Giữ trọn lời thề,dự thi Hào khí Trường Sơn của Vũ Ngọc Hồng

Ngày đăng: 02:18 12/11/2018 Lượt xem: 684
BÀI DỰ THI “ HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN”

                                             GIỮ TRỌN LỜI THỀ


                                                              Vũ Ngọc Hồng


Trưởng ban liên lạc “Hội truyền thống Trường Sơn” Tỉnh Đồng Nai là anh Nguyễn Đại Phong, sinh năm 1947 tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Mỗi lần họp hành gặp nhau, chúng tôi thường ôn lại một thời ngang dọc Trường Sơn, vì thế tôi biết được nhiều kỉ niệm của anh. Bằng một giọng nói sôi nổi anh kể.Năm 1965, vừa tròn 18  tuổi, đang học cấp 3 tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ. Biên chế thuộc Trường quân giới, Tổng cục kĩ thuật đóng quân tại thành phố Hải Phòng, làm liên lạc đại đội. Do có sức khỏe nên sau thời gian huấn luyện tân binh được cử đi học lái xe tại Trường 255 Cục vận tải. Sau 45 ngày học tập cấp tốc, tôi được cử đi nhận xe tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Dừng mấy giây để hồi tưởng lại cái thời thanh xuân đẹp đẽ ấy, anh cười tươi với ánh mắt tinh nghịch của lính lái thưở nào.    
             
Với 45 ngày học tập, chúng tôi chỉ biết quay Ma – Ni – Ven cho nổ máy, cài số rồi lái xe đi theo chương trình có sẵn, bây giờ vào thực tế không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng với tinh thần “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” nung nấu tâm can, chúng tôi ai cũng hăng hái. Đoàn xe có 100 chiếc, mang phiên hiệu Đoàn 100 được lệnh xuất phát.

Để tránh máy bay địch, chúng tôi ngày nghỉ đêm đi, đến Đường 20 Quyết Thắng ở Quảng Bình chúng tôi lên Trường Sơn, tạm biệt miền Bắc XHCN.Từ đây cuộc đời binh nghiệp của tôi gắn liền với những con “ngựa sắt” có tên  Hoàng Hà, Zin 157; gắn liền với những cung đường do máy bay Mỹ đánh phá mang tên đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Thời chống Mỹ, đơn vị tôi công tác lâu nhất là Binh trạm 32. Cung đường tôi phải vượt qua để đưa hàng ra tiền tuyến là trọng điểm Lùm Bùm, Văng Mu, Tha Mé, đường 128A, đường 128B….. Những địa danh này đều nổi tiếng ác liệt. Từ mùa khô 1966 đến  trước khi  có hiệp định Pa-ri là khoảng thời gian đáng nhớ, nhưng nhớ nhất là mùa khô năm 1967. Lần đó tôi được lái xe chở hàng qua trọng điểm Văng Mu, Tha Mé. Đoàn xe của 2 đại đội có 80 chiếc nối nhau tiến lên từng mét do đường khó đi. Gần trọng điểm Văng Mu thì phía trước bị máy bay Mỹ thả bom nổ chậm, bom từ trường cắt đôi đội hình. Tình thế vô cùng nguy ngập. Cả đoàn xe nằm chình ình trên đường. Nếu không qua nhanh, bọn chúng thả pháo sáng phát hiện, cả đoàn xe sẽ bị làm mồi cho lũ phi công Mỹ. Số bom trên đường binh trạm chưa nắm được chủng loại, nên yêu cầu chở các chiến sĩ công binh lên phá bom. Theo quy định, chiếc xe nào gần nhất sẽ làm nhiệm vụ nhưng lái xe mất tinh thần không dám lái. Nhận lệnh từ Binh trạm trưởng, Tiểu đoàn trưởng hô lớn: Đồng chí nào xung phong? Lúc đó xe tôi đang đứng cách chiếc xe đầu khoảng vài chục chiếc. Sau tiếng hô của Tiểu đoàn trưởng Sắm, tôi lập tức giơ tay.

