VẦNG SÁNG TRONG LÒNG ĐẤT
Truyện ngắn của Xuân Tuynh
Hiền Hòa đi công tác xa, hai đứa con, thằng còn trai làm việc tận trong thành phố Vũng Tàu, đứa con gái đang học Đại học Y trên Hà Nội. Ở nhà lúc này chỉ còn Tú và chị giúp việc. Lợi dụng lúc chồng con vắng nhà, Tú mới mang chiếc hòm nhỏ làm bằng vỏ thùng dầu của máy bay Mỹ ném xuống Trường Sơn; vật kỷ niệm của các anh bộ đội Công binh Binh trạm 12 tặng cho Tú ra xem lại. Trong hòm đựng những tranh ảnh, thư từ, sổ nhật ký... toàn những kỷ vật một thời ở Trường Sơn.
Từ ngày làm xong ngôi nhà mới hai tầng, rộng rãi, thoáng mát ngay trên bờ sông Đáy thơ mộng, cách thành phố chừng năm trăm mét. Hòa đã mua sắm cho Tú riêng một bàn trang điểm, một tủ treo áo quần, két sắt, hòm đựng tư trang... Nhiều lần Hòa bảo với Tú bỏ chiếc hòm kim loại cũ kỹ đi nhưng Tú quyết không bỏ; không cho chồng, con đụng tới.
Mở hòm, mang tất cả đồ đạc đựng trong hòm ra sân thượng phơi. Vừa cầm đến quyển nhật ký trên tay, thì chiếc ảnh của Hiếu, người thương binh nặng ở Trường Sơn năm xưa đã tặng cho Tú trước khi trút hơi thở cuối cùng ở bệnh xá K2, khiến Tú lạnh toát người. Tú đưa tấm ảnh Hiếu lên ngắm rất lâu rồi hai mắt ứa lệ, lăn tròn trên gò má. Những giọt nước mắt ướt long lanh như những viên ngọc lăn tròn trên gương mặt trắng hồng trong nắng mai.
Nhìn ngắm lại hình ảnh của Hiếu, tấm ảnh trắng đen, chụp đã lâu nhưng Tú giữ gìn cẩn thận nên nó vẫn còn mới. Tấm ảnh Hiếu gợi lên cho Tú bao kỷ niệm yêu thương, vui buồn và cả xấu hổ nữa về những năm tháng trẻ trung ở Trường Sơn.
Từ hôm mở hòm ra phơi, nhìn lại tấm ảnh của Hiếu, Tú đánh mất đi cái vẻ hồn nhiên, sôi nổi. Trong tâm tưởng của Tú nghĩ nhiều về quá khứ, về cái ngày tuổi trẻ, về Trường Sơn, nghĩ về Hiếu, người thương binh nặng mình được phân công chăm sóc đặc biệt ở Bệnh xá K2.
* * *
Sau một tuần đi công tác ở các tỉnh phía Nam về, thấy vợ có những biểu hiện khác thường, trầm tư, ít nói, ngay cả chuyện vợ chồng chăn gối cũng không còn mặn nồng như xưa.
Hòa vốn là người sống chậm, hiền hậu, lúc nào cũng hết lòng vì vợ con, chắt chiu lo cho vợ con từng ly, từng tí. Hòa luôn trân trọng, yêu thương Tú. Thấy vợ có biểu hiện khác thường. Sau bữa cơm chiều, như thường lệ, hai vợ chồng lại ngồi bên nhau ngả người trên sa lông trong phòng khách xem ti vi, uống trà. Trong lúc xem ti vi, có tin tức mới lạ, Tú thường hay bình luận sôi nổi. Hôm nay Tú cứ ngồi yên không nói. Nét mặt nhìn ra ngoài cửa hờ hững. Hòa ngồi xích lại, tay trái quàng lên bờ vai vợ, giọng dịu dàng âu yếm nói:
- Em sao vậy. Anh đi công tác có một tuần về thấy em khác trước nhiều quá. Bên nhà em có chuyện buồn à. Bố mẹ và anh em gặp chuyện chẳng lành sao? Hay... Em có mắc bệnh gì mà giấu anh. Anh đưa em đi viện khám nhé?...
Tú gỡ tay Hòa ra khỏi bờ vai mình, khẽ lắc đầu:
- Gia đình bên nhà em mọi người vẫn bình thường. Em cũng chẳng có bệnh tật gì. Anh khỏi lo.
Vợ có sự thay đổi như vậy không lo sao được. Hòa nghĩ những ngày mình đi công tác vắng, ở nhà vợ có bị ngã cầu thang, hoặc đi xe máy va chạm ngoài đường bị chấn thương sọ não không? Bao nhiêu giả thuyết đặt ra trong đầu Hòa, làm Hòa đứng ngồi không yên. Hòa nghĩ hay trong khi mình đi công tác, đã có ai có ác cảm với mình, dựng chuyện, bịa đặt nói xấu mình với Ngọc Tú. Trong cuộc sống ngày nay, kẻ xấu, người tốt lẫn lộn, chẳng biết đâu mà tin. Mặc dù mình là người xưa nay sống không để mất lòng ai. Trong cơ quan, với cương vị Giám đốc một Công ty xây dựng có nhiều thành phần phức tạp.
Một buổi tối, khi vợ đã ngủ say, Hòa mới gặp chị Mến, người giúp việc trong nhà tìm hiểu về Tú trong những ngày Hòa đi công tác vắng nhà. Chị Mến là người giúp việc, nhưng là người chị con ông bác họ của Hòa. Chị không có chồng con, tính nết thiệt thà, đáng tin cậy. Tuy là người giúp việc nhưng vợ chồng Hòa rất tôn trọng chị. Sau khi dọn dẹp công việc bếp núc xong, chị Mến lên phòng khách mở ti vi xem ca nhạc, Hòa ra ngồi bên cạnh chị, nhỏ nhẹ hỏi:
- Mấy ngày em đi công tác, ở nhà Tú có gặp chuyện gì chẳng lành không chị?
Chị mến, uống một chút nước lọc, ngẫm nghĩ một giây lát rồi chậm rãi nói nhỏ, đủ cho Hòa nghe được:
- Từ hôm cậu vắng nhà, mợ Tú không đi đâu ra khỏi nhà. Cũng chẳng vấp ngã. Chỉ... có... điều...
Chị Mến nói ngập ngừng. Trong lòng chị nghĩ chẳng biết có nói ra về việc Tú có biểu hiện khác thường từ khi mở chiếc hòm, ngồi cả giờ đồng hồ ngoài ban công, dưới nắng ban mai ngắm một bức hình ai đó mà chị vô tình nhìn thấy. Bởi đây là chuyện riêng tư, bí mật của mỗi người. Ngầm bản thân mình, ở vậy, không có chồng con đó cũng là chuyện bí mật của riêng mình, không ai có thể hiểu được. Và mình cũng không muốn chia sẻ với ai.
Thấy chị Mến tỏ vẻ e ngại, hẳn có điều gì hệ trọng sợ đổ vỡ đến hạnh phúc của vợ chồng mình, làm cho chị dè dặt. Hòa nói:
- Có chuyện gì không vui đến với Tú, chị cứ cho em biết. Tính em chị biết đấy, em không hay nóng giận, hoặc ghen tuông như người ta. Chị nói ra, biết đâu em hóa giải được nỗi ưu phiền trong đầu Tú.
Chị Mến, uống một hơi hết nửa cốc nước lọc, để tay đặt lên ngực, bình tĩnh nói:
- Cậu đi công tác được hai hôm, vào khoảng tám giờ sáng, mợ mang chiếc hòm bằng sắt ra ban công, mở, chiếc khóa hòm lâu ngày hoen gỉ, mợ phải nói chị mang dầu hỏa lên nhỏ vào, chừng vài phút sau mới mở được. Mở được hòm, mợ mang đồ đạc ra phơi nắng. Chị xuống bếp lặt rau lo chuẩn bị bữa trưa, chừng hơn một giờ sau, chị lên lầu, vừa bước lên được mấy bậc cầu thang, chị nhìn thấy mợ vẫn ngồi dưới trời nắng, ngắm một bức hình ai đó khóc sụt sùi. Thấy vậy chị lặng lẽ đi xuống. Bữa trưa đó mợ bỏ ăn, nằm trong phòng đóng cửa cho tới bốn giờ chiều mới xuống nhà. Chỉ qua có mấy giờ đồng hồ mà chị nhìn thấy mặt mày mợ hốc hác. Chị hỏi mợ cũng chẳng trả lời. Sang ngày hôm sau, rồi ngày hôm sau nữa mợ vẫn như vậy, chẳng có biểu hiện buồn vui gì cả.
