TÁC PHẨM MỚI: LỜI RU CỦA LÍNH
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Nguyễn Xuân Hùng (Bắc Ninh) vừa cho ra mới tác phẩm thứ 5 của anh - LỜI RU CỦA LÍNH - Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Trân trọng giới thiệu LỜI GIỚI THIỆU của Nhà văn Phạm Thành Long, Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn về tập thơ mới của nhà thơ Nguyễn Xuân Hùng.
NGUYỄN XUÂN HÙNG VÀ “LỜI RU CỦA LÍNH”
Tôi may mắn được nhà thơ Nguyễn Xuân Hùng, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn nhờ đọc bản thảo tập thơ“Lời ru của lính” – tập thơ thứ 5 của anh.
Cầm tập bản thảo dày 227 trang với 236 bài thơ, tôi khá thích thú với cái tên của tập thơ mà anh chọn -“Lời ru của lính”.
Thú thật là tôi hơi ghen với Nguyễn Xuân Hùng vì, anh được sinh ra ở thị trấn Gia Bình (nay là Thị xã Gia Bình) tỉnh Bắc Ninh. Quê hương anh nằm trong “vùng rốn” của những làn Quan họ làm say đắm lòng người. Tuổi thơ của anh chắc chắn ngấm đẫm trong lời ru của mẹ. Những làn Quan họ đã “nuôi” anh lớn lên. Lời ru của mẹ đã theo anh vào Trường Sơn và đi suốt cuộc đời. “Lời ru” Quan họ đã lặn vào thơ anh…
Bài thơ “Lời ru của lính” (trang 53) là bài thơ duy nhất liên quan trực tiếp đến “lời ru”, nhưng tác giả đã lấy tên của bài thơ này đặt cho tập thơ của mình. Tôi nghĩ, không phải vì bài thơ “Lời ru của lính” của anh là một trong 12 tác phẩm xuất sắc nhất được khen thưởng tại Trại viết Trường Sơn lần thứ 2 của Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn, tháng 10/2023. Còn bởi lẽ, Nguyễn Xuân Hùng quan niệm rằng, thơ trong anh bắt nguồn từ những lời ru của một người mẹ quan họ. Những dòng thơ anh là sự “nối dài” tiếp tục của “lời ru” – Lời ru của một người lính như anh trước cuộc sống với trăm cung bậc tình yêu hôm qua và hôm nay.
Có thể nói, tập thơ của Nguyễn Xuân Hùng như là “cuốn nhật ký” bằng thơ. Tác giả như đưa ta lãng du vào những vùng đất, vào cuộc sống…mà những bước chân anh đã đi qua, đã sống và cảm nhận…Anh quan niệm “Tôi đi gom chút nắng đông/Giấu vào tim chút men nồng mộng mơ/Kiên trì sưởi ấm vần thơ/Chờ cho đến phút giao thừa tặng em” (Quà tặng thời gian). Với anh, dòng sông Hương là dòng sông có biết bao kỷ niệm. Năm xưa anh đã chiến đấu và bị thương ở vùng đất này. Vì thế rất nhiều kỷ niệm về sông Hương đã lặn vào thơ anh. Anh luôn dành tình cảm yêu thương đặc biệt cho nơi này – nơi đã gắn bó một phần máu thịt và tuổi thanh xuân của anh: …“Một miền bão tố/Mà dòng sông êm”.
Nguyễn Xuân Hùng đã viết rất nhiều bài thơ hay về quan họ, về những mối tình quan họ, về Hội Lim rất đẹp của quê hương. Đã có biết bao chàng trai, cô gái đã tìm thấy “một nửa yêu thương” cuộc đời từ trong những câu hát giao duyên ngày Hội, trong đó có Nguyễn Xuân Hùng:“Tại em mắt sắc dao cau/Để tôi thơ thẩn gặp nhau cuối tuần/Miếng trầu em thả bùa gần/Câu thơ anh níu cánh diều chung chiêng/Rối bời hai mảnh tình riêng/Lạc vào câu hát chao nghiêng mái đình…” (Một thoáng Hội Lim).
