Tiếng vọng từ “Khúc bi tráng bất tử” – TG: Đỗ Ngọc Thứ

Ngày đăng: 09:42 16/04/2024 Lượt xem: 44


TIẾNG VỌNG TỪ “KHÚC BI TRÁNG BẤT TỬ” 

                                           
        “Khúc bi tráng bất tử”(Nhà xuất bản Hội Nhà Văn) là một trường ca viết về người chí sĩ, lãnh tụ Nghĩa hội Cần vương tỉnh Quảng Nam - Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887). Tựa đề của trường ca nghe cứ âm vang như tiếng vọng tự ngàn xưa, mang bao điều tâm sự thiêng liêng, gợi mở bao trở trăn sâu thẳm. Ta hãy để lòng mình lắng lại, lặng nghe tiếng vọng từ “Khúc bi tráng bất tử” của nhà thơ Lê Anh Dũng.
*    *
*
       Bằng sự đồng điệu, sự rung cảm tinh tế cùng lý trí quang minh và tinh thần trách nhiệm, Lê Anh Dũng đã đưa đọc giả trở về thời kỳ “Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan”. Với những ngôn từ dung dị, chân thật nhưng đậm chất văn chương, Lê Anh Dũng đã đại diện cho thế hệ con cháu, những người đi sau nhìn lại qúa khứ hào hùng của lớp lớp cha ông, đủ để mỗi chúng ta thấm thía máu xương của các thế hệ đã đổ xuống cho mảnh đất hình chữ S được yên bình.
       Trường ca bao gồm chín phần, được sắp xếp theo thứ tự nội dung truyền tải. Mở đầu trường ca, tác giả đã khéo léo cho độc giả được đắm chìm cảm xúc trong những câu ca dao của người dân xứ Quảng - quê hương Nguyễn Duy Hiệu và cũng là quê hương Nhà thơ. Họ hát để ca ngợi một con người mà họ luôn nể trọng, tôn thờ bởi nghĩa khí của đấng minh quân:
Ai về Bằng Võ, gò Đồn
Mà xem Nghĩa Hội ông Hường đánh Tây
Ai lên chín ngả sông Con
Hỏi thăm ông Hường Hiệu có còn hay không?
       Là người con của xứ sở dân ca bài chòi, có lẽ, những câu ca dao trên đã vun dưỡng, ấp ủ và trao truyền cho người thầy giáo dạy văn Lê Anh Dũng những rung cảm tinh tế, những trải nghiệm điềm tĩnh, có chiều sâu, giúp anh viết nên những trang thơ thấm đẫm nghĩa tình, mang bóng dáng, hồn vía bao đời của quê hương. Đọc “Khúc bi tráng bất tử”, có cảm tưởng như Lê Anh Dũng không làm thơ mà anh đang thủ thỉ kể cho ta nghe câu chuyện về một con người nghĩa khí ở quê mình:
Cần Vương tụ nghĩa anh hùng
Dân binh manh lệ theo cùng Văn nhân
Khoá sinh, tú tài, cử nhân
Bá hộ, lý, tổng…rần rần chiêu quân.

