BÃO GIỮA NGÀY THƯỜNG
Truyện ngắn của Xuân Tuynh
Chiến tranh kết thúc, Lê Văn Tốn từ chiến trường Trường Sơn về, mặt mày hốc hác, đầu tóc rậm rạp, áo quần còn vương bụi đất đã chạy vào Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội học hết hai năm cuối mà Tốn bỏ dở để tình nguyện vào chiến trường chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.Tốn có ý định học xong Đại học, cầm chắc tấm bằng đỏ trong tay khi đó mới tính đến chuyện lấy vợ.
Điều bất hạnh đến với Tốn, vừa học xong hai năm cuối Đại học Mỹ thuật, ngày nhận bằng tốt nghiệp thì được tin mẹ Tốn đột ngột qua đời. Nguyên nhân do đột quỵ khi đang làm ngoài đồng. Vậy là ý định học xong về lấy vợ phải gác lại, chờ đến khi mãn tang mẹ mới tính tới.Mẹ mất, chị gái và em gái đều đã có gia đình riêng, người sống ở Thanh Hóa, người trong Hà Tĩnh, một mình Tốn sống trong một ngôi nhà hai tầng, xinh xắn, thoáng mát ngay trên trục đường chính của thị xã Tam Điệp.Tốn quyết định ở nhà làm nghề vẽ, không đi làm cơ quan nhà nước. Mặc dù khi ấy Ty Văn hóa Thông tin tỉnh N. rất cần một họa sĩ có bằng cấp như Tốn.
Số tiền dành dụm của Quân đội trả khi về phục viên, cộng với số tiền của cha mẹ để lại, tốn mang hết đi mua sơn, toan về chất đầy trong nhà để vẽ dần. Tốn dành hẳn cả tầng hai của ngôi nhà làm phòng vẽ. Căn phòng này không cho bất cứ ai vào, ngoại trừ những người bạn thân là họa sĩ. Bởi nhẽ trong phòng Tốn bày biện đồ đạc rất bề bộn; sơn, bột màu bỏ mỗi chỗ một ít, khung, vải, cọ vẽ để không theo một trật tự nào cả. Tính của Tốn làm việc theo cảm hứng. Lúc nào trong đầu nảy ra một ý tưởng hay là lập tức cầm cọ vẽ ngay. Chẳng khác nào một nhà thơ, luôn luôn có quyển sổ và cây viết trong túi áo, khi có tứ thơ hay chợt đến là ghi ngay vào sổ tay.
Tranh của Tốn sáng tác tập trung vào hai đề tài chính: Quê hương và người lính. Đặc biệt là người lính Trường Sơn thời chống Mỹ. Hình ảnh những người lính Công binh bắc cầu, mở đường; hình ảnh các chiến sĩ lái xe chở hàng trong đêm đạn lửa; các cô gái thanh niên xung phong dũng cảm cứu đường, cứu xe... Được Tốn vẽ dạt dào cảm xúc. Bằng chất liệu sơn dầu, chỉ trong vòng một năm, Lê Văn Tốn đã cho ra đời cả vài chục bức tranh về đề tài Trường Sơn đủ mọi kích cỡ. Bạn bè đồng nghiệp, các anh em đồng đội xưa chiến đấu ở Trường Sơn với Tốn đến chơi, nhìn tranh của Tốn ai cũng khen. Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Quân đội... đã mua tranh của Tốn về trưng bày. “Tiếng lành đồn xa” có những nhà sưu tập tranh ở Sài Gòn, Hà Nội đã tìm về mua tranh của Tốn. Mặc dù sống trong thời kỳ bao cấp, đời sống thiếu thốn nhưng Tốn không bán tranh. Tốn tâm sự với bạn bè: “Tiền thì ai chẳng ham, nhưng còn nhiều thứ có tiền cũng không mua được. Mỗi bức tranh của mình vẽ về Trường Sơn, vẽ về người lính là phải đổ bao mồ hôi, công sức và còn có cả máu nữa mới có được. Vì vậy mình muốn giữ lại để sau có điều kiện trưng bày cho đồng đội xem; cho bạn bè thế giới xem để họ có cảm nhận thêm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam; cảm nhận về Trường Sơn - con đường huyền thoại”.