Sau khi cởi áo lính, Nguyễn Xuân Hùng trở về quê hương. Yêu thơ, say thơ đã giúp anh có thêm nhiều bạn mới. Những chuyến đi, những người bạn thơ ấy giúp Nguyễn Xuân Hùng tìm được nhiều khám phá, nhiều cảm hứng mới…Nhưng Trường Sơn vẫn là nguồn cảm hứng “thường trực” trong anh. Chả thế mà nghỉ phép về quê, giúp vợ ru con, anh vẫn tìm thấy Trường Sơn trong cánh võng ru con: “Điều này mới thật lạ thay/Tôi ru con ngủ nối ngày sang đêm/Cái điều mơ ở Trường Sơn/Giờ ru con ngủ tôi mềm vòng tay…”(Lời ru của lính). Một lần cùng bạn thơ lên Côn Sơn chơi cờ, anh cũng đã tìm thấy hình ảnh Trường Sơn ở non tiên này: “Cuộc cờ trên đỉnh Côn Sơn/Nhận ra nhau lính Trường Sơn thuở nào” (Bất ngờ). Khi leo lên Yên Tử để viếng chùa Đồng “Trái tim vẫn đập bồi hồi/Đôi giày vẹt gót nhớ thời Trường Sơn…”(Về thăm Yên Tử)…
Có thể nói, Nguyễn Xuân Hùng là một người hóm hỉnh nhưng lại khá chân thật. Anh viết khá nhiều thơ vui. Tôi yêu cái chân thật của anh: “Em đang bốc lửa tình yêu/Thế mà tôi chẳng dám liều cầm tay!” (Dại khờ). Và bật cười trước cái “dại khờ” đến quá thật thà của anh:“Chẳng ai khờ dại như mình/Lại về khoe vợ chuyện tình vu vơ/Bỗng đâu giông bão trái mùa/Chút ghen làm khổ người thơ đa tình” (Khờ). Nhưng anh là một người chồng yêu vợ, yêu con thật tuyệt vời. Trong tập thơ anh đã dành gần 20 bài thơ cho cái gia đình nhỏ hạnh phúc và yêu thương của mình. Đến nỗi “Một tuần vắng bóng các con/Bố như chim lạc trong vườn không cây…” (Khi các con vắng nhà). Anh khổ sở, lúng túng khi vợ vắng nhà. Và thú nhận: “Kể ra thêm phức tạp/Cầm tiền anh nhức đầu/Em đừng vắng nhà lâu/Mau về anh giao giả!” (Chi tiêu thay vợ vắng nhà).
Nhà thơ Nguyễn Xuân Hùng có 10 bài thơ 2 câu khá ấn tượng. Vẫn là những câu nói ấn tượng về người vợ thân yêu: “Giữ anh em lựa sợi dây/Kéo căng là đứt – lỏng tay là rời” (Giữ anh).
Chàng đại úy Nguyễn Xuân Hùng nghỉ hưu thì bệnh tật đã liên tiếp ập đến. Trải qua những năm tháng lăn lộn ở Trường Sơn, lăn lộn trong cuộc sống, chiến đấu gian khổ và ác liệt giờ cơ thể mới bung ra bệnh tật, chúng hành hạ anh. Anh nhiều lần làm bạn với cái giường bệnh viện để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Năm 2016, không may Nguyễn Xuân Hùng bị K dạ dày. Anh trải qua nhiều lần xạ trị kéo dài cho tới giữa năm 2023. Bệnh hiểm nghèo đã thử thách bản lĩnh của một người lính như anh. Dường như sự kiên cường và yêu đời, yêu thơ đã tạo ra một thứ “đô ping” giúp anh vượt lên để chiến thắng bệnh tật. Và anh đã chiến thắng! Trên giường bệnh, anh đã viết gần 40 bài thơ. Tuyệt nhiên không một từ, một dòng lo sợ và bi lụy. Tất cả đều toát lên niềm tin yêu vào ngày mai chiến thắng. Anh đồng cảm với người bệnh: “Thương bao người đi viện/Liêu xiêu – nghiêng cửa nhà” (Ven chìm). Anh vẫn yêu đời, yêu thơ và hùng hồn khẳng định: “Nếu đời còn có kiếp sau/Thì hồn ta lại nhập vào với thơ!”…
Năm xưa, người lính Trường Sơn Nguyễn Xuân Hùng cầm súng. Khi cởi áo lính, anh cầm bút. Với anh, sức khỏe và tuổi tác không ngăn được tâm hồn yêu thơ. Anh đã viết, đang viết, tiếp tục viết và viết khỏe mỗi ngày. Sáng tạo của người lính già dường như ngày càng đằm thắm hơn, tinh tế hơn. Thơ đang giúp anh có thêm nhiều cảm nhận và sự khám phá mới!
Tôi tin và mong sau tập thơ “Lời ru của lính” ra mắt bạn đọc, nhà thơ Trường Sơn Nguyễn Xuân Hùng sẽ có thêm nhiều tập thơ mới với những khám phá mới!
Nhà văn Phạm Thành Long
Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn