Thơ của những "Gã cựu binh đầu bạc" - TG: Đỗ Ngọc Thứ, hội viên Hội VHNT Trường Sơn

Ngày đăng: 05:34 01/10/2023 Lượt xem: 174


THƠ CỦA NHỮNG “GÃ CỰU BINH ĐẦU BẠC”

Đại tá, PGS,TS Đỗ Ngọc Thứ
 
       Từ Đà Nẵng, tôi ra với “Thủ đô gió ngàn” để tham gia trại viết do Hội VHNT Trường Sơn tổ chức. Đây là một trại viết đặc biệt, bởi cả giáo viên, trại viên đều là những người đã từng có những năm tháng lăn lộn trên những cung đường Trường Sơn trùng trùng lửa cháy. Nhìn những mái đầu đã nhuốm màu sương gió, nhìn những bước đi khập khiễng vì vết thương xưa, nhìn những người chỉ còn một cánh tay, những người chỉ còn một bên mắt… vẫn ngồi hỳ hục viết, trái tim tôi bỗng nhói lên những nhịp đập khác thường. Tôi hiểu, với họ, Trường Sơn luôn là một ký ức đep của một thời hoa lửa.
       Phần lớn thành viên của trại viết thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, những người đã đi qua đỉnh dốc cuộc đời, trên đầu là mưa gió, dưới chân là chông gai, đã nếm trải đủ cay đắng, ngọt bùi của cuộc đời. Do vậy, thơ của họ không chỉ là cảm xúc tức thời mà còn là sự trải nghiệm, suy ngẫm chín chắn về hạnh phúc và khổ đau, về nụ cười và nước mắt; là âm vọng của trầm tích được khai mở, soi rọi khi trái tim thi nhân rung nhịp cùng với lý trí quang minh và tinh thần trách nhiệm. Mỗi vần thơ của họ như được “chắt” ra từ những nỗi niềm suy tư, trăn trở. Với họ: “Lửa nhóm trong thơ/Huyết lệ tâm hồn” (Xin làm người thắp nến - Nguyễn Thuỵ Sơn).
       Trại viên của trại viết đều là lính Trường Sơn nhưng mỗi người lại thực hiện những chức trách, nhiệm vụ cụ thể khác nhau. Bởi vậy, thơ của họ cũng đa dạng về chủ đề, phong phú về nội dung. Tuy nhiên, tựu chung lại vẫn là những thi phẩm mang hơi thở của cuộc sống người lính Trường Sơn hôm qua và hôm nay. Dường như những mảnh đất, những con người… mà các thi nhân đã in dấu luôn réo gọi trong tâm hồn lãng mạn và bay bổng của họ một tình yêu cháy bỏng. Trước hết là tình yêu với những người đồng đội, với những cánh rừng, những cung đường ngày đêm mịt mùng lửa khói: “Bãi đá nằm trong đêm/Vẫn mang nhiều thương tích/Hố bom vây nhằng nhịt/Ngọn lửa cháy trên cây” (Bãi đá - Nguyễn Ngọc Phát). Hoặc: “Chúng tao đưa mày về trạm phẫu phía sau/Tiếp máu cho mày-những cánh tay xanh xao vì sốt/Không kịp rồi Khánh ơi, tim chúng tao quặn thắt/Quay mặt vào liếp lá giấu lệ rơi”(Khánh ơi - Đỗ Ngọc Thứ). Hay: “Vượt qua ngầm đèo nước mắt lại rưng rưng/Cảm phục quá đồng đội trên trọng điểm/Anh chỉ mấy phút thôi là qua nơi nguy hiểm/Em giữ đường ngày tháng giữa vùng bom” (Qua trọng điểm - Chu Công Dâu). Rồi: “Trường Sơn chiến đấu một thời/Bây giờ sống lại cuộc đời bên nhau/Nơi về Thái Hải nhịp cầu/Nối dòng thơ phú xanh màu trong nhau” (Trong nhau - Nguyễn Vũ Vẽ).
       Phần lớn hội viên của trại viết đã là ông bà, cha mẹ, là những người hiểu rõ hơn ai hết về đạo lý làm người, về tình mẫu tử. Vì vậy, đề tài về gia đình, người thân… mà trên hết là về người ông, người bà, người cha, người mẹ tảo tần, mang trái tim bao la. Và họ đã viết về đề tài này khi cảm xúc đến độ dồn nén ở hai thái cực đối lập: Niềm vui - nỗi buồn, nhớ thương – ân hận, đau khổ - hạnh phúc: “Sương gió đậu trên tóc mẹ ngày một nhiều hơn/Con thêm cao, lưng mẹ thêm còng lại/Đêm nằm nghe chim cuốc kêu khắc khoải/Mẹ nhai trầu, nuốt cay đắng vào trong” (Rau đắng – Ngọc Thứ). Hoặc: “Phận người như hạt mưa bay/Mẹ ơi! Vất vả tháng ngày gian lao” (Mẹ ơi - Trần Đình Nam). Hay: “Vai áo bạc vạt sờn, quần tướp gấu/Chiếc nón mê tuột cước cạp lại vành/Đôi chân trần trên cát sỏi lao xao/Mẹ sống chắt chiu giữa hai sương một nắng” (Nhớ mẹ - Nguyễn Văn Xuân).
       Quê hương, xứ sở luôn réo gọi trong tâm hồn lãng mạn và bay bổng của các nhà thơ một nỗi nhớ chất chứa, một tình yêu trĩu nặng trong trái tim. Do vậy, những bài thơ về quê hương, xứ sở đã được các thi nhân viết ra như một tình yêu cháy bỏng, một nỗi nhớ khắc khoải về nơi có dòng sông tắm mát cuộc đời, nơi họ lăn lóc lớn lên bằng khoai, sắn, tương, cà. Tình yêu cháy lòng đó, nỗi nhớ day dứt đó cứ như mạch nguồn tuôn chảy, giúp họ viết nên những câu thơ giàu hình tượng mà đau buốt tận đáy lòng: “Quê ơi những buổi chiều tà/Nắng ôm lưng mẹ đồng sa, bãi bồi/Chập chờn cơn gió mồ côi/Nón mê che cả một thời đạn bom” (Quê hương tôi - Trần Đức Chấn). Hoặc: “Đợi chiều, chiều cũng dần buông/Rằm xuân thức với trăng suông dậy thì/Tiếng gà hẹn nắng vu quy/Bình minh sương sớm thầm thì gọi trưa”(Đợi chiều - Nguyễn Viết Lợi). Rồi:  “Xuất thân từ chốn bùn đen/Ngập mình trong nước bon chen cùng đời/Vươn lên nở cánh hoa tươi/Toả hương thơm ngát giữa trời bao la” (Hoa sen - Hoàng Văn Năm).
       Bên cạnh niềm vui, nỗi buồn mang tính riêng tư. Trái tim các thi nhân cũng luôn rung nhịp với niềm vui, nỗi buồn trước những phận đời, trước nhân tình, thế thái. Bởi vậy, tư tưởng nhân văn luôn chảy suốt chiều dài của hành trình suy tưởng. Đó là sự tri ân với những người đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc, là sự đồng cảm, sẻ chia trước những biến động đau thương của cuộc sống: “Đồng đội ơi nghe tiếng ngáy thân thương/Tuổi chưa cao nhưng đã ngoài bảy chục/Vết thương cũ vẫn nhói sâu lồng ngực/Yêu văn chương vẫn về với Trại mình” (Đêm mưa Thái Hải - Trần Đình Nam”. Hay: “Xưa chiến trường, nay đời thường yêu dấu/Xưa súng trong tay, giờ ngọn bút cầm tay/Làng Thái Hải những vần thơ chiến đấu/Sẽ được viết lên ca ngợi  cuộc sống này” (Xưa và nay - Xuân Hùng).Hoặc: “Mẹ anh hùng ngàn vạn tấm gương soi/Anh thương binh vững vàng bên xưởng máy/Giấu tương tư khép chặt vết thương lòng/ O du kích quên đi thời con gái/Có một phần xương khói ở Trường Sơn (Trường Sơn linh hồn Tổ quốc - Lê Thuý Bắc).
       Từ bao đời nay, tình yêu lứa đôi vẫn luôn là đề tài bất tận của thi ca. Vắng thiếu tình yêu, thơ ca cũng thiếu đi sức hấp dẫn. Bởi vậy, đề tài tình yêu luôn là nguồn năng lượng tích cực làm xôn xao tâm hồn các thi nhân, khơi dậy trong họ lòng khát khao sáng tạo. Tất nhiên, với các thi nhân mà mái tóc đã mang “màu sương gió” thì những mối tình đó chỉ còn là ký ức. Ta gặp đâu đây những nỗi nhớ, những kỷ niệm, những ký ức hoang hoải của một “thời xa vắng”: “Một thời em cách xa anh/Một thời ta vẫn chắt giành cho nhau/Bây giờ nào bóng em đâu/Dòng sông vẫn chảy một màu nhớ thương” (Tìm lại dòng sông - Nguyễn Ngọc Phát). Hoặc: “Chia xa người có buồn không/Mà em thấy ngọt ngày mong tháng chờ/Đợi người cập bến trong mơ/Có buồn tơi tả như thơ tôi buồn” (Có phải như em - Trần Đức Chấn).
       Đặc biệt, khi về với bản làng Thái Hải, nơi trại viết tổ chức, với cảm nhận nhanh nhạy, với tình yêu cháy bỏng cùng khả năng lao động sáng tạo, các “thi nhân già” đã nhanh chóng bày tỏ tình cảm của mình với cảnh quan và người dân một nắng hai sương nơi này: “Chiều nay lên Thái Hải/Áo Chàm phấp phới bay/Em gái tày duyên dáng/Đất trời ngả nghiêng say” (Chiều Thái Hải nhớ Trường Sơn - Nguyễn Đình Triển). Hay: “Dải chàm mềm thắt lưng ong/Đang như hoá lửa cháy lòng tôi yêu/Hừng lên bông nắng rừng chiều/Để tôi say với bấy nhiêu nghĩa tình” (Dải chàm - Đinh Văn Hỡi). Hoặc: “Hôm nay về với bản làng Thái Hải/Nghe em hát tình ca bài hồ trên núi/Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi/Để lòng anh đắm đuối” (Ngẫu hứng - Nguyễn Xuân Bách). Rồi: “Em chợt đến chợt đi như hư ảo/Anh mải mê nhìn và ngơ ngẩn nghe/Trong gió ngàn khoe thân hình thon thả/Thái Hải mùa thu thơm ngọt vị chè’’ (Váy áo chàm ơi! sao giá buốt tim mình - Lê Lợi).
       Điểm thú vị trong thơ của những “Gã cựu binh đầu bạc” này chính là các sự vật, hiện tượng, cảnh quan… đều được các thi nhân vừa tả, vừa bình. Tả bằng xúc cảm của tâm hồn nghệ sĩ và bình bằng trí tuệ sắc sảo, bằng cái nhìn thấu đáo của người từng trải. Do vậy, thơ của họ đã chuyển tải đến người đọc một thu nhận toàn diện: Sắc màu, hương vị, tình cảm, linh hồn và tính cách... Giá trị của những thi phẩm ấy chính là sự dung dị về ngôn từ và sự chân thật của cảm xúc.
       Đặc biệt, khi qua trại viết này, các trại viên được trang bị thêm chút ít lý luận văn học, giúp họ nhìn lại những thi phẩm đã viết của mình. Và như vậy, chắc chắn cách tả, cách bình của họ sẽ sâu sắc hơn, chân thực hơn và văn học hơn. Như nhà thơ Đỗ Ngọc Thứ đã cảm nhận: “Qua lớp bồi dưỡng ấy/Thấy điều dản dị thôi/Sống hờ hững với đời/Câu thơ nào cũng…nhạt” (Nhìn lại - Đỗ Ngọc Thứ).
       Với tất cả lòng tâm huyết và trách nhiệm trong lao động sáng tạo, tin rằng, năng lượng tích cực toả ra từ các thi phẩm của những “Gã cựu binh đầu bạc” này đủ để lấp đi khoảng trống trong lòng bao người./.

 
Đỗ Ngọc Thứ
tin tức liên quan