* * *
Mãn tang mẹ, Tốn kết hôn với Hạ, một cô gái đã ngót ba chục tuổi, con gái của một cán bộ có chức sắc trong tỉnh. Hạ là một cán bộ của phòng thương nghiệp. Hạ không đẹp, da ngăm đen, có đôi mắt sắc sảo, mỗi khi cấp dưới nhìn vào đôi mắt Hạ phải né tránh. Hai người lấy nhau được hơn một năm, Hạ sinh được một cô con gái, khi đứa con gái tròn hai tuổi thì cuộc tình đổ vỡ. Chuyện ly hôn lý do chỉ đơn giản, Tốn không ga lăng. Suốt ngày chỉ sống bó hẹp trong phòng vẽ. Nhiều đêm vẽ đến quá nửa đêm rồi lăn ra ngủ. Không mấy để ý đến vợ. Hạ thì ở vào độ tuổi hồi xuân, làm lãnh đạo ở phòng thương nghiệp, có điều kiện ăn diện, luôn luôn đòi hỏi chuyện chăn gối. Tốn thì không đáp ứng thỏa đáng. Hạ thường nặng lời với Tốn:
- Anh là đồ bỏ đi. Quý tranh hơn cả vợ. Chẳng những vậy còn chẳng chăm sóc bản thân, ăn mặc tuềnh toàng để người ngoài bàn tán tôi thấy xấu hổ. Chẳng những vậy người còn... hôi như cú ấy.
- Bản chất tôi là người lính. Không phải là cán bộ nhà nước ăn mặc sang trọng, đầu tóc chải chuốt mượt mà. Cô thấy không sống được với tôi thì...
Nghe Tốn nói vậy, Hạ ném cái nhìn sắc lạnh về phía chồng, nghiến hai hàm răng nói:
- Anh không cần phải nói. Tôi ngán anh đến tận mang tai rồi. Anh biết không, mấy năm nay, ngày đi làm, tối về đến nhà tôi phải chịu đựng cái mùi sơn, mùi rượu, mùi mồ hôi xông lên mũi nồng nặc làm cho tôi ghê tởm. Phải nói tôi cần ly dị chứ không phải anh. Anh làm đơn đi, tôi ký ngay.
Tốn từ lâu đã nhận thấy cuộc hôn nhân này đã không có hạnh phúc. Bởi hai người ở hai tầng lớp khác nhau. Hạ là con của một cán bộ có chức sắc, địa vị, mẹ Hạ là giáo viên, Hạ là cán bộ trưởng phòng. Còn Tốn chỉ là con của một gia đình nông dân, bây giờ là một anh họa sĩ nghèo. Điều dẫn đến chia tay nhau là lẽ tất nhiên. Tốn thấy chẳng còn chi phải luyến tiếc.
Cuộc chia tay của hai người diễn ra nhẹ nhàng. Tốn quyết định bán căn nhà ngoài phố, chia cho mẹ con Hạ một nửa, Tốn vào mua một ngôi nhà cấp bốn tận trong hẻm sâu, cách thị xã cả gần chục ki lô mét. Căn nhà có hai phòng, một phòng lớn và một phòng nhỏ. Phòng lớn Tốn dành làm phòng vẽ, phòng nhỏ để ngủ nghỉ.
Sống ở vùng ngoại ô, không khí yên tĩnh, trong lành, Tốn có cảm hứng sáng tác được nhiều. Nét bút ngày một thăng hoa. Bà con ở trong xóm làng những lúc an nhàn lại rủ nhau sang chơi xem Tốn vẽ tranh. Ai cũng trầm trồ khen ngợi, bởi những bức tranh Tốn vẽ gần gũi với đời sống của họ. Ở gần nhà Tốn có vợ chồng Hồng, vợ chồng Hồng còn trẻ, chỉ đáng tuổi em út của Tốn. Vợ chồng Hồng - Mẫn chỉ học qua phổ thông trung học, nhà nghèo không đi học Đại học được, cả hai ở nhà làm nông. Tuy là nông dân nhưng Hồng - Mẫn rất yêu nghệ thuật, biết thưởng thức tranh ảnh. Hàng ngày đi làm ngoài đồng áng, tối về hai vợ chồng lại dắt con sang nhà bác Tốn xem tranh. Hồng nói:
- Em rất yêu thích những bức tranh bác vẽ về Trường Sơn rất đẹp. Em thích nhất bức: “Đèo Ngang”, nhìn bức tranh em lại nhớ tới bài thơ: “Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan mà em đã được học. Hơn nữa Đèo Ngang cũng là nơi bố em đã hy sinh năm một ngàn chín trăm bảy mươi. Bố em cũng là lính công binh Trường Sơn. Tháng chín năm một nghìn chín trăm chín mươi, em cùng với mấy bác đồng đội của bố em vào Đèo Ngang mang hài cốt của bố em về. Vợ chồng em rất muốn có bức tranh Đèo Ngang treo ở nhà làm kỷ niệm...
Mẫn đập nhẹ vào vai chồng:
- Anh... này. Tranh của bác bán tiền đô, vợ chồng mình...
Tốn hiểu ý của vợ chồng Hồng. Tốn quý vợ chồng Hồng, là nông dân nhưng yêu nghệ thuật, biết thưởng thức tranh. Tốn cười nói:
- Tiền mua được một bức tranh quả là có cao. Nhưng không sao. Khi nào vợ chồng cô chú có nhà mới anh sẽ tặng một bức.
- Cái chi chứ nhà mới sẽ có. Vợ chồng em đã dành dụm được tiền đủ xây được ngôi nhà cấp bốn, ước tính rộng gấp rưỡi căn nhà của bác. Hiện nay vật liệu như gạch ngói, gỗ lạt bọn em đã mua đủ. Thu hoạch vụ mùa xong là rước thợ về làm. Chừng hai tháng là xong. Khi ấy bác là khách quý của vợ chồng em đến dự tiệc tân gia (Mẫn nói).
* * *
Đúng vào ngày áp Tết năm hai ngàn, ngôi nhà mơ ước của vợ chồng Hồng đã xây xong. Vợ chồng Hồng sang mời Tốn dự tiệc tân gia. Tốn lấy giấy hồng bọc bức tranh: “Đèo Ngang” mang sang tặng cho vợ chồng Hồng. Hai vợ chồng mừng lắm, Hồng bóc lớp giấy hồng bọc bên ngoài bức tranh ra, trịnh trọng treo lên tường phòng khách. Bà con, bạn bè đổ xô vào xem tranh. Ai cũng khen ngợi. Đặc biệt mấy ông khách, bạn của bố Hồng, đều là chiến hữu ở Trường Sơn ngắm nhìn bức tranh không muốn rời mắt. Có người nhìn bức tranh Đèo Ngang đã khóc bởi bức tranh gợi cho ông nhớ tới bố Hồng, người đồng đội thân yêu đã ngã xuống nơi chân Đèo Ngang sau một loạt bom tọa độ của Mỹ cuối năm một ngàn chín trăm bảy hai.
Ăn tiệc xong, Tốn chia tay vợ chồng Hồng, chào mọi người ra về. Tốn thong thả đạp xe đi dạo, ngắm cảnh đêm đông trên phố, bởi đã lâu rồi Tốn bận bịu công việc sáng tác không rảnh thời gian dạo phố.
Vừa đạp xe ra khỏi con đường làng, đến ngã ba khu phố nhỏ, Tốn nhìn thấy một thằng nhỏ ăn mặc phong phanh một chiếc áo thun cũ kỹ, rét run, ngồi dưới chân cột đèn bên đường. Dưới ánh đèn néon từ trên cao tỏa xuống, Tốn nhận ra cậu bé có gương mặt trái xoan, da nâu, chừng năm, sáu tuổi đang khóc sụt sùi. Tốn đến bên cậu bé, dựng xe bên lề đường, ngồi xuống hỏi:
- Cháu là con nhà ai, tên gì, ở đâu, bị lạc đường sao?...
Cậu bé ngước mắt lên nhìn Tốn một lúc mới thều thào nói trong tiếng nấc:
- Con tên là Bắp. Không, con... không lạc đường. Nhà con ở đầu phố kia kìa. Con đói quá ra đây ăn xin để có miếng ăn cho đỡ đói...
- Bố mẹ cháu đâu lại khiến cháu phải khổ thế này?
- Bố mẹ cháu bị xe tông, chết cách đây nửa năm rồi. Hai anh em con ở với bà ngoại. Bà con cũng chẳng có tiền của, hàng ngày phải đi bán vé số nuôi anh em con. Cách đây hai hôm, bà đi bán vé số ngang qua cổng nhà ông Vương, người có tòa nhà cao nhất thị xã này, bị con chó béc giê nhà ông ta tung cổng lao ra cắn vào chân bà con. Vết cắn sâu làm cho bà không đi lại được. Bà giờ nằm kêu rên ở nhà...
- Ông Vương, bác biết. Nhà ông ấy giàu lắm sao không bồi thường cho bà cháu đi viện chữa vết thương.
