Hào khí Trường Sơn tỏa sáng khí phách Chiến sỹ Trường Sơn năm xưa và hôm nay
HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN TỎA SÁNG KHÍ PHÁCH
CHIẾN SĨ TRƯỜNG SƠN NĂM XƯA VÀ HÔM NAY
Hào khí Trường Sơn –Tập3 là cuốn sách của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành tháng 12 năm 2024. Cuốn sách dày trên 500 trang với các thể loại thơ, ký sự, truyện ngắn…Bố cục gồm bốn phần: Ký ức Trường Sơn, Chiến sĩ Trường Sơn anh hùng năm xưa và trong cuộc sống hôm nay,Thơ: Hào khí Trường Sơn và Trang thơ đồng đội bốn phương.
Hào khí Trường sơn-Tập 3 là món quà chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐND), 35 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân và 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam. Đây là tâm huyết, trí tuệ của Ban biên tập và hơn 100 tác giả trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh. Điều đáng trân trọng ghi nhận là chỉ trong vòng nửa năm nay thôi, Hội Truyền thống Trường Sơn đường HCM tỉnh Bắc Ninh liên tiếp cho ra mắt 2 bộ tác phẩm rất dày dặn. Tháng 6/2024, là cuốn sách Lính Trường Sơn- Ký ức chiến tranh dày gần 900 trang, khổ lớn do NXB QĐNDVN phát hành. Cuốn sách này đã được lãnh đạo Tỉnh Bắc Ninh, Lãnh đạo Trung ương Hội Truyền thống TS-ĐHCM Việt Nam và bạn đọc hết sức ca ngợi. Đó cũng là điều cổ vũ, khích lệ để Hội TTTS-ĐHCM tỉnh Bắc Ninh tiếp tục ra ấn phẩm mới chỉ sau mấy tháng.
Các đồng chí: Phạm Thành Long, Vũ Xuân Nhâm, Nguyễn Đình Triển
cắt băng phát hành sách "Hào khí Trường Sơn" - Tập III
Những câu chuyện có thật, người thật, việc thật được chép lại, những ký ức của những con người đã từng vào sinh ra tử từ Lính Trường Sơn –Ký ức chiên tranh tiếp tục được thể hiện trong Hào khí Trường Sơn.
Phần Một của Hào khí Trường Sơn bao gồm 20 bài viết của 20 tác giả, đều là các chiến sĩ Trường Sơn, nhiều người có quân hàm cấp Tướng, cấp tá. Đó là ký ức của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn người chiến sĩ lái xe Trường Sơn nói về bộ đội Trường Sơn chia lửa với mặt trận trong đợt Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968. Đó là Nhớ về cuộc hành quân ở ngã ba Đông Dương của Thiếu tướng Hoàng Kiền. Là Ký ức về Đoàn tuấn mã 571 anh hùng của Phạm Xưởng, là ký ức về thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng và món nợ với Trường Sơn qua lời kể của Song Thanh- Long Thành, là Kỷ niệm một kíp trực thông tin của Nguyễn Duy Phiên hay Đường Hồ Chí Minh trên biển của Phạm Huy Chương v.v… Mỗi bài viết là mỗi câu chuyện. Mỗi câu chuyện là bao nhiêu sự kiện. Mỗi sự kiện là bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu cuộc đời. Câu chuyện nào cũng rất xúc động, kỷ niệm nào rất đáng trân trọng, nâng niu mà chỉ có những người trong cuộc mới thấu hiểu tường tận, mới cảm nhận được hết. Không gian diễn ra trong mỗi tác phẩm đều là chiến trường. Mà đã là chiến trường thì đều ác liệt, khủng khiếp. Nhưng chiến trường Trường Sơn thì nỗi ác liệt còn nhân lên gấp bội. Bởi ở đây kẻ thù đã trút xuống không biết cơ man nào là bom đạn, chất độc hóa học. Núi Trường Sơn hùng vĩ là thế, rừng Trường Sơn bạt ngàn là thế mà đồi núi trở thành bình địa, rừng rậm bị thiêu trụi, tưởng như sự sống không còn. Ngoài sự khủng khiếp man dợ kẻ thù gây ra, những trang ký ức của các chiến sĩ Trường Sơn còn khắc sâu hình ảnh những cán bộ chỉ huy, những chiến sĩ lái xe, những chiến sĩ giao liên, những bác sĩ, y tá Trường Sơn… Suy nghĩ của họ, lời nói của họ, hành động của họ đều rất anh hùng. Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng cùng đồng đội liên tục làm việc 200 ngày liền không rời mặt đường. Ông từng mang 40 kg bộc phá chạy 3km để ứng cứu mở đường cho đoàn xe quua. Ký ức của Hoàng Tuấn về những ngày đói cơm nhạt muối ở A Sầu, A Lưới.. Tận mắt nhìn thấy đồng đội của mình bị địch tra tấn hết sức dã man, cả đại đội quyết tâm đánh địch giải cứu cho đồng đội. Ta làm chủ trận địa, xác địch chết ngổn ngang nhưng người đồng chí của các anh đã bị địch tẩm xăng thiêu chết. Ký ức của Phạm Đăng Kiểm về mùa hè đỏ lửa 1972 đơn vị anh giải phóng thị xã Đông Hà, đại đội 3 tiểu đoàn 1 gần như bị xóa sổ. Ký ức của Nguyễn Khắc Phụng về người chiến sĩ giao liên Đinh Văn Bộ nhanh nhẹn hoạt bát mưu trí dũng cảm mà hy sinh vì B52. Ký ức của NSƯT Lệ Ngải những ngày biểu diễn phục vụ bộ đội Trường Sơn. Trên ụ pháo, trọng điểm giao thông, nơi đỉnh đèo, bên bàn mổ hay cạnh hố bom, bộ đội vẫn phá đá mở đường, nữ TNXP vẫn kề vai làm cầu cho xe qua, bác sĩ vẫn tay dao tay kéo, bom đạn vẫn bủa vây và các chị cứ hát,hát tràn v.v…và v.v…
Nếu như phần một là điểm lại một số ký ức của các chiến sĩ Trường Sơn, thì phần 2 của Hào khí Trường Sơn là những tấm gương điển hình của chiến sĩ Trường Sơn năm xưa và trong cuộc sống hiện nay. Mở đầu là bài viết về tấm gương người thầy thuốc được nhân dân tin yêu. Đó là Lương y Nguyễn Chiến ở Từ Sơn Bắc Ninh - người chiến sĩ từng tham dự 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị trở về với tỷ lệ bệnh binh 81%. Trở về đời thường ông mở phòng khám chữa bệnh cho thương bệnh binh và nhân dân. 30 năm hành nghề, Lương y Nguyễn Chiến đã chữa khỏi bênh cho hàng ngàn người, trong đó có hàng trăm người có hoàn cảnh khó khăn được miễn phí. Ngoài việc hành nghề chữa bệnh, ông còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, giúp đỡ các thương bệnh binh, người nhiễm chất độc Dioxin, ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lũ v.v.
Đó là tấm gương AHLĐ Đoàn Xuân Tiếp, Chủ tịch tập đoàn Kinh tế Chân Thiện Mỹ qua lời kể của Phạm Huy Chương. Tháng 5/1972 vào Trung đoàn 13 thuộc đoàn 559, chiến sĩ lái xe Đoàn Xuân Tiếp đã vận chuyển hàng trăm chuyến hàng vào mặt trận và cũng là ngần ấy chuyến hàng chở thương bệnh bình từ chiến trường ra hậu phương. Trở về quê hương sau 19 năm phục vụ quân ngũ, Đoàn Xuân Tiếp trăn trở ngày đêm tìm hướng đi cho mình. Từ việc thành lập Trung tâm đào tạo nghề cho con em Thương bệnh binh, người khuyết tật, sau đó thành lập Công ty lớn hơn dạy nghề, cho hàng ngàn lao động, rồi thành lập trường Đại học đào tạo hơn 10 ngàn sinh viên của 52 tỉnh thành cả nước, 95% sinh viên ra trường có công ăn việc làm. Chủ tịch Tập đoàn Chân Thiện Mỹ Đoàn Xuân Tiếp đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Tác giả Phạm Huy Chương còn viết về Tổng giám đốc công ty Trần văn Thư quê Quế Võ- Bắc Ninh. Ông từng là chiến sĩ lái xe Trường Sơn xây dựng những “dòng sông mang lửa” chi viện cho các chiến trường miền Nam rồi chiến trường Cam pu chia. Trở về đời thường, ông đã mở cơ sở sản xuất đồ gốm tại Phù Lãng quê ông rồi thành lập Hợp tác xã Vận tải, rồi mở thêm Công ty May xuất khẩu với doanh thu hàng trăm tỷ đồng một năm, tạo việc làm cho gần 1000 lao động địa phương với mức thu nhập cao, đồng thời có nhiều đóng góp cho quê hương. Tổng giám đốc Trần Văn Thư vinh dự được Đảng và nhà nước tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng Ba, Bằng khen Thủ tướng chính Phủ, Bằng khen của Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh. Tấm gương Trần Văn Thư – người chiến sĩ Trường Sơn quả cảm năm xưa nay tiếp tục tỏa sáng trên mặt trận xóa đói giảm nghèo làm giàu chính đáng.