Sáng hôm sau, ăn sáng xong, Hòa động viên vợ đi bệnh viện khám. Nể chồng, Tú lên xe theo chồng vào bệnh viện. Vào bệnh viện, bác sĩ trưởng khoa nội khám cho Tú rất nhiệt tình, cho chụp, kiểm tra kỹ ở phần đầu nhưng không phát hiện ra điều gì khả nghi về não bộ. Bác sĩ nói với Hòa: “Cô ấy không có bệnh tình gì cả. Đây là biểu hiện của phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh mà thôi. Phụ nữ ai cũng phải trải qua thời kỳ này. Ông cũng đừng lo. Về nhà động viên cô ấy ăn uống đầy đủ chất, nghỉ ngơi thoải mái ít ngày sẽ trở lại bình thường thôi.
Bác sĩ nói vậy nhưng Hòa vẫn không an tâm trước sự thay đổi đột ngột của Tú. Anh biết vợ anh đã mãn kinh mấy năm nay, Tú đã ngoài năm chục tuổi rồi còn gì.
* * *
Vào một sáng chủ nhật, thông thường ngày chủ nhật Tú ngủ dậy rất muộn. Có khi đến chín giờ mới dậy. Hôm nay Tú dậy rất sớm. Năm giờ đã dậy, tắm rửa, rồi ngồi vào bàn trang điểm rất kỹ, mở tủ lấy bộ quân phục còn mới ra vận, đeo huân huy chương lên ngực áo, thắt nịt gọn gàng rồi ngắm trước ngắm sau mới xuống nhà dưới ăn sáng. Hòa nhìn vợ hôm nay ăn mặc chỉnh tề, nét mặt vui vẻ hơn. Hòa hỏi:
- Sáng nay em đi đâu. Để anh chở đi.
Tú nhìn chồng, nở một nụ cười hiền dịu, một nụ cười hiếm hoi sau cả tháng nay Hòa mới thấy xuất hiện trên môi vợ. Tú nói:
- Sáng nay em đi họp mặt Cựu chiến binh Trường Sơn, kỷ niệm ngày Truyền thống. Anh khỏi phải đưa. Lát nữa mấy đứa bạn đến chở.
Tú quay sang nói với chị Mến:
- Trưa nay chị đừng nấu cơm em. Họp xong ăn liên hoan, chừng mười hai giờ em mới về.
Hòa hiểu vợ mình là bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ ở mặt trận Khe Sanh. Tú rất nặng tình, nặng nghĩa với Trường Sơn, với đồng đội. Suốt mấy chục năm nay Tú không bỏ bất kỳ buổi họp mặt nào của Hội Trường Sơn tổ chức. Trong các cuộc quyên tiền ủng hộ, trợ giúp cho cựu chiến binh bộ đội Trường Sơn, với nạn nhân chất độc da cam, con của bộ đội Trường Sơn là Tú khá nhiệt tình. Hòa tôn trọng nghĩa cử ấy của vợ. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Hòa cũng là bộ đội nhưng Hòa là bộ đội tên lửa, chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Anh chưa một ngày vào Trường Sơn.
Vợ cùng bạn ra khỏi nhà, Hòa lên phòng lấy chiếc hòm của Tú, mang ra ngoài ban công mở, coi trong đó có thứ gì. Đặc biệt tấm ảnh chị Mến nói, đó là ảnh ai mà Tú xúc động, ngồi ngắm nó lâu cả tiếng đồng hồ.
Mở hòm, Hòa thấy trong đó có nhiều kỷ vật chiến trường. Trong đó có cuốn nhật ký, bìa xanh đen, góc bìa đã sờn. Mở cuốn nhật ký thấy có tấm hình trắng đen, một chàng trai tuổi còn rất trẻ. Ảnh chụp nghiêng, môi cười hồn nhiên. Lật sau tấm hình có ghi dòng chữ bằng mực tím rất ngay ngắn: “Kỷ niệm ngày nhập ngũ, tháng 4-1970”. Xem xong tấm hình, Hòa bỏ lại tấm hình vào hòm, mang cuốn nhật ký vào sa lông, ngồi đọc.
Trong nhật ký Tú ghi những chuyện diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở Trường Sơn, ở Trạm xá K2 nơi Tú công tác. Gần giữa cuốn nhật ký, Tú dành ra cả ba trang, chữ viết rất nắn nót. Có những dòng chữ hoen ố, dấu vết những giọt nước mắt. Có lẽ khi vừa viết Tú vừa khóc. Nhật ký có đoạn:
“Anh Bình và bác sĩ Tường, trưởng trạm, hôm nay hai anh đã buộc Tú phải làm một việc vô cùng khó khăn, xúc phạm đến một người con gái còn trong trắng; một việc làm của người con gái chỉ dành cho người yêu, người chồng của mình. Thú thực khi ấy phải can đảm lắm, ngưỡng mộ một người chiến sĩ giải phóng kiên cường, dũng cảm; một thương binh có sức chịu đựng đau đớn kiên cường; một người sắp bước vào cõi vĩnh hằng Tú mới có đủ nghị lực để làm theo yêu cầu của hai anh.
Khi thực hiện xong công việc ấy thì anh Lê Văn Hiếu trút hơi thở cuối cùng, thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng, trong lòng em lại cảm thấy thương anh Hiếu vô cùng.
.........................................
Em cho đây là một kỷ niệm, một việc làm em sẽ nhớ suốt đời...
Tuy chỉ có mươi ngày cùng Bình chăm sóc anh Hiếu ở Bệnh xá tiền phương nhưng em rất kính trọng anh, một người anh, người đồng chí, đồng đội của em. Sau này hòa bình, nếu anh em mình còn sống trở về, anh em mình sẽ gặp nhau trên quê hương xứ Đoài của anh, anh Bình nhé”.
Dòng cuối những trang nhật ký này, Tú còn ghi đầy đủ địa chỉ của Trần Văn Bình: Thôn... xã... huyện... tỉnh Hà Sơn Bình.
Sáng hôm thứ hai, Hòa bàn giao công việc cho một đồng chí phó giám đốc công ty, nói dối Tú đi công tác trên Hà Nội tối mới về. Hòa phóng xe lên Hà Tây, tìm ông Trần Văn Bình, theo địa chỉ Tú ghi trong nhật ký.
Ông Trần Văn Bình là người nổi tiếng ở xứ Đoài nên rất dễ tìm được đến nhà. Ông là một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, có cả một trang trại trồng cây, nuôi cá, chăn nuôi gia cầm do ông làm chủ nhiệm.
Hòa vừa dừng xe trước cổng trang trại, người bảo vệ, vận bộ đồ đồng phục màu xanh, đầu đội mũ cát bi, trên vai áo có gắn cầu vai ngay ngắn. Người bảo vệ nhanh nhẹn ra mở cổng, lễ phép hỏi:
- Dạ. Ông ở đâu đến, cần gặp ai?
Hòa xuất trình giấy tờ và nói:
- Ông cho tôi xin được gặp ông Trần Văn Bình.
Người bảo vệ chỉ tay về hướng hồ cá lớn ở phía gần chân núi, cách cổng gác chừng trăm mét, Chủ nhiệm có nhà. Ông đang đứng cho cá ăn kia kìa. Mời ông vào nhà, tôi đi mời ông chú.
Hòa vào một ngôi nhà lục giác, xung quanh để trống, giữa có kê một chiếc bàn hình tròn, xung quanh có cả năm sáu chiếc ghế gỗ hương vàng ươm. Trên mặt bàn có một bình hoa tươi và một bộ tách trà. Hòa ngồi đợi một lát thì ông Bình từ ngoài hồ cá về.
Ông Bình đầu bạc trắng bồng bềnh như mây, gương mặt chữ điền có nhiều nếp nhăn, nhưng da hồng hào, nhìn ông còn phong độ lắm. Giọng nói sang sảng, ông vồn vã mời khách uống trà rồi hỏi:
- Đồng chí ở tỉnh hay ở Bộ về. Xuống thăm trang trại hay có chỉ thị gì?
Từ ngày trang trại của ông làm ăn khá, có nhiều khách ở Bộ Nông nghiệp và ở tỉnh, huyện về thăm. Ông nghĩ Hòa cũng là người của Bộ, hoặc tỉnh về nên ông hỏi vậy. Hòa, hai tay chắp trước ngực lễ độ nói:
- Dạ. Thưa tôi không phải người của Bộ, của tỉnh. Tôi là chồng của Tú, Lê Thị Ngọc Tú, ở dưới Hà Nam lên mạn phép gặp anh...
Ông Bình không chút ngạc nhiên khi Hòa nói tới Tú.
- Tú, y tá K2 Trường Sơn phải không. Một cô gái da trắng hồng, có đôi môi đỏ như son.
Hòa khẽ gật đầu:
- Dạ. Thưa đúng ạ.
Ông Bình mồi thuốc vào nõ điếu cày, quẹt lửa kéo một hơi dài, tiếng điếu cày rít lên rộn ràng, thả khói bay lên cao, tan vào giàn thiên lý xanh rờn trước hiên nhà. Ông nói:
- Thế nào. Cô Tú khỏe không. Con cái thành đạt cả chứ? Thú thực với đồng chí, từ ngày rời quân ngũ về làm phó thường dân, với mức lương đại úy, vợ tôi cũng từ quân đội về, hưởng lương thiếu úy. Các con phương trưởng cả, có gia đình sống riêng trên thị thành. Hai vợ chồng với mức lương ngót nghét mười triệu cũng đủ sống. Nhưng máu làm lụng nên ngồi chơi không yên, hơn một chục năm nay tôi xây dựng nên cái trang trại này. Cốt yếu tạo công ăn việc làm giúp cho con em của cựu chiến binh trong xã, trong huyện. Chẳng giấu gì đồng chí, hiện nay trang trại của tôi có tới cả vài chục công nhân. Thu nhập mỗi người mỗi tháng cũng trên ba triệu. Được ăn một bữa cơm trưa ở trang trại. Bận công việc nên cũng chẳng dứt ra đi thăm bạn bè, đồng đội được.
Ngừng uống nước, nghỉ một chút, ông Bình nói tiếp:
- Hôm nay đồng chí lên đây muốn tôi cung cấp thông tin về Tú ngày ở Trường Sơn đúng không? Có chuyện gì khúc mắc dẫn đến trục trặc về tình cảm vợ chồng sao?
Hòa, vẫn giọng nhỏ nhẹ:
- Dạ. Thưa không. Tình cảm vợ chồng chúng em lấy nhau hơn hai chục năm nay vẫn tốt ạ. Riêng chỉ có điều gần đây cô ấy hay thường mang tấm ảnh của một anh bộ đội có tên là Hiếu - Lê Văn Hiếu ra xem và rồi đột nhiên sống trầm cảm, không vui vẻ nói cười như trước. Đi viện khám bác sĩ nói: bị tâm bệnh, chứng bệnh của phụ nữ tiền mãn kinh. Nhưng em nghĩ không phải, vì Tú mãn kinh đã lâu. Nguyên nhân em tin ở bức hình của anh bộ đội có tên là Hiếu thôi ạ.
Nói đến Lê Văn Hiếu, ông Bình nhận ra ngay. Sao ông không nhận ra, bởi Hiếu là chiến sĩ của ông, một chiến sĩ đại liên dũng cảm, đã hai lần đoạt danh hiệu diệt địch trên đồi không tên ở Quảng Trị, ngọn đồi sau mang tên tiểu đội Bùi Ngọc Đủ. Ngọn đồi đã đi vào thơ ca. Hiếu quê ở Bắc Ninh, Hiếu rất tự hào về quê hương mình, vùng đất Quan Họ nổi tiếng. Hiếu nhận ông Bình anh em kết nghĩa. Hiếu thường kể cho ông nghe về quê hương, về gia đình của mình.
- Quê em đẹp lắm anh Bình ạ. Nhà em ở bên con sông Cầu nước chảy lơ thơ, con gái làng em rất đẹp. Vào những ngày hội Lim, những cô gái mặc áo mớ bảy, mớ ba, đội nón thúng quai thao đi trẩy hội đẹp mê hồn. Anh có vợ rồi chứ chưa có, sau này hòa bình về em làm mai chị gái em cho anh. Hiếu đang học năm thứ nhất của Đại học Văn hóa khoa mỹ thuật thì đi bộ đội, tình nguyện vào Nam chiến đấu. Hiếu vào chiến trường năm mới hai mươi tuổi, cái tuổi đầy ước mơ và hoài bão. Hiếu kể ngày ở quê có ngỏ lời yêu một cô gái ở làng, nhưng chưa một lần cầm tay nhau...
Câu chuyện giữa Lê Thị Ngọc Tú và thương binh Lê Văn Hiếu ở Bệnh xá K2, Bình, Tường và Tú, ba người giao ước với nhau giữ kín suốt đời không nói ra cho bất kỳ ai biết. Nhưng bây giờ tất cả đã già rồi, lên ông, lên bà cả rồi. Hơn nữa Hòa, chồng của Tú cất công lên đây gặp mình, muốn biết về Hiếu, về mối quan hệ giữa Tú và Hiếu thôi thì mình cũng đành phá vỡ lời giao ước, kể cho Hòa nghe để Hòa hiểu và thông cảm cho Tú. Biết đâu nói ra Tú giải tỏa được điều trăn trở bấy lâu trong lòng rồi vợ chồng chúng sống với nhau hạnh phúc hơn.
