Đình làng - Truyện ngắn của Bùi Hoằng

Ngày đăng: 11:24 08/09/2017 Lượt xem: 1.425
ĐÌNH LÀNG
                                                                                                                 
Truyện ngắn của Bùi Hoằng

     Mấy hôm nay ông Tâm rất vui, không biết có chuyện gì, chuyện làng xóm, hay chuyện gia đình. Suy nghĩ mãi, gia đình thì có chuyện gì đâu. Buột miệng Bà Tâm nói với ông Tâm:
- Ông này ! không biết mấy hôm nay tôi thấy ông hơi khác đấy !
- Bà bảo tôi khác là khác thế nào ?
- Lâu rồi có thấy ông hay nói cười vậy đâu! Hay ông lại dở chứng dối già!
- Bà ơi! Bà chỉ nghĩ vớ vẩn. Này nhé, tôi với bà năm nay đã ngót nghét tuổi tám mươi rồi. Tôi cứ tưởng chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy ngôi đình làng xưa kia nữa. Vậy mà, bà biết không ! Vừa qua làng họp để thành lập ban tôn tạo lại đình làng đấy! Thật là vui quá phải không bà. Cứ thế này dù có phải đóng góp công sức, tiền bạc bao nhiêu cũng vui bà ạ!
Câu chuyện đã đưa ông Tâm trở về cái thời còn để chỏm. Ngày ấy khi ông khoảng chín, mười tuổi, ông thường theo ông nội ra đình vào các dịp lễ, tết. Ngôi đình làng xây dựng từ bao giờ thì không biết, chỉ biết ngôi đình được xây dựng trên một khu đất rộng rãi, thoáng mát. Đình gồm có năm gian và hai trái, bên trong cứ tưởng như là đình bảy gian. Ngôi đình quay ra hướng đông nam, bốn mái cong cong trông thật đẹp. Đình được trạm trổ công phu rất nhiều các con vật và các hoa văn. Cột đình to một người ôm không xuể. Toàn bộ kết cấu của đình được liên kết vững chãi. Ngôi đình là trung tâm hội họp, vui chơi trong các dịp tết đến xuân về. Đình cũng là nơi các chức dịch trong xã hội phong kiến dùng để thu thuế. Nói đến đình là nói đến nơi thờ phụng Thần Hoàng của cả làng. Kể chuyện về đình làng thì nhiều lắm, nhưng điều mà ông Tâm nhớ không thể quên là: cứ mỗi dịp có lệ làng, là ông lại được cùng đi với ông nội ra đình. Vì ông nội là cụ Thủ từ, mà đã là người được làng tín nhiệm bầu làm Thủ từ thì người đó phải biết chữ nho, biết các bài cúng và biết một số các thủ tục tế lễ. Được cái ông nội ông trước kia thường được cụ nội cho đi học với thầy nho một thời gian, vì vậy những năm ông Tâm còn nhỏ và sau này lớn lên thì ông nội vẫn được tín nhiệm cử làm Thủ từ đình làng. Tháng năm trôi đi, ông Tâm tham gia quân du kích rồi vào bộ đội lên Tây Bắc. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông lại lăn lộn khắp các chiến trường miền Nam. Đất nước thống nhất, trai làng ra trận lần lượt trở về, nhưng ông mãi tới năm 1980 mới được xuất ngũ với cái thẻ bệnh binh. Khi ông trở về cũng là lúc những người lãnh đạo ở địa phương đang hô hào phá dỡ bỏ tất cả các đình, miếu, kể cả nhà thờ của các dòng họ. Lúc ấy họ cho rằng nơi ấy là nơi sinh ra các tục lệ mê tín dị đoan, chứ họ đâu có hiểu được rằng chính nơi ấy là nơi thờ phụng các vị tiền bối đã có công với đất nước và đã được các triều đại vua phong chức tước, bằng sắc...Cũng có đình làng lại thờ phụng các vị có công khai phá, lập ấp để sau này trở thành làng, xóm. Từ những sự sai lầm về nhận thức trong công tác lãnh đạo của một số cán bộ thời ấy mà biết bao những di tích văn hóa được gắn liền với làng quê, cây đa bến nước đã bị phá dỡ một cách không thương tiếc. Để cho các thế hệ sinh sau không còn được chiêm ngưỡng những di sản văn hóa mà cha ông xưa đã để lại. Nhớ lại những kỷ niệm ấy không sao cầm lòng được. Hình ảnh những ngôi đình, cây đa, cây bàng cổ thụ, rồi những bến nước ngày ngày cùng lũ bạn bè bơi lội đánh trận giả trên sông giờ đây chỉ còn trong ký ức.
    Ông Tâm trở về cuộc sống đời thường, cũng lắm lo toan vất vả. Sau khi nghỉ ngơi được vài ba tuần thì ông Bản là bạn cùng thời chăn trâu, cũng đã vào Nam ra Bắc với biết bao thương tật của chiến tranh, hiện tại là chủ nhiệm HTX. Ông Bản đến động viên ông cùng tham gia Ban Quản trị HTX. Là người lính ông không thể từ chối, vậy là hết đội trưởng phụ trách nông nghiệp lại Phó Chủ nhiệm chăn nuôi. Công việc cứ cuốn hút ông hết năm này qua năm khác, nhiều khi thấy mệt mỏi muốn xin nghỉ, nhưng nhân dân tín nhiệm lại phải cố gắng phục vụ. Đôi khi nằm suy nghĩ, ông thấy trong thôn, trong xã cũng nhiều người trong quân ngũ trở về mà đâu phải ai cũng được bà con tín nhiệm như vậy. Hơn nữa tự bản thân ông thấy mình làm việc cho tập thể, cho dân rất toàn tâm, toàn ý, bằng ấy năm làm việc không bao giờ tơ hào một hạt thóc của tập thể và cũng không làm điều gì để nhân dân phàn nàn. Nhiều lúc ông Tâm, tâm sự với vợ: - Bà này bằng ấy thời gian làm việc ở HTX, rồi Văn phòng Ủy ban,  bây giờ nghỉ chẳng phải mang tiếng gì cả, vậy mà dạo nọ cô Mai lại bảo: Khi còn làm việc, anh dại lắm. Làm cán bộ mà nhà chẳng có thứ gì đáng giá. Chứ như mấy tay ở xóm Đông, nhà như sơ mướp. Thế mà chỉ vài năm len chân vào mấy cái ghế ở xã, đến nay trong nhà chẳng thiếu thứ gì, vợ con chẳng phải làm mà cũng sướng đủ đời! Đấy bà coi cô ấy nói như thế mà nghe được à. Mình dù nghèo của cải, tiền bạc, nhưng tình cảm thì dư thừa có phải không bà! Chả vậy mà giờ đi đâu gặp bà con từ làng trên, xóm dưới là một bác, hai bác. Trên đời cái điều ấy mới đáng quí. Tiền bạc đâu có thể mua được!
      Câu chuyện hai ông bà ông Tâm đang rôm rả, thì có tiếng hỏi từ ngoài sân:
- Ông bà Tâm có nhà không đấy !
- Có đây, mời bác vào xơi nước !
Chờ cho khách ngồi vào ghế, bà Tâm với tay lấy cái tích chè xanh rót mời khách, miệng vừa cười, vừa nói: - Cơn gió nào đưa bác tới đây vậy?
-Bà cứ làm như tôi với ông nhà xa lạ lắm không bằng. Cả cái thôn này chỉ tôi với ông Tâm là đôi bạn bền nhất !
-Là tôi nói cho vui, chứ ai mà chả biết hai ông như hình với bóng.
-Thế ông có biết Ban tôn tạo đình làng triển khai công việc đến đâu rồi không?
-Hồi chiều, anh Phận có đến nhà nhờ tôi ngày mai cùng đi lên xã Đồng Tiến để xem mẫu đình họ mới xây xong.
-Thế bác đi chứ !
-Tôi còn đang suy nghĩ, vì xem chừng Ban tôn tạo toàn những vị chỉ biết nói, chứ không biết làm gì. Nghĩ đến làm đình thì mình sướng quá, nhưng cứ nhìn những cái tên trong danh sách Ban tôn tạo là tôi thấy gai người. Nói thật với ông bà, công việc tôi không ngại, dù phải vất vả để có được cái đình làng như thuở xưa thì ai mà không muốn!
-Thế thì ông nên sắn tay lên đi chứ, còn chần chừ gì nữa !
                                                         *        *
                                                              *
    Ban tôn tạo được thành lập gồm có tám người, trong đó anh Phận làm Ban trưởng, cô Hải thủ quĩ kiêm Thư ký. Số còn lại thay nhau thường trực, giám sát chỉ đạo thi công. Anh Phận  lật tập hồ sơ, thông qua tổng hợp số tiền đã quyên góp được đến ngày... là 202 triệu đồng, trong đó số tiền đóng góp của nhân dân trong làng là: 35 triệu, còn lại của con em đang sinh sống và công tác trong cả nước gửi về. Đặc biệt gia đình anh Quyết Thắng đang sinh sống tại Thành phố đã ủng hộ làng 150 triệu đồng. Như vậy căn cứ vào bản thiết kế và dự toán của làng, thì khi công trình hoàn thành số tiền còn dư trong quĩ là 52 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, sẽ nẩy sinh nhiều yếu tố mà hiện tại không thể tính hết được. Dừng một lát anh Phận tiếp:
-Đây là công trình tâm huyết của nhân dân trong làng cũng như con em xa quê. Vì vậy đề nghị mọi người đề cao tinh thần trách nhiệm, đừng để phụ lòng tin của nhân dân trong làng. Tất cả mọi người xì xào bàn tán, bỗng ông Thiên bức xúc đứng lên:
-Tôi đề nghị chúng ta nên bàn và phân công công việc cụ thể cho từng người, tránh tình trạng chung chung. Ai làm việc gì, nếu sai phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và phải bồi hoàn vật chất, còn nếu ngay bây giờ ai không thể đảm đương được công việc thì cũng nên tự ...
-Thôi mà, anh Phận chen vào có ý giảng hòa để không khí cuộc họp đỡ căng thẳng, rồi anh phân tích:
- Vâng tôi cũng đồng ý với quan điểm của anh Thiên, nhưng dù sao ta cũng nên hiểu một điều là: Việc xây dựng lại ngôi đình là tâm nguyện của toàn bộ bà con trong làng cũng như con em của làng đã và đang học tập và sinh sống khắp cả nước, thậm chí có người ở tận nước ngoài. Hơn nữa ngôi đình lại là trung tâm văn hóa của làng, là nơi hội họp và đặc biệt quan trọng nữa là tại đây chúng ta thờ phụng vị Thành Hoàng đã có công với đất nước và cũng có công khai phá, xây dựng nên làng mà chúng ta có đến ngày nay. Hội nghị không ai có ý kiến gì thêm. Anh Phận phân công công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban:
-Tôi được hội nghị của làng giao trách nhiệm Trưởng ban tôn tạo, vì vậy kể từ nay tôi sẽ là người chịu trách nhiệm chung. Trong trường hợp tôi có việc đột xuất, tôi sẽ có bàn giao cụ thể cho anh Khoán. Chị Hải vừa làm thủ quĩ và chịu trách nhiệm theo dõi ghi chép tất cả vật tư mua về cũng như vật tư, vật liệu đưa vào thi công, công trình. Một điều chị Hải cần chú ý là khi xuất tiền mua vật tư phải có phiếu và được Trưởng ban duyệt. Đây là một nguyên tắc tối thiểu về quản lý tài chính. Trong quá trình theo dõi thi công, nếu có gì sai sót phải rút kinh nghiệm ngay; đồng thời yêu cầu mọi người luôn nhắc nhở anh em thợ làm phải đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng công trình. Tất cả chúng ta phải hiểu rằng, đây là công trình của tập thể nhưng cũng chính là công trình của chính chúng ta và con cháu sau này.
          Ngày khởi công được tổ chức trang trọng, có đầy đủ tất cả các cụ phụ lão trong làng, tiếp đến là các thành phần khách mời bao gồm từ ông Chủ tịch xã, ông Chủ tịch Mặt trận, ông đại diện cho Ban Văn hóa xã... Sau bài diễn văn của ông Trưởng thôn, là phát biểu của ông Chủ tịch xã rồi ông đại diện cho Ban Văn hóa. Thực ra việc xây dựng lại đình làng cũng không cần thiết phải mời các vị lãnh đạo ở xã, bởi đây không phải là lễ khánh thành, nhưng vì mấy vị lãnh đạo thôn muốn khuyếch trương việc làm của mình, cũng như nhân cơ hội này tranh thủ sự ủng hộ kinh phí của xã. Kết thúc chương trình là lễ khởi công. Ông Thoảng, bí thư chi bộ trịnh trọng đọc danh sách ba cụ cao tuổi nhất làng lên thay mặt bà con trong làng bổ nhát cuốc đầu tiên, sau đó bà con có mặt mọi người đều tay cuốc, tay xẻng háo hức đào, xúc, vận chuyển đất đá... Lao động tuy vất vả nhưng rất vui vẻ. Bởi lẽ mọi người từ già tới trẻ đều tâm nguyện một điều là: Xây dựng đình làng, là xây dựng nơi tâm linh, tín ngưỡng, mang lại điều tốt lành, từ đó làm cho mọi người sống gần gũi nhau hơn, quí trọng nhau hơn và cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của mỗi gia đình và toàn xã hội. Trong quá trình xây dựng đình làng, hàng ngày các cụ già thường xuyên thay phiên nhau đun nước cho anh em thợ, ngoài ra các cụ còn tham gia dọn dẹp sạch sẽ khu vực xung quanh đình. Một điều đáng quí là một số chị em phụ nữ, còn rủ nhau quyên góp  kẻ ít, người nhiều, thi thoảng lại tổ chức bồi dưỡng cho tổ thợ tham gia xây dựng đình, khi thì két nước ngọt, khi thì làm dăm bảy bò bánh lá... Một việc làm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ con em trong làng, luôn biết nghĩ đến cái chung, cái có lợi cho cộng đồng.
    Thấm thoát thời gian trôi đi, cái ngày mà cả làng mong đợi cũng đến. Sau một thời gian xây dựng, nay cái đình cũng đã hoàn thành. Tuy không to lớn gì nhưng cũng là niềm vinh hạnh của bà con trong làng, từ già cho tới trẻ nét mặt ai ai cũng rạng rỡ. Chị em phụ nữ ở các chòm thì thi đua nhau tập văn nghệ. Buổi tối đi vào các ngõ nhỏ trong làng, tiếng hát, tiếng đàn vang lên, làm cho không khí ngày khánh thành đình càng thêm náo nức. Các cụ già thì chuẩn bị lau chùi một số đồ lễ, quét dọn trong và ngoài đình. Thanh, thiếu niên thì chuẩn bị dựng rạp, phông màn, loa đài. Không khí trong làng nhộn nhịp cứ như ngày tết. Trong cuộc họp để chuẩn bị cho lễ khánh thành, ông Lượt Trưởng thôn thông qua danh sách đại biểu và danh sách bà con đang công tác, làm ăn ở xa sẽ về dự. Theo dự kiến mỗi nhân khẩu trong làng được 10 ngàn đồng để liên hoan. Vì thôn không thể tổ chức cho cả làng cùng ăn tập thể, nên số tiền ấy được phân về cho các chòm an ninh. Về phía làng chỉ tổ chức tiếp khách, ăn uống cho các đại biểu được mời và những gia đình, cá nhân có đóng góp cho làng từ một triệu đồng trở lên. Ngày khánh thành đình, cả làng vui như ngày hội. Già trẻ gái trai ai ai cũng náo nức. Buổi tối hốm ấy làng tổ chức biểu diễn giao lưu văn nghệ với các làng trong xã thật là vui.
Thấm thoát vậy mà cũng đã ngót một năm rồi đấy nhỉ. Ông Tâm trò chuyện cùng mấy ông trong tổ cựu chiến binh trong xóm. Ông An nhấm ngụm nước vừa rót còn đang bốc khói nghi ngút, vừa chép miệng vừa phàn nàn: Các ông tính, cứ nghĩ đến cái ngày ấy mà thấy vui, thế mà cái đình xây xong chưa đầy một năm đã xuống cấp, các ông thấy đấy, mái lập ngói ta hẳn hoi mà mấy trận mưa bị dột khắp nơi, tường xây thì bị nứt, bên trong ố nhoè, tranh ảnh chụp ngày khánh thành hỏng hết, mái trần hiên thì có nguy cơ vỡ từng mảng xuống …Nghĩ mà xót xa. Ngày xưa các cụ làm ngôi đình trải qua bao mưa nắng, thời gian mà có sao đâu, thế mà bầy giờ … !    
                                                                                                                                                                             
                                                
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bùi văn Hoằng
Hà Bình-Hà trung-Thanh Hoá
Email:hoang1592gmail.com
 
tin tức liên quan