MIẾU GÀN - Tản văn: Trần Đình Nam

Ngày đăng: 09:17 15/11/2023 Lượt xem: 799
MIẾU GÀN, NƠI THỜ CÚNG TÔN VINH
TÌNH NGHĨA THÀY TRÒ
 
           Là anh giáo làng đã về hưu, tôi cùng vợ con sinh sống ở khu chung cư Linh Đàm, trong căn hộ nhỏ, chật chội do đại gia Thản điếu cày xây, ngay sát hồ Linh Đàm. Là tỷ phú thời gian nên tôi hay đi bộ quanh khu hồ, vừa thể dục, vừa tranh thủ ngắm nghía cảnh quan. Những chiều hè, ngồi hóng gió, nhâm nhi trà đá ngắm mặt hồ gợn sóng, ngắm chùm phượng đỏ la đà giữa hàng cây xanh mướt trong công viên ven hồ, khiến lòng thêm thư thái.
Khi còn đi làm, bộn bề công việc, đầu óc luôn căng thẳng chả mấy khi để ý đến thiên nhiên, lấy đâu ra cảm xúc với trời mây non nước. Lên Hà Nội, hồi đầu thấy thật xô bồ, bụi bặm. Chật chội, đông đúc, và vội vã. Rồi cũng dần quen. Nhẩy xe buýt dạo phố, thăm bạn bè ...riết rồi cũng chán. Bạn với mấy ông về hưu như mình, chuyện phiếm, nước chè,  đi bộ...rồi thành ra nhảm. Vậy nên hay lang thang một mình, ngẫm ngợi suy tư như người tự kỷ. Lúc cô đơn, cứ hay ra ngồi bên hồ, nhớ về quê hương, thành Nam yêu dấu, gắn bó cả cuộc đời, chỉ rời xa trong mấy năm đi bộ đội. Đầu óc khô khan của một ông giáo già dạy toán từng là lính cầu đường, đôi lúc cũng run rẩy trước những rung động như lỗi nhịp của con tim.
          Bao suy nghĩ mông lung khi ngắm mặt hồ xao động, đàn cá nhỏ vẫy vùng giữa làn nước mát lao nhanh về phía cây cầu mới xây; như ngăn hồ ra thành hai phần riêng biệt. Hồ có dạng nửa vành khuyên như một vầng trăng khuyết, nên Triều Nguyễn gọi vùng đầm nước rộng lớn và đẹp đẽ này là Nguyệt Kính Hồ (Hồ vầng trăng khuyết.) Xa hơn nữa, triều Trần gọi vùng này là Long Đàm (Đầm của Rồng), dân gian thì gọi là Liên Đàm (Đầm Sen); vì trong đầm có trồng nhiều sen. Nghe nói hồi đầu thế kỷ 20, nơi đây vẫn là đồng ruộng, sông hồ kênh mương chằng chịt. Bây giờ, nơi đây thành khu đô thị hiện đại, đầy ắp cư dân, xe cộ vào ra nhộn nhịp, những khu nhà cao tầng mọc lên san sát, tìm đâu ra mảnh vườn, luống rau, thửa ruộng...
Quanh khu vực này còn có rất nhiều chùa chiền miếu mạo, chứng tỏ một vùng cư dân lâu đời, thấm đậm nét văn hóa thờ Phật, thờ Mẫu của đồng bằng châu thổ. Đặc biệt, phía nam hồ trên phố Linh Đường, ngay sát mặt hồ có một ngôi miếu với cái tên rất lạ: Miếu Gàn. Ngoài cổng miếu có nhiều cây cổ thụ xanh mát, mấy quán nước vỉa hè là nơi dừng nghỉ của các bác xe ôm, những người thợ xây của mấy công trường quanh đấy. Tôi uống ly trà đá, châm điếu thuốc Thăng Long lân la hỏi chuyện cô chủ quán về tên gọi Miếu Gàn. Cô chỉ biết ở đây thờ một người học trò. Là một người thầy giáo, tôi bị hấp dẫn ngay bởi cái điều còn lơ mơ vừa biết. Vội về nhà lục lọi trên mạng Internet kiếm tìm thông tin. Đúng là "văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình". Chuyện biết từ lâu mà giờ mới tỏ những địa danh hết sức gần mình.