Cậu bé lại khóc và nói:
- Họ giàu mà bạc lắm bác ơi. Bà con bị chó nhà ông ta cắn mà không tới hỏi han gì. Bữa đó không có bà con trong khóm cứu thì bà cháu đã chết rồi.
Nghe cậu bé nói mà Tốn thương hoàn cảnh của bà cháu đến quặn lòng. Ngay lúc đó có một xe bán bánh mỳ đi ngang, Tốn liền mua ba ổ bánh mỳ thịt đưa cho cậu bé:
- Bác cho ba ổ bánh, cháu ăn một ổ cho đỡ đói, còn hai ổ mang về cho bà và anh.
Cậu bé cầm lấy ổ bánh mỳ ăn ngấu nghiến, ăn vội vàng như sợ có ai cướp mất. Ăn xong cậu bé chắp tay lạy Tốn rối rít. Tốn mở ví lấy hai triệu đồng, số tiền hôm trước bán được một bức tranh cho ông khách ở Hà Nội, được năm triệu. Sau khi mua sơn và toan hết ba triệu, còn lại hai triệu đưa cho cậu bé:
- Bác cho con số tiền này, con đem về mua thuốc điều trị cho bà.
Cậu bé thấy số tiền lớn quá ngần ngại không dám cầm.
- Bác cho con nhiều thế này con không dám lấy đâu...
- Bác không phải cho cháu cả mà giúp bà cháu chữa vết thương chó cắn. Hiểu chưa nhóc. Cầm lấy đi.
Cậu bé cầm lấy tiền bỏ vào túi áo ngực rồi lễ phép cúi đầu chào Tốn.
- Con... Chào bác... Con cảm ơn bác!
Thấy thằng bé trời rét lại chỉ mặc mỗi chiếc áo thun mong manh, Tốn cởi ngay chiếc áo khoác của mình, mặc lên người thằng bé.
- Cháu về đi, mang bánh về cho bà và anh ăn khi bánh còn nóng.
Thằng bé đi được một đoạn xa, Tốn mới đạp xe đi dạo trên phố một lúc rồi quay về nhà. Đêm hôm đó Tốn cứ trằn trọc không sao ngủ được, luôn nghĩ về thằng nhỏ. Tốn băn khoăn tự hỏi mình: Đất nước đã thống nhất, chiến tranh đã lùi xa mà sao quê hương ta vẫn còn nhiều những cảnh đời bất hạnh vậy?
* * *
Bẵng đi một thời gian dài chừng hai tháng, một buổi chiều cuối xuân, Tốn đang ngồi miệt mài vẽ trong phòng tranh thì thấy hai cậu bé, ăn mặc áo quần đẹp đẽ, cả hai đều vận áo sơ mi trắng, quần xanh, áo bỏ trong quần, nai nịt gọn gàng. Một cậu chừng tám tuổi, một cậu chừng sáu tuổi. Cả hai cậu bé bước tới cửa phòng vẽ, lễ phép cúi đầu chào:
- Chúng con chào bác họa sĩ ạ.
Tốn dừng vẽ, ngước mắt lên nhìn hai vị khách lạ. Chưa kịp nhận ra con cái nhà ai, ở đâu tới. Đang ngần ngại, chưa kịp hỏi thì cậu nhỏ tuổi đã nhanh nhảu lên tiếng:
- Bác không nhận ra con sao? Con là thằng bé hồi gần Tết ngồi khóc dưới chân cột đèn ở ngã ba thị xã đã được bác mua bánh mỳ cho ăn, còn cho cả tiền và áo ấm nữa...
Lúc này Tốn mới nhận ra đó là cậu bé tên Bắp. Nhưng hôm nay thấy cậu khác quá. Ăn mặc chững chạc, khác xa với cậu bé ngồi ăn xin dưới chân cột đèn mà mình gặp.
- À. Bác nhận ra rồi. Cháu tên là Bắp đúng không. Thế còn cậu này?
Bắp vồn vã nói:
- Thưa bác, đây là anh con. Anh con tên Khoai.
- Sao hai con, Bắp và Khoai biết được nhà bác ở đây mà tới?
Khoai nói:
- Bác là họa sĩ nổi tiếng, vùng này ai chẳng biết ạ. Trước đây bà cháu con dắt nhau đi bán vé số, đã có lần qua đây và còn được bác mua vé số cho nữa.
- Vậy hôm nay hai cháu đến tìm bác có chuyện gì?