Ông Bình nói:
- Hôm nay đồng chí đã từ Hà Nam lên đây. Đồng chí lại là chồng của Ngọc Tú, tôi coi đồng chí như em của tôi. Trưa nay đồng chí ở đây uống với tôi chén rượu rồi tôi sẽ kể câu chuyện bí mật giữa Ngọc Tú và Lê Văn Hiếu cho đồng chí nghe. Tin rằng đồng chí nghe xong thì quý trọng Tú nhiều hơn; trân trọng tình cảm thiêng liêng của người lính Trường Sơn năm xưa.
Hòa nghe ông Bình nói vậy. Trong lòng mừng lắm. Hòa nói:
- Vâng ạ. Em xin chấp hành ý kiến của anh.
Cơm trưa xong, ông Bình mang hai chiếc võng xếp ra ngôi nhà lục giác, hai chiếc võng đặt sát nhau để ông và Hòa nằm, trò chuyện. Trong gió trưa hè mát rượi. Ông Bình giọng trầm đục kể:
- Sau chiến dịch đường Chín Nam Lào năm một ngàn chín trăm bảy mốt. Địch thất bại nặng nề. Sau đó chúng tổ chức lực lượng lên hòng chiếm lại Khe Sanh. Ở Quảng Trị có ngọn đồi không tên, cao chừng năm chục mét, hoặc hơn, mình không nhớ chính xác. Ngọn đồi rất quan trọng, ở vùng này, bên nào chiếm được bên ấy sẽ ở thế thượng phong. Tiểu đội súng đại liên do Lê Văn Hiếu là khẩu đội trưởng. Khẩu đội chiến đấu quyết liệt với địch suốt một ngày. Địch đưa cả đại đội bộ binh lên, có pháo và máy bay yểm trợ nhưng không chiếm được đồi. Đến tối địch rút. Tôi và ba đồng chí trong trung đội hai, do tôi làm trung đội trưởng lên đồi xem anh em trong khẩu đội ai còn ai hy sinh. Lên đến nơi, cả khẩu đội hy sinh hết, còn lại mình Hiếu, Hiếu bị thương rất nặng, ôm khẩu súng nằm ở cửa công sự, máu ướt đầm quần áo. Chúng tôi băng bó và đưa Hiếu ngay về bệnh xá. Đại đội trưởng cử tôi ở lại cùng với bệnh xá chăm sóc cho Hiếu. Bệnh xá thấy Hiếu bị thương vào đầu và hầu hết chân tay, mình mẩy, bệnh xá dành riêng cho Hiếu nằm một mình một hang nhỏ để điều trị. Tổ y tá của Tú gồm ba người túc trực thay nhau chăm sóc cho Hiếu. Khi không có y tá thì tôi ở bên cạnh Hiếu, an ủi động viên. Bác sĩ nói: điều trị cho Hiếu khỏi các vết thương ở tay chân, mình mẩy xong mới đưa về tuyến sau giải phẫu lấy mảnh đạn ở trong đầu ra.
Tổ y tá của Tú chăm sóc cho Hiếu rất tận tình. Đặc biệt là Tú. Tú đã tự tay bón cho Hiếu từng muổng cháo nhỏ. Hiếu rất đau đớn nhưng không hề rên la. Tú nhiều đêm thức trắng chăm sóc cho Hiếu, ngồi trên giường cho Hiếu tựa lưng.
Hiếu nằm ly bì suốt cả tuần mới tỉnh. Lúc tỉnh dậy, Hiếu khẽ nói khều khào trong cổ:
- Anh Bình ơi, anh... em... trong đơn vị có sao không... Đồi không tên... có... còn không?
- Anh em khỏe. Đồi không tên còn. Hiếu cứ yên tâm điều trị. Khi nào khỏi về đơn vị gặp lại anh em.
Hiếu cố hé nở một cụ cười trên môi nói:
- Anh... Bình ơi! Em chẳng còn sống được bao lâu nữa. Đêm qua em... mơ thấy Hùng, Trọng, Bằng... trong khẩu đội về gọi em. Chúng nó nói: Mày là họa sĩ, mày phải vẽ một bức tranh thiếu nữ khỏa thân mang xuống đây cho tụi tao thưởng thức. Vẽ... đẹp vào... nhé. Trước khi đi gặp tụi nó, em thỉnh cầu với anh, người thủ trưởng, người anh kết nghĩa của em. Anh cho em được ngắm một cô gái khỏa thân... được không anh. Chỉ... một chút thôi. Em rất thích ngắm thân thể con gái. Ngày học ở khoa mỹ thuật trường Đại học Văn hóa, nếu không có chiến tranh vào năm học thứ ba là em được vẽ người mẫu rồi, vẽ các thiếu nữ khỏa thân. Anh giúp... em anh nhé...
Nghe Hiếu nói vậy, đột ngột quá tôi không biết trả lời Hiếu sao. Tôi đành gạt nước mắt, gật đầu nói nhỏ với Hiếu:
- Được, được... Anh sẽ làm!...
Tôi gọi cô y tá trực vào ngồi với Hiếu rồi ra ngoài gặp bác sĩ Tường, trưởng bệnh xá trao đổi. Nghe tôi trình bày nguyện vọng của Hiếu, bác sĩ Tường, đứng trầm ngâm một lát rồi nói:
- Qua theo dõi mấy bữa nay, tôi biết Hiếu chẳng còn sống được bao. Mạch đập rất yếu. Nhưng việc này biết tính sao. Lấy ai, ai dám làm việc ấy trong số mười cô y tá tuổi trẻ ở bệnh xá này.
Tôi suy nghĩ một lúc khá lâu mới mạnh dạn nói với bác sĩ Tường.
- Tôi thấy động viên y tá Tú làm được không. Bởi y tá Tú cả tuần nay trực tiếp chăm sóc cho Hiếu.
Bác sĩ Tường tỏ vẻ băn khoăn, e ngại:
- Cả tôi và anh cùng gặp riêng y tá Tú nói thử xem.
Bác sĩ Tường cho mời y tá Lê Thị Ngọc Tú lên lán của bác sĩ Tường, khép cửa liếp kín lại, cho cảnh vệ gác ngoài cửa. Khi Tú đẩy cửa liếp vào. Thấy tôi và bác sĩ Tường ngồi im lặng, nét mặt hai người căng thẳng. Tú hỏi:
- Hai anh cho gọi em lên có chuyện gì không ạ?
Bác sĩ Tường mời Tú ngồi xuống chiếc ghế tre trước mặt, đối diện với hai người chúng tôi, bác sĩ Tường nói nhỏ:
- Bây giờ có chuyện hệ trọng muốn có sự giúp đỡ của em.
- Chuyện gì ạ. Nếu là chuyện chuyên môn thì em sẵn sàng.
Tôi đỡ lời bác sĩ Tường:
- Việc này không phải công tác chuyên môn mà một chuyện rất nhạy cảm. Em chăm sóc cho bệnh nhân Hiếu, chiến sĩ của đơn vị anh, em biết rõ. Hiếu bị thương rất nặng, khả năng sống là rất mong manh. Sáng sớm nay Hiếu tỉnh lại một chút, nói với anh: Trước khi Hiếu ra đi, Hiếu có khao khát được ngắm thân thể con gái. Bởi Hiếu yêu vẻ đẹp của người thiếu nữ. Hiếu vốn học mỹ thuật. Anh bàn với bác sĩ Tường nhờ em giúp cho việc này được không. Chỉ mấy giây thôi. Anh và bác sĩ Tường tuyệt đối giữ kín bí mật.
Nghe tôi nói xong, Tú chau mày nói:
- Việc này... Em không làm được đâu. Em chưa có chồng, chưa có cả người yêu nữa. Bệnh xá còn khối chị sao các anh không nhờ. Em xấu hổ lắm.
Bác sĩ Tường kéo ghế ngồi xích lại gần Tú một chút, nói:
- Việc này chỉ một mình em. Có ai biết đâu mà xấu hổ. Hơn nữa là lời thỉnh cầu của một đồng đội, người chiến sĩ trẻ tuổi, dũng cảm sắp vĩnh biệt chúng ta. Anh nghĩ đây là một việc làm đầy tính nhân văn. Em về nghĩ đi, có gì trưa nay cho các anh biết.
Ngọc Tú đứng dậy, cúi đầu chào chúng tôi rồi đẩy cửa bước ra. Ngoài trời một luồng gió lạnh ùa vào làm cho tôi khẽ rùng mình...
Ngọc Tú về nơi Hiếu nằm điều trị, Tú ngắm nhìn Hiếu, nước da tái nhợt, mắt nhắm, thở thoi thóp. Tú nhìn Hiếu thấy thương quá! Tú thầm nghĩ một chàng thanh niên miền Bắc đẹp trai như một công tử thế kia chỉ vì chiến tranh mà sắp phải rời xa cõi đời. Hai hàng nước mắt Tú ứa ra. Tú muốn gào lên, thét lên. Nhưng cổ cô nghẹn lại. Cô không dám khóc thành tiếng bởi đây là bệnh xá. Nơi cần yên tĩnh; nơi không cho phép con người yếu mềm.
