BẾN ĐỢI
Truyện ngắn của Phương Liên
Chân dung tác giả
Ráng chiều đổ loang mặt sông. Không mấy chốc bóng tối ẩn đâu đó chiếm chỗ. Một khoảng sông vắng lặng. Bến ngủ dưới lùm cây. Mệt nhoài sau một ngày với những chuyến sang ngang. Bến đợi, đò neo cho sớm mai khi ông mặt trời thức dậy.
Dịu. Cô gái quê miền sông nước hiền lành xinh đẹp. Cô làm bạn cùng con đò trên dưới tám năm. Không thể đếm được bao nhiêu chuyến đò ngang trên sông. Nơi con sông đã gắn liền tuổi thơ cô, đầy ắp kỉ niệm vui buồn. Cái ngày mà cô tiễn anh trên con đò cứ neo mãi vào lòng. Như buộc chặt cô vào con đò trên khúc sông quê tuổi trăng tròn mười sáu. Cái nhớ cái thương giấu kín, để rồi theo hoài năm tháng…
Những năm trước chở đò ăn công điểm Hợp tác xã. Rồi hợp nhất “ khoán” Dịu là con gái lớn trong gia đình. Nhà nghèo, cô học hết lớp bảy phổ thông phải nghỉ, bỗng trở thành lao động chính. Cha cô mất sức lao động hoàn toàn do một lần cày ruộng bị cảm dẫn tới liệt cả hai chân. Nhà nghèo giờ lại càng neo đơn, khó khăn chồng chất lên vai Dịu. Kế cô là em gái cũng nghỉ học ngang chừng.… tròn mười bảy tuổi đã trở thành con dâu làng bên thi thoảng ghé vội về thăm cha mẹ. Khi vài bó rau, vài quả ổi, mấy quả mướp quà cho cha mẹ. Rồi như ma đuổi, chân trong chân ngoài chào cha mẹ. Bà Cõn nhìn theo con chép miệng thở dài.
Bà Cõn, ngoài việc chăm ông Định chồng bà. Mỗi ngày vài lần sắc ấm thuốc, bếp liền vách nhà, khói um làm ông cứ từng cơn ho xù xụ. Ngoài việc bà lo chăm vài con ngỗng đói suốt ngày dài cổ kêu. Hết quanh bếp lại lên nhà, nâng ông Định lên rồi đặt xuống. Vậy cũng hết cả ngày sang đêm …
Đứa em trai út Dịu mười lăm tuổi, kì cạch sửa vài chiếc xe đạp cũ kĩ mở ở đầu làng cả ngày kiếm được vài hào bạc mang tiếng sửa xe, đồ nghề một chiếc bơm bàn, hộp nhựa vá săm, thay săm thì không có tiền trưa trật miếng vá chưa xong, vá chỗ nọ thủng chỗ kia, thử mãi vào chậu nước vẫn sủi bong bóng. Khách vừa sốt ruột “ thợ” thì nghe mắng!
Trưa Dịu ghé vội về ăn miếng cơm mẹ nấu rồi cô ba chân bốn cẳng trở ra bến. Những lúc đó bà Cõn không có cơ hội nói con gái, chỉ trừ khi tối cô về hoặc trước khi tắt đèn đi ngủ.
- Thế mày địnhlàm gái già hử con?
- U nói gì con không hiểu?
Nói là “không hiểu” kì thực Dịu quá hiểu mẹ muốn nói gì.
- Chẳng lẽ tin đồn là sai hay sao? Mà còn chờ với đợi. Hàng xóm, đông tây người về lườm lượp.
Dịu thấy trong lòng chua xót! Mặc dù không cãi mẹ nhưng cô không thể chịu nổi câu nói từ mẹ thốt ra.
- U cứ nghe đồn làm gì! Khi nào trên có giấy báo … hãy hay.
Dịu không muốn nghe thêm gì ở mẹ nước mắt cô lăn dài xuống má.
- Dời ơi là dời…! nhà quê ở tuổi “lày” nàng lước gọi là ế con ơi! Nại còn lói như thách đố… Nơi lào cũng chẳng chịu, định nàm bà cô hử?
- Con không cãi u, nhưng u cứ nhận lời họ, người ta mang cau sang là con trả đấy! con có yêu thương đâu mà …
- Yêu gì chứ! thầy mày với u có yêu nhau ngày lào, ông bà “đặt đâu thì ngồi đấy” không ra mấy chị em mày đấy ư? cứ về nhà người ta rồi khác quen con ơi!
- U cứ đi mà “quen”, con chịu!
Ông Định, kéo ho một hồi dài xù xụ. Khi nghe hai mẹ con cứ câu qua câu lại. Như nhắc bà Cõn “thôi đi u nó, đừng ép con cái nữa…” bà Cõn bực ra mặt:
- Thây xác nhà chị! Xuôi ngược gì cứ nàm – rồi bà lật đật vào nhà.
Trăng non treo đầu ngọn cau trước cửa nhà. Thừa lúc Dịu chạy một mạch sang ngõ bên. Trên chiếc chõng tre đặt trước hiên nhà hai người đang trò chuyện, thấy Dịu chào, tiếng người đàn ông e hèm:
- Dịu hả cháu, ngồi chơi đi, có nước vối mới đun đấy, cháu uống nước đi…, cô “dạ” khẽ một tiếng rồi đứng sau bóp vai cho người đàn bà …
Kể từ ngày có tin đồn đại, không rõ thực hư …hai người buồn rầu gầy guộc.
Thường sau một ngày đưa đò về, thỉnh thoảng Dịu ghé thăm gia đình hai bác …
Đêm đêm không ngủ được, cô nghe tiếng cha cô ho, mẹ cô thở dài, lòng Dịu như lửa đốt, cô rón rén ra giếng dội vài gầu nước lên người, thoảng mùi hoa bưởi, cô thấy lâng lâng cảm xúc thật khó tả khi nghĩ những kỉ niệm xưa thay nhau ùa về!
***
Đại đội trưởng Hùng, anh bị thương nặng trong trận đánh giành giật từng tấc đất giữa quân Giải phóng và quân lực Việt Nam cộng hòa tại cửa việt. Một trong những trận đánh vô cùng ác liệt. Đó là chiến dịch “Xuân hè 1972” chiến dịch có tên gọi “chiến dịch Nguyễn Huệ” hay gọi theo cách “tổng tiến công năm 1972” phá vỡ phòng thủ ngoài cuả địch, khiến địch hoang mang lo sợ. Nhưng thiệt hại cả ta và định có thể là cân bằng dù gì thi địch đã co cụm. Để bảo tồn lực lượng khi thấy một trận đánh vô cùng cam go. Hùng chỉ huy mũi tiến công vừa đánh trả, vừa rút. Thế cầm cự của địch và quân Giải phóng căng như dây đàn. Đồng đội hi sinh và thương vong nhiều. Anh hô lớn ám hiệu sẵn “các đồng chí chú ý! Xe bọc thép, Pháo kích, sẵn sàng” có nghĩa bộ đội rút lui. Dứt tiếng hô, một viên đạn trúng ngay vai phải của anh, máu loang đỏ ngực áo, chân anh như có vật gì đè nặng. Anh ngất đi sau một tiếng nổ long trời. Tỉnh dậy, anh thấy mình nằm tại một lán Quân y. Tai anh ù ù nghe tiếng rõ tiếng không, một bàn tay nữ Quân y đặt lên trán anh.
- Đồng chí tỉnh rồi! đồng chí nằm im nhé. Vết thương mất nhiều máu. Chúng tôi đã cố định cẳng chân trái. Đồng chí yên tâm.
- Cho tôi xin ngụm nước. Tôi gãy chân rồi sao. Anh thấy đau ê ẩm toàn thân.
- Đồng chí uống một chút lúc này, không được uống nước nhiều. Đúng đồng chí gãy nơi cẳng chân.
- Đồng đội… Các đồng chí đơn vị tôi …?
Hùng thều thào … Anh bắt gặp cặp mắt nữ Quân y chùng hẳn xuống và như không nghe câu hỏi của anh … nước mắt anh trào ra … bóng đêm đang bao trùm lên mái tăng ...
***
Sau những ngày điều trị, thấm thoát đã chín tháng trời tại Trạm Quân y dã chiến. mấy lần anh ghi thư về gia đình rồi lại bỏ vào ba lô anh nói gì và viết gì khi mình chưa trở lại chiến đấu? … cuối cùng anh cũng được trở về Trung đoàn bộ với nhiệm vụ Trưởng Ban Tham mưu tác chiến.
***
Hồi kẻng vừa dứt, từng đoàn người nối nhau xếp hàng. Người mặc bà ba đen, người quân phục bạc phếch. Trong số có một vài phụ nữ tuổi ngoài ba mươi. Người cụt chân phải, người chân trái, có người cụt tới đùi, người mất cả bàn tay, chẳng hình dung được loại hình dáng nào ngoài nỗi đau thương mất mát của chiến tranh. Hùng đoán mấy chị kia là Bộ đội địa phương.
Mùi thức ăn thơm bốc khói các khay đặt sẵn trên bàn ăn từng chiếc bát sắt được nhúng vào nước sôi trước cửa nhà ăn. Lục cục là những cặp nạng như “vũ khí” bất li thân. Đáng chú ý là một Thương binh lầm lì không nói, nhưng thỉnh thoảng mặt co rúm đau đớn. Có Thương binh lại luôn miệng nói như gào thét bốc lửa đó là những đồng chí Thương binh bị sọ não thật đáng thương họ đều là quân nhân qua chiến đấu, tuổi đời chưa tới ba mươi.
Bữa ăn chiều nay thật thịnh soạn, tiêu chuẩn đều như “Đại táo” chả là nhân kỉ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 tháng 12.
Chuyến đò chiều nay đầy ắp khách. Dịu chợt nhớ đã là mười sáu tháng chạp, thấm thoát một năm mới sắp tới, cô lại nghĩ những câu nói của ai đó “mỗi tuổi đuổi xuân đi” chẳng lẽ sự chờ đợi của mình lại trở thành …
- Để anh chèo đỡ cô lái ơi!
Cắt ngang dòng suy nghĩ. Dịu mỉm cười. Nhưng không ai có thể thấy cô vui hay buồn bởi qua lớp khăn che kín. Lại vẫn anh bộ đội kia.
- Mặt trời về núi rồi! Cởi áo ra … à…. quên cởi khăn ra không lo rám má hồng nữa em ơi! Đưa anh cất nón cho kẻo bay xuống nước nhé.
Lúc này Dịu một tay chèo, một tay cởi chiếc khăn mặt buông xuống chân. Để lộ nước da hồng hào với cái cổ trắng ngần trong chiếc áo cánh gụ càng tăng vẻ đẹp duyên dáng ở người con gái “đáy lưng ong”.
Cô không đáp lời, nhưng bằng cử chỉ một nụ cười nheo mắt thật tươi, lộ hàm răng trắng đều tăm tắp. mọi người trên con đò ai nấy đều trầm trồ. Một Bộ đội từ lúc lên đò không nói, giờ cũng đã mở lời:
- Em giấu nụ cười kín quá! Cứ chít khăn vậy thì đen vào đâu, như tụi anh làm bạn với thao trường nắng gió, không lo mối mọt.
- Em kiệm lời quá! Cập bến rồi…. đành dịp khác nhé cô lái!
Dịu đoán các anh bộ đội này chẳng hơn tuổi mình là mấy, được về phép ăn tết vui quá rồi.
Hoàng hôn phía núi màu hồng tím. Nước mặt sông ngả mầu xanh xẫm, cò ríu rít về tổ xào xạc bụi tre đầu bến.
Dịu neo đò lại lùm cây, cô nghe phía bên kia sông như có ai gọi đò.
Đò …. Ơi…! Lúc nghe thoáng qua như tiếng gió, lúc lại lặng im. Cô tần ngần một lát rồi quyết định “chắc có khách lỡ tàu xe nên về muộn, mình cố thêm chuyến đỡ tội họ…” một ngày quá với sức, lúc này người Dịu mệt nhoài, bụng cô như có kiến bò, tai ù ù như gió thổi, bóng tối bắt đầu loang xẫm mặt sông. Chèo được hai phần trên sông, bỗng có ánh đèn pin quay tròn hướng về phía con đò. Tim cô đập loạn tưởng chừng rời khỏi lồng ngực. Tay chèo rã rời như có người níu lại, cô lập cập cố hít sâu và thở nhẹ ra một điều gì khiến cô thật vững tay chèo lúc này…
Trời như sáng hơn, trước mũi con đò hình ảnh một anh Bộ đội với chiếc mũ tai bèo. Anh đứng lặng trên bến, lưng khoác ba lô, tay vẫn cầm chiếc đèn pin.
Dịu một động tác thành thạo, cô nhảy lên bờ kéo theo mớ xích sắt cuốn hai vòng neo đò vào cọc. cô đứng sững như trời trồng, không nói câu gì, như một luồng điện chạy dọc sống lưng lan xuống phần chân. Dịu ú ớ …
- Có phải …. Phải là Anh …Anh … không…?
Khoảng cách giữa cô và anh Bộ đội chỉ có thể là hơn một sải tay. Vậy mà họ chơi vơi như không thể với tới …. Trống ngực Diụ đập liên hồi khi thấy bước chân anh tiến gần mình. Vẫn im lặng như không gian chưa từng im lặng. Đó là bước chân của một người bước khập khiễng, không phải cô nhìn nhầm cô nhanh như con thoi lao về phía trước ôm chặt Hùng. Cô không thể nhầm “Anh … đúng là anh rồi!’ với tín hiệu đèn pin, xưa ở nhà Hùng đã từng muốn gặp cô, anh thường quay tròn ánh đèn pin.
Hùng run bắn người, lúc này anh mới nói trong tiếng vội vàng gấp gáp bên tai Dịu “em vẫn đợi anh chứ”
Cô thổn thức “dù thế nào em vẫn đợi anh” họ ôm chặt nhau như sợ một trong hai người tan biến vào không gian.
Bóng cây sào, bóng con đò, bóng hai người hai vòng tay xiết chặt dưới bóng trăng mười sáu. Mặt sông sáng lên sóng sánh ánh trăng.
Nguyễn Phương Liên (Sen đồng nội)
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn