Về một tác phầm mới “Của thiên trả địa” của Nguyễn Bổng - Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

Ngày đăng: 05:46 18/10/2018 Lượt xem: 1.156

---------------------------------------------------------------------

VỀ MỘT TÁC PHẨM MỚI “CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA”
CỦA NGUYỄN BỔNG - HỘI VIÊN HỘI VHNT TRƯỜNG SƠN

           Hội viên Trường Sơn đồng thời cũng là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn: Nguyễn Bổng vừa cho ra mắt tác phẩm “CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phát hành tháng 9 năm 2018. Lễ ra mắt tác phẩm “CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA” do Câu lạc bộ thơ Quần Phương - Bộ môn văn xuôi tổ chức tại huyện Ủy Hải Hậu - Nam Định. Về dự buổi lễ có đại biểu thay mặt huyện Ủy - UBND huyện Hải Hậu, các ban ngành của huyện Hải Hậu ; Đại biểu là lãnh đạo Hội VHNT tỉnh Nam Định; trưởng các bộ môn Âm nhạc múa, Phê bình nghiên cứu, nhiếp ảnh, Mỹ thuật thuộc Hội VHNT tỉnh Nam Định; Câu lạc bộ thơ Quần Phương huyện Hải Hậu; Đảng Ủy - UBND xã Hải Tây cùng đại biểu các Câu lạc bộ, các bạn văn thơ…
           Là bạn Văn chương của Nguyễn Bổng, trong buổi dự lễ ra mắt tác phẩm “CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA” - Tác giả Phạm Hồng Loan đã trình bày cảm nhận và ngay sau buổi lễ ít giờ Phạm Hồng Loan đã đăng đàn bài viết có tựa đề: “CHUYỆN Ở LÀNG BÒNG - THANH CỦI NHỎ”, bài viết được hình thành từ cảm nhận qua một mẩu truyện có tựa đề: “CHUYỆN Ở LÀNG BÒNG” - Một trong nhiều mẩu truyện của tác phẩm “CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA”. Viết cảm nhận bằng tiếng lòng mình với tình tiết của tác phẩm để giới thiệu với công chúng trên mạng xã hội. Theo đó tác giả Phạm Hồng Loan còn giành riêng cho Nguyễn Bổng một món quà đó là lời chúc: “…Chúc nhà văn vững bước trên con đường chông gai, nhọc nhằn và gặt hái nhiều thành công trên cánh đồng Văn chương” Quả là một món quà vô giá, thật ý nghĩa và đầy tính nhân văn mà Phạm Hồng Loan đã thịnh tình gửi đến tác giả Nguyễn Bổng - Một người đã tự cho mình cái tên đáng yêu “Con người sinh ra từ bùn đất”.
           Trang Thông tin và Bản tin Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc “CHUYỆN Ở LÀNG BÒNG - THANH CỦI NHỎ” của tác giả Phạm Hồng Loan.

           BTV Phạm Sinh
     
Tác giả Nguyễn Bổng trong ngày ra mắt " CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA"

