Cây Bằng lăng cuối phố - Tập thơ của tấm lòng người lính.

Ngày đăng: 07:57 13/04/2025 Lượt xem: 158
 
Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------

CÂY BẰNG LĂNG CUỐI PHỐ -
TẬP THƠ CỦA TẤM LÒNG NGƯỜI LÍNH.

 
Chung Tiến Lực
 
       Tập thơ “Cây bằng lăng cuối phố” của tác giả Đỗ Thu Yên là một tập thơ lính! Thơ viết cho đồng đội và vì đồng đội. Hình tượng người chiến sỹ là hình tượng chủ đạo và trung tâm của tập thơ. Những bài thơ mang thần thái rất điển hình của thơ thời chống Mỹ (cái thời tác giả đã sống một thời tuổi trẻ ở Trường Sơn). Thơ Đỗ Thu Yên không đánh đố câu chữ, không quái dị trong hình tượng thơ và tư duy thơ do vậy dễ đọc, dễ nhớ. Thơ giản dị, được làm theo thể thơ tự do và lục bát. Hồn thơ lai láng, đằm thắm, giàu cảm xúc. Câu gọi câu, chữ gọi chữ theo một mạch tuyến tính. Thơ Đỗ Thu Yên có cốt truyện, mỗi bài thơ có câu chuyện ở đó, thẫm đẫm tình người với những tâm tư, tình cảm sâu sắc, chan chứa tình đồng đội trên tuyến đầu chống Mỹ. Âm vang của ký ức xuất hiện với những dạng thức khác nhau.
       Tình đồng đội trong thơ Đỗ Thu Yên thật cảm động và chân thành. Đó là đau nỗi đau mất mát:
“Đêm nay rừng vắng lặng hơn
Người lính đánh đàn không về nữa
Anh hi sinh trên đường hộ tống Thương binh” ...
       Và đau vết thương đạn bom trên thân thể đồng đội:
“Anh thức dậy trong cơn đau tê dại
Vẫn thấy em thức trắng trong đêm” ...
       Hay:
“Lặng lẽ dịu dàng bên gường bệnh
Làm dịu đi những vết thương đau” ...
       Vâng, chỉ có sống chết bên nhau mới có những tình cảm thân thương ruột thịt như thế:
“Khi em đến
Anh chỉ kịp nắm bàn tay đặt lên trái tim mình”
Và đây, sự hồn nhiên con gái nơi chiến trường máu lửa:
“Chị đọc to trong căn hầm con gái
Thư hai người lính yêu nhau có gì phải giấu...”
       Thơ Đỗ Thu Yên có những lóe sáng bất ngờ. Sự lóe sáng trong mỗi bài thơ. Đó là những câu thơ hay:
“Có phải em đã hóa hoa cỏ may
Vương trên áo anh những ngày ra trận”
       Hoặc:
“Em đã ghim vào mãi mãi tim tôi” 
       Phải có một tâm hồn đa cảm, nhạy bén lắm mới có thể tiếp nhận và phóng đại lên những tác động bé nhỏ đến tinh vi như hoa cỏ may vào cuộc sống giống như sợi dây tơ mỏng mảnh là vậy mà khi đụng vào vẫn rung lên những âm thanh huyền diệu. Thơ Đỗ Thu Yên một hồn thơ trữ tình, tha thiết:
“Ta lạc nhau suốt mọt thời tuổi trẻ”
       Hoặc:
“Trường Sơn in dấu chân con
Thương mẹ năm tháng mỏi mòn chờ mong”
       Hay:
“Rừng xanh mắt lá em chờ”
       Ai cũng biết con cái là hình ảnh lưu lại, trở lại của bố mẹ nhưng để viết ra như Đỗ Thu Yên thì không dễ:
“Bao năm cha mẹ khuất xa
Nhìn em tôi thấy mẹ cha rất gần”
       Và một mùa xuân rất lính:
“Một chút dịu ngọt tháng ba
Con tim gõ nhịp chan hòa sắc xuân”
       Tuy vậy trong tập thơ còn những khiếm huyết đáng tiếc như sai chính tả: “trở quân” (Hà Nội của tôi) một số lỗi do đánh máy. Còn có câu dôi dư chữ “Cô thầm gọi tên anh từ khắp nẻo chiến trường” (Bản tình ca) Nhưng tôi tin những ai đã qua chiến trường khi đọc tập thơ này đều thấy hình ảnh của chính mình và đồng đội mình trong đó – Ôi một thời đạn bom.
       Trân trọng cám ơn tác giả Đỗ Thu Yên đã khắc họa hình tượng người lính trong những câu thơ rất chân thành. Cách kể chuyện giản dị, mộc mạc, thấm đẫm tình yêu thương, tình đồng đội, mang hơi thở cuộc sống nơi chiến trường bom rơi đạn nổ. Thơ Đỗ Thu Yên rung động lòng người về một thời chưa xa.

 
tin tức liên quan