“Nhớ Sa Thư” – TG: Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 06:44 05/10/2023 Lượt xem: 257

-----------------------------------------
NHỚ SA THƯ
Nguyễn Kim Chúc
 
          Tôi thực sự may mắn có nhiều năm sống, chiến đấu trên đất nước Lào tươi đẹp. Trong tôi luôn vang lên tiếng trống bập bùng, tiếng kèn bè réo rắt theo những điệu lăm tơi, lăm tắc, lăm vông… của các bộ tộc lào từ miền cực Bắc tỉnh Phongsaly đến tỉnh cực Nam Champasak. Để đến khi về lại cố hương luôn nhớ về những miền đất ấy.
          Những năm 1965, 1966, 1967 tôi là lính pháo binh thuộc Sư đoàn 316 đóng quân trên cao nguyên Châu Mộc. Mùa khô mặc quân phục Pathet Lào khiêng pháo vượt biên giới; khi ở khu vực Sông Mã – Sơn La; khi ở Tây Trang – Điện Biên sang đất bạn Lào bắn chi viện cho bộ binh đánh lũ giặc lấn chiếm vùng giải phóng. Chiến công vang dội nhất của Sư đoàn chúng tôi khi đó là giải phóng vùng Nậm Bạc tháng 12 năm 1967. Mùa mưa đến chúng tôi lại trở về Việt Nam. Từ năm 1968 cho đến hết chiến tranh tôi là lính Trường Sơn thì mùa mưa cũng như mùa khô đều bám trụ ở Nam Lào. Sáu, bảy năm trời không trở về Việt Nam.
          Ngày ấy Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 471 Trường Sơn đứng chân ở phía Đông Saravan. Mới đầu ở khu vực Hạt vi bám theo con suối Nậm Hiêng. Khi đường kín 24 mở thông, Sở chỉ huy chuyển về phía Tây đường 24 trên đèo Phù Trường. Vọng gác của Đại đội cảnh vệ ngay trên đường 24, các phòng ban ở cách đường không xa. Nguy cơ khu vực đóng quân bị lộ, trưởng ban tác chiến mặt đất Phạm Tiễn gọi tôi và Lê Nhâm – Trợ lý tác chiến Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ tìm vị trí dự bị cho Sở chỉ huy. Chúng tôi tới gặp Trưởng bản Bun Phăn nhờ dẫn đường. Ông dẫn chúng tôi đi thị sát vùng Đông Sa Thư – nơi có những khu rừng chưa có người khai phá. Nghiên cứu trên bản đồ địa hình thì khu vực này rất thuận tiện cho việc đặt Sở chỉ huy.
          Trưởng bản Bun Phăn rất thông thạo vùng đất này. Chỉ cần chúng tôi mô tả nơi cần tới theo dáng đất, khe suối… là ông dẫn chúng tôi tới theo con đường thuận tiện nhất. Chúng tôi đi trong những cánh rừng nguyên sinh nhiều cây cổ thụ, núi đất nhiều khe suối rất thuận tiện cho việc làm hầm tránh trú đóng quân. Song về mùa này không có nước hoặc nước rất ít không đáp ứng được cho hàng trăm người cư trú. Theo bản đồ địa hình chúng tôi tìm kiếm nhiều khu vực nữa, phát hiện nhiều khu vực sinh sống của các đàn Voi rừng, Hươu Nai, Chồn, Sóc… Nhưng nước rất ít. Trưởng bản Bun Phăn vừa đi, vừa giảng giải cho chúng tôi cách tránh nguy hiểm khi gặp thú dữ. Ông bảo:
          - Khi bị Voi rừng đuổi chớ chạy lên dốc hoặc xuống dốc, cứ chạy ngang sườn đồi càng dốc càng tốt…
          Ông còn bày cho chúng tôi cách tránh Trăn, Rắn độc, Lợn rừng. Ông khẳng định: “ Khi con Hươu, con Nai “Tác, tác” gọi bạn tình là lúc nó không để ý nhất. Lúc ấy cứ tiếp cận nó. Khi nó im tiếng “Tác, tác” là lúc nó tỉnh táo nhất mình phải giữ im lặng. Nếu còn vận động nó biết nó chạy liền à”
          Chiều muộn chúng tôi mới về tới ngôi nhà nơi vợ con ông sơ tán. Ông bảo:
          - Muộn rồi, Bộ đội vào nhà mình nghỉ mai tính tiếp.