CHUYỆN Ở LÀNG BÒNG - THANH CỦI NHỎ
Phạm Hồng Loan

           Nói đến Nguyễn Bổng, người ta nói đến một cán bộ tận tụy với quê hương Hải Tây. Gần nửa cuộc đời tần tảo hai sương một nắng, ông ngày đêm cần mẫn trên từng luống cày, từng nẻo đường cùng người dân từng bước làm thay đổi diện mạo của quê hương. 35 năm giữ trọng trách quan trọng trong một xã thuần túy nông nghiệp, chứng kiến bao sự thăng trầm của lịch sử, của mỗi kiếp người, ông đã quá rành rẽ với muôn hình vạn trạng loại người trong mọi tầng lớp. Rời công việc của người cán bộ, trở về với cuộc sống đời thường, ông trải niềm đam mê ấp ủ bao năm trên từng trang viết. Có thể nói chất liệu làng quê ngồn ngộn trên từng trang viết của ông – của con người sinh ra từ bùn đất (đó là cách nói tếu táo ông hay nói với tôi). Cái con người từ bùn đất mà ra ấy đã dùng ngòi bút xông xáo vào mọi ngóc ngách đời sống nơi làng quê bình dị nhưng ẩn trong đó là những mưu mô, toan tính, những con sóng ngầm của những kẻ lợi dụng chức quyền vơ vét, làm giàu trên mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả xương máu của những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Mỗi truyện ngắn trong các tập truyện của Nguyễn Bổng như một lát cắt nhỏ, ẩn chứa một thông điệp sâu xa. Đọc tập truyện “Của thiên trả địa” mới xuất bản, tôi đặc biệt ấn tượng với truyện ngắn Chuyện ở làng Bòng. Câu chuyện hướng người đọc đến một vấn đề mang tính thời sự mà xã hội đang quan tâm. Đó là chống tham nhũng. Nhà văn đã đưa người đọc về với làng Bòng, một làng quê ẩn dưới lũy tre xanh của thời bao cấp, gặp gỡ vị Chủ tịch xã mà mục đich hắn đưa lên hàng đầu ngay từ thuở thanh niên là tham nhũng. Để thực hiện được mục đích đó, hắn không từ một thủ đoạn nào trong mọi lúc, ở mọi nơi. Chỉ là một thứ tham nhũng vặt của một dạng cường hào xóm mang danh cán bộ mà tác hại hắn gây ra không hề nhỏ thì thử hỏi sự tham nhũng của những kẻ ở những lĩnh vực cao hơn thì hậu quả sẽ như thế nào? Có thể nói Câu chuyện làng Bòng là câu chuyện chung của bao làng quê Việt Nam, là thanh củi nhỏ mà nhà văn sinh ra từ bùn đất Hải Tây tiếp thêm vào lò lửa chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhóm lên và sẽ cháy sáng mãi.
           Câu chuyện sảy ra ở làng Bòng. Cái tên thật dân dã như chính những con người nơi đây từ thời bao cấp. Ngày ấy, người dân tin vào cán bộ như tin vào đức Chúa trời.Lời của cán bộ là lời của Đảng, của Nhà nước nên bảo gì dân cũng nghe theo. Vì vậy có những kẻ đã dựa vào đức tin ấy của người dân để làm giàu trên mồ hôi, xương máu của họ. Trong đó nhân vật Thảo – Chủ tịch xã là điển hình.
           Câu chuyện mở ra với lời kêu ai oán của vợ Thảo về cái chết bất ngờ, đau đớn của chồng. Lời “kêu khóc thảm thiết bên cái xác co quắp, cháy đen, nham nhở” ấy sao không làm ai động lòng? Hỏi trời, trời chẳng biết. Hỏi đất, đất lặng im. Hỏi người “ chao ôi là người, vòng trong vòng ngoài, cứ vịn vai nhau mà chen, mà kiễng chân”. Rồi người cũng bỏ đi. Rồi từ đó người ta bắt đầu “moi móc gốc rễ, củ quả” đủ chuyện về vị Chủ tịch xã một thời làm mưa làm gió ở làng Bòng. Ta hãy xem vị Chủ tịch xã ấy làm mưa làm gió ra sao dưới ngòi bút tỉ mẩn của nhà văn Nguyễn Bổng.
           Với vị Chủ tịch ấy, trước hết là sự tham nhũng dưới chiêu bài sức khỏe. Núp dưới vỏ bọc “viết đơn tình nguyện” trong các đợt tuyển quân, người ta thấy một thanh niên Thảo luôn sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Nhưng đợt nào anh ta cũng ngậm ngùi ở lại vì căn bệnh…huyết áp cao. Có ai ngờ rằng chỉ cần một mồi thuốc lào nuốt gọn là căn bệnh ấy có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nghiễm nhiên từng bước anh ta ngoi lên địa vị cao nhất xã khi lớp lớp thanh niên trai tráng lên đường đánh giặc, chỉ còn lại hầu hết người già yếu, phụ nữ, trẻ em. Đây là thời kì hoàng kim để hắn tự tung tự tác, tìm mọi cơ hội để làm giàu.
           Có được địa vị như mong muốn, hắn tiếp tục hành vi tham nhũng dưới chiêu bài tình nghĩa. Từng sống trong căn nhà dột nát ở nơi heo hút cuối làng, mẹ Xuân – Mẹ Việt Nam anh hùng, thoáng chốc được ở trong căn nhà xây dựng khang trang, thoáng mát nơi vị trí đắc địa nhất xã. Với mẹ, đó là niềm hạnh phúc vô bờ mà trong mơ cũng không dám nghĩ đến. Với mẹ, đó là cái tình của Đảng, cái nghĩa của dân và đặc biệt là công lao của vị Chủ tịch xã. Nhưng ai ngờ đâu sau cái vỏ bọc hoàn hảo ấy là một toan tính lâu dài mà người con nuôi hiếu nghĩa ấy đã đã đưa lên bàn cân đong đếm chính xác đến từng miligam. Người thân không còn, mẹ già rồi, ngày về với Chúa chưa xa. Dĩ nhiên lúc đó ngôi nhà sẽ về tay hắn.Giấy tờ nhà ư? Chuyện nhỏ. Với cái đầu đầy rẫy mưu ma chước quỉ và quyền sinh quyền sát trong tay, ở làng Bòng này, ai cả gan ngáng đường hắn? Thế mới biết mức độ tham nhũng của hắn tinh xảo, lọc lõi đến mức nào.
           Chiêu bài tiếp theo là nhân đạo. Đối tượng đầu tiên mà lòng nhân đạo của hắn hướng đến là lão Tỷ hói, người bạn từ thuở chăn trâu cắt cỏ của hắn. Đón nhận tấm lòng quí hóa của hắn, từ một người đàn ông bình thường, lão mất khả năng duy trì nòi giống. Từ một người nông dân chăm chỉ, chắt chiu gần hết cuộc đời vun vén cho căn nhà, mảnh đất, phút chốc tất cả chuyển sang tay hắn một cách hợp pháp khi hắn vẽ ra trước mắt lão viễn cảnh ngời sáng về tương lai khi đi xây dựng vùng kinh tế mới. Để khi trở về lão ngậm đắng nuốt cay, nhìn mà nuốt hận khi thấy căn nhà của mình đã trở thành ngôi biệt thự bề thế nơi ven đường trục mới được qui hoạch. Rời lão Tỷ, chiêu bài ấy hướng đến những người dân hiền lành, vô tội khác dưới hình thức mua bán trao tặng đổi chác đất cát khi hắn nắm được thông tin của Nhà nước về vệc đền bù đất giải tỏa. Hắn cứ mở hầu bao ra để hứng tiền chảy về. Với hắn, đó là những đồng tiền nhân đạo, bởi nếu không có chữ kí của hắn thì làm sao người dân có được quyền sử dụng trên mảnh đất mình bỏ tiền ra. Thế mới biết mức độ tinh ranh, nham hiểm của hắn đến mức nào?
