" Huyền thoại giữa vạn dặm trùng dương" - Bút ký của Phạm Hồng Loan
Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
HUYỀN THOẠI GIỮA VẠN DẶM TRÙNG DƯƠNG
Bút ký – Phạm Hồng Loan
(Viết về cựu chiến binh tàu không số Nguyễn Xuân Phong - Lữ đoàn 125. Quê quán: Xóm 1 xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định)
- Thím Phượng ơi, chú Phong về. Chú Phong về….
- Sao? Cháu nói sao? Chú Phong…?
- Vâng. Chú Phong về rồi. Kia kìa. Thím đi nhanh lên.
Vừa dự đám giỗ về đến lối rẽ vào ngõ, tiếng người cháu hối hả, gấp gáp, thúc giục khiến đôi chân chị đã quýnh quáng rồi càng quýnh quáng hơn. Anh! Có thật là anh đấy không? Sao người ta nói anh đã hy sinh? Thế mà giờ đây, trước mắt chị, anh hiển hiện bằng xương bằng thịt đang ôm chặt người thím trong tiếng nức nở của bà. Dưới chân anh, chiếc nạng gỗ, chiếc ba lô lép xẹp nằm chỏng chơ. Không! Không phải là mơ. “Anh Phong…” Chị gào lên, nức nở. Vùi đầu vào ngực anh, để mặc những giọt nước mắt tuôn rơi, chị chỉ bừng tỉnh khi đứa con gái bé nhỏ lon ton chạy ra, kéo áo chị: “Mẹ ơi, sao mẹ lại khóc? ” “ Bố của con đây. Con gọi bố đi.” Anh quì xuống, ôm con vào lòng, nhưng nó nhoài ra khỏi cánh tay anh. “Không. Không phải bố. Không phải bố…” Anh buông tay. Sững sờ. Tất cả ùa về trong anh, trĩu nặng.
Nguyễn Xuân Phong sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hải Cường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà). Mẹ mất khi anh mới 10 tuổi, người nuôi dưỡng anh là mẹ cả (vợ cả của bố). Bà coi anh như con đẻ của mình. Tháng 12/1968, trước khí thế cả nước lên đường đánh giặc, anh viết đơn xung phong ra trận. Một buổi tối, sau bữa cơm, bà gọi anh lại: “Chiều nay, mẹ đã lên ủy ban, đề nghị với họ để cho con ở lại lấy vợ rồi mới đi bộ đội”. “Ôi. Sao lại có thể như thế được ạ. Ở xã họ đã chấp nhận đơn xin nhập ngũ rồi, làm sao con có thể ở lại.” “Cha bố nhà anh. Anh có để tôi nói hết không. Anh tưởng tôi dốt lắm à? Tháng sau mới có đợt tuyển quân. Anh nên nhớ từ ông nội, đến bố anh, rồi anh nữa đều độc đinh. Vậy anh vẫn còn thời gian để tìm hiểu rồi cưới vợ. Tôi đã nhắm cho anh con bé Phượng ở xóm bên rồi. Anh xem thế nào rồi báo để tôi còn chuẩn bị.” Ai chứ Phượng thì anh biết rồi. Bên tai anh như văng vẳng giọng hát ngọt ngào, truyền cảm của cô trong những lần sinh hoạt Đoàn. Mọi chuyện diễn ra cứ như một giấc mơ, như sự sắp đặt của số phận. Nửa tháng sau, đám cưới của hai người diễn ra giản dị, ấm cúng như mọi đám cưới thời chiến khác. Hạnh phúc ngọt ngào của đôi vợ chồng trẻ không trọn vẹn bởi ngay ngày hôm sau, Ủy ban nhân dân xã tổ chức báo tử cho anh trai chị là Lê Minh Chức. Nửa tháng sau, anh lên đường nhập ngũ. Ra đến Hải Phòng, anh được điều về Đoàn 759 (tức Lữ đoàn 125 sau này). Cuối năm, nhận được thư của anh báo tin sắp đi B, chị sấp ngửa thu xếp công việc ra Hải Phòng. Vợ chồng gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Kết quả của mấy ngày ngắn ngủi trong hạnh phúc ngập tràn của đôi vợ chồng trẻ là tiếng khóc chào đời của đứa con đầu lòng. Ngày ngày, chị ngóng chờ tin anh, mong mỏi từng lá thư gửi về. Đến ngày con đầy 11 tháng tuổi, một buổi tối, có người đến nhà chị, ngập ngừng: “Chị à, em nghe tin này không biết có chính xác không…” “Tin gì?…Em nói mau lên”. “Em nghe người ta nói anh Phong hy sinh rồi, chị ạ.” Chị khuỵu xuống. Tất cả như quay cuồng trước mắt. Một tháng sau, đơn vị gửi ba lô của anh về. Mọi hy vọng tan thành mây khói. Còn gì nữa để trông ngóng, đợi chờ. Luôn 49 ngày sau đó, ngày nào mẹ cả cũng đi chợ, mua đồ thắp hương cho anh. Đứa con gái ngây thơ thấy thế cũng giơ tay, đòi mẹ lấy cho ăn. Đến ngày thứ 50, mẹ gọi chị đến trước bàn thờ anh: “Mẹ nó này. Mọi việc đã xong. Con đã làm tròn phận sự của một người vợ hiền, dâu thảo. Thằng Phong đã hy sinh vì đất nước. Con thì còn quá trẻ. Thôi thì để con bé lại mẹ nuôi, con xem đám nào ưng thì nhận lời người ta.” “Dạ không. Con không lấy chồng đâu.” Hai mẹ con ôm nhau trong chiều tà đẫm nước mắt.
Trong khi đó, ở đơn vị, anh làm sao hiểu được những gì diễn ra ở nhà, chỉ lao vào luyện tập những thao tác của ngư dân như thả lưới, kéo lưới, bắt cá. Học cả chiến thuật đi trên biển, cách xử lí các tình huống trong mưa bão và tác chiến khi bị địch bao vây. Đặc biệt phải tập cả cách cho tàu vào bến trong đêm tối đen như mực, cách thả hàng xuống nước để trên bờ đón nhận. Không ai bảo ai, những thủy thủ hiểu rằng đó là những công việc trọng yếu của mỗi chuyến đi nếu muốn giành thắng lợi.
Một buổi chiều, sau giờ luyện tập, anh nghe thông báo dự cuộc họp gấp. Bước vào phòng họp, anh đã thấy mọi người có mặt đông đủ.
Tiếng người chỉ huy trầm ấm:
- Các đồng chí đã trải qua quá trình huấn luyện để thực hiện nhiệm vụ bí mật vận chuyển vũ khí vào chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam bằng đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là con đường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, thể hiện ý chí, khát vọng độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc của toàn dân tộc. Các đồng chí sẽ được phân công về các tàu không số. Gọi là tàu Không số nhưng con tàu sẽ có rất nhiều số được thay liên tục để bảo đảm bí mật cho tuyến đường. Trước khi ra khơi, những chiếc tàu phải cải trang thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển. Các đồng chí phải xác định mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, sóng gió. Công việc này đòi hỏi phải có ý chí kiên định, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và chấp hành kỷ luật nghiêm minh. Tôi tin các đồng chí sẽ chịu đựng được những gian nan, thử thách của thiên nhiên và của kẻ địch. Đây là một nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng rất nặng nề. Nếu trên bộ, các đồng chí tìm giặc mà đánh thì trên biển lại phải tránh giặc mà đi để bảo vệ hàng hóa. Đồng bào miền Nam đang gọi ta, đang hướng về ta. Các đồng chí chuẩn bị khi có lệnh là lên đường.
Chuyến đi đầu tiên. Màn đêm bao trùm mặt biển trong ràn rạt gió. Con tàu 154 lầm lũi, xé sóng lao đi. Anh đứng lặng trên boong tàu. Cồn lên nỗi nhớ nhà, lấy trong túi áo tấm ảnh đứa con đầu lòng 6 tháng tuổi vợ anh mới gửi ra, ngắm nghía rồi dõi mắt về nơi xa. Nơi ấy là căn nhà nhỏ yên bình sau lũy tre xanh, là người vợ hiền với tiếng bi bô của đứa con ngày đêm ngóng chờ anh. Bãi bờ dần khuất xa. Trước mắt anh là mênh mông sóng nước. Trong đầu anh chợt ngổn ngang bao câu hỏi rồi tự giải đáp. Anh đặt ra các giả thiết, các tình huống trong chuyến đi bởi anh biết từ năm 1965, sau sự kiện Vũng Rô, kẻ địch thực hiện một loạt kế hoạch ngăn chặn mọi sự chi viện ở miền Bắc vào. Chúng đưa hạm đội Bảy vào biển Đông, ngăn chặn sự thâm nhập của “Bắc Việt” vào Nam bằng đường biển. Bên cạnh đó, lực lượng đặc nhiệm gồm nhiều tàu khu trục, tàu quét mìn, tàu tuần tiễn ven bờ, máy bay trinh sát cảnh giới ven bờ và các lực lượng khác hoạt động ngày đêm. Trong suốt hành trình sẽ là bốn bề biển khơi với bao nguy hiểm rình rập, là kẻ thù luôn nhòm ngó, bủa vây. Nhưng nếu cứ để những suy nghĩ đó ngự trị trong đầu thì sẽ nhụt ý chí chiến đấu. Tổ quốc đã gọi, đâu cần ta cứ đi. Anh mỉm cười chìm sâu vào giấc ngủ.
Bình minh ló rạng chân trời. Một ngày mới bắt đầu. Những tấm lưới được chăng lên. Trên boong tàu, các thủy thủ đi lại, nói cười rôm rả. Những nét mặt cương nghị, những mái tóc dài lâu ngày chưa cắt bết lại trong cái mặn mòi của biển khơi. Những ánh mắt dõi xa phía chân trời phát hiện những dấu hiệu khả nghi. Từng đợt sóng lừng sầm sập xô vào mạn tàu. Con tàu lúc chồm lên, lúc hụp xuống chẳng khác chiếc lá tre bé nhỏ giữa trùng khơi mênh mông. Gần trưa, nồi cơm vừa bắc lên bếp đã đổ ụp xuống. Lại vo gạo, nhóm lửa. Sóng xô, sóng lắc, nước lại trào ra. Chỉ có nồi cơm mà đánh lộn với sóng gió mấy tiếng đồng hồ mới chín được. Càng vào gần đến Cà Mau, sóng càng giảm thì nguy cơ chạm trán địch càng nhiều. Sẽ có lúc phải đi xa bờ, vòng ra hải phận quốc tế rồi mới tìm cách vào bến. Những thủy thủ dạn dày sóng gió từ trước phải dựa vào kinh nghiệm, dựa vào địa hình ven bờ và đặc biệt phải dựa vào thiên văn, quan sát mặt trăng, mặt trời, các vì sao để xác định phương hướng mình đang ở đâu giữa vũ trụ rộng lớn bất tận. Mọi động tĩnh, mọi thay đổi trên mặt biển đều được các anh chụm đầu phán đoán, phân tích để nhanh chóng tìm ra cách giải quyết kịp thời.
Một buổi chiều, con tàu đang nhẹ nhàng lướt sóng, chợt có tiếng người chiến sỹ trực canh vang lên: “Báo cáo thuyền trưởng, phía mạn trái có một tàu đang lao về phía tàu ta.” Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu bình thản: “Các cậu cứ bình tĩnh. Kệ nó. Mọi người triển khai công việc như đã phân công. Khi nào nó đi sát vào tàu mình, các cậu cứ làm theo tôi.” Các thủy thủ bắt tay vào việc. Người thì phanh ngực trần với những hình xăm kì quái, đứng chống nạnh, ngắm trời, ngắm biển. Người thì lúi húi gỡ lưới, người nhặt nhạnh những con cá nằm la liệt trên boong. Quả nhiên không lâu sau, chiếc tàu lừng lững tiến gần sát tàu 154. Ánh mắt Nguyễn Văn Hiệu quét qua những bộ quần áo rằn ri, những nét mặt hầm hầm sát khí rồi giơ tay vẫy vẫy: “Hê lô...” Anh quay lại phía Phong: “Em lấy ít hoa quả mang lên đây.” “ Làm gì hả anh?” “ Khẩn trương lên.” Lát sau, Phong chạy lên, chìa vạt áo. Anh Hiệu nhặt từng quả cho vào túi, bước đến sát mạn tàu. Bọn giặc thấy lạ, ùa ra, nghênh ngang trên boong. Phong cùng một vài anh em đứng bên giơ tay lên vẫy. Anh Hiệu tung gói hoa quả. Một vài tên nhảy lên đón lấy, nhồm nhoàm nhai. Thuyền trưởng Phùng Văn Đặng bẻ lái, cho tàu chạy hướng khác. Biển trở lại dịu êm. Phong nắm chặt tay chính trị viên: “Anh giỏi quá”. “Giỏi gì đâu em. Điều quan trọng là mình phải bình tĩnh quan sát để xử lí. Nếu phát hiện ra mình, định nổ súng, thì thái độ chúng sẽ khác. Nếu chúng quyết bắt sống, mình lại có phương án khác để đối phó. Quyết không để chúng cướp những thứ vũ khí được đổi bằng mồ hôi, nước mắt, bằng máu xương đồng đội.” Đêm hôm đó, sau ca trực, anh không sao chợp mắt. Mọi cảm xúc ùa về. Anh lặng lẽ lên boong. Mặt biển phẳng lặng. Muôn ngàn vì sao nhảy nhót giỡn đùa dưới sóng. Vầng trăng sáng vằng vặc như dát vàng lên mặt biển. Anh hình dung giây phút gặp đồng chí, đồng bào, giây phút trao cho họ những thùng hàng mà anh biết chắc chắn trong đó là vũ khí, là thuốc men, là tình cảm yêu thương, gửi gắm của cả nhân dân miền Bắc đến đồng bào miền Nam. Nơi tàu của anh giao hàng là bến Vàm Lũng thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là điểm cuối cùng của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Theo lời thuyền trưởng Phùng Văn Đặng thì nơi đây có một con rạch lớn sâu khoảng 3m cùng mạng lưới kinh rạch chằng chịt, bên trên là những cánh rừng đước, rừng mắm đan xen che kín tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và cất giấu vũ khí. Còn cách bờ không bao xa, thuyền trưởng phát hiện trong gần bờ có rất nhiều ánh đèn. Ban chi ủy gấp rút bàn bạc. Nhiều phương án được đưa ra. Có thể là đèn trên tàu đánh cá của người dân. Đó là điều thuận lợi cho ta. Có thể là đèn của tàu địch. Nếu thế thì vô cùng nguy hiểm, bởi trải qua bao sóng gió, chuyến hàng đã gần cập bến. Không còn cách nào khác, đành phải vòng trở ra vùng biển quốc tế. Ngày hôm sau, tàu 154 tiếp tục quay trở lại. Sau ánh đèn phát tín hiệu, mọi người nín thở, căng mắt dõi vào đêm đen. Kia rồi. Anh thở phào khi ám hiệu trong bờ lóe sáng. Con tàu lặng lẽ vào bờ theo hướng dẫn của giao liên. Liên tiếp trong ba ngày, tàu của anh được che chắn bởi những tán cây rừng, để đến đêm, việc vận chuyển hàng diễn ra khẩn trương, nhịp nhàng trong im lặng.. Chỉ có tiếng thì thào lẫn trong âm vang sóng biển: “Chúc các đồng chí mạnh khỏe, lập nhiều chiến công.” “Chúc các đồng chí vững vàng trước bão tố, trước kẻ địch. Cho chúng tôi gửi lời chào, lời cảm ơn đến toàn thể nhân dân miền Bắc. Hẹn gặp nhau ngày đất nước thống nhất.”
Mỗi chuyến đi là một thử thách giúp anh và các thủy thủ học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Không còn cảm giác lo lắng bồn chồn như thuở ban đầu. Có những chuyến, vừa qua vĩ tuyến 17 đã phải quay về vì tàu địch suốt ngày dõi theo, săm soi từng hành động trên tàu, để khoảng nửa tháng sau tiếp tục nhổ neo. Có chuyến, tàu phải dừng lại 3-4 lần, tấp vào các đảo nghỉ ngơi nhưng thực ra là tranh thủ sơn lại tàu, thay số hiệu rồi tiếp tục cuộc hành trình.
Sau 6 chuyến trót lọt, bước lên mang tàu số hiệu 645, nhận nhiệm vụ làm thủy thủ kiêm pháo thủ cho chuyến đi thứ 7, người anh gặp đầu tiên là Lê Hà. Qua vài câu chuyện, họ đã trở lên thân thiết. Những hôm trời yên biển lặng, anh nghe Lê Hà kể về người mẹ thân yêu, về vùng quê Phước Hải (Tỉnh Bà Rịa). Vào những năm 1958-1959, cách mạng miền Nam ở vào tình thế khó khăn trăm bề. Không có vũ khí, bộ đội, dân quân du kích hầu như vừa đánh vừa cướp vũ khí của giặc để đánh giặc. Xứ ủy Nam Bộ quyết định mở bến, sắm thuyền và cử anh Dương Quang Đông, người từng tham gia công tác vận tải trong thời kì kháng chiến chống Pháp vượt biển ra Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí cũng như dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam. Với 100 ngàn đồng trong tay, nhóm bốn người do anh làm nhóm trưởng tiến hành công việc. Một hôm, trên đường đi ra biển làm nhiệm vụ, họ bị phục kích. Ba người hy sinh, bọn giặc lục lọi, cướp số tiền ít ỏi của các anh. Trước tình hình đó, má Mười, mẹ của thuyền trưởng Lê Hà cho cách mạng “vay” 10 lượng vàng. Sau đó bà tiếp tục đi vay mượn thêm 20 lượng để sắm thuyền, lưới. Công việc xong xuôi, một tổ sáu người được giao nhiệm vụ lên tàu ra Bắc trong đó có Lê Hà. Ròng rã suốt ba tháng trời, vượt bao hiểm nguy, cuối cùng các anh cũng về đến Hà Nội và được biên chế vào đoàn 759. Từ đó, Lê Hà trở thành người thủy thủ can trường trên các chuyến tàu chở hàng vào Nam. Trên chuyến tàu này, anh là thuyền trưởng.

Ngày 12/4/1972, tàu của anh được lệnh nhổ neo. Ngày đêm lênh đênh trên biển, mặc dù máy bay trinh sát và tàu khu trục của Mỹ luôn theo sát, đến ngày 23/4/1972, tàu của anh đi vào vịnh Thái Lan. Các thủy thủ thở phào, nhẹ nhõm. Sắp được gặp mặt những đồng đội thân yêu. Những thùng hàng sắp được cập bến để chia lửa cho đồng bào, đồng chí. Đầu giờ chiều, ba chiếc tàu chợt lù lù xuất hiện. Hai chiếc chia nhau cặp kè bên mạn tàu 645. Xuân Phong thấy cậu báo vụ vội vã vào phòng lái với nét mặt căng thẳng: “Trên báo về. Có động. Quay ra ngay”. Thuyền trưởng Lê Hà cùng chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu chụm đầu bàn bạc. Lát sau, con tàu xé sóng lao về hướng đông. Hai tàu khu trục đang lượn lờ ngoài xa vội vàng bám theo. Chợt pháo sáng lóe lên. Dưới ánh sáng mờ xanh, thuyền trưởng Lê Hà nhìn rõ ba chiếc tàu bám sát phía sau. Anh cho tàu tăng tốc, nhằm hướng Ma-lay-xi-a lao đi. Ba chiếc tàu thay đổi chiến thuật. Hai chiếc bám sát mạn tàu, một chiếc lao lên trước mũi tàu 645, bắc loa gọi hàng. Chính trị viên động viên anh em: “Các đồng chí bình tĩnh, chuẩn bị tinh thần quyết chiến với chúng”. Chợt anh thấy cả con tàu như rung lên. Hàng loạt đạn dồn dập, xối xả từ phía tàu địch bắn sang tàu 645. Lê Hà vững tay lái, cho con tàu khi thì chạy bên phải, lúc ngoặt sang trái tránh những luồng đạn của kẻ thù. Bốn chiến sĩ hy sinh. Phong nghiến răng. Chợt thấy bắp chân đau nhói, nhìn xuống, anh thấy máu thấm ướt ống quần. Tự băng bó xong, anh cố sức bò vào buồng máy: “Báo cáo…”. “Em cố lên. Về vị trí điểm hỏa một tiếng nữa cho nổ”. Tiếng thuyền trưởng Lê Hà dõng dạc trong lúc anh Hiệu hối hả hủy tài liệu. Quay trở về vị trí của mình, điểm hỏa xong xuôi, chợt anh có cảm giác cả người chao đảo, chông chênh. Tất cả như quay cuồng trước mặt. “Đứt xích lái rồi.” Một chút băn khoăn. Một chút lo lắng. Vừa lúc đó, anh nghe tiếng Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu dứt khoát: “Các đồng chí chuẩn bị rời tàu theo lệnh của thuyền trưởng. Tôi, đồng chí Lăng, đồng chí Thắng ở lại đánh bộc phá” “Không. Đồng chí cho tôi ở lại” Nguyễn Xuân Phong nhìn chính trị viên, khẩn khoản. “Không được. Các đồng chí. Chấp hành mệnh lệnh”. Không ai bảo ai, tất cả 16 thủy thủ nhìn người đồng đội thân yêu của mình thoăn thoắt kiểm tra những khối lớn thuốc nổ ở mũi, thân và đuôi tàu với các loại kíp nổ. Con tàu mất lái cứ quay tròn trong tiếng đạn gầm rít. Biết đồng đội còn nấn ná, chưa muốn rời xa tàu, Nguyễn Văn Hiệu chạy lên boong, khum hai tay làm loa: “Các đồng chí về báo cáo với đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Hãy bơi đi. Đừng chần chừ. Nếu không may rơi vào tay địch, các đồng chí gắng giữ vững ý chí. Một ngày gần nhất, Đảng và chính phủ sẽ đón các đồng chí về. Cho tôi gửi lời chào mọi người”. Tiếng nói của anh lan xa trên ngọn sóng, át tiếng súng rền. Không ai bảo ai, các thủy thủ lặng lẽ rời xa tàu. Một tiếng nổ lớn ầm vang khắp mặt biển. Một cột nước khổng lồ vút lên, dựng đứng như tháp nước. Con tàu chìm dần, chìm dần. Mặc sóng đập vào ngực tưởng nát nhừ. Mặc sóng hất tung lên cao rồi dìm sâu dưới đáy vực sóng, tất cả cùng gào lên: “Anh Hiệu ơi…” Lời gọi thiết tha cháy bỏng. Lời tiễn biệt lần cuối cùng mặn chát, tắc nghẹn trước sự hy sinh anh dũng của người cán bộ chân chất, hiền lành, tình nghĩa gắn bó với Phong trong suốt bảy chuyến đi. Cuộc đời của Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu là cuộc đời của một con người vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Năm 1954, tạm biệt quê hương Thăng Phương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), anh tập kết ra Bắc. Năm 1962, anh về đoàn “tàu không số”. Từ vị trí thủy thủ, anh làm thủy thủ trưởng, rồi làm chính trị viên. Thủy thủ trên tàu coi nhanh như người anh cả với bản tính chu đáo, chăm lo cho từng thành viên, là chỗ dựa vững chắc, thân tình, gần gũi với mọi người. Giờ đây, sóng biển đã đón anh vào lòng. Biển sẽ hát ru người con trung hiếu quên mình vì đất nước trong giấc ngủ bình yên.
Lênh đênh giữa sóng cả, nhức nhối với bao vết thương trong những đợt sóng dồn, sóng lắc, anh vẫn gắng sức bám vào phao. Phía trong kia là bến bờ, là những đồng đội thân yêu đang ngày đêm ngóng chờ từng hòm vũ khí. Phía xa kia là quê nhà với đứa con thơ dại, người vợ hiền tảo tần sớm hôm đợi anh về. Quê hương Hải Hậu có bốn thủy thủ thì Lê Hồng Lân, Phạm Văn Giang đã hy sinh, chỉ còn anh và Vũ Thanh Toàn. Kiệt sức, rã rời, anh có cảm giác đang chìm dần, chìm dần. Có ai biết sâu dưới lớp sóng dữ, biển cả lại dịu êm dường này. Tỉnh lại, anh thấy mình đang nằm trên chiếc giường trắng toát. Ngoài cửa, hai tên lính bồng súng đi đi lại lại. Khi vết thương ổn định, chúng đưa anh về trại giam ở Biên Hòa. Bắt đầu những ngày đấu trí, đấu lực với lũ ác ôn. Mọi thông tin về bản thân đã được các anh thống nhất từ những ngày trên tàu nếu không may rơi vào tay kẻ địch. Mặc đòn tra khảo, anh vẫn một mực khai là Nguyễn Hồng Phú. Quê: xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà. Nghề nghiệp: Đánh cá trên biển. Không khai thác được gì, tháng 7/1972, chúng chuyển anh ra Phú Quốc. Lại những ngày tháng ngày tra tấn, kìm kẹp, đọa đầy. Sau Hiệp định Pari, ngày 10/3/1973, chúng buộc phải trao trả anh bên bờ sông Thạch Hãn. An dưỡng, nghỉ ngơi tại Tuyên Quang, đến ngày 27/6/1973, anh mới được về thăm nhà.
