"Chuyến đi nghĩa tình về Hà Nam - Nơi xưa kia Trường Lê đã sơ tán" - Ghi chép của Phạm Hồng Loan

Ngày đăng: 03:14 27/07/2023 Lượt xem: 88
 
-------------------------------

CHUYẾN ĐI NGHĨA TÌNH VỀ HÀ NAM,
NƠI XƯA KIA TRƯỜNG LÊ ĐÃ SƠ TÁN
 
Ghi chép của Phạm Hồng Loan

        Nhân dịp 30/4, tôi về quê trong niềm vui với gia đình và gặp gỡ bạn bè. Đêm. Tôi lướt qua facebook. Tin nhắn của anh Trần Thái Sơn: “Tuyệt vời, Loan à. Chưa bao giờ ban liên lạc lại nhận được nhiều thông tin về liệt sĩ trường mình đến vậy. Xuất phát từ việc tìm thân nhân Ls Trần Văn Thoan, CHS K65/68 LHP ở xã Hoà Hậu, anh Trần Khắc Bạo (bạn đồng ngũ với anh, ở Hòa Hậu – Lý Nhân) đã được ông trưởng thôn xóm 13 giới thiệu anh Trần Đăng Hồng, đang ở xóm 14, là CHS khóa 67/70 LHP. Anh Hồng cho biết là sở dĩ tôi biết anh Thoan vì là ông anh họ, ngoài ra anh còn cho biết bốn liệt sĩ nữa học cùng lớp C với anh. Khi nào anh Bạo có địa chỉ của 5 gia đình thân nhân liệt sỹ, Ban liên lạc sẽ lên đường”.
       Niềm vui lan toả trong chúng tôi mỗi khi nhận được thông tin mới về liệt sĩ. Ai cũng mong mau chóng tìm được gia đình họ, để hiểu thêm về những chàng thư sinh của thời: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đưa họ về nơi đã có những tháng ngày miệt mài học tập, rộn rã niềm vui cùng bạn bè, rồi xếp lại sách vở, lên đường hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước. Vẫn còn ẩn khuất đâu đó những liệt sĩ đang ngày đêm mong ngóng đợi ta tìm đến, mong ta tìm về. Và biết đâu nơi cao xanh, các liệt sĩ cũng đang quây tụ bên nhau, hướng về gia đình, về bạn bè và mái trường thân yêu.
       Ngày chủ nhật, chúng tôi lên đường. Mới sáng mà trời đã chang chang nắng, lồng lộng gió. Hình như trận mưa rào đêm qua đã gội rửa sạch sẽ bầu trời, gom hết mây dồn vào túi để khi cần thì bung ra cho mưa giật, sấm rền, trả lại cái xanh trong vời vợi cho vòm trời tiết đầu hạ. Ra khỏi thành phố, chúng tôi đi vào con đường đang sửa sang, mấp mô đá sỏi. Gần đến cầu Sắc, cả đoàn dừng lại. Một tấm bảng cắm ở bên đường; “Đường đang sửa”. Vượt qua cây cầu nhỏ, sang bên kia bờ mương, ngồi trên xe, tôi có cảm giác lắc lư như đưa võng với con đường mòn chông chênh, nhỏ hẹp đầy ắp những ổ gà, ổ lợn trơn tuột có thể làm trượt bánh xe bất cứ lúc nào xuống dòng kênh đục ngầu thản nhiên, lững lờ trôi. Vượt qua con đường khổ ải, tôi thở phào: “Các liệt sĩ lại thử lòng, thử sức anh em mình rùi. Bây giờ có thể yên tâm đi tiếp. Hương hồn các liệt sỹ đang đợi mình ở nhà rồi đấy ạ.” (Có một điều không thể lí giải nổi là suốt mấy năm qua, trong các cuộc hành trình đi tìm kiếm và tri ân liệt sĩ bao giờ chúng tôi cũng gặp những khó khăn, trục trặc, nhưng rồi tất cả lại qua đi, xuôi chèo, mát mái). Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là nhà anh Trần Khắc Bạo, bạn đồng ngũ của anh Sơn đã miệt mài kiếm tìm các gia đình liệt sĩ trong suốt tuần qua, người đưa đường sôi nổi, nhiệt tình, tận tuỵ như bản chất con người anh