           Một nhân vật cũng đem đến cho sự thú vị cho người đọc là Tỷ hói. Xuất hiện thoáng qua ở phần đầu câu chuyện lão gieo vào lòng người đọc sự băn khoăn với cái “nhếch mép, chẳng hiểu lão cười hay mếu” rồi mất hút trước cái chết của người bạn thuở ấu thơ, để khi câu chuyện gần đến hồi kết mới xuất hiện đẩy cốt truyện lên tình huống cao hơn. Người bạn thuở chăn trâu cắt cỏ với hành động “nhanh chóng mở tấm vải, hai cái hốc đen lộ ra, lão đưa hai con mắt nhét nhanh vào đó rồi cũng nhanh chóng đậy lại như một người có tay nghề thành thạo” như đã làm tròn phận sự với người quá cố một cách tốt đẹp.Nhưng hãy nghe lão “thẽ thọt” với người đã khuất: “để về bên kia mà nhìn cho rõ nhé” ta sẽ thấy bức chân dung của người đã khất hiện ra rõ nét. Cái tiếng thẽ thọt kia như chứa chất oán hờn, như tiếng thở phào cho mọi oán thù được xóa bỏ, như một lời nhắc nhủ: Nếu ở kiếp này ông nhìn cuộc đời bằng đôi mắt của loài thú thì bây giờ hãy mang đôi mắt của loài thú hiền lành tốt bụng về với thế giới bên kia để sau này nếu có trở lại với kiếp người thì hãy nhìn cuộc đời bằng đôi mắt khác.
           Câu chuyện khép lại với ngày tàn của kẻ ác trong làng quê đang thay da, đổi thịt từng ngày. Và hình ảnh “khóm mẫu đơn trước hiên nhà mẹ Xuân bốn mùa lúc nào cũng rực tươi màu đỏ của hoa” cứ ám ảnh tôi. Ở một khía canh nào đó, hoa mẫu đơn tượng trưng cho sự sung túc, cho cảnh quan phú quí trường sinh. Và ở đây, màu tươi đỏ của hoa như thầm nhắc mẹ vẫn còn mãi. Tình mẹ vẫn ấm nóng với làng quê, nơi chôn rau cắt rốn của mình
           Với nhân vật Thảo, Nhà văn từ bùn đất mà ra đã xoáy vào lòng tham, sự đê tiện đến tận cùng của của một loại người núp dưới vỏ bọc nhân danh chức quyền, nhân danh vì dân. 35 năm giữ vị trí đứng đầu một xã, Nguyễn Bổng với cái tầm của của người lãnh đạo, cái tâm, cái sắc sảo của người cầm bút, đã soi chiếu vào nhân vật dưới mọi góc độ. Lưỡi dao sắc bén của ông lách vào từng tế bào, tận cùng gan ruột của con thú đội lốt người, lật lên từng tầng vỉa của cơ chế cũ thời bao cấp đưa loại người tham nhũng đó ra ánh sáng mổ xẻ, phơi bày.
           Chuyện ở làng Bòng hấp dẫn người đọc ở những chi tiết người đọc đôi khi bỏ qua nhưng ẩn chứa dụng ý sâu xa của người viết. Ta hãy nghe lời nói của người thợ xây: “Loại mọt già đồng lõa mối non, đã chín đụn còn tham đụn nữa là mười rồi cũng của thiên trả địa thôi”. Một câu nói mà dùng đến ba thành ngữ thâm thúy chỉ người nông dân sống với ruộng đồng mới thấu hiểu một cách kĩ càng. Một cách nói đậm chất ngô khoai bùn đất. Một cách nói không thể hay hơn để vạch trần bản chất thật của vị Chủ tịch xã khoác áo đạo đức giả. Một cách cảnh báo nhỡn tiền cho lối sống ích kỉ, tham lam.
           Đọc những trang viết của Nguyễn Bổng, nhiều khi tôi có cảm giác như được trở về với ruộng đồng với những người nông dân thuần phác, được đắm mình trong lễ hội mùa màng, thấy vị ngòn ngọt ngầy ngậy của ngô khoai nơi đầu lưỡi, thấy như vạn vật đang sinh sôi. Trong Chuyện ở làng Bòng, tôi tò mò làm phép tính đếm. Với không đầy 6 trang A4, ông đã sử dụng đến hơn hai mươi thành ngữ mang đậm hơi thở của bùn đất với cách nói mộc mạc chân chất, gần gũi như hạt lúa, củ khoai của người dân quê. Tuy nhiên nếu như ông giành nhiều thời gian hơn cho từng câu chữ chắt lọc hơn, ngắn gọn hơn thì Chuyện ở làng Bòng và những tác phẩm của Nguyễn Bổng sẽ neo giữ nhiều hơn trong lòng người đọc. Cuối cùng xin kính chúc ông sức khỏe, dồi dào năng lượng trên con đường sáng tạo đầy gian nan, thử thách và gặt hái được nhiều mùa vàng bội thu.

 
tin tức liên quan