Phó Hội Hiệu gươm tuốt trần
Dẹp bọn hám lợi nhiễu dân làm càn.
       Trước sự xâm lăng của ngoại bang, trước sự đê hèn của quan lại triều đình. Nguyễn Duy Hiệu đã dựng cờ tụ hội nghĩa quân với chủ trương:
Đánh vào mưu ma quan thầy
Đánh vào nhu nhược cả bầy vua, tôi
Đánh cho trung nghĩa lên ngôi
Đánh cho đạo tặc phải lòi mặt ra
Đánh bọn phản nước, hại nhà
Đánh cho rõ mặt chánh, tà phân minh.
       Nhưng do có người trong Nghĩa hội làm phản, cùng với thế và lực còn yếu, việc lớn không thành. Nghĩa hội bị đàn áp, bắt bớ. Khi ấy, những chủ tướng của Nghĩa hội sẽ chọn con đường nào? Đầu hàng ư? Không. Về triều đình làm quan để được bổng lộc, võng lọng ư? Không. Thiết nghĩ, trái tim người đọc sẽ thắt lại khi nghe Lê Anh Dũng kể về cái chết bi hùng của Phó Hội Phạm Bá Phiến:
Phó Hội Bá Phiến tỏ bày
Giơ gói thuốc độc trên tay xin thề:
Vì quốc loạn mộ nghĩa
Nếu chính sự không thành
Thì giữ chọn thanh danh
Phiến xin đền nợ nước.
       Nhưng với tầm nhìn xa rộng, với ý chí kiên trung và bằng niềm tin sắt đá, Nguyễn Duy Hiệu đã chủ trương “Lùi một bước, tiến hai bước”. “Ông lui binh ở tuyến sơn phòng” để:
Dựa vào rừng núi, suối khe
Dựa vao tiếng hát, câu vè đánh Tây
Dựa vào chông, thò, gióng mây
Đánh úp, mật phục dãi thây quân thù.
       Nhưng do:
Vũ khí yếu, thế lực non
Giặc vây giặc chặn hao mòn nghĩa binh.
       Cho nên:
Nghĩa quân giải tán tức thì
Chờ ngay phục hận chờ khi hợp thời.
        Việc lớn không thành. Mặc cho giặc Pháp và triều đình tìm mọi cách mua chuộc, nhưng Ông vẫn coi khinh chức tước, võng lọng, ung dung nhận cái chết về mình để cứu nghĩa quân:
Nhận mình ép buộc sĩ, dân
Cầm đầu nghĩa đảng trung thần đánh Tây.
       Bằng sự tìm tòi không mệt mỏi, kết hợp với khả năng lao động sáng tạo, nhà thơ đã khắc hoạ khá chi tiết hoàn cảnh ra đời của bài thơ tuyệt mệnh của Nguyễn Duy Hiệu. Ấy là khi chí sĩ ngồi trên chiếc cũi tù để lính lệ khiêng đi chém đầu. Ông “ngồi xếp bằng như hành thiền”, ung dung “tay cầm quạt thong dong” làm bọn lính phải “nghiêng mình kính nể”. Ông “Lấy sương làm rượu / Lấy lau làm bút / lấy huyết lệ làm mực / Mà viết trong đầu / đọc trong tim”. Rằng:
Non sông phận đã thơ trời định
Cây cỏ buồn xem thế đất cùng
Chìm nổi đời này ai đó tá
Chớ đem thành bại luận anh hùng.
       Người đọc sẽ cảm động đến nghẹn lòng khi nghe Lê Anh Dũng khắc hoạ lời Nguyễn Duy Hiệu nói với hương hồn Phạm Bá Phiến - người chí sĩ cùng Nghĩa hội Cần Vương, tự uống thuốc độc tự vẫn để giữ khí tiết trước kẻ thù:
Tôi ngửa cổ lên trời cho đầu rơi
Máu phun vào mặt kẻ thù
Nghìn năm không rửa sạch
Tôi chết có trời xanh chứng dám
Có đất bằng giọt giọt ứa hờn căm.
       Bằng thủ pháp viết đan xen giữa hồi ức và thực tại, hoà quện giữa dòng cảm xúc trữ tình với những dòng bình luận có tính khái quát cao, Lê Anh Dũng đã giúp đọc giả hiểu rỏ hơn về cái chết bất tử của người chí sĩ kiên trung:
Chết vì nước, hoá núi sông
Đã thành chính khí con Rồng cháu Tiên
Tôn cái chung trên tình riêng
Sống trung kiên, thác thiêng liêng cõi trời.
       Do lòng mến mộ, kính trọng, tôn thờ, Nguyễn Duy Hiệu được người dân dựng tượng ở nhiều nơi, đó là những nơi đã in dấu chân Ông trên chặng đường đấu tranh ái quốc. Nhưng không dễ gì để khắc hoạ đầy đủ phần “xác” và phần “hồn” của nhà chí sĩ. Biết bao trăn trở, nghĩ suy, tìm tòi của Chính quyền, của nghệ nhân tạc tượng. Chừng ấy thôi cũng đủ cho ta thấy sự ngưỡng mộ, trân trọng và tôn kính. Đấy cũng là bản sắc văn hoá của một dân tộc luôn biết “Uống nước nhớ nguồn”. Để khi hoàn thành, người dân thấy rõ hình hài, khí phách của một đấng minh quân:
Trung quân, ái quốc, thương dân
Dáng Ông lồng lộng phong vân tượng đài
Nghĩa khí cao cả không phai
Chết như về cõi thiên thai cửu trùng.