       Bước chân trên mảnh đất Hoà Hậu, trong tôi trào lên cảm giác thân quen. Phải vì đây là quê hương của Nam Cao-nhà văn hiện thực xuất sắc với mỗi tác phẩm không chỉ là bức tranh xã hội thu nhỏ của làng Vũ Đại xưa mà còn là của xã hội Việt Nam dưới thời thực dân nửa phong kiến. Xe lướt qua trước cửa nhà bá Kiến giờ đã trở thành di tích được bảo quản, giữ gìn. Ai cũng ngắm nhìn ngôi nhà cổ im lìm cùng thời gian, thi gan cùng tuế nguyệt rồi ngoái nhìn với vẻ tiếc nuối vì công việc còn nhiều, không có thời gian dừng lại để chiêm ngưỡng, để tự hỏi nơi nào Chí Phèo rạch mặt ăn vạ? Nơi nào tràn ngập ánh trăng rờ rỡ trong cuộc gặp gỡ định mệnh Chí Phèo, Thị Nở để rồi từ một kẻ chuyên rạch mặt, ăn vạ, hắn đã đòi: “ làm người lương thiện!” Làng Vũ Đại ngày nay được bê tông hoá đến từng ngõ xóm với bao con đường rợp bóng, những khu vườn tràn ngập cây xanh, hoa trái. Làng quê yên ả, thanh bình trong lách cách tiếng thoi dệt vải, trong hương vị thoang thoảng của mùa hoa nhãn còn sót lại, hứa hẹn mùa sai hoa trĩu quả. Nơi đây, chúng tôi đã cập nhật được sáu học trò trường Lê hy sinh vì đất nước trong một khoảng thời gian rất ngắn chưa đầy một tháng (trong đó có hai liệt sỹ khóa 1965 – 1968 và bốn liệt sĩ khoá 1967-1970). Có còn ai nữa không để các liệt sĩ rủ nhau về với mái ấm trường Lê?
       Khi cập nhật thông tin các liệt sĩ, tay tôi như trùng xuống bởi chỉ có liệt sĩ Trần Đình Hiệp được an táng tại nghĩa trang Tp HCM, khi anh bị thương ở Pnom Pênh đưa về thành phố Hồ Chí Minh chữa trị nhưng không qua khỏi. Còn lại là các dòng chữ: hy sinh tại mặt trận phía Nam. Còn nỗi đau nào hơn đối với gia đình không khi không biết con em mình đang nằm đâu đó? Góc rừng heo hút, hay vực thẳm sông sâu? Dẫu nơi đâu trên đất nước này cũng là đất MẸ, nhưng sao vẫn thấy đắng lòng. Làm sao tìm lại các anh? Không thể tìm được các anh bởi thân thể các anh đã hoà vào cỏ cây, sông núi. Chỉ còn lại tên tuổi các anh vẫn mãi mãi với thời gian. Các anh vẫn mãi mãi tuổi hai mươi với Trần Ngọc Sức (Khoá 1967-1970) đang học trường Trung cấp địa chất, gác lại ước mơ trèo đèo lội suối, tìm kiếm nguồn tài nguyên vô tận ẩn sâu dưới lòng đất, làm giàu cho đất nước và khám phá những vẻ đẹp huyền bí của đất nước để lên đường đánh giặc. Chắc hẳn khi ra trận, người lính ấy cũng trào lên ước muốn ngày giặc tan, trở về thực hiện tiếp ước mơ dang dở. Các anh vẫn mãi mãi tuổi hai mươi với Trần Huy Sắc (Khoá 1967-1970) với hai giấy báo nhận cùng một lúc. Một giấy báo của cánh cổng trường Đại học rộng mở chào đón chàng sinh viên với những năm tháng say sưa trên giảng đường. Một giấy báo nhập ngũ với bao vất vả, khó khăn, hiểm nguy nơi mũi tên hòn đạn đang chờ đợi phía trước. Và anh đã cùng hát vang: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”(Phạm Tiến Duật) với bao bạn bè. Gần nửa thế kỉ trôi qua, giờ đây, anh vẫn đón mọi người với nụ cười hiền hậu trên tấm ảnh treo cạnh Bằng Tổ quốc ghi công. Đó phải chăng là chí làm trai của anh cũng như của bao thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh.
       Bước chân vào nhà liệt sĩ Trần Duy Văn (Khoá 1967-1970) và liệt sĩ Trần Huy Sắc (Khoá 1967-1970), tôi đứng lặng trước hai tấm bằng BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG treo trang trọng giữa nhà. Mảnh giấy bé nhỏ là sự tri ân của Đảng và nhà nước trước sự hy sinh vô giá của những bà mẹ Việt Nam mà khi cầm lên, ta sẽ thấy tay mình bỏng rát và trái tim ứa máu. Tôi lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong khi nhìn tấm ảnh mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Sa. Mái tóc bạc, khuôn mặt đôn hậu của mẹ giống như mẹ tôi. Chắc mẹ Sa cũng đau nỗi đau giống mẹ tôi khi nhận được tin người con trai yêu thương của mình đã hy sinh. Ngày ấy tôi còn nhỏ, làm sao cảm nhận hết được nỗi đau của mẹ. Chỉ biết có những đêm, chợt tỉnh giấc, tôi nghe tiếng khóc của mẹ dù cố nén nhưng vẫn cứ bật ra, nghẹn ngào. Biết mẹ nhớ anh, không dám hỏi, tôi ngồi dậy, bò xuống cuối giường, gục vào gối, để nước mắt trào ra. Có những đêm, giật mình tỉnh dậy, quờ tay sang, không thấy mẹ đâu, chỉ thấy hai đứa em ngủ ngon lành, tôi tụt xuống giường, lần mò ra cửa. Dưới ánh trăng suông, mẹ ngồi tựa vào cột hiên, bất động, ánh mắt vô hồn nhìn ra ngõ. Tôi tựa vào vai mẹ. Mẹ ôm lấy tôi, giấu mặt vào tóc tôi để kìm tiếng khóc. Tôi nhìn ra ngõ. Lạnh lẽo. Trống vắng đến run người. Ôi! Ước gì anh tôi xuất hiện ở đầu ngõ để không còn chia ly, cả nhà được đoàn tụ. Ước gì đừng có chiến tranh.
       Mười hai giờ trưa. Vẫn là chang chang nắng, hầm hập nóng nhưng công việc của đoàn vẫn chưa ngừng bởi gia đình liệt sĩ Trần Đình Hiệp vẫn cửa đóng then cài. Nhận lời mời của chị Xuân (vợ anh Bạo) chúng tôi trở lại gia đình anh. Hai chị em tíu tít làm cơm với các món ăn từ cá. Bây giờ tôi mới có dịp thưởng thức món cá kho Nhân Hậu nổi danh từ lâu. Bắt mắt thực khách là đĩa cá màu vàng dịu của thịt cá, màu hồng nhạt của trứng cá, điểm xuyết màu nâu quyến rũ của những lát riềng. Khi thưởng thức, bạn sẽ thấy vị thơm nồng của cá, ngầy ngậy của thịt mỡ, cay cay của riềng, chua chua của các loại quả chanh, chay, khế pha lẫn. Có cảm giác như món ăn giản dị gần gũi này thấm đẫm hương vị đồng quê, vừa dân dã vừa tinh tế được chắt lọc từ những tinh hoa đồng nội, làng quê đất Việt. Tôi hỏi chị: “Chị có bí quyết gì mà tạo được thương hiệu nổi tiếng thế ạ?” Bà chủ của cơ sở chế biến cá kho nổi tiếng với trang ww Hiệu bà Xuân cười: “Có gì đâu em. Chẳng qua là mỗi cơ sở chế biến đều có bí quyết riêng thôi, nhà chị cũng thế. Điều quan trọng là có sự lựa chọn kĩ lưỡng về nguyên liệu và gia vị được trồng tại làng Đại Hoàng thì mới cho hương vị thơm ngon, em ạ”.
       Buổi chiều,tạm biệt chủ nhà hiền hậu, mến khách, giỏi giang, anh Bạo đưa chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình dang dở. Và sẽ còn nhiều những chuyến đi nghĩa tình đang đợi chúng ta ở phía trước. Trong mỗi cuộc hành trình đó đều có các liệt sĩ ngóng theo, tin tưởng, đợi chờ. Và có bao người như anh Trần Khắc Bạo sát cánh cùng chúng tôi, bao gia đình lặng lẽ ủng hộ để ngày mỗi ngày qua, tin vui lại đến: Tìm thêm được liệt sĩ về với mái nhà Lê Hồng Phong.

 
PHL
 
 

 
tin tức liên quan