Khi đó tôi đang phấn đấu vào Đảng nên tinh thần hăng hái lắm. Lên ca-bin, tôi yêu cầu đồng chí lái xe trao tay lái, sang ghế phụ. Mười đồng chí công binh đã ngồi gọn trên xe hàng. Tôi cài số, chiếc xe chồm lên, ánh đèn rùa soi rõ vết xe đi trước. Đường Trường Sơn là đường một chiều, nếu mất tinh thần lái xe đi trật là lôi thôi, xe không xuống vực cũng bị tắc đường. Được một đoạn, đột nhiên một quầng lửa lóe lên chói mắt, chiếc xe như chao nghiêng, tai ù đặc. Quả bom từ trường trên ta- luy dương bị kích nổ. Đồng chí lái xe ngồi ghế phụ bị mảnh bom vào đầu gục xuống, máu bắn sang mặt tôi nóng hổi. Biết đồng chí của mình đã hi sinh, tôi cứ thế nhấn ga cho xe đi tới. Phát hiện ra chỗ tránh, tôi cho xe  tấp vào. Quả bom nổ gần làm 5 đồng chí công binh trên xe hi sinh, hai đồng chí bị thương, máu chảy lênh láng. Tôi cùng các chiến sĩ công binh làm công tác cấp cứu. Được tăng cường lực lượng, bộ đội công binh nhanh chóng thông đường. Tôi về xe tiếp tục vượt trọng điểm an toàn. Hành động dũng cảm của tôi được báo cáo về binh trạm. Hết chiến dịch, tôi được tặng thưởng Huân chương chiến thắng hạng ba. Ngày 29 tháng 5 năm 1968 được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam và được điều lên làm trợ lý chính trị tiểu đoàn 102. Từ đó đến 1972 ngoài công việc chuyên môn, tôi thường đi làm công tác khâm liệm an táng các đồng chí hi sinh.

Nói đến công việc này ai mất tinh thần đều né tránh. Có trực tiếp làm mới thấy mức độ căng thẳng của công việc. Lần đầu đi làm về, thú thực tôi không dám ăn cơm. Cứ thấy cơm là ói, nhất là trông thấy thịt lợn hộp còn da. Có phản ứng ấy là do các đồng đội hi sinh trông rất thương tâm. Có đồng chí  dũng cảm bám xe bị hi sinh, người cháy đen, khi khâm liệm mỡ và da dính vào tay; có đồng chí thi thể không còn nguyên vẹn; có đồng chí bị bom nổ gần chỉ còn nội tạng. Từng người được chúng tôi khâm liệm an táng theo đúng quy định của quân đội. Nếu có kỷ vật được niêm phong gửi về binh trạm.

Đến đây, anh xúc động nhớ lại sự kiện không bao giờ quên, giọng anh trầm xuống đó là ngày 15 tháng 12 năm 1968, khoảng 8 giờ sáng B52 đánh vào khu vực đóng quân của đơn vị dân công hỏa tuyến. Đơn vị này đang thi công hầm hào, kho tàng cho binh trạm. Cách xa khoảng 1km, từ tiểu đoàn tôi lập tức chạy bộ. Khi tôi đến thấy cả một vùng rừng, hầm hào bị bom tan nát; người hi sinh, người bị thương nằm la liệt. Tội ác của giặc Mỹ không thể nào tả xiết. Hơn 90 người thương vong, đa số là nữ. Binh trạm phải điều thêm nhiều nhân lực đến đào bới, tìm kiếm gần hết ngày mới xong. Thương tiếc các đồng chí, tôi luôn cầu mong cho linh hồn người hi sinh ra đi được siêu thoát. Tự hứa cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để trả thù cho các đồng chí; quyết tâm cùng toàn quân, toàn dân đánh đuổi lũ cướp nước và bán nước, giành độc lập thống nhất cho non sông.

Sau ngày 30 tháng 04  năm 1975 anh Nguyễn Đại Phong cùng đơn vị tiếp quản tổng kho Long Bình, Biên Hòa, Đồng Nai. Thời điểm này Binh trạm 32 được đổi tên thành Trung đoàn 32. Tưởng thằng đầu sỏ đế quốc Mỹ đã thua thì không thằng nào dám gây chiến xâm lược nước ta nữa, nhưng không ngờ bọn Pôn – Pốt lại gây hấn ở biên giới Việt Nam - Campuchia. Chúng xua quân lấn chiếm một số vùng đất của ta. Tàn sát dã man nhân dân các tỉnh bị chúng lấn chiếm. Nhân dân ta, quân đội ta lại phải cầm súng bảo vệ Tổ Quốc. Năm 1978 anh tình nguyện làm chuyên gia quân sự tại Nông – Pênh. Năm 1979 về nước làm Tiểu đoàn trưởng. Từ 1979 đến 1982 anh chỉ huy Tiểu đoàn 62 chở hàng phục vụ chiến trường. Nhiều chuyến anh trực tiếp đi kiểm tra đôn đốc tình hình sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Không nhớ bao nhiêu lần bị tập kích, phục kích nhưng hình như được các đồng chí hi sinh thời chống Mỹ phù hộ, anh vẫn an toàn vượt qua cùng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Do yêu cầu của quân đội, anh được đi học các lớp đào tạo sĩ quan. Năm 1990 được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường kĩ thuật vũ khí đạn thuộc Cục kĩ thuật. Năm 1997 được phong hàm Thượng tá. Năm 2000 được nghỉ hưu hưởng lương hàm Đại tá. Về đời thường anh vẫn tiếp tục công tác vì anh nghĩ đến trách nhiệm của người Đảng viên. Anh làm Khu phố trưởng từ năm 2001 đến năm 2007. Tham gia sinh hoạt các hội Cựu chiến binh, hội Người cao tuổi, hội Hữu nghị Việt Nam – Lào. Năm 1999 khi thành lập “Hội truyền thống Trường Sơn” tỉnh Đồng Nai, anh được tín nhiệm bầu làm trưởng ban liên lạc. Ngày đầu chỉ có 28 hội viên đến nay đã có 582 hội viên. Anh luôn chăm lo đời sống tinh thần cho anh em. Ai bị ốm đau bệnh tật nghèo túng, khó khăn anh chỉ đạo các phân ban quan tâm đến nơi đến chốn. Đa số anh em kinh tế đều khá, chỉ có số ít bị thương tật nặng hoặc bị chất độc da cam là khó khăn. Có 4 đồng chí khó khăn nhất được anh vận động hội xây dựng tặng 4 ngôi nhà tình nghĩa mỗi ngôi nhà giá trị gần 200 triệu. Anh luôn nhớ tới những đồng chí đã hi sinh. Đã hai lần anh thăm lại chiến trường xưa. Anh rất mừng khi tất cả hài cốt anh em được quy tập hết về nghĩa trang Trường Sơn hoặc được “trở về” quê hương yêu dấu. Anh thường nhắc nhở chúng tôi phải nhớ lời thề thứ 7 trong mười lời thề danh dự của quân đội để áp dụng trong công tác. Đó là: “Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận; thực hiện toàn quân một ý chí.”

Hội truyền thống Trường Sơn Tỉnh Đồng Nai có được lực lượng lớn mạnh như ngày nay, chúng tôi ghi nhận công đầu thuộc về anh. Tới năm 2018 anh vừa tròn 71 năm tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, sức khỏe đã yếu nhiều nhưng anh vẫn hăng say công tác vì đồng đội. Hiện nay ngoài làm trưởng ban liên lạc Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Đồng Nai anh còn tham gia ban chấp hành trung ương hội; trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn 62; trưởng ban liên lạc Trung đoàn 32; phó ban liên lạc Trường vũ khí đạn Tổng cục kỹ thuật. Công việc nhiều nhưng anh vẫn vui vẻ lạc quan, tận tình với anh em trong hội.Cả cuộc đời anh đã luôn làm theo lời thề trước  cờ Đảng; luôn làm theo 10 lời thề danh dự của quân đội nhân dân Việt Nam. Trò chuyện với anh, nhiều lúc thấy anh tỏ ra buồn vì hiện nay nhiều người đã phai nhạt lời thề.

Chúng tôi kính trọng anh, học tập ở anh đức hi sinh dũng cảm và tấm lòng nhân hậu.



 Vũ Ngọc Hồng, 68, hẻm 2, tổ 39C, KP11A, P. Tân Phong, TP. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai.
ĐT: 01674 947 239 – 0374 947 239 – (Sinh năm: 1952, nhập ngũ 1971, đơn vị công tác C2D337 E217F384, hội viên hội truyền thống Bộ đội Trường Sơn Tỉnh Đồng Nai.)
 
tin tức liên quan