Nhành mai rừng, hồi ký của Nguyễn Hồng Thái

Ngày đăng: 02:40 15/07/2018 Lượt xem: 602
Dự thi Hào khí Trường Sơn


                                               Nhành mai rừng
 
                                                                      
                                                 Hồi ký của Nguyễn Hồng Thái
           
       
            Sau cơn giông đêm qua, sáng nay tôi dậy sớm ra hiên nhà xem cây mai của mình thế nào, cơn gió mạnh đã quật rã một nhành mai.
            Khi con đường Trường Sơn đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng Bắc - Nam xum họp một nhà, đích thân tôi mang theo cây mai rừng Trường Sơn theo chiến thắng trở về. Đến nay đã trên 40 năm - quá nửa đời người, từ lúc cây mai còn nhỏ xíu, mảnh mai, giờ đã thành cây bon sai cổ thụ, một loài hoa quý phái của đại ngàn rừng xanh núi thẳm Trường Sơn.
            Mỗi mùa xuân sang, nó trổ hoa vàng bên hè nhà tôi là lúc tôi say sưa ngắm lại, khi ngắm nụ, lúc chờ hoa mà lòng rạo rực nhớ về…. Trường Sơn.  Trường Sơn của những ngày mưa bom bão đạn, nắng núi mưa rừng, đèo cao thác lũ, nơi kẻ thù điên cuồng trút hàng ngàn vạn tấn bom đạn mỗi ngày, mỗi tấc đất, mỗi cây cầu, mỗi khe suối, mỗi ngầm sâu, đâu đâu cũng hằn sâu thương tích chiến tranh, vết tích của kẻ thù cũng là nơi ghi lại những chiến công vĩ đại của một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
            Là anh lính lái xe ngày đêm ôm cái vô lăng tròn, vần đi vần lại mà không nhớ mình đã đưa chiếc xe đi qua bao chặng đường, bao thác lũ, bao ngầm sâu của con đường máu lửa, không còn nhớ trận bom nào đã làm vỡ kính xe anh, quả bom nào gọt mất cái mui xe của mình, đêm nào trên tuyến cũng bị máy bay C130 nó săn lùng.
            Mỗi lúc được lệnh vượt ngầm, anh em nhà xe theo nhau, xe bám xe, bám sát cọc tiêu, cờ cắm, nối nhau như đoàn tàu hỏa chui vào nước, vượt qua ngầm rồi lái xe cởi trần vắt áo cho khô vừa bẻ lái vừa thổi sáo lai (sáo mồm) rồi lại hát tiếp khúc hát "Tôi là người lái xe…/Xe tôi băng qua những chặng đường, tiền phương đang vẫy gọi".
            Cánh lái xe gặp nhau thường chụm lại châm thuốc cho nhau, anh nào cũng có dáng đứng nghiêng như cây sườn đồi, nói ít chỉ đưa ra tín hiệu, ai hỏi đến việc vợ con họ thường lặng yên như xe không còi, như đèn pha không có bóng, như ống khói bịt ống bơ.
            Lái xe Trường Sơn chúng tôi quý xe như con, quý xăng như máu, mỗi lúc dừng lại bốc hàng, lên hàng đều tắt máy tiết kiệm xăng dầu… Khi khởi động, lại xúm nhau vào đẩy như đẩy ông voi, xe xịt khói vào mặt, mặt mày anh nào cũng nhom nhem, chỉ có đôi mắt và mấy cái răng khi họ cười mới nhận ra anh nào là anh nào.
            Chúng tôi không cần giường, ngồi đâu ngủ đấy, đỗ đâu ngủ đấy, không màn, không chiếu, muỗi rừng vớ được đốt, nốt nọ chồng nốt kia, mặt mày mụn to mụn nhỏ, mụn đen mụn đỏ, trông như đang ở tuổi dậy thì.
            Những đêm Trường Sơn hiền hòa, trăng thanh gió mát, chị Hằng lọt thẳng vào cabin chơi vui với người lính trong rừng. Hứng khởi, các anh lấy giấy bút ngồi trong buồng lái viết thư, thư cho cha mẹ, thơ cho người yêu nhưng đèn trăng vấp lá không sao diễn tả được bằng giấy bút, đành ngồi ngậm bút viết bằng mồm, gió rừng lao chao lại quên… mặt thần ra như lúc đợi người yêu ở đầu ngõ, không dám gọi to sợ chó hàng xóm nó sủa dễ lộ chuyện.
            Sáng nay tôi khởi động xe cho một ngày mới, xe không có kính càng dễ nhìn, nhìn những cô gái trong bộ quân phục mũ tai bèo, cô nào cũng đon đả, thắt đáy lưng ong, giống gái Thái Bình(*) quê tôi thế! Họ như đang gánh lúa đi trên cánh đồng 5 tấn quê nhà. Chiều tà, những cánh cò vạch trắng trên cánh đồng, mềm mại, duyên dáng như làn điệu chèo ai hát ở sân đình. Tôi vội mở cửa xe chào, mà không biết các cô vội đi phá bom nổ chậm hay đi thả đường dây thông tin hay đi dẫn khách giao liên ra trận… Không biết họ có nghe thấy lời chào ngọt ngào của tôi chăng??? Nhỉ!!!
            Nhiều khi gặp nhau trên đường cùng hướng, xe đi giữa hai hàng quân, thấy lính bộ binh các anh nặng vai ba lô súng đạn, hăm hở những bước chân, mồ hôi tuôn chảy, trong tay vẫn vững vàng chiếc gậy Trường Sơn, vừa hành quân vừa hát, tiếng xe tiếng người, chân xe chân người rộn rã vào nhau.
            Bữa cơm giữa đường của cánh chúng tôi khi vào chiến dịch khắt khe từng ngày, từng giờ vì tiền phương đang vẫy gọi. Anh nào anh nấy, tay nào tay nấy, tay cóng tay thìa, thìa va cóng, cóng va thìa, hết cơm rồi thìa cóng vẫn va nhau.
            Đoàn xe mỗi khi chờ báo an để vượt cao điểm, anh em lái xe thi nhau leo lên nóc cabin bẻ những cụm lan, giò lan đuôi công, giò lan đuôi phượng, cả đuôi chồn treo tất vào cabin, vừa đi vừa ngắm, xe rung, xe lắc, xe giật, cuối chặng chả còn thấy bông nào, chỉ còn lại những cái đuôi, nhìn đuôi mà không biết nó là cái đuôi gì?
            Giờ đây, sống trong đất nước độc lập hòa bình, cuộc sống gia đình con cháu hạnh phúc, trong tôi      vẫn khắc khoải một nỗi nhớ - một nỗi nhớ khôn nguôi, những gương mặt chiến sĩ trẻ trung, những liệt sĩ Trường Sơn đã xả thân vì nước, trong đó có cả những đồng đội lái xe của tôi.
Vẫn biết đại ngàn Trường Sơn là lẵng hoa vĩ đại muôn màu ôm các anh vào lòng, cây lá Trường Sơn ngày đêm theo gió hát ru anh, có lời ru của mẹ, có lời hồn thiêng sông núi. Với tôi vẫn ước ao có được một lần "Thăm lại chiến trường xưa" cầm "Nhánh mai rừng năm xưa" tự tay đặt lên mộ những người đồng chí, những người bạn, những người anh em, những người đã cùng tôi lái những chiếc xe không kính, không mui, không còi, … đi suốt chặng đường Trường Sơn huyền thoại trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
            Mải suy nghĩ đưa mình về quá khứ, quay lại thấy thằng cháu đứng ở bên cạnh ông, nhìn nhành mai lắc lư như muốn rời khỏi cây. Thằng cháu nhanh mồm động viên ông - "Ngắt nó đi thôi ông ạ!" và nhanh tay nó ngắt nhành mai vứt về phía sau ông… Tôi thẫn thờ!
            Vẫn biết mọi thứ mất đi sẽ không bao giờ tìm lại được, tôi nghẹn ngào nhón tay nhặt nhành mai lên, trái tim tôi thầm mách bảo:
"ĐỪNG LÃNG QUÊN QUÁ KHỨ - ĐỪNG ĐỂ MẤT NGÀY XƯA"
 
                                                                                                        Hải Phòng, ngày 19 tháng 5 năm 2018



Nguyễn Hồng Thái
Cựu chiến binh Hội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh
Quận Lê Chân - TP. Hải Phòng

Đ/c: số 1/20 Miếu Hai Xã - Dư Hàng - Lê Chân - HP
ĐT: 093.641.3262
 
 
 
(*): Quê hương tác giả ở Thái Bình.
tin tức liên quan