Khoai chắp hai tay trước ngực, lễ phép nói:
- Thưa bác, hôm nay hai con đến đây, trước tiên thăm bác, sau là chúng con xin gửi lại hai triệu đồng bác cho em con bữa trước. Nhờ có số tiền đó ba bà cháu có tiền ăn Tết, có tiền mua thuốc chữa khỏi vết thương chó cắn ở chân bà. Ngoài ra, bà con xin gửi biếu bác năm triệu đồng để bác mua sơn vẽ ạ.
Nói dứt lời, Khoai lấy trong túi áo ra một gói tiền đưa cho Tốn. Tốn ngạc nhiên chưa hiểu anh em Bắp - Khoai lấy đâu ra nhiều tiền vậy?
- Các con lấy đâu ra số tiền lớn, mà cho bác nhiều vậy? Bác không dám nhận đâu.
Khoai nói tiếp:
- Thưa bác, chuyện là thế này: Cách đây một tuần, con mua mười chiếc vé số. Tối đó trúng vào lô độc đắc, chúng con được một số tiền rất lớn. Bà con chỉ để lại vài trăm triệu để tiêu và làm công quả. Còn lại bà mang gửi ngân hàng để cho chắc, khi cần thì rút ra...
Tốn chạy lại cầm tay của Khoai và Bắp lắc mạnh, tươi cười nói:
- Bác chúc mừng cho bà và hai cháu có được lộc của trời. Bây giờ thế này nhé: Số tiền bà cùng hai con biếu bác, bác cảm ơn bà con và hai con. Bác chỉ xin nhận mười nghìn tượng trưng thôi. Còn lại hai con mang về mua sách vở đi học, chăm chỉ học tập cho thật giỏi để sau này có công ăn việc làm tử tế đỡ khổ.
Khoai và Bắp xua tay. Khoai nói:
- Bác không nhận về nhà chúng con bị bà mắng.
Bắp cầm lấy bọc tiền đặt xuống bàn rồi cả hai anh em vội vã ra về. Tốn đuổi theo gọi nhưng cả hai anh em chạy nhanh như hai con sóc. Tốn quay vào nhà cất gói tiền vào trong tủ, miệng lẩm bẩm: “Thôi mình giữ dùm tụi nhỏ. Khi nào có dịp đưa lại”.
Ngoài trời ánh hoàng hôn đã hừng đỏ. Một ngày vui đến với Tốn sắp kết thúc. Tốn hứng khởi vẽ nốt những đường nét cuối cùng bức chân dung một cô gái thanh niên xung phong Trường Sơn.
Bức tranh vừa vẽ xong. Tốn đứng lên, nhìn ra ngoài trời, mặt trời đã tắt, hàng xóm đã có nhà lên đèn. Tốn định bụng xuống bếp nấu ăn thì Hồng hớt hải chạy sang, trên tay cầm một tờ báo. Gọi dồn dập:
- Bác Tốn ơi! Bác... Tốn ơi!...
Tốn quay ra hỏi:
- Có chuyện chi mà chú em hét lớn vậy. Tin vui hay tin dữ?
- Tin dữ. Bác đọc báo ngày hôm nay chưa?
- Tin dữ chi. Mình ở nhà tối ngày làm gì có báo mà đọc.
Hồng lấy lại bình tĩnh, đưa tờ báo cho Tốn:
- Báo tỉnh đây. Bác đọc đi, chuyện lớn đăng ở trang hai ấy.
Tốn cầm lấy tờ báo, đến bên ánh đèn ở phòng khách đọc. Đọc một lát, trố mắt nhìn Hồng hỏi:
- Có chuyện này thiệt sao. Vợ chồng Hạ bị bắt?
- Có thì báo mới đăng chứ lại. Cả thị xã đi đến chỗ nào người ta cũng đứng tụm năm, tụm ba bàn tán. Đúng là quả báo. Mới cách đây bố chết, giờ con gái và con rể bị bắt về tội thông đồng biển thủ công quỹ. Nhà ấy mạt rồi bác. Thiệt đáng đời cái mụ Hạ. Trước đây ngược đãi với bác, bỏ bác, giờ thì “ác giả, ác báo” các cụ ta xưa nói quả không sai.
Nghe Hồng nói ông Vương, bố Hạ chết, Tốn hết sức ngạc nhiên hỏi lại:
- Ông Vương chết thiệt sao. Bệnh gì?
Hồng thấy Tốn hỏi vậy, tròn mắt hỏi lại:
- Ông Vương chết bác không biết thiệt sao?
- Mình không hay biết gì cả. Ông ta chết về bệnh gì?
Hồng mồi điếu thuốc lá rít một hơi, nhả khói bay cao rồi chậm rãi thuật lại sự việc ông Vương mất:
- Chuyện là thế này, nhà lão nuôi một con chó béc giê to lớn như con bê con. Một hôm có ba gã thanh niên thuộc loại nghịch ngợm, đi ngang qua cố tình dùng gậy thọc vào cửa sắt nhà lão Vương cốt để cho con béc giê sủa, chọc tức lão Vương. Con chó ở bên trong cửa sắt lồng lộn, hai chân trước cào cấu lên song sắt, sủa inh ỏi, tiếng sủa của nó làm kinh động cả khu phố. Lão Vương ở trong nhà chạy ra, mặt đỏ như gà trọi, quát mắng chửi ba gã thanh niên: “Lũ mất dậy. Chúng mày là con cái nhà ai mà đến đây quậy phá hả. Tụi bay không biết tao là ai sao?”. Ba gã thanh niên cười phá lên: “Tụi tôi biết chứ. Ông là quan tham. Cả tỉnh này ai chẳng biết”. Con chó tỏ ra bênh chủ lại sủa lớn hơn. Lão Vương túm lấy sợi dây xích ở cổ con chó, lấy hết sức kéo nó vào nhà. Chẳng may sợi xích đứt, lão ngã người ra phía sau, đầu đập mạnh xuống chậu kiểng, máu chảy lai láng. Ba gã thanh niên liền bỏ chạy. Người nhà lão Vương ra đưa xuống bệnh viện nhưng lão đã tịch trên đường đi.
Nghe xong câu chuyện Hồng kể, Tốn chợt thấy nhói lòng. Ông Vương chết, vợ chồng Hạ vướng vào lao lý. Âu cũng là nhân quả. Tốn chỉ thương cho đứa con gái của mình, mới bốn tuổi đầu, rồi đây con bé không có mẹ ở bên cạnh sẽ sống ra sao? Tốn nhỏ nhẹ nói với Hồng:
- Chuyện của gia đình Hạ, họ làm ra những điều khuất tất thì họ phải gánh. Mình chỉ thương cho đứa con gái mình...
Hồng nói thẳng băng:
- Bác lo gì. Đưa con bé về nuôi. Có khó khăn vợ chồng em sẵn sàng giúp một tay. Con bác cũng như con cháu nhà em.
Tốn suy nghĩ một lát:
- Chú nói vậy cũng phải. Thôi thế này, lát nữa cơm nước xong anh nhờ chú chở xe máy đưa anh sang nhà Hạ, đón con bé về.
Hồng nắm chặt tay Tốn:
- Đồng ý. Em xin tuân lệnh!
Cơm nước xong, ngoài trời đầy trăng sao vằng vặc thì bỗng dưng mây đen ùn ùn kéo về, giông bão nổi lên, mưa xối xả. Hồng nhìn ra ngoài trời:
- Thời tiết bây giờ thay đổi khó lường. Mùa này mà vẫn còn gió bão.
Tốn tiếp lời Hồng:
- Thời tiết thay đổi cũng giống như cuộc đời. Chẳng ai biết trước điều gì sắp xảy ra, sẽ xảy ra. Nay tốt, mai trở thành kẻ xấu. Tất cả cứ lộn tùng phèo giả, thiệt, thiệt giả, tốt xấu lẫn lộn thiệt buồn phải không chú?
- Bác nói chí phải (Hồng nói).
Tốn thấy trời mưa sợ Hồng đi xe vất vả. Không muốn làm phiền bạn:
- Trời gió mưa thế này hay ta hoãn lại, để mai đi được không?
Hồng xua tay nói:
- Mưa gió thế này nhằm nhò gì. Mà đây sang đó có xa mấy. Anh em mình mặc áo mưa em vù một chút là tới nơi ấy mà.
Hai người mặc áo mưa, lên xe, chiếc xe máy lao vun vút trong đêm mưa gió. Ngồi xe trong đêm gió mưa trong lòng Tốn cồn cào nhớ về những năm tháng ở Trường Sơn.
Tháng 8-2018
X.T
Địa chỉ liên lạc:
Nguyễn Xuân Tuynh
06 Phan Đình Phùng - Tp. Nha Trang
DĐ: 0908.625.369