          Đêm đó tôi và Nhâm mắc chung một màn . Phía bên kia bếp lửa là vợ chồng Trưởng bản và thằng con trai chừng ba tuổi. Đêm ở rừng không đèn đuốc tối om. Trên trời bọn AC 130 vẫn bay lượn ngó nghiêng khu vực Bản Phồn, bắn đạn 40 li xuống tuyến vận tải của ta. Đã quen với tiếng pháo từ AC130 bắn xuống, nên tiếng nổ của nó thường không làm chúng tôi mất ngủ. Nhưng hôm nay sao mãi vẫn không ngủ được. Có thể là do quen nằm võng nay nằm sạp, sống lưng thấy cồm cộm khó ngủ.Vợ chồng Bun Phăn cũng vẫn chưa ngủ, họ rì rầm chuyện nương rẫy, chuyện máy bay Mỹ bắn phá. Chợt anh chồng nói hơi to:
          - Chết eo, chết eo nả (Đau lưng, đau lưng lắm)
          Có tiếng cụ cựa xoay người
          - Ốt thôn! Ốt thôn ( Cố gắng! cố gắng) – Chị vợ năn nỉ
          Anh chồng an ủi vợ
          - Để mai đi làm rẫy hãy…
          Thì ra hai vợ chồng họ đang yêu…
          Chuyến đi của chúng tôi không được như mong muốn.Tạm biệt gia đình trưởng bản, chúng tôi về lại Sở chỉ huy trên đường kín 24. Đường kín mùa khô, xe chạy tung bụi mù mịt, ngụy trang thay liên tục ở những khoảng trống. Song cũng có những đoạn hở. Bọn bay trinh sát OV 10 dòm ngó bắn đạn cối thăm dò những nơi chúng nghi ngờ. Chúng tôi đề xuất chuyển Sở chỉ huy vào sâu hơn nữa xa đường một chút nhưng có suối Keng Nhang và các nhánh đầy nước. Đề nghị của chúng tôi được chấp thuận. Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh khu vực và các phòng ban chuyển vị trí. Từ lúc này cho đến khi Hiệp định Pari được ký kết. Bộ Tư lệnh khu vực 471 đứng chân an toàn ở nơi đây.
          Về vị trí mới, Sở chỉ huy được đào sâu trong lòng đất; chống được bom đạn sát thương. Nhà ở của các Tư lệnh, Chính ủy cách Sở chỉ huy không xa. Ban tác chiến với quân số đông nhất lên tới 24 người xây dựng lán trại cạnh suối Keng Nhang. Con suối này nước sâu, rất nhiều cá. Anh Thuần – Trợ lý tác chiến Binh chủng hợp thành – người lớn tuổi nhất trong số trợ lý chúng tôi. Anh nhập ngũ năm 1954 quê Hải Phòng cùng với anh Vượng – trợ lý tác chiến Cao xạ quê Bắc Thái đêm nào cũng mang về đầy thùng lương khô cá. Chả hiểu các anh bắt kiểu gì mà được nhiều cá to thế. Chỉ biết thỉnh thoảng anh Thuần lại nhắc chúng tôi nộp mỗi người 2 viên đạn K54…
          Không quân địch đánh phá tuyến suốt ngày đêm. Ban ngày OV10 bay thăm dò bắn chỉ điểm cho lũ F4 cắt bom đánh phá những trọng điểm, tập trung ở các ngầm vượt sông Sê Kông – Sê Ka Mán; các đèo dốc trên đường B46, đường Chà Vằn đi Bô Phiên… đêm đến AC130 lùng sục bắn phá xe ta trên tuyến. Nhiều đêm AC130 khai hỏa ngay trên khu vực Sở chỉ huy. Vỏ đạn từ máy bay rơi xuống có hôm làm đứt mạng thông tin hữu tuyến. Các chiến sĩ thông tin lại phải mò mẫn nối lại đường dây trong đêm để tổng đài H10 phục vụ chỉ huy đánh địch. Thông tin liên lạc từ sở chỉ huy đến sáu binh trạm, ba Trung đoàn, các Tiểu đoàn, Đại đội trực thuộc luôn luôn thông suốt. Các chỉ thị mệnh lệnh luôn được ban bố chính xác kịp thời. Công binh luôn đảm bảo tuyến đường thông suốt. Các lực lượng Cao xạ quản lý chặt bầu trời bảo đảm cho xe chạy trên tuyến an toàn. Các kho hàng luôn đầy ắp và hàng trăm xe vận tải đêm ngày vẫn chuyển hàng vượt mức trên giao cho các hướng chiến dịch… Tình hình căng thẳng như vậy nhưng đời sống của Bộ đội luôn được đảm bảo. Các đội tăng gia, săn bắn thú rừng cung cấp đủ cho Bộ đội lương thực thực phẩm. Cánh thợ săn hạ được chú Voi rừng to lớn. Các phòng cứ người đi gùi thịt về.Các bếp ăn trong Bộ tư lệnh vài ngày sau mới hết thịt voi. Quả thực thịt Voi lành, ngon không cần chế biến cầu kỳ. Riêng tôi và một số anh em đang bị đau răng thì lại là tai họa. Ăn thịt Voi vào răng nhức không chịu được. Cũng may nhớ lời trưởng bản Bun Phăn: “Ăn thịt Voi, người đang bị đau răng càng đau hơn. Nhưng lấy được lông đuôi của nó làm tăm xỉa vào chỗ đau sẽ khỏi”. Chính vì vậy tôi đã có lông đuôi Voi. Quả thực dùng nó làm tăm xỉa vào chỗ đau đỡ hẳn.
          Đầu tháng 12 năm 1972 đường kín 17 dài 157km nối với đường kín 24 ở bản Sa Thư cách Bản Phồn 2km về phía Tây, chạy theo hướng Nam – Tây Nam lên Cao nguyên Bô Lô Ven, cắt qua quốc lộ 232 (Pak Soòng đi Huội Koòng) về bản Hạt Hài trên biên giới Lào Cam pu chia. Ngày 6 tháng 12 năm 1972 tham mưu phó vận chuyển Bộ Tư lệnh Nguyễn Điều và chiến sĩ Quỳnh công vụ đón và dẫn một đoàn 15 xe tăng và 10 xe vận tải hành quân theo đường này về Nam. Cũng là lúc bọn phản động Lào cùng các binh đoàn tác chiến Thái Lan mở các cuộc hành binh lớn lấn chiếm vùng giải phóng của ta theo hướng: Không Sê Đôn chiếm Saravan và Pak Xế chiếm Pak Soòng hướng chiếm Tha Teng và Huội Coòng. Sư đoàn 968 điều động Trung đoàn 39 chặn địch hướng Không Sê Đôn Saravan; Trung đoàn 19 đánh địch khu Pak Soòng – Tha Teng; Trung đoàn 59 đánh chặn địch phía Tây đường 17 chủ yếu hướng Pak Soòng Huội Coòng. Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 471 Trường Sơn chỉ cách chiến tuyến hơn 10km. Cách ba giờ Bộ Tư lệnh 471 đều nhận được thông báo tình hình địch lấn chiếm đánh phá. Cơ quan Bộ Tư lệnh luôn trong tư thế đánh địch bảo vệ Sở chỉ huy. Để chủ động đối phó với các tình huống, Bộ Tư lệnh điều động Đại đội 7 bộ binh chốt giữ khu vực Sa Thư cửa ngõ ra vào khu vực Sở chỉ huy. Tôi và Lê Nhâm am hiểu về pháo binh được cử đi theo Đại đội 7 bộ binh chốt giữ Sa Thư.
          Bản Sa Thư cư trú chủ yếu phía Bắc đường 16 – đoạn Bản Phồn - Tha Teng. Một bản làng tươi đẹp, trù phú. Những ngôi nhà sàn bề thế với những bậc cầu thang bằng gỗ xẻ rất thuận tiện cho vệc lên xuống. Xung quanh nhà là những hàng cây ăn quả, nhiều nhất là những hàng dừa trĩu quả và những hàng me cao vút đầy quả chín, gió lay động những chùm me mang hình dấu ngoặc đơn như mời gọi mọi người thưởng thức vị ngọt, thơm đượm chất cao nguyên nắng gió. Bước lên sàn nhà rộng rãi, còn chất đầy những bao tải căng phồng hạt café chờ thương lái tới…
          Giặc Mỹ bắn phá ngày đêm. Dân bản Sa Thư phải tạm rời những nếp nhà sàn xinh xắn, tạm xa bản làng tươi đẹp, phong cảnh hữu tình vào rừng sâu tránh trú. Chúng tôi vào vùng Sa Thư lập thế trận phòng thủ.Ở Sa Thư khi ấy ngày đêm vang vọng tiếng đại bác của bọn lấn chiếm. Đêm đến AC130 thả đèn dù bắn phá tìm kiếm quân ta. Ban ngày lũ AD6, T28, OV10 bay bắn đạn 20 li, đạn cối, rocket chi viện cho bọn lấn chiếm. Sa Thư kẹp giữa đường 17 nơi Trung đoàn 59 bộ binh và đường 16 nơi Trung đoàn 19 bộ binh thuộc Sư đoàn 968 chiếm giữ. Để đề phòng bọn chúng dùng trực thăng đổ quân chiếm giữ điểm tiếp giáp này. Chúng tôi thiết lập trận địa phòng ngự lấy hỏa lực mạnh của súng máy 12 li 7 và cối 82 kết hợp với trận địa chốt giữ có chiều sâu. Mệnh lệnh đưa ra: “ Không ai được vào bản làng, phải thực hiện tốt chính sách dân vận”. Phân công trực tuần tra bảo vệ dân bản. Cả vùng Sa Thư được chúng tôi chốt giữ luôn ở tư thế chờ địch tới để nổ súng. Các mục tiêu cần bảo vệ đều được chúng tôi tổ chức bắn thử đạt kết quả tốt.
          Một buổi sáng chúng tôi mới thức dậy nhận tin báo: Ngoài đường 16 có xe không có người lái. Chúng tôi tới nơi thì ra một chiếc xe Vọt tiến còn mới chở đầy hàng. Xác định đây là xe chở hàng của bạn. Lập tức chúng tôi cho ngụy trang xe, cử tổ canh gác, lá ngụy trang héo phải thay ngay để tối bàn giao lại cho bạn.
          Bọn Ngụy Lào cùng các binh đoàn tác chiến Thái Lan dựa vào hỏa lực mạnh của pháo binh và không quân cố lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Nhưng chúng đã bị ngăn chặn. Ở hướng Saravan được tăng cường Trung đoàn 102 của Sư đoàn 308 – Trung đoàn 39 đánh đuổi bọn chúng khỏi Saravan giải phóng một vùng rộng lớn. Ở hướng Pak Soòng chúng cũng phải rút chạy… Rồi hiệp định Pari được ký kết. Khu Sa Thư chúng tôi chốt giữ trở lại thanh bình. Hàng tháng chốt giữ ở khu vực này Bộ đội 471 Trường Sơn và dân bản gắn bó thân tình giúp đỡ lẫn nhau. Tôi được dân bản gọi là Bun Chúc. Rồi anh em cũng gọi tôi như thế, cho tới tận bây giờ anh em đồng chí đồng đội khi gặp lại vẫn gọi tôi là Bun Chúc. Trong những ngày tháng này chúng tôi gặp và quen thân với Phôn Say một cô gái trẻ đẹp. Cô là cán bộ của bạn, quê Sa Thư. Đón bọn tôi ở nơi sơ tán, cô dẫn bọn tôi về thăm gia đình. Bà nội Phôn Say nắm tay bọn tôi lẩm bẩm: “ Việt Nam! Việt Nam”. Bất ngờ cụ hỏi :
          - Có đứa nào lấy Phôn Say không?
          Dừng lại một chút cụ nhìn bọn tôi rồi tiếp
          - Đứa nào lấy nó tao cho làm trưởng bản.
