Trận đánh đầy tiếc nuối - Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 09:26 12/10/2018 Lượt xem: 781
Dự thi “Hào khí Trường Sơn”

             Trận đánh đầy nuối tiếc
                                     NGUYỄN KIM CHÚC
 

 
Gần 50 năm đã qua. Nhưng ký ức về trận đánh đầu mùa khô năm 1970 - 1971 của Tiểu đoàn 28 cao xạ - Binh trạm 44 ở km40 đường B46 vẫn để lại trong tôi đầy tiếc nuối. Ngày ấy, giữa tôi và Tuấn - trợ lý cao xạ hay xảy ra cự cãi về trận đánh tôi cho là trận đánh không thành công. Còn Tuấn cho là trận đánh đẹp. Chứng kiến cuộc cự cãi của bọn tôi - Tham mưu phó tác chiến Binh trạm Đoàn Lưu chỉ cười. Mãi sau này tôi mới hiểu được ý nghĩa của cái cười tủm ấy của đồng chí Tham mưu phó Binh trạm.
Tôi từ chiến trường Quảng Nam về lại Binh trạm 44 Trường Sơn và được về Ban Tác chiến Binh trạm sống và chiến đấu với các sỹ quan dạn dày trận mạc và học hỏi được rất nhiều ở họ. Đứng đầu là Binh trạm trưởng Vũ Xuân Phương. Ông mang hàm Thiếu tá đã từng là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Phú Thọ. Ông đã qua Học viện Lục quân, rất giỏi sử dụng lực lượng và chỉ huy tác chiến. Binh trạm phó Đại úy Tăng Văn Hoan - ông người Bắc Cạn, cán bộ tiền khởi nghĩa. Ông từng tự hào nói rằng: “Số cao lắm! Giặc đã đem ông đi bắn mà ông vẫn sống”. Chuyện là địch bắt được ông và một số anh em nữa ở thị xã Bắc Cạn. Đêm ấy địch đem bọn ông đi thủ tiêu. Giữa đường ông lăn xuống chân đồi - chạy thoát. Tham mưu phó tác chiến Đại úy Đoàn Lưu. Ông từng là Đại đội trưởng cao xạ 37 ly chốt giữ và chiến đấu ở túi bom Nam Ngạn, Hàm Rồng, Thanh Hóa. Mỗi khi chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam phát vở chèo “Đường về trận địa”, ông lại nhắc mọi người lắng nghe có tên ông trong đó. Còn cánh trợ lý tác chiến đều là những cán bộ tiểu đoàn, đại đội đã trực tiếp tham gia tác chiến ở các đơn vị được điều về làm trợ lý.
Tháng 11 hàng năm ở Tây Trường Sơn đã dứt hẳn những trận mưa xối xả. Các lực lượng trên tuyến đều được huy động để khắc phục sạt lở, gia cố cầu ngầm để đón xe hàng vào. Cũng là lúc địch tăng cường thăm dò đánh phá ngăn chặn ta.
Dưới sự chỉ đạo của Binh trạm trưởng. Cơ quan Tham mưu tác chiến thông qua kế hoạch mùa khô 1970 - 1971 và triển khai ngay trên thực địa, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Tiểu đoàn 28 cao xạ: với 3 đại đội pháo 37 ly được tăng cường thêm một đại đội pháo cao xạ 23 ly 4 nòng tổ chức đánh một trận tiêu diệt để khuếch trương thanh thế.
Sau nhiều ngày đi thực địa, Tiểu đoàn 28 chọn khu vực km40 đường B46 là nơi tổ chức trận đánh. Đường B46 từ Chà Vằn đi vào tới km40 là một khu vực tương đối bằng phẳng với những đồi thông non thưa thớt rất thuận tiện cho việc bố trí trận địa bắn đội hình tiểu đoàn ở cả hai bên đường. Các đại đội chiếm lĩnh trận địa triển khai công sự ngụy trang chắc chắn và luyện tập theo phương án tác chiến đã được thông qua.
Tôi theo chân Binh trạm phó Tăng Văn Hoan đi thực địa. Công việc của bọn tôi thuận lợi vô cùng. Mấy ngày trước chiếc trực thăng đổ biệt kích xuống khu vực Chà Vằn. Bọn biệt kích vừa chạm đất đã bị đánh tiêu diệt. Tấm bản đồ địa hình 1/100.000 do Mỹ in ấn dùng không ảnh ba chiều rất chính xác mà tôi đang có là chiến lợi phẩm quý nhất của trận đánh. Binh trạm phó Tăng Văn Hoan giao nhiệm vụ chốt giữ những nơi hiểm yếu, bố trí mạng lưới đài quan sát, các trận địa súng máy 12ly7 đề phòng địch đổ bộ đường không. Tổ chức cho đại đội pháo 85 ly bắn thử vào các mục tiêu bảo vệ đạt kết quả tốt … Ở khu vực km40 Tham mưu phó Đoàn Lưu cùng với đại úy Doãn Cát Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 28, xem xét bố trí trận địa bắn đảm bảo: hỏa khí phân tán - hỏa lực tập trung. Chọn phương án dụ địch tới để đánh. Các đại đội pháo 37ly, 23ly lấy bãi trống km40 đường B46 đi qua là mục tiêu cần bảo vệ để thiết bị bắn …
Được tháp tùng Binh trạm phó Tăng Văn Hoan đi thực địa kiểm tra sẵn sàng chiến đấu và trực tiếp phê duyệt kế hoạch tác chiến bảo vệ khu vực, chống đổ bộ đường không, chống biệt kích thám báo … của các đơn vị tôi học được nhiều điều. Đang đi trên đường, chợt ông rẽ ngang vít cành cây hái những ngọn lá xanh. Ông bảo: Đây là lá chè dây. Tối về ông sao chè pha nước uống cũng ngon. Bên bi đông trà dây thầy trò xì xụp nói chuyện trên trời dưới bể. Rồi ông nói về âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ. Ông đưa ra kết luận như muốn nói với riêng tôi:
- Bọn Mỹ thâm thật. Nó dùng người Việt đánh người Việt mình. Công thức của nó là: Bộ binh ngụy cộng hỏa lực Mỹ, hậu cần Mỹ. Để thử nghiệm công thức này có thể chúng sẽ đánh ra tuyến chi viện chiến lược của ta. Địa bàn Binh trạm 44 chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng tiếp chiến.
Làm việc với Tiểu đoàn 28 pháo cao xạ ở km40. Binh trạm phó Tăng Văn Hoan đồng ý với phương án tác chiến của Tiểu đoàn. Phương án có một chi tiết rất mạo hiểm là dùng xe hoạt động ở bãi trống để nhử địch vào đánh. Cụ thể là: Khi thấy máy bay trinh sát OV10 vào khu vực thì xe của ta theo đường B46 từ bìa rừng đi ra. Khi OV10 lượn vòng thì lái xe để xe ở bãi trống chạy vào hầm ẩn nấp gần đó. Nhiệm vụ của cụm pháo là tập trung hỏa lực hạ OV10 sau đó đánh lũ F4 cắt bom. Binh trạm phó nhắc nhở ban chỉ huy tiểu đoàn 28:
- Đây là nhiệm vụ không dễ dàng gì. Các đồng chí cần quyết tâm cao, động viên bộ đội để thực hiện tốt nhiệm vụ. Có phương án cụ thể để đảm bảo an toàn cao nhất cho lái xe làm nhiệm vụ nhử địch. Cần tổ chức đánh một trận ra trò, khuếch trương sự lớn mạnh của ta, tiêu diệt được địch …
Quả thực đây là nhiệm vụ khó khăn. Tiểu đoàn pháo cao xạ 28 đã có nhiều năm đánh trả chiến tranh phá hoại của Mỹ ở chiến trường khu IV. Tiểu đoàn dừng chân ở tuyến B46 này ngay từ ngày đầu thành lập Binh trạm 44. Tiểu đoàn đã đánh nhiều trận bảo vệ đội hình xe ban đêm và bảo vệ trọng điểm. Có trận chỉ một điểm xạ máy bay OV10 bay ra cũng bị trúng đạn rơi tại chỗ.
Nhưng tổ chức đánh tập trung đội hình tiểu đoàn mà lại nhử địch đến để đánh thì đây là lần đầu. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Tham mưu phó Tác chiến  Binh trạm Đoàn Lưu và các trợ lý tác chiến dày dạn kinh nghiệm. Cả Tiểu đoàn quyết tâm ngày đêm luyện tập theo phương án đã được phê duyệt.
Đã sang tháng 12 năm 1970. Xe hàng đã nhập tuyến. Bọn địch biết điều đó. Hàng ngày chúng dùng máy bay trinh sát cánh quạt OV10 bay dọc tuyến dòm ngó. Ở tuyến B46, tuyến chi viện trực tiếp cho khu V và bắc Tây Nguyên rất gần với các căn cứ của Mỹ ngụy. Chỉ cần ít phút bay là chúng có thể tham gia ném bom bắn phá hoặc giải cứu đồng bọn. Vì vậy để hỗ trợ cho trận đánh này cần có các đơn vị công binh, bộ binh, pháo mặt đất … các đài quan sát hoạt động không hề ngừng nghỉ …
Mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất. Đài quan sát của Binh trạm trên điểm cao 712 chỉ cách khu vực km40 khoảng một ki lô mét. Ở đây bao quát được cả khu vực, có mạng lưới thông tin chỉ huy và hai khẩu 12ly7 trực chiến. Khoảng hai giờ chiều ngày 28 tháng 12 năm 1970, đài quan sát báo về có OV10 bay trinh sát dọc tuyến. Tiểu đoàn 28 vào cấp chiến đấu, sẵn sàng nhả đạn. Như thường lệ chiếc OV10 bay chầm chậm nghiêng ngó dọc tuyến. Chiếc ô tô của tiểu đoàn 28 từ bìa rừng ngụy trang sơ sài từ từ bò ra bãi trống. Chiếc OV10 bất ngờ nâng độ cao lượn vòng ra xa. Chứng tỏ chúng đã thấy mục tiêu đang gọi đồng bọn tới. Các nòng pháo được lệnh bám sát OV10. Lái xe được lệnh rời xe về vị trí ẩn nấp. Chiếc OV10 bay vòng lại, bất ngờ từ hướng mặt trời nó chúi mũi bổ nhào. Chỉ chờ có thế, cả tiểu đoàn nổ súng: 12 khẩu 37ly và 4 khẩu 23ly 4 nòng cùng nhả đạn theo hướng bổ nhào của chiếc OV10. Chiếc OV10 lật xấp, lật xấp, lật xấp … rơi tự do và khi chỉ còn cách mặt đất vài trăm mét nó cải bằng thoát ly ra khỏi vùng lửa đạn. Rồi nó vòng lại từ xa phóng đạn cối chỉ điểm xuống. Lúc này lũ F4 đã bay vòng quanh và cũng từ ngoài xa cắt bom xuống. Các nòng pháo vẫn bám chặt mục tiêu nhả đạn. Bầu trời sáng bừng lửa đạn cao xạ bám sát lũ giặc trời Mỹ. Từ khi vào tuyến lửa Trường Sơn chưa bao giờ chúng tôi được chứng kiến một trận đánh nào qui mô như thế.
Tình huống huy động lực lượng bắt sống giặc lái và đánh trả quân đổ bộ giải cứu phi công đã không xảy ra. Chứng kiến chiếc OV10 lật xấp, lật xấp, lật xấp … rồi bất ngờ cải bằng thoát ly ra khỏi vòng chiến. Binh trạm phó Tăng Văn Hoan hài hước: “Một huề! Mình dùng xe lừa nó, nó lại “giả chết” lừa mình”. Chúng tôi ở đài quan sát cao điểm 712 cùng Binh trạm phó Tăng Văn Hoan quan sát rất rõ trận đánh. Không gian yên tĩnh trở lại. Chiếc xe làm mồi nhử đã rời bãi trống về nơi cất giấu. Đêm ấy các đại đội cao xạ tham gia trận chiến kéo pháo di chuyển trận địa. Chúng tôi theo đường giao liên về sở chỉ huy cơ bản của Binh trạm để rút kinh nghiệm trận đánh, mang theo đầy tiếc nuối. Giá như bắn rơi hoặc bắn cháy được một hai chiếc thì hay biết mấy, ta bắn tới ngàn viên đạn cơ mà …
Trên đường giao liên bộ chúng tôi gặp đội hình Sư đoàn 2 Quân khu V rời Quảng Nam ra hướng đường 9 Nam Lào. Tình thế đã rõ: Bộ binh ngụy, hỏa lực và hậu cần Mỹ đã tập trung nhằm hướng đường 9 Khe Sanh và đích tới của chúng sẽ là Sê pôn Bản Đông nhằm đánh phá tuyến chi viện chiến lược của ta. Qua Binh trạm phó Tăng Văn Hoan chúng tôi được biết vậy. Mấy mùa khô trước ta quần cho Mỹ - ngụy tơi tả ngay trên căn cứ của chúng. Mùa khô này hàng vạn quân ngụy được hỏa lực và hậu cần Mỹ sẽ quần nhau với ta ngay trên Đường 9 Nam Lào và có thể tới cả khu vực Binh trạm 44 chúng tôi đang đứng chân. Chúng tôi cũng đã sẵn sàng đợi chúng tới. Một điều dễ nhận thấy là cách vào trận của bọn Mỹ giờ đã khác. Nếu như trước kia phát hiện xe ta trên tuyến là bọn Mỹ bu tới đánh. Thì trận đánh của Tiểu đoàn 28 vừa rồi lại khác. Khi thấy hỏa lực ta bắn mạnh lên bọn giặc lái thoát ly ra xa. Từ xa cắt bom, bắn phá, hết bom đạn chuồn thẳng. Trở về sở chỉ huy chúng tôi sẽ tìm ra những bài học từ trận đánh đầy tiếc nuối này. Thông điệp giao chiến đã được gửi tới bọn Mỹ. Mùa khô này chúng tôi đã lớn mạnh, lưới lửa phòng không Trường Sơn đủ sức vít cổ bọn giặc trời Mỹ.
 
_________________________ 
Nguyễn Kim Chúc
Đ/c: TDP 24 Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội
ĐT: 01277989008
 
tin tức liên quan