bảo tàng tư nhân quy mô và hoành tráng như nhà văn Minh Chuyên. Đã bước sang tuổi 77, nhà văn Minh Chuyên thổ lộ: "Tất cả những gì tôi đã viết và những tâm huyết tôi bỏ ra cho bảo tàng này, đều xuất phát từ một niềm tin duy nhất, đó là ở xứ sở bất khuất và ân nghĩa của chúng ta, không có quyền để ai bị lãng quên sau cuộc chiến bảo vệ bờ cõi thiêng liêng".
Các đồng chí trong Thường trực  và Cơ quan Hội Trường Sơn Viêt Nam đã có nhiều lần tham quan bảo tàng của Minh Chuyên và thực sự cảm phục sự làm việc nhiệt tình, cần mẫn và cực kỳ hiệu quả của nhà văn.

 


Chủ tịch Hội Trường Sơn VN Võ Sở và nhà Văn Minh Chuyên

        4. Giải thưởng:
Nhà văn Minh Chuyên đã được tặng 40 giải thưởng quốc gia và quốc tế về văn học, điện ảnh, truyền hình. Trong đó có:  Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, tập bút ký Di hoạ chiến tranh 1998; Giải nhất báo Văn nghệ, bút ký Người không cô đơn năm 1993; Giải nhì và giải ba bút ký báo Văn nghệ Vào chùa gặp lại và Nước mắt làng năm 1996 – 1997;  Giải nhất quốc tế (giải cúp vàng) biên kịch đạo diễn phim tài liệu “Cha con người lính” liên hoan phim quốc tế lần thứ 10 tại Triều Tiên 9/2006; Mười huy chương vàng biên kịch, đạo diễn các phim tài liệu tại liên hoan điện ảnh và truyền hình; Hai giải thưởng Văn học Lê Quý Đôn do Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình trao tặng; Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 4 năm 2017.

       5- Tác phẩm tuyển chọn in trong sách Ngữ văn lớp 11  “VÀO CHÙA GẶP LẠI” xin mời đọc trong bài đăng tiếp theo.
 
Bút tích đề tặng của nhà văn Minh Chuyên

                                                                                                                            Ban Biên tập
 

tin tức liên quan