Nguyễn Hữu Quý và những bài thơ được chọn đưa vào đề thi tại các Nhà trường Giáo dục Phổ thông

Ngày đăng: 10:41 21/05/2025 Lượt xem: 21

NGUYỄN HỮU QUÝ VÀ NHỮNG BÀI THƠ ĐƯỢC CHỌN ĐƯA VÀO ĐỀ THI


 
 
IM LẶNG

Sinh ra kề mắt bão
mẹ bọc tôi trong vạt phù sa
cái cuống rốn người vùi nơi gốc rạ
im lặng rễ đồng nhập vía hồn tôi
 
Tôi lớn lên với cây lúa ít lời
sau giông gió chỉ nói bằng hạt chín
hạt lép tập bay, hạt đầy học nhịn
lúa dạy tôi ngôn ngữ chiêm mùa
 
Tôi học ướt từ mưa
học khô từ nắng
học lội từ bùn
học hát từ trăng
học chắt chiu từ chua mặn đồng làng
và, sau nữa tôi học về im lặng
 
Im lặng rễ, im lặng cành, im lặng…
ừ nhỉ, thảo thơm đâu cần phải nhiều lời
sau vỏ trấu là trắng ngà hạt ngọc
chứa những điều ân nghĩa chẳng xa xôi
 
Biết im lặng khó hơn mười lần nói
lặng lẽ đi cũng chẳng phải dễ dàng
tôi nín lại tiếng reo mùa ló rạng
để ra đồng cúi mặt cấy mạ non!
  

CƠN MƯA RỪNG CHIỀU NAY

Mấy mươi năm lặng lẽ dưới rừng sâu
chúng tôi đến đưa anh về với mẹ
tây Trường Sơn chiều nay mưa tầm tã
thác trời tuôn, nghiêng ngã gió bốn bề
 
Tấm ni lông dành che hài cốt
chúng tôi như cây đẫm buốt mưa rừng
tay đồng đội nâng niu đồng đội
cơn mưa rừng trào khóe mắt rưng rưng!
 
Dưới cơn mưa là nén hương cháy dở
chút hương quê chưa thơm hết lòng mình
đỉnh non cao òa cơn sóng vỡ
nhịp tim dồn thao thức phía bình minh.
 
Hóa thành đất cái gia tài của lính
vóc dáng mẹ cho cũng đã đất rồi
thành đất cả dòng tên cha gọi
đất khai sinh ngọn lửa dưới mưa trời!
 
Ngày mai anh về với mẹ
gửi lại cơn mưa thao thiết cho rừng
nắm đất Trường Sơn bọc trong vuông vải nhỏ
như lửa đầu nguồn thắm mạch đất quê hương
 

SOI GƯƠNG GIẾNG NGỌC 

Tôi soi vào Nước ngàn xưa
thấy dân đi cấy với vua đi cày
núi Hùng chim Lạc rợp bay
hoang sơ xóm mạc tháng ngày hồn nhiên
Thậm Thình vọng tiếng chày đêm
lúa Giao Chỉ đã chín lên hai mùa
trời tròn đỏ nắng, trắng mưa
đất xanh cây cỏ, gió lùa ba sông.
 
Tôi soi vào Cội nguồn trong
thấy Tiên là mẹ, thấy Rồng là cha
thấy mình là nụ, là hoa
hương thơm từ thuở xưa xa thơm về
thạp đồng rung nhịp đam mê
nghìn năm kẽo kẹt sinh quê đẻ làng
rộng dài một dải giang san
linh thiêng trời đất đa mang khởi đầu!
 
Tôi soi vào Cõi lắng sâu
thấy voi đánh giặc về chầu Tổ tiên
ráng hồng ngựa sắt bay lên
áo bào để lại bồi đền phù sa
dẻo thơm kính mẹ, dâng cha
miếng cơm địu sắn tương cà nuôi nhau
vôi nồng quấn quýt trầu cau
ai ru thắm thiết nỗi đau lỡ làng.
 
Tôi soi vào Chốn dịu dàng
thấy trong cát mịn ánh vàng trái tim
mịt mù tăm cá, bóng chim
cái duyên lặn lội đi tìm cái duyên
núi che lán, sông chở thuyền
bão giông, ôm lấy lời nguyền trăm năm
lứa đôi cứ vậy nồng nàn
gái trai thành nước non ngàn dặm xanh…
 

TẤM VÉ TÀU THỒNG NHẤT DÀNH CHO CHA
(Chuyện kể:Có đôi vợ chồng trẻ vào Nam tìm hài cốt cha là Liệt sĩ thời chống Mỹ.
Khi về, anh đã mua 3 tấm vé tàu Thống Nhất…)
 

Ngày Cha ra trận
giọt máu của Người chưa bật khóc!
Mẹ lẻ loi
              vượt cạn
đất phương Nam
Cha
       ngã xuống miệt vườn…
Bốn mươi năm sau
Cha trở lại quê hương
trên con tàu Thống Nhất
Chiếc ba lô từng theo Cha đánh giặc
nay ấp iu Cha trong cuộc trở về
 
Tấm vé tàu con mua cho cha
cũng bình thường như bao tấm vé khác.
Chỉ khác
nó không bị xé đi một góc khi Cha bước lên tàu
suất cơm kèm theo dành cho khách vẫn còn nguyên

    ngồi thay Cha
                         trên ghế mềm
                                      là chiếc ba lô đựng hài cốt!
Con tàu đi trong rập rình cơn bão
mây ngoài kia như hương khói bay cùng
chiếc ba lô rưng rưng
qua bao dải đất nghèo
sông
       núi
             nghiêng
                          nghiêng
mộ
      bia
            trùng
                    điệp
bên cánh rừng già
                            bập bùng ngọn bếp
trầu cau nào
                   thắm lại
                                Vọng phu?
Chiếc ba lô rưng rưng
Cha nghe lại cuộc đời
Cha nhận lại một thời trai trẻ
bên ngực trái
                    phập phồng
                                       tờ nhập ngũ
bên ngực phải
                      buôn buốt tờ báo tử
và, bây giờ
                 một tấm vé hồi hương!
Cha ơi!
Trong hình dung của con
chiếc vé tàu Thống Nhất
là tấm chứng minh thư của người lính chiến trường
ra đi là Cha
       trở về cũng là Cha
                        không mất!
Một tấm vé tàu
             chỉ một
                         đưa Cha về với Mẹ
Mùa ngâu…
 

VƯỜN MẸ MAI VÀNG 

Ngấn lũ mùa thu
              in trong ký ức
con đi xa, thương mẹ vô chừng!
 
Những cánh đồng van vát miền Trung
neo vào Trường Sơn để không trôi ra biển
như chúng con
neo vào mẹ để còn xứ sở!
 
Mẹ tần tảo trong miền Trung chìm nổi
áo nối tay, gieo vớt những mùa màng
giọt mồ hôi rơi xèo đất hạn
củ sắn, củ khoai vùi bão ngọt bùi.
 
Hạt thóc chín vàng đọng bao nhiêu nỗi
mẹ ơi, nỗi nào không đắng đót núi sông
núi miền Trung dốc, sông miền Trung ngắn
mẹ miền Trung trĩu gánh gập ghềnh.
 
Tết con về quê, vườn mẹ mai vàng
như hương sắc cả năm dồn tụ lại
miền khắc bạc mùa xuân chừng ngắn ngủi
vẫn dâng đầy thơm thảo một miền Trung!
  

VẪN THẾ QUÊ HƯƠNG 

Chỉ thay đổi tên thôi
đất vẫn thế chẳng ai di dời được
vẫn sông núi nghìn năm thân thuộc
vẫn hồn quê thấm đẫm hồn người
 
Thấp thoáng đâu đây năm tháng tuổi thơ tôi
mẹ cuốc đất sỏi cơm tóe lửa
vạt sắn, vạt khoai, vạt mồ hôi một thuở
vẫn còn in vạt mặn quê nhà
 
Cái quầng muối loang loang trên áo vá
đấy là miền thương nhớ suốt đời tôi
chẳng mất được trong ta giọng nói
quê hương từng âm sắc rưng rưng
 
Thời bom đạn, chị ta mang súng
lớp học đơn sơ nửa nổi, nửa chìm
mái hầm chữ A khoai lang bò hoa tím
tôi yêu thơ khi gặp dế mèn cười
 
Biết nói sao đây cuộc đời chìm nổi
đi về đâu cũng làng mạc mang theo
cái gánh quê muôn vàn giai điệu
vời vợi trong ta những sớm, những chiều
 
Và ta biết chẳng bao giờ thiếu
tên quê hương trong căn - cước - trái - tim
ký ức vẫn giữ màu hoa tím
nét chữ học trò chẳng sáp nhập vào đâu!
 

Đại tá, Nhà thơ: Nguyễn Hữu Quý
(Phó CT Hội VHNT Trường Sơn)


tin tức liên quan