Buổi trưa, cơm nước xong, Tú đến nói với tôi và bác sĩ Tường:
- Em đồng ý làm theo hai anh yêu cầu. Em chỉ có một đề nghị các anh cho đóng cửa hang lại, chỉ để mình em với anh Hiếu thôi.
Cả tôi và bác sĩ Tường vui mừng lộ rõ trên gương mặt. Chúng tôi đồng ý. Lập tức tôi lấy tấm chăn của mình, căng dây che kín cửa hang. Bên trong hang chỉ để luồng ánh sáng nhỏ ở phía cuối cửa hang lọt vào.
Ngọc Tú vào, ngồi bên cạnh Hiếu, từ từ cởi chiếc áo blu xanh, bỏ sang giường bên cạnh, cởi chiếc áo ngực ra, rồi cởi bỏ chiếc quần quân phục màu cỏ úa, để lộ tấm thân trắng ngần, đôi vú căng tròn, mỡ màng mời gọi. Ngọc Tú cúi xuống lay người Hiếu gọi:
- Anh Hiếu ơi. Em đây, Tú đây. Anh tỉnh lại đi mà nhìn em này.
Hiếu từ từ mở mắt ra, rồi đột nhiên nhắm nghiền lại, mấy phút sau mới lại mở mắt ra. Có lẽ lần đầu nhìn thấy người con gái lõa thể, Hiếu thấy ngượng ngùng. Hiếu nhìn vào bộ ngực thanh xuân của Tú. Thều thào nói nhỏ:
- Em đẹp quá! Thiên... thần... của anh.
Cảm... ơn... em. Em đã... mang... luồng ánh... sáng đến, đến... với anh, ngàn... ngàn lần... Cảm ơn em... em Ngọc... Tú... Tú!...
Nói xong, mắt Hiếu từ từ nhắm khép lại. Tú mặc lại quần áo gọn gàng, đúng lúc này Hiếu thở hắt ra một tiếng rất mạnh rồi ngoẹo đầu sang một bên, hai tay buông xuôi. Tú chạy ra ngoài gọi mọi người. Bác sĩ Tường và tôi vội chạy vào. Bác sĩ Tường lấy một chút bông để lên mũi Hiếu, bông nằm im trên hai lỗ mũi. Bác sĩ Tường quay ra nói:
- Đồng chí Hiếu đi rồi!
Mọi người sụt sùi khóc thầm. Tôi vào vuốt mắt cho Hiếu. Bỗng có tiếng máy bay phản lực gầm rú trên bầu trời. Tiếng đạn pháo cao xạ của ta bắn lên nổ đùng đoàng trên không trung.
Câu chuyện của Ngọc Tú và Lê Văn Hiếu sự thể là như vậy đó đồng chí ạ.
Hòa nghe xong câu chuyện, hai mắt đỏ hoe, rớm lệ. Hòa nói:
- Câu chuyện cảm động quá! Một việc làm đầy tính nhân văn như vậy mà Tú chẳng bao giờ kể với em. Bây giờ biết làm thế nào cho Tú giải tỏa được. Em mong anh mách bảo cho em.
Ông Bình rít một hơi thuốc lào dài, khoan khoái nói:
- Mình được biết, mộ của Hiếu hiện giờ được quy tập ở nghĩa trang Trường Sơn. Hai gia đình mình làm một cuộc hành hương, vào thăm Quảng Trị, lên nghĩa trang Trường Sơn thắp nhang cho Hiếu và các đồng đội ở Trường Sơn, như vậy mình tin Tú sẽ vui vẻ trở lại thôi.
Hòa, vỗ tay đứng dậy, hồ hởi nói to:
- Em hoàn toàn nhất trí với sáng kiến của anh. Sang trung tuần tháng bảy, đúng vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ hai nhà mình tổ chức đi. Kinh phí cho toàn bộ chuyến đi vợ chồng em lo.
Ông Bình vỗ nhẹ vào vai Hòa:
- Kinh phí đồng chí để tôi, mấy triệu đồng nhằm nhò gì. Đồng chí quên tôi là chủ doanh nghiệp lớn rồi sao.
Ông cười khà khà, tiễn Hòa ra tận đầu ngõ. Hòa lên xe vù đi trong chiều hè gió lộng. Lòng nhẹ lâng lâng.
Tháng 6-2018
X.T
Địa chỉ liên lạc:
Nguyễn Xuân Tuynh
06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang
DĐ: 0908.625.369