Đó là chân dung người Anh hùng lao động Thầy thuốc Ưu tú bác sĩ Tạ Lưu quê Tương Giang TP Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh. Tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, từng tham gia các chiến dịch Biên Giới, Hòa Bình, Điện Biên Phủ sau được đào tạo thành bác sĩ. Ông tình nguyện vào chiến trường cứu chữa thương bệnh binh. Đội điều trị của ông đã được tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVTND. Và cá nhân ông cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Gần 10 năm phụ trách Viện 110, Đại tá bác sĩ Tạ Lưu ngoài việc lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ông còn say mê nghiên cứu khoa học với hangc chục công trình khoa học được áp dụng trong điều trị cứu chữa thương bệnh binh. Ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Năm 1993 được nghỉ hưu nhưng Bác sĩ Tạ Lưu vẫn không nghỉ việc. Ông vẫn ngày đêm chắt lọc tinh hoa viết thành sách phục vụ cho đời. Gần 20 đầu sách ở đủ các thể loại văn học như Truyện ngắn, Ký, Truyện ký, tản văn, thơ, báo…Tác phẩm của ông đã giành nhiều giải cao trong các cuộc thi viết cấp Tỉnh và Trung ương. Bác sĩ Tạ Lưu bước vào tuổi 95 và 76 năm tuổi Đảng với những cống hiến lớn lao đáng để chúng ta và các thế hệ mai sau tự hào, kính trọng, học tập noi theo.
Tấm gương người chiến sĩ Trường Sơn anh hùng năm xưa và trong cuộc sống hôm nay không thể không nhắc tới bút ký của Nguyễn Bồng viết về Nhà văn, nhà giáo, đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy người Hải Hậu Nam Định. Vượt lên những ác liệt, hiểm nguy trong những ngày gian khổ ở chiến trường Quảng Nam- Quảng Ngãi, từng được bác sĩ Đặng Thùy Trâm cứu chữa, người phóng viên chiến trường Trần Văn Thủy quả cảm giữa hai làn đạn để có những thước phim sống động nhất; rồi lại phải gùi mấy chục cuốn phim nặng hơn trọng lượng cơ thể vượt bom đạn từ Duy Xuyên chuyển ra Bắc, có lúc kiệt sức tưởng chừng gục trên đường đành viết gấy nhắn “ai nhận được gùi phim này hãy chuyển ra Hà Nội gấp”… Tình yêu nghề nghiệp khiến chàng dũng sĩ Trần Văn Thủy đã chiến thắng tất cả và rồi vinh quang đã đến với con người tài hoa đầy nghị lực và tâm huyết. Ông trở thành người đạo diễn có tài với nhiều bộ phim đạt giải quốc tế góp phần làm vẻ vang cho ngành điện ảnh nước nhà. Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm nhưng Trần Văn Thủy vẫn say mê nghề nghiệp. Ông thường tham gia các buổi nói chuyện, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm với các khóa đại học Điện ảnh trong và ngoài nước. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Bút ký của Nguyễn Bồng xứng đáng với giải cao nhất trong cuộc thi viết “Chiến sĩ Trường Sơn anh hùng năm xưa và trong cuộc sống hôm nay”.