           Linh Đàm chỉ cách Thanh Liệt con sông Tô Lịch. Bên Thanh Liệt có đền thờ "Vạn thế Sư biểu " Chu Văn An, người con của quê hương. Truyền thuyết kể rằng, sau khi dâng "Thất trảm sớ" không được vua Trần chấp thuận, Chu Văn An cáo quan về dạy học ở quê. Tất nhiên, trường thầy rất đông người hiếu học khắp nơi tìm đến; trong đó có một người tướng mạo uy dũng khác thường, bao giờ cũng đến sớm nhất nghe thày giảng kinh sách, nhưng không rõ tông tích ở đâu. Thầy cho người theo dò tìm nhưng cứ đến khu đầm Đại (hồ Linh Đàm hiện nay) thì mất dấu.
Nhiều người cho biết đó là con của thủy thần. Gặp lúc đại hạn, ruộng đồng khô nẻ, lúa cùng cá tôm sắp chết hết cả, dân tình đối mặt với mất mùa đói kém, thầy cùng các học trò của mình bàn cách chống hạn cứu lúa cứu dân. Người học trò kia nhận sẽ làm mưa giúp dân, đền đáp đức độ của thầy, dù sau có bị trừng phạt. Sau đó ra sân mài mực, dùng bút vẩy lên tứ phía và ngửng đầu khấn vái, rồi tung cả nghiên bút lên trời. Lập tức mây đen kéo về, một trận mưa như trút, ruộng đồng hồ ao đầy nước, lúa, ngô tốt tươi, cá tôm lại tung tăng bơi lội.
Bỗng nhiên, một tiếng sét vang lên, mưa đột nhiên dứt hạt. Hôm sau, có người báo có xác thuồng luồng nổi trên khu đầm Đại, thầy biết là học trò mình. Vô cùng thương tiếc, sai học trò làm lễ tạ ơn và an táng. Dân lân cận cũng đến và lập đền thờ gọi là Miếu Gàn (tên chữ là Xạ Can) ngày nay. Tương truyền chỗ nghiên mực rơi xuống biến thành đầm nước đen kịt, gọi là Đầm Mực (Đầm Vĩnh Thịnh). Nơi bút rơi xuống phát nghiệp văn là Làng Tó (Tả Thanh Oai), quê hương của nhóm Ngô Gia Văn phái.
          Truyền thuyết cảm động về tình thày trò có từ bao nhiêu năm trước, nay cũng được đưa vào Sách giáo khoa và còn được hãng phim truyện Việt Nam dựng thành phim "Học trò Thủy thần" trong những năm 90 của thế kỷ 20.
          Chu Văn An, người thầy can đảm không sợ cường quyền, không màng danh lợi. Ông trông coi công việc của Quốc Tử Giám, được cho là trường Đại học đầu tiên của nước ta. Sau khi ông mất, triều đình đã đưa ông vào thờ trong Văn Miếu, xem ông ngang hàng với cả những bậc thánh hiền ngày xưa.
 Học trò Thủy thần có lẽ là sản phẩm của dân gian huyền sử, trí tưởng tượng của nhân dân. Là kết tinh của niềm tin: học trò thầy Chu Văn An luôn giúp dân, giúp nước bất kể họ là ai.
  Trong tháng 11 này, tháng có ngày Nhà giáo, đồ gàn tôi cũng trào dâng nỗi niềm tâm sự, ghi lại truyền thuyết đẹp đẽ của dân tộc chúng ta về tình thày trò cao cả, gắn với bao địa danh thân thiết ngay nơi mình sinh sống . Tôi lại nhớ về bao thày cô của mình giờ đa phần đã về cùng tiên tổ hoặc tuổi cao không còn khỏe nữa, (nhưng cũng có vài người còn rất trẻ), với lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc và nguyện cầu mọi sự an lành đến cùng thày cô.
             
Trần Đình Nam
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
 


tin tức liên quan