Ngày 10/3/1974, phục viên trở về quê hương, anh tham gia làm việc trong hợp tác xã mua bán suốt 16 năm. Mặc nỗi nhức nhối do vết thương mỗi khi trái gió, trở trời, mặc ốm đau, bệnh tật, anh làm việc không ngừng, không nghỉ. Hình như anh lấy công việc bù đắp, san sẻ cho những khó khăn, vất vả mà người vợ hiền gánh vác bao năm qua. Có anh, chị rảnh rang thêm để làm tốt vai trò người cán bộ Hội phụ nữ xã trong suốt 12 năm. Là cán bộ nòng cốt của Hội Người cao tuổi, thời gian gần đây, chị đi “xin” được 10 triệu cho những hoạt động của đội văn nghệ chi hội người cao tuổi của xóm. Bên cạnh đó, chị còn tư vấn cho Hội chữ thập đỏ đi quyên góp được 40 700 000đ. Trong đó một phần ủng hộ cho những người có hoàn cảnh khó khăn và một phần cho vào quĩ để hoạt động. Hàng năm, đến ngày giỗ của hai liệt sĩ cùng quê hương Hải Hậu, anh đều đến nhà thắp hương trong nước mắt nghẹn ngào, hướng về những đồng đội thân yêu vẫn còn ở lại với biển khơi. Có lần, trong hương khói mờ ảo, anh thì thầm với liệt sĩ Lê Hồng Lân: “Anh biết không, ngay trong đêm 23, vợ anh đã sinh cho anh một đứa con trai thì ngày 24, anh hy sinh để bảo vệ tàu. Bây giờ, con trai Lê Hải của anh đã nối nghiệp cha, là Trung tá, thuyền trưởng tàu cảnh sát biển. Hãy yên lòng nhé anh. Con trai anh và chúng em sẽ làm tiếp những việc anh chưa kịp làm.”
Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Biết bao người như Nguyễn Văn Hiệu, Lê Hà, Lê Hồng Lân, Vũ Thanh Toàn, như Nguyễn Xuân Phong mà “Không ai biết mặt, đặt tên/Nhưng họ đã làm ra Đất nước”(Nguyễn Khoa Điềm). Có những người mãi mãi nằm lại nơi biển cả. Còn những người trở về với đời thường, họ nâng niu những tấm huân chương, huy chương, tấm bằng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân để nhớ về một thời oanh liệt, cất đi, rồi lẫn vào với đồng ruộng, góc phố, núi đồi để mưu sinh. Những hào hùng của một thuở chiến trường chỉ như một cơn gió thoảng qua. Bao năm rồi nhưng Xuân Phong vẫn nhớ như in những lời tâm sự của thuyền trưởng Lê Hà: “Cứ mỗi lần khó khăn, mình lại nghĩ đến anh Hiệu, đến những đồng đội tàu 645 đã hy sinh ở vùng biển Tây Nam để mà sống, mà vượt qua những khó khăn, trớ trêu của cuộc đời để sống đúng như một con người và đừng bao giờ hổ thẹn với hai tiếng ấy.” Hai tiếng CON NGƯỜI ở đây tôi muốn viết hoa. Hai tiếng ấy tôi muốn dành cho các anh, bởi các anh là biểu tượng của ý chí sắt đá, lòng dũng cảm, mưu trí, sức sáng tạo phi thường đã làm nên một kỳ công chiến lược, độc đáo về nghệ thuật quân sự trên đường Hồ Chí Minh trên biển, làm nên “kì tích huyền thoại, thiên anh hùng ca bất hủ, mốc son chói lọi, biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ, sự hy sinh, lòng dũng cảm, ý chí độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của toàn thể nhân dân Việt Nam”(Lời khắc trên tượng đài ở bến Nghiêng) giữa trùng dương vạn dặm biển Đông.
Phạm Hồng Loan
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Nam Định
ĐT 0913 515 562.
Gmail: hongloannd2010@gmail.com