          Trong không khí vui vẻ như thế bọn tôi đứa nào cũng giơ tay miệng nhanh nhảu: “ Con! Con!”. Ra hiệu im lặng, cụ phán:
          - Thôi! Để bọn bay về Việt Nam lấy vợ. Con gái Việt Nam trắng đẹp lắm, con gái Lào đen, đen như cái này này. Cụ cầm bã trầm hơ hơ về phía bọn tôi hóm hỉnh…
          Khi chỉ còn lại bọn tôi với nhau, Phôn Say kể:
          - Bà em là thế đó! Cụ rất vui tính và rất nhớ thương các chú bộ đội tình nguyện Việt Nam. Bà em thường kể lại chuyện các chú ngày ấy học tiếng Lào. Khi chia tay để về nước các chú nói với bà em, lẽ ra phải nói: “ Hòa bình rồi chúng con sẽ lại về thăm bố mẹ. Khi ấy bố mẹ giết lợn cho chúng con ăn”. Các chú lại nói: “Khi ấy giết bố mẹ cho lợn ăn”. Bà em chỉ còn biết thốt lên: “ Ối! Các con ơi! Ối con ơi!” rồi ôm bụng cười…
          Tôi hỏi em:
          - Thế Phôn Say đã có anh bộ đội nào chưa. Em thẹn thùng
          - Em xấu thế này ai lấy anh.
          Tôi vội nói:
          - Em đẹp lắm nhất định bọn anh sẽ về lại thăm em. Em khẽ véo vào cánh tay tôi ghé tai nói nhỏ: “Nhớ đừng giết bố mẹ cho lợn ăn nhé”
          - Không bao giờ! Không bao giờ “ Khả phò me hay mu kin” (Giết bố mẹ cho lợn ăn). Bọn anh sẽ phấn đấu để bà em cho làm trưởng bản. Em lại véo vào cánh tay tôi mắt nhìn lúng liếng…
          Rồi chúng tôi cũng phải xa Sa Thư, rời căn cứ Phù Trường Keng Nhang. Nơi đây trong những ngày tháng khốc liệt nhất không một quả bom, một quả rocket nào của kẻ thù rớt xuống. Chính là do núi rừng, dân bản nhất là dân bản Sa Thư cửa ngõ phía Nam ra vào Sở chỉ huy che chở. Rời Phù Trường – Keng Nhang, xa Sa Thư chúng tôi lật cánh về Việt Nam mang theo nỗi nhớ da diết.
          Bộ Tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn sau này là Sư đoàn ô tô vận tải 471 tưởng lật cánh về Việt Nam là xa hẳn Nam Lào. Không ngờ tháng 11 năm 1974 chúng tôi lại trở lại Nam lào, lại đi ngang qua Sa Thư. Hơn 2.600 xe ô tô vận tải của Sư đoàn đã trực tiếp phục vụ các binh đoàn chủ lực, các hướng chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Với thành tích đặc biệt xuất sắc ngày 3 tháng 6 năm 1976 Sư đoàn 471 Trường Sơn được tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân. Lại tưởng đã yên vị xây dựng kinh tế ở Tây Nguyên. Thế mà cuối năm 1978 hàng trăm cán bộ chiến sĩ thuộc sư đoàn 471 được điều động xây dựng Trung đoàn 425 bộ binh về chốt giữ Nam Lào trong đội hình của Sư đoàn 968 lại về đóng quân ở Tha Teng Sa thư.
          Chuyện đã qua đi 50 năm. Người trẻ nhất trong chúng tôi ngày ấy là nhà báo – nhà văn Phạm Thành Long nay cũng đã ở tuổi 75. Chúng tôi người còn người mất nay cũng đã ở cái tuổi U đầu 8. Những người lính 471 Trường Sơn chúng tôi rất có duyên với vùng đất Nam Lào; có duyên và gắn bó với người dân nơi đây. Giờ chúng tôi đã yên bề gia thất ở quê hương nhưng vẫn luôn nhớ đất nước Lào tươi đẹp. Và rất mong một ngày nào đấy chúng tôi được về thăm lại Nam Lào thăm Sa Thư để thỏa nỗi nhớ mong


Nguyễn Kim Chúc
BTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

 
tin tức liên quan