Còn rất nhiều tấm gương chiến sĩ Trường Sơn năm xưa về với đời thường trở thành những doanh nhân có tâm có tài, những nông dân làm giàu trên đồng đất quê hương, những cán bộ hết lòng phụng sự nhân dân, người CCB hết lòng vì đồng đội, như Nguyễn Phụ Sen ở Thuận Thành, Trần Văn Trừ ở Lương Tài, Tạ Thị Hạnh ở Thái Bình, CCB Quang ở Yên Phong, Dương Thị Trình “Trung đội nữ công binh thép” ở Thanh Hóa v.v…
Phần 3 của Hào khí Trường Sơn gồm gần100 bài thơ của các tác giả hội VHNT Trường Sơn Bắc Ninh, người ít thì 3 bài, nhiều thì 6 -7 bài. Trước đó là 5 bài thơ được giải kỳ trước của Hội Trường Sơn Bắc Ninh. Đó là Dòng lệ đỏ của Phạm Đăng Kiểm, Trận Sa la Van của Nguyễn Doãn Thiết, Nỗi đau da cam của Nguyễn Quốc Lập, Lời ru bà tôi của Quang Đại và Gặp lại đồng đội của Nguyễn Đình Triển. Những bài thơ đoạt giải hẳn là xuất sắc bởi đã được thẩm định kỹ càng.
Người đọc xúc động mạnh vơi bài Lời ru bà tôi của tác giả Quang Đại. Lời thơ giản dị chân thực mà hàm súc khiến ta nghẹn ngào “Tôi lớn lên bằng lời ru của bà/ …Lời ru –Ru bao chàng trai thành dũng sĩ… Không ai tặng huân chương cho bà tôi cả/ …Nấm mộ bà tôi thành tấm huy chương đeo trên ngực đồng quê. Lời ru tôi ngày nào bà đem ra đồng ru xanh cho cỏ, ru vàng cho lúa…Lời ru bay lên trắng muốt cánh cò!...Quá hàm súc! Quá sâu sắc! và rất thơ!..
Trong số 96 bài thơ Hào khí Trường Sơn của 20 tác giả. Nói công bằng hầu hết tác giả đều là những người không được qua trường lớp viết văn làm thơ. Bởi yêu thơ mà ghi lại suy nghĩ của mình. Nghĩ sao viết vậy. Nhờ viết nhiều, đọc nhiều, nghe nhiều nên thơ viết hay hơn. Nói như vậy để không quá khắt khe khi đọc những bài thơ của các chiến sĩ Trường Sơn. Các anh các chị đánh giặc rất giỏi, lao động sản xuất rất giỏi mà lại làm được thơ thì rất đáng trân trọng. Nói như vậy Không phải Hào khí Trường Sơn không có thơ hay. Có! Và có rất nhiều bài thơ hay, rất nhiều tứ thơ đẹp, nhiều câu thơ chân thực, nhưng cũng rất nhiều câu thơ hàm chứa sâu xa. Nhớ rừng của Phạm Thị Nhung, Cuộc chia tay màu lửa, Quà tặng mẹ của Phạm Đăng Kiểm, Những cuộc đời đã hóa núi sông của Vũ Ngọc Hòa, Còn mãi trong tôi của Nguyễn Quốc Lập, Ký ức Trường Sơn của Nguyễn Đình Sinh,Trở lại Nam Lào, Sốt rét của Nguyễn Doãn Thiết, Tiếng em hát của Nguyễn Tất Đình Vân, cũng như một số bài thơ đã được phổ nhạc của Nguyễn Vũ Vẽ.v.v… Bạn đọc hãy thưởng thức.
Phần 4 của Hào khí Trường Sơn là Trang thơ đồng đội bốn phương bao gồm 54 tác phẩm của 42 tác giả khắp trong Nam ngoài Bắc. Có thể nói Hào khí Trường Sơn đã hội tụ được anh tài bốn phương, trong đó có rất nhiều cây bút nổi tiếng không chỉ trong giới VHNT Trường Sơn mà trong các diễn đàn thi ca cả nước. Đó là Phạm Thành Long, Nguyễn Hữu Quý, Vũ Trình Tường, Phan Vĩnh Điển, là Hoàng Văn Kính, Hồ Văn Chi, Hà Đỗ Tú, Phương Nga v.v…Giới thiệu những tác phẩm của đồng đội bốn phương trong Hào khí Trường Sơn là để cho hội viên hội VHNT Trường Sơn tỉnh Bắc Ninh được thưởng thức và học hỏi về cách viết, cách sử dụng ngôn từ, cách thể hiện tâm tình trong từng câu chữ. Vết nhẵn cây sồi của Phạm Thành Long một câu chuyện viết bằng thơ, Khát vọng Trường Sơn, Anh yêu em thời ấy của Nguyễn Hữu Quý là những bài thơ hay rất đáng học tập ở cách sử dụng ngôn từ và lối diễn đạt. Chân thực mà sâu sắc, dí dỏm và lãng mạn. Huyền thoại Phong lan của Vũ Trình Tường đầy chất thơ và đậm màu huyền thoại thật cảm động, Viết cho người nằm xuống của Nguyễn Bá Thuyết là tấc lòng, lời nói hộ tất cả chúng ta trước những hy sinh, mất mát, đau thương của những bà mẹ, những người vợ liệt sĩ v.v…
Hào khí Trường Sơn còn tập hợp được một số bài viết rất thời sự. Đó là những bài thơ phản ánh nỗi niềm thương tiếc của đồng bào cả nước trước sự ra đi của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và sự tàn phá của cơn bão số 3 đối với đồng bào các tỉnh phía Bắc. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng người nhóm lửa đốt lò, những lời nói và việc làm của ông được đồng bào cả nước ca ngợi. Công việc chống tham nhũng của Tổng Bí Thư được nhân dân hết lòng đồng tình và tin tưởng. Chính ông đã củng cố niềm tin của toàn dân đối với Đảng. Lê Kiên, Đỗ Ngọc Thứ, Nguyễn Đình Triển, Phạm Sinh đã bày tỏ lòng kính yêu và niềm tiếc thương vô hạn đối với vị Tổng Bí Thư. Đồng bào cả nước hòa lệ tiễn đưa; Bác Trọng ra đi khiến cỏ cây cũng sầu úa, trời đất cũng sụt sùi. Đồng thời cả nước cũng nguyện đoàn kết một lòng tiếp tục đi theo con đường của bác Trọng, quyết tâm đẩy lùi lũ sâu mọt quan tham, xây dựng Việt Nam hùng cường, văn minh, văn hiến.
Trước nỗi đau thương mất mát của hàng trăm đồng bào thiệt mạng, nhiều làng mạc bị xóa sổ do cơn bão số 3 gây ra, cả nước hướng về Lào Cai,Yên Bái, Hà Giang và những nơi bị thiệt hại. Trên các hệ thống truyền thông liên tục đưa tin đồng bào cả nước chung tay khắc phục thiên tai. Chỉ trong thời gian ngắn cuộc sống của đồng bào vũng lũ được ổn định, làng Nủ, làng Kho Vàng được xây dựng lại, đồng bào không ai bị bỏ lại phía sau. Ngoài việc quyên góp ủng hộ vật chất, tiền của, các hội viên hội VHNT Trường Sơn Bắc Ninh và đồng đội bốn phương còn chia sẻ với đồng bào bằng những sáng tác mới. Phương Nga, Nguyễn Vũ Vẽ, Hà Đỗ Tú, Đỗ Thu Yên, Lê Ngọc Thiện đã gửi gắm lòng mình vào những vần thơ chưa chan tình người.
Khép lại Hào khí Trường Sơn là một số bài thơ chào mừng sự kiện kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) của các tác giả Phạm Thành Long, Lê Trung Kiên và Hưng Nguyễn. Mặc dù chỉ điểm suyết mấy bài thơ song đã mang đến cho người đọc không khí rạo rực của ngày giải phóng Thủ đô, sự hào hoa, thanh lịch của Hà Nội trái tim của cả nước, nơi lắng hồn núi sông, nơi hội tụ và tỏa sáng tinh hoa dân tộc.
Điểm qua đôi nét về ấn phẩm Hào khí Trường Sơn của Hội Truyền thống Trường Sơn đường HCM tỉnh Bắc Ninh, mấy trang giấy không thể nào nói hết những những suy nghĩ, những trăn trở, những tấm lòng của hơn một trăm tác giả gửi gắm trong hơn 500 trang viết. Rất mong bạn đọc bỏ qua những điều chưa nói hết cũng như những điều chưa thấu hiểu cặn kẽ. Trân trọng nâng niu cuốn sách, trân trọng tri ân những chân dung chiến sĩ được phác họa trong Hào khí Trường Sơn, trân trọng cảm ơn những người làm nên Hào khí Trường Sơn và cả những người đã làm cho Hào khí Trường Sơn tỏa sáng.
NGƯT Vũ Ngọc Hòa
Hội VHNT Bắc Ninh