Láu cá và thông minh - Phạm Thành Long

Ngày đăng: 03:55 12/09/2017 Lượt xem: 2.762
                                    LÁU CÁ  VÀ THÔNG MINH
                                                                               Phạm Thành Long
 
     Ở lớp học của cô giáo Họa Mi, Khỉ và Chó là đôi bạn thân. Nói về sức học và sự thông minh thì Khỉ và Chó chẳng ai kém ai. Nhưng về sự láu cá và khôn vặt thì bao giờ Khỉ cũng hơn Chó một bậc. Khỉ là một học trò lười. Nó rất ngại phải “cuốc bộ” đi học hàng ngày, chỉ muốn ai đó đưa nó đến trường. Nó luôn nghĩ về điều đó.
Một hôm, Khỉ gạ gẫm Chó:
- Tớ đố cậu, tại sao họ hàng Khỉ chúng tớ lại thích bắt chấy rận làm vậy?  
Chó nghĩ, chắc lũ Khỉ cũng giống như họ hàng nhà mình, nằm đất lại ít chịu tắm rửa nên sinh chấy rận là lẽ đương nhiên...Nghĩ và tin là thế nên nó trả lời ngay:
- Tớ thấy lũ Khỉ nhà các cậu ăn ở rất mất vệ sinh, có tắm táp bao giờ đâu. Sợ nước, không tắm rửa nên chấy rận nhiều, không bắt thì nó cắn cho ngứa ngáy không chịu được, chứ còn làm sao nữa?
-  Cậu có chắc như vậy không? Nếu sai, cậu mất cho tớ cái gì nào?
-  Chắc chắn là thế! Tớ chả thích cá cược.
-  Nhưng nếu cậu đúng thì tớ tình nguyện mang cặp và cõng cậu đi học hằng ngày. Còn nếu cậu sai, thì cũng phải cam kết như vậy. Được không? Khỉ ra sức gạ gẫm.
- Đã bảo là tớ không thích cá cược mà lị. Nếu tớ thắng thì làm sao cậu cõng được tớ kia chứ? Mà cậu lại là đứa láu cá. Không có ai làm trọng tài, cậu cãi bay cãi biến ngay ấy mà. Tớ chả dại.
-   Thôi được. Để tớ viết cam kết vậy.
-   Được rồi, cậu muốn thì cứ việc và chứng minh đi?
-  Cậu đồng ý đấy nhé! Khỉ chìa tay ra ngoắc. Nào, bây giờ xin mời cậu kiểm tra xem trên mình tớ có chấy rận không nào? Làm gì có, đúng không? Cậu nhầm to rồi. Họ hàng Khỉ chúng tớ khi ra mồ hôi, nước bay đi, chất muối trong mồ hôi tích lại lâu ngày trên những lỗ chân lông thành những hạt muối. Mà cậu thấy đấy, thức ăn của Khỉ chúng tớ rất ít muối. Chúng tớ thèm muối là phải. Vì thế, mỗi khi gặp nhau, chúng tớ thường tìm những hạt muối trên cơ thể của nhau để ăn. Lâu ngày thành quen, nên các cậu cứ lầm tưởng là chúng tớ bắt chấy rận cho nhau. Hà hà! Sai bét! Cậu thua cuộc rồi! Từ ngày mai, cậu nhớ mang cặp và cõng tớ đi học đấy nhé!
-   Cậu đừng có láu cá như thế! Cậu sai thì có. Câu đố của cậu ngay từ đầu đã sai rồi. Trên mình các cậu làm gì có chấy rận mà cậu lại đố tớ là “Tại sao lũ Khỉ chúng tớ lại thích bắt chấy rận làm vậy?”. Cậu chơi không đoàng hoàng. Tớ không chịu.
-   Đúng là tớ cài bẫy cậu. Nhưng nếu thông minh thì cậu phải khẳng định ngay là lũ Khỉ chúng tớ không phải là bắt chấy rận chứ? “Biết thì thưa thốt. Không biết thì dựa cột mà nghe”. Người đời chả đã dạy chúng ta như thế sao? Cậu thua cuộc rồi. Sít tốp! Không cãi nhau nữa!
Chó vô cùng hối hận vì sự hấp tấp và chủ quan của mình. Có cãi thêm cả ngày nữa thì cũng chả thắng được với mồn mép của Khỉ. Thế là từ đấy, hằng ngày Chó đành phải cắn răng miễn cưỡng để cho Khỉ ngồi chỗm chệ trên lưng mình đến trường.
Một hôm, cô giáo Họa Mi nhìn thấy cảnh tượng hai học trò cõng nhau đi học liền gọi Chó và Khỉ đứng lại hỏi chuyện:
-   Khỉ, em bị đau chân hay sao mà phải nhờ bạn cõng như vậy?
Uất ức vì thua cuộc bởi sự láu cá của Khỉ, cơ hội này thật tốt để Chó thưa chuyện và nhờ cô giáo phân xử đúng sai.
Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện, cô giáo Họa Mi nghiêm sắc mặt với Khỉ:
- Tại sao em lại có thể nhẫm tâm bắt bạn phục vụ mình như vậy? Sự thắng cuộc của em đâu có đàng hoàng. Đó là sự láu cá, lợi dụng nhẹ dạ của bạn bè. Việc đố vui đã bị em biến thành chuyện cá cược. Ở đời, đừng có đối xử với bạn bè bằng sự láu cá. Trước sau gì thì sự láu cá cũng bị người ta nhận diện. Láu cá thực chất là biểu hiện của sự thiếu trung thực mà thôi.
Nghe cô giáo Họa Mi phân tích, Khỉ cúi đầu cố giấu nỗi hổ thẹn của mình.
Từ đấy về sau, mỗi khi xấu hổ hay sợ sệt điều gì, Khỉ vẫn thường lấy tay che mặt, cúi đầu là vậy.
tin tức liên quan