 
 
Tượng đài Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu tại Hội An
 
       Dưới ngòi bút sắc bén, tài tình của Lê Anh Dũng, người đọc sẽ thấy cái chết bất tử của Nguyễn Duy Hiệu như một bó đuốc soi đường, như một lời hiệu triệu. Biết bao thế hệ con cháu nơi quê hương nhà chí sĩ đã noi gương Người mà đứng lên đấu tranh, không quản ngại hy sinh, gian khổ, sẵn sàng cống hiến cả cuộc đời mình cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, trong đó có Lê Anh Dũng. Bởi họ hiểu:
Còn giặc thì nước chưa yên
Thơ thầy thúc dục ba miền đấu tranh
Ngày đi tóc vẫn còn xanh
Ngày về, sông núi Đà thành cờ giăng.
       Vâng. Cái chết bất tử của Nguyễn Duy Hiệu như ngọn đèn soi sáng, giúp bao người nhìn rõ những dải nhũ thạch lung linh trong hang động, nơi mà ánh sáng tự nhiên không đủ để soi rọi. Họ sẽ nhìn thấy ánh sáng chân lý của cuộc đời để rồi biết sống và biết chết:
Sống/Hiên ngang đi đầu
Sống/Hừng hực chí hờn căm
Chết/Cho bớt loài quan tham bán nước
Chết/Cho nước nhà sạch bóng ngoại bang.
       Người đọc sẽ rưng rưng xúc động qua những lời thơ xúc tích, chân thật - chân thật đến độ tinh khiết của tâm hồn, nhất là những khổ thơ Lê Anh Dũng viết về cuộc sống của người dân quê hương Quảng Nam, trong đó có gia đình thi sĩ  trong những ngày quằn quại dưới gót dày đinh ngoại bang:
Chiến tranh, bão đạn, mưa bom
Mìn giăng, máy chém, trại hòm, khổ sai
Le te chợ hôm, chợ mai
Mẹ con tất tật đường dài, đường xa.
       Tấm gương trung nghĩa của Nguyễn Duy Hiệu như ánh nắng ấm áp, chiếu rọi đến muôn đời, hun đúc lên những Mẹ Dũng sỹ Thanh Khê, mẹ Thứ, Nguyễn Văn Trỗi, Trân Thị Lý và triệu triệu người con Quảng Nam, để mảnh đất này trở thành quê hương “trung dũng kiên cường”, với 11.658 Mẹ Việt Nam anh hùng; 65.000 liệt sỹ; 13.000 anh hùng LLVT và Anh hùng lao động. Cái chết như vậy chẳng bất tử sao?
       Trường ca “Khúc bi tráng bất tử” có độ nén ngôn từ rất lớn. Đọc nó, ta sẽ thấy sức sống toả ra từ ký ức hào hùng. Chỉ bằng những ngôn từ mộc mạc, chân tình nhưng nhiều khi đã chạm đến triết lý về đạo đức về văn hoá “uống nước nhớ nguồn”. Điều đó cho thấy, Lê Anh Dũng đã rất thành công với cách tiếp cận, cách thể hiện độc đáo về lịch sử. Thước đo giá trị của “Khúc bi tráng bất tử” chính là sự bình dị về ngôn từ, sự tôn trọng lịch sử và sự chân thành của cảm xúc. Giữa bộn bề, phồn tạp của cuộc sống thường nhật, Lê Anh Dũng vẫn luôn biết giữ trách nhiệm sống, luôn trăn trở, thao thức và hoàn thành bổn phận với qúa khứ, với tiền nhân, với quê hương, đất nước. Và chính nó đã đem lại cho anh nguồn cảm xúc lớn lao, đánh thức nơi anh lòng khát khao sáng tạo, giúp anh viết lên những trang thơ giàu hình tượng, nặng trĩu nỗi niềm. Dưới thể thơ tự do, nhà thơ không cầu kỳ gọt giũa để khoác cho trường ca chiếc áo ngôn từ bóng bẩy. Ở đâu đó, tác giả cũng chưa chắt lọc để trách sự trùng lặp, bớt đi những “viên sạn nhỏ” trong “bát cơm thơm”. Tuy nhiên, qua ngòi bút sắc sảo, biến hoá, kết hợp hài hoà giữa ký ức và hiện tại, người đọc có thể đắm chìm trong cảm xúc với câu chuyện lịch sử bi hùng được thi vị hoá bằng ngôn ngữ văn học đậm chất trữ tình và bi tráng. Đấy chính là khả năng lao động sáng tạo của một thi sĩ đa tài, đa cảm và có trách nhiệm như anh. Thiết nghĩ “Khúc bi tráng bất tử” đủ để bao người hiểu hơn, trân trọng hơn giá trị lịch sử dân tộc./.

Đại tá, PGS, TS Đỗ Ngọc Thứ
Điện thoại: 0984782652.
Email:
Ngocthuhvktqs@gmail.com

tin tức liên quan