Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong thơ ca Việt Nam
Vậy là sắp đến ngày Kỷ niệm 73 năm TLQĐND Việt Nam(22/12/1944 – 22/12/2017), ngày mà cả dân tộc ta ai cũng tự hào về những người lính Cụ Hồ. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức phấn đấu, giành nhiều thành tích xuất sắc dâng lên ngày truyền thống của QĐNĐ Việt Nam, đội quân đã một thời “ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Anh bộ đội Cụ Hồ như một huyền thoại về chiến đấu và chiến thắng trong kháng chiến, lao động quên mình trong thời bình, thật đúng nghĩa “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
“…Hoan hô anh giải phóng quân
Kính chào anh con người đẹp nhất!
Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất
Sống hiên ngang, bất khuất trên đời…”
((Bài ca xuân 68 – Tố Hữu)
Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ được thơ ca khắc họa đậm nét kiêu hùng nhưng luôn chất chứa bản chất của một con người hiền lành, bình dị. Một chàng trai, đầu đội trời, chân đạp đất nhưng hết sức phi thường. “Một dây ná, một cây chông, cũng tiến công giặc Mỹ”.
Được sinh ra từ dấu mốc lịch sử 22-12-1944, ban đầu chỉ có 44 chiến sĩ với vũ khí thô sơ: dao găm, súng kíp, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân(VN TTGPQ) đã trở thành hạt nhân của phong trào vũ trang cả nước. Với khẩu hiệu “Cướp súng giặc để trang bị cho mình”, từ ngày đầu, dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đội VN TTGPQ đã dũng cảm tập kích địch ở 2 đồn: Khay Phắt và Nà Ngần(Cao Bằng), giết được nhiều địch và cướp được nhiều vũ khí, làm cho kẻ địch hoang mang, hoảng sợ.
Trải qua 73 năm chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Quân đội ta đã thể hiện sức vươn Phù Đổng, đã chiến thắng hai đế quốc to, đồng thời bảo vệ và xây dựng Tổ quốc khi đất nước đã thanh bình. Theo suốt chặng đường dài lịch sử, những anh bộ đội Cụ Hồ, những chiến sĩ giải phóng quân thân yêu của chúng ta cùng với nhân dân cả nước đã viết nên những trang sử vàng chói lọi cho dân tộc. Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ đã trở thành nguồn cảm hứng thi ca cho những người nghệ sĩ, tạo nên những áng thơ văn làm rung động biết bao thế hệ. Theo dấu chân lịch sử, hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ đã tự nhiên đi vào dòng thơ ca, bình dị như họ đã bước chân vào đời lính.
Ngược dòng lịch sử, theo lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, cả nước đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp. Cũng từ đây hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ đẹp đẽ biết bao. Anh bộ đội Cụ Hồ, đó là tên gọi đời thường nhưng rất thiêng liêng và rất đỗi tự hào.
.jpg)
Thật đáng yêu bao chàng trai Vệ quốc quân hiện lên trong thơ ca không phải là tráng sĩ kiêu hùng của thời trung cổ, không phải hình ảnh của người lính thời phong kiến, đơn giản chỉ là những nông dân chân thật, bình dị. Họ đến với chiến trường, đến với nhau bằng tình tri kỉ của tình đồng chí:
“ Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi hai người xa lạ
Từ phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”
(Đồng chí – Chính Hữu)
Chính những con người rất bình thường ấy đã làm nên lịch sử. Không thể ngờ rằng các anh có một sức chịu đựng gian khổ phi thường đến thế. Họ đã vượt lên mọi gian nan, đạp bằng mọi thử thách với một ý chí quyết thắng, với một niềm tin sắt son, một tình cảm thủy chung vì nhân quên mình, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh:
“ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng, chí không mòn
Những đồng chí thân chôn làm gia súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão.
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân nhắm mắt còn ôm”
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)
Đó chính là những tấm gương chói lọi trong lịch sử như: Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện…tên tuổi các anh đang con vang vọng mãi ngàn năm, không thể phai mờ trong ký ức, mãi mãi trường tồn cùng thời gian, trong vần thơ và những bài ca bất hũ.
Những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ tưởng chừng như vượt lên sức chịu đựng của con người. Vì quê hương, hàng triệu người đã ngã xuống, nhưng ý chí kiên cường của họ không có thế lực nào ngăn nổi:
“ Lột đường tàu rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không đi lùng giặc đánh”.
Và đây, những cơn sốt rừng đã làm mất đi tuổi thanh xuân của bao chiến sĩ. Các nhà thơ, văn đã theo sát bước chân các chiến sĩ với bao tình cảm khâm phục thương mến:
“ Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh Vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế”.
Với cái ngoại hình “Đoàn binh không mọc tóc” hay trên khuôn mặt “vàng nghệ” bên trong ấy, không ai ngờ lại chứa đựng một sức mạnh kỳ diệu. Nó được xây đắp từ chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cũng từ đây hình ảnh các anh tạo nguồn cảm hứng cho thơ ca tạc nên bức tượng sống mãi với thời gian:
“ Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo”
Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ sáng rực lòng yêu nước thiết tha, thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng nhân ái sâu sắc, được kết tinh từ truyền thống ngàn đời của dân tộc. Chính sức mạnh, lòng yêu nước, chí căm thù giặc đã làm nên sức mạnh của QĐND ta:
“ Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”
Tiếng súng chống thực dân Pháp vừa dứt, đất nước chưa kịp hồi sinh, vết thương còn đau chưa kịp lành, đế quốc Mỹ - con thú tật nguyền của nhân loại lại gieo rắc tội ác lên đất nước ta. “Dù rằng đời ta thích hoa hồng. Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”, Lời Bác Hồ một lần nữa lại vang lên thúc giục con cháu tiếp bước cha ông cha ra trận: “Dẫu có đốt cháy cả dải Trường Sơn chúng ta cũng quyết giành được độc lập”. Lời người gọi chúng con khắc ghi. Người lính lại xốc ba lô nắm chặt tay súng hướng về tiền tuyến:
“Lớp cha trước lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành »
(Tiếng hát sang xuân - Tố Hữu)
.jpg)
Lại vẫn những chàng trai năm xưa, cùng thế hệ nối tiếp « Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phơi dậy tương lai ». Họ lại gặp nhau trong đoàn quân ra trận, gặp nhau giữa đại ngàn Trường Sơn :
« Ta lại viết bài thơ trên báng súng
Con lớn lên viết tiếp thay cha
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua »
Thơ ca viết về người chiến sĩ không chỉ dừng lại ở mức độ ca ngợi tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của bộ đội Cụ Hồ mà còn cụ thể hơn, sâu sắc hơn ở cái chiều sâu thẳm trong tâm hồn cao đẹp của họ. Đó là tình yêu, tình cảm gia đình, tình quân dân cá nước :
« Các anh đi ngày ấy đã xa rồi
Xóm làng tôi còn nhớ mãi
Các anh về tưng bừng trước ngõ
Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con ở rừng sâu mới về »
(Bài hát Bộ đội về làng – Thơ Hoàng Trung Thông)
Tình yêu, tình cảm gia đình canh cánh trong lòng nhưng không thể vì thế mà làm nhụt chí, nhụt lòng chiến đấu của các anh. Lòng lạc quan của tuổi trẻ chính là động lực thúc đẩy các anh chiến đấu và chiến thắng.
« Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cây »
( Nhớ - Nguyễn Đình Thi)
Làm sao quên được hình ảnh người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, « hai đứa ở hai đầu xa thẳm » để « trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây ». Một nỗi nhớ của tình yêu cách trở bởi cuộc chiến trường kỳ cứ kéo dài đã làm chia xa tình cảm của họ. Để rồi « Từ nơi em đưa sang bên nơi anh. Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến. Như tình yêu nối lời vô tận. Đông trường Sơn nối, Tây Trường Sơn ».(Lời thơ – Phạm Tiến Duật)
Thơ ca đã chắp cánh nâng cao tầm vĩ đại của người lính cụ Hồ. Người lính trong kháng chiến chống Pháp đơn sơ, mộc mạc bao nhiêu thì người lính trong chống Mỹ cứu nước lại hồn nhiên, lạc quan bấy nhiêu :
« Mấy chàng lính trẻ măng tơ
Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi »
(Nước non ngàn dặm – Tố Hữu)
Hay :
« Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha… »
(Tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)
Thật xúc động biết bao những cô gái Trường Sơn đi mở đường cho xe ra tiền tuyến, tiếp sức chi viện cho chiến trường miền Nam. Mặt trận của họ không cầm súng trực tiếp bắn vào đầu thù, nhưng mặt trận của họ không kém phần khốc liệt. Họ mang « Sức gái phi thường phơi phới tuổi xuân » để « Em đi mở đường chẳng tiếc tuổi xanh. Em lấp hố bom cho xe ra tuyền tuyến ». Thời gian cho chiến dịch vội vàng, vội vàng đến nổi « Chia tay em mà tên chưa kịp nhớ. Mang bóng hình em theo nhịp bước quân hành ».
Thật xúc động biết bao ! Trước đây, những người tứ xứ về tụ họp, những người từ vùng « nước mặn đồng chua » từ vùng « đất cằn sỏi đá ». Họ đến với nhau trở thành đồng đội thắm thiết bao tình. Hôm nay lại xuất hiện một thứ tình đồng chí mới lạ :
« Cha còn đeo quân hàm
Con đã vào nhập ngũ
Một hòn đá Trường Sơn
Cha con cùng gối ngủ »
(Nguyễn Trọng Oánh)
Nói về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, thơ ca không thể viết hết, bởi đó là hình ảnh của cả một dân tộc đang xung trận. Để tiếp sức cho người lính ra trận, các mẹ, các chị ở hậu phương đã làm nên những chiến công hiển hách. Đó là những bà má Hậu Giang, chị Út Tịch, là mẹ Suốt. Đó là « O du kích nhỏ giương cao súng. Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu ». Và đây, « cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh , chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình ». Hai chị em hai đầu xa thẳm của đất nước nhưng họ đều trên một trận tuyến chống quân thù. Họ đã góp lửa cùng anh bộ đội Cụ Hồ làm nên chiến thắng.
Mãi mãi nhớ đến công ơn các anh, người lính Cụ Hồ đã làm nên « Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ ». Và cũng từ đây các anh đã tiến vào Sài Gòn làm nên những chiến tích rạng rỡ. Để rồi, 11 h 30 ngày 30 - 4 - 1975 đã đi vào mốc son lịch sử. Lá cờ giải phóng tung bay phần phật trên bầu trời Độc lập.
Như vậy cả nước ta đã chính thức ca khúc khải hoàn sau 20 năm chiến đấu, anh dũng, hy sinh đã viết nên trang sử hùng tráng. Có được thắng lợi đó là nhờ Đảng, Bác Hồ lãnh đạo tài tình, nhân dân Việt Nam anh hùng bất khuất, anh bộ đội Cụ Hồ dũng cảm kiên cường. Máu đào các anh đã đổ xuống cho dân tộc ta kết trái hòa bình, tự do, độc lập, chắp cánh cho thơ ca bay cao bay xa, để tên tuổi các anh trường tồn với thời gian.
Ngày truyền thống thành lập QĐND Việt Nam sắp đến gần, kính gửi đến các hội viên CCB, Hội TTTS những lời chúc tốt đẹp, chúng ta hãy phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của anh bộ đội Cụ Hồ trong chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, không ngừng phấn đấu hơn nữa trong xây dựng đất nước, làm gương sáng cho con cháu noi theo. Kính chúc các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biên cương hải đảo của Tổ quốc có nhiều dũng khí, cầm chắc tay súng giữ gìn Tổ quốc thân yêu và giàu đẹp của chúng ta, đem lại cuộc sống bình yên cho mọi nhà. Đất trời đang giao mùa, đất nước đang chuyển mình vươn lên trong công cuộc xây dựng quê hương mạnh giàu. Từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, đem lại lòng tin cho dân, cho những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Lê Thị Huyền – Giáo viên trường THCS Xuân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình
Nguyễn Đại Duẫn – CTV Bản tin Trường Sơn - Quảng Ninh, Quảng Bình