Cuộc tranh luận trên Trường Sơn

Ngày đăng: 11:02 25/06/2017 Lượt xem: 472
Trên đường hành quân vào Trường Sơn, tiểu đội tôi đã nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa mấy thằng quê Thái Bình và mấy thằng quê lụa Hà Tây chúng tôi...

CUỘC TRANH LUẬN TRÊN TRƯỜNG SƠN

                                Phạm Thành Long

Năm 1970, chúng tôi hành quân vào Trường Sơn. Một hôm trên đường đi sau khi đã vượt qua sông Sê Băng Hiêng (thuộc tỉnh Savannakhet, Lào) thì một cuộc tranh luận “nảy lửa” xảy ra trong tiểu đội tôi (A1, B1, C4, D594, E12). Ấy là chuyện “tôm hay là tép” giữa một bên là hai cậu quê Thái Bình và một bên là ba đứa quê Hà Tây, trong đó có tôi – Tiểu đội trưởng.  Cuộc tranh luận giữa mấy đứa “quê lúa” với mấy đứa “quê lụa” kéo dài suột một nửa trặng đường của một ngày hành quân vẫn chưa ngã ngũ “tôm hay là tép”. “Bọn” Thái Bình thì cứ khăng khăng: Những con nhìn giống con tôm nhưng bé tý và không có càng thì đó là con tép. “Bọn” Hà Tây quê lụa chúng tôi thì cho rằng: Con tôm dù nhỏ hay to, dù có càng hay không có càng mà cứt ở trên đầu thì đó là con tôm.

Cuối cùng, cậu Hộ bột – quê Đông Hưng, Thái Bình nói:

-Thôi! Tạm hòa nhé! Chưa bên nào thắng bên nào bại. Vì có được ai đáng mặt làm trọng tài đâu. Tôi điên tiết bảo:

-Các cậu không nên viện dẫn theo kiểu kinh nghiệm dân gian hay thói quen của quê hương. Việc phân biệt con nào là tôm, con nào là tép dễ ợt. Hãy phân tích đối chứng và so sánh qua cấu tạo cơ thể của chúng, rồi giở từ điển ra là biết ngay con nào là tôm, con nào là tép liền.

-Anh nói rất sách vở. Đang ở Trường Sơn lấy đâu ra từ điển tiếng Việt để mà xem cơ chứ? Cậu Hùng người Quốc Oai lên tiếng cự lại.

-Đấy là tớ nói theo đúng nghĩa khoa học. Vì vậy, không tranh luận nữa. Chờ khi nào ra Bắc có điều kiện thì sẽ rõ ngay ấy mà. Với tư cách là tiểu đội trưởng, tớ ra lệnh “sít tốp” ở đây. Tôi kết luận.

-Nhưng mà bọn quê hương 5 tấn chúng nó cùn lắm tiểu đội trưởng ơi! Hùng vẫn chưa chịu thôi.

-Nhưng cậu bảo Thái Bình là quê hương 5 tấn hả? Tôi hỏi lại.

-Đúng rồi! Thái Bình quê chúng tớ là quê hương 5 tấn. Điều ấy thì rõ như ban ngày còn tranh luận gì nữa! Hộ bột khẳng định.

-Cậu nhầm và vơ vào đấy. Tôi nói luôn.

-Nhầm là nhầm thế nào? Hộ mặt đỏ lựng lên, tay xốc ba lô quay cổ lại nhấn mạnh. Đúng lúc ấy có lệnh nghỉ chân. Tất cả chúng tôi tụt ba lô và trang bị xuống đất, tiếp tục lao vào cuộc tranh luận mới.

-Về điều này thì Tiểu đội trưởng sai rồi. Thằng Hộ nói đúng đấy. Cậu Ba lúc này mới vào cuộc.

-Từ từ đã. Tôi nói rồi móc ba lô ra gói polivitamin tổng hợp (loại viên tròn bọc đường) ra chia cho mỗi đứa hai viên rồi nói:

-Thái Bình đúng là tỉnh đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này – năm 1970 – đạt danh hiệu tỉnh 5 tấn thóc/héc ta. Nhưng nơi xuất phát từ phong trào thi đua đạt 5 tấn thóc/ha thì tớ khẳng định với các cậu không phải ở Thái bình.

-“...Cô ba dũng sĩ quê ở Trà vinh. Chị hai năm tấn quê ở Thái Bình. Hai chị em trên hai trận tuyến. Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang...”.

Cậu Hộ bột cất lên tiếng hát rồi nó kết luận một câu xanh rờn: Tớ không còn gì để nói thêm nữa. 1-0 nghiêng về tớ!

-Này. Bài hát “Bài ca 5 tấn” của Nguyễn Văn Tý cũng chứng minh điều đó rồi. Tớ ủng hộ cánh Thái Bình. Mấy đứa quê Hà Tây đều vỗ tay hoan hô cho Thái Bình thắng cuộc. Tôi không tỏ ra lúng túng và không chịu thua cuộc. Với thâm niên nhiều năm làm cán bộ Đoàn, tôi tin tưởng ở kiến thức đọc của mình. Tôi từ tốn nói:

-Phần thắng chưa chắc thuộc về số đông đâu. Các cậu có biết Hợp tác xã nào đầu tiên đạt năng xuất lúa 5 tấn/ha không? Tôi hỏi cả tiểu đội của tôi. Lúc này anh Nguyễn Văn Quát, trung đội phó, người Yên Sở, Quốc Oai thấy chúng tôi tranh luận sôi nổi cũng góp mặt. Không một ai trả lời. Tôi thông tin tiếp:

-Các cậu hãy nghe cho rõ đây. HTX đầu tiên trên miền Bắc đạt danh hiệu HTX 5 tấn thóc/ha đầu tiên là HTX Song Phượng, Hoài Đức, Hà Tây. Các cậu hiểu chưa. Từ kinh nghiệm và thắng lợi của Song Phượng, báo Nhân dân mới về viết bài nhân điển hình rộng rãi kinh nghiệm này lên báo Đảng. Từ đấy phong trao thi đua phấn đấu đạt HTX 5 tấn thóc/ha mới rầm rộ khắp các địa phương. Huyện Hoài Đức cũng trở thành huyện đầu tiên trên miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha toàn huyện. Nhưng tỉnh Thái Bình thì lại là tỉnh đầu tiên đạt 5 tấn thóc/ha trên toàn tỉnh. Thế là từ đấy, quê lúa Thái Bình nghiễm nghiêm “ôm” trọn danh hiệu 5 tấn thóc/ha. Thế là thiên hạ lầm tưởng Thái Bình là quê hương của phong trào 5 tấn thóc/ha – một phong trào thi đua cách mạng có sức lan tỏa và hiệu quả nhất được dấy lên từ phong trào thi đua “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt”. Các cậu hiểu chưa?

-Thì tại mấy bố văn nghệ sĩ “nói” chả rõ gì cả nên thiên hạ mới nhầm nhọt. Cả tiểu đội tôi đều nói như vậy.

-Còn bài hát “Bài ca 5 tấn” thì tớ khẳng định với các cậu rằng: tuyệt nhiên không phải là ông Nguyễn Văn Tý viết theo đơn đặt hàng của tỉnh Thái Bình đâu. Năm ấy – năm 1967, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đi thực tế sáng tác tại Hưng Yên. Lúc này phong trào thi đua phấn đấu đạt 5 tấn thóc/ha ta đã và đang rầm rộ ở khắp các địa phương trên miền Bắc. Từ HTX Song Phượng Hoài Đức, Hà Tây đã gợi mở cho nhạc sĩ viết về phong trào này. Mà lúc đó, ở Hưng Yên, nơi nhạc sĩ đi thực tế thì phong trào thi đua phấn đấu đạt 5 tấn thóc/ha cũng rất rầm rộ.  Sau nhiều ngày nghiền ngẫm, giai điệu của “Bài ca 5 tấn” bỗng  tuôn ra ào ạt. Chỉ sau một đêm là ông hoàn thành bài hát “Bài ca 5 tấn”!

-Sau này, Thái Bình mới “vơ vào” cho rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết tặng riêng bài hát này cho tỉnh Thái Bình! Tôi nói thêm.

Khi nghe tôi phân tích một thôi một hồi, cả tiểu đội hác hốc mồn ra nghe, không cậu nào cãi lại điều gì. Anh Nguyễn Văn Quát lúc này mới tham gia:

-Thành Long nó nói đúng đấy! Quê hương của phong trào 5 tấn thóc/ha đúng là xuất phát đầu tiên ở Song Phượng, rồi cả huyện Hoài Đức. Từ đấy phong trào lan tỏa ra khắp miền Bắc. Nghe Trung đội phó nói thế, cả tiểu đội tôi vỗ tay.

-1-0 nghiêng về tiểu đội trưởng. Cậu Hộ bột thú nhận.

-Thế sao lúc nãy mày khăng khăng nhận “quê lúa” của mày là quê hương của phong trào 5 tấn thóc? Cậu Ba nói kháy.

-Thì “sai mà biết mình sai ấy là không sai” các nhà hiền triết chả từng dạy thế là gì! Hộ bột không chịu thua.

Đúng lúc này mệnh lệnh tiếp tục hành quân phát ra từ đầu hàng quân. Chúng tôi lại xốc ba lô tiếp tục lên đường. Thế là tạm kết thúc cuộc tranh luận “tôm hay là tép” rồi chuyển qua việc tranh luận đâu là quê hương của phong trào thi đua phấn đấu đạt 5 tấn thóc/ha trên Trường Sơn của tiểu đội tôi tạm kết thúc.

Tôi biết cuộc tranh luận “tôm hay tép” sau này vẫn chưa ngã ngũ giữa các cậu lính của nhiều vùng quê đồng bằng Sông Hồng.

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan