Quỷ ám (Kỳ 48)

Ngày đăng: 07:45 04/12/2018 Lượt xem: 541


                                              Quỷ ám (Kỳ 48)



Khi còn là Giám đốc Công an tỉnh, Phó chủ tịch tỉnh là người được nhân dân đặc biệt quý mến. Thậm chí, khi ông đang đương chức, đã có người nói sau này khi ông chết, sẽ lập miếu thờ ông bởi công lao của ông Phương đối với tỉnh này rất lớn.
 


Đồng đang họp với phòng Cảnh sát giao thông thì có điện thoại.

 

Từ ngày ly dị, chẳng mấy khi Liêm gọi cho Đồng, giờ lại gọi thế này, Đồng đoán chắc là có chuyện gì không hay nên nghe máy ngay.

 

Giọng Đồng vui vẻ:

 

- Liêm à em? Anh đây.

 

Bảy Liêm ngỡ ngàng về cách xưng hô có phần ấm áp của Đồng:

 

- Anh Đồng này, ba mệt nặng lắm. Hôm nay, hàng xóm định phá cửa vào để đưa ba đi viện. Em về đây rồi, nhưng em thuyết phục thế nào ba cũng không chịu đi viện. Anh về xem có thuyết phục để đưa ba đi viện được không?

 

Đồng:

 

- Trời ạ. Ba ốm từ hồi nào?

 

Bảy Liêm:

 

- Chắc là lâu rồi, nhưng ba cứ giấu. Hôm nay thì nặng rồi, ba nằm lịm, không biết gì. May mà em về kịp.

 

Đồng nói:

 

- Được rồi. Anh sẽ về ngay.

 

Đồng cúp máy, vội vàng phát biểu:

 

- Các đồng chí ạ, về kế hoạch đấu thầu biển số đẹp, cơ bản là tôi nhất trí theo kế hoạch mà đồng chí Vũ và các đồng chí đã soạn thảo. Bây giờ, tôi phải chạy về nhà ngay. Ông già mệt nặng quá rồi. Đồng chí Vũ thay tôi điều hành cuộc họp nhé.

 

Nói xong, Đồng vội vàng ra xe, nói lái xe đưa về nhà ông Phương.

 

Lúc này, ông Phương đã ngồi dậy được. Ông ngồi tựa lưng vào thành giường.

 

Bảy Liêm ngồi bên cạnh, bón cho ông từng muỗng sữa nhỏ.

 

Thấy Đồng về, ông Phương gắng gượng nói:

 

- Tôi biết mệnh tôi không còn được bao lâu nữa, nhưng tôi muốn chết trong căn nhà này. Anh chị không được đưa tôi đi viện. Còn anh Đồng, những gì anh giấu tôi thì giờ tôi biết cả rồi. Cuộc đời anh cũng coi như xong rồi. Anh có tí chức, tí quyền, nhưng tôi biết là cũng chẳng bền nữa đâu. Điều tôi lo bây giờ là thằng Lâm. Anh làm thế nào thì làm, nhưng anh hại thằng bé như thế là quá đủ rồi đấy.

 

Đồng cố nói nhẹ nhàng:

 

- Ba ơi, ba đừng nghe thiên hạ đồn bậy. Thằng Lâm không phải là hư đốn gì đâu. Nó cũng có chơi bời tí chút thôi. Nó ở với con, con biết mà.

 

Ông Phương lắc đầu:

 

- Anh không cần phải giấu tôi nữa. Anh hãy lo cứu lấy thân anh và cứu thằng bé. Tất cả mọi việc sau khi tôi ra đi, tôi đã viết trong di chúc đầy đủ rồi. Di chúc ở trong tủ kia. Tôi đã giao cho cái Liêm.

 

Đồng khó chịu:

 

- Tại sao ba không giao cho con mà lại giao cho cô ấy?

 

Ông Phương gượng cười:

 

- Tôi giao cho nó vì nó người lớn hơn anh.

 

Đồng nói:

 

- Thôi, dứt khoát là ba phải đi viện thôi.

 

Ông Phương nói dứt khoát:

 

- Tôi đã nói là tôi không đi viện. Đến lúc tôi chết rồi, anh muốn mang tôi ra nhà xác thì tùy anh. Lúc ấy tôi còn biết gì nữa đâu. Còn bây giờ, tôi chỉ ở nhà này và muốn được chết trên chiếc giường này.

 

Nói xong, ông Phương ra hiệu cho Bảy Liêm đỡ ông nằm xuống.

 

Ông Phương ngủ rồi, Bảy Liêm ra ngoài nói chuyện với Đồng:

 

- Nếu anh bận việc, anh cứ về lo việc đi. Việc chăm sóc ông thì cứ để tôi. Nếu ông có mệnh hệ gì, tôi sẽ báo ngay.

 

Đồng nói:

 

- Cô nói hay nhỉ? Ba tôi thì tôi phải trông nom chứ. Thôi, cô đi về đi. Việc ở đây cứ để tôi lo.

 

Bảy Liêm cười gượng gạo:

 

- Nếu anh trông được ba thì tốt. Nhưng chuyện ăn uống, chăm sóc người già thì anh nên để tôi. Anh cứ yên tâm. Tôi thương ông, nên chăm sóc ông. Chứ tôi không có mưu cầu gì ở cái nhà này đâu.

 

Đồng cười khẩy:

 

- Tất nhiên là cô chẳng mưu cầu được gì ở đây. Nhưng mà thôi, giờ cô cứ về đi. Cô chăm ông từ sáng đến giờ là đủ rồi. Việc còn lại thì cứ để cho tôi. Nếu như ông có làm sao, tôi sẽ báo. Nhưng mà tôi nói trước, nếu ông có mệnh hệ gì thì tôi mong là nếu cô có đến đưa tang ông thì cứ đến, nhưng hãy đến với tư cách như những người bình thường, đừng có đeo khăn tang.

 

Bảy Liêm nhìn Đồng bằng ánh mắt khinh bỉ:

 

- Tại sao anh phải sợ tôi để tang ông nhỉ? Tôi nói cho anh biết, tôi với anh không còn duyên phận gì nữa, nhưng bao năm nay ông vẫn coi tôi là con trong nhà. Tôi với anh không còn duyên vợ chồng, nhưng tôi vẫn là con ông. Vậy nên việc tôi có để tang ông hay không là việc của tôi, chứ không phải việc của anh. Anh cứ yên tâm, tôi không làm gì để anh xấu mặt đâu. Nếu xấu mặt anh thì cũng đẹp gì mặt tôi. Thôi, anh đã nói thế thì anh ở lại trông ông đi.

 

Bảy Liêm vào nhà, thấy ông vẫn ngủ, cô nhìn ông bằng ánh mắt xót xa, rồi len lén lau nước mắt.

 

Cô đi về rồi, Đồng ra ngoài gọi điện thoại cho Kim Oanh:

 

- Em à.

 

Kim Oanh lúc này đang ở Trung tâm đào tạo người mẫu:

 

- Em đang ở trên lớp.

 

Đồng nói:

 

- Ba anh mệt nặng lắm. Chắc không qua được. Anh thấy ông cụ yếu lắm rồi, chẳng biết gì nữa. Em qua đây phụ giúp với anh. Anh em trong đơn vị thấy ba ốm nên đến thăm. Anh em đến nhà lại thấy không có bóng dáng người phụ nữ nào thì không được.

 

Kim Oanh nhíu mày suy nghĩ một lát, rồi nói:

 

- Nghe nói là vợ cũ của anh tới trông mà.

 

Đồng nói:

 

- À, ngày trước thì cô ấy còn đến, xem căn nhà này chia thế nào. Bây giờ thấy không được thì cô ấy cũng chẳng đến nữa.

 

Kim Oanh đắn đo:

 

- Nhưng em ở đấy thì có tiện cho anh không? Khách khứa, bạn bè của anh còn đến.

 

Đồng nói:

 

- Có gì mà không tiện. Em cứ đến chăm nom ông giúp anh.

 

Kim Oanh:

 

- Em đang bận việc. Em sẽ cử một cô học viên ở chỗ em đến phụ giúp anh trông ông nhé.

 

Đồng nói:

 

- Cử một người cũng được. Nhưng mà em cũng nên đến.

 

Kim Oanh gật đầu:

 

- OK anh. Lát nữa em tới. À, ông có ăn uống được gì không, để em mua?

 

***

 

Tin ông Huỳnh Phương, nguyên Giám đốc Công an, nguyên Phó chủ tịch tỉnh ốm nặng và khó qua khỏi lan nhanh khắp tỉnh. Bà con hàng xóm xung quanh đến nhà rất đông để được vào thăm ông. Khi còn là Giám đốc Công an tỉnh, Phó chủ tịch tỉnh là người được nhân dân đặc biệt quý mến. Thậm chí, khi ông đang đương chức, đã có người nói sau này khi ông chết, sẽ lập miếu thờ ông bởi công lao của ông Phương đối với tỉnh này rất lớn. Bây giờ, khi ông ốm mới thấy tình cảm của mọi người dành cho ông như thế nào.

 

Huỳnh Sơn Đồng tất bật tiếp khách. Anh phải nhờ thêm 2 cô nhân viên của phòng đến phụ giúp việc nước nôi, đón tiếp mọi người đến thăm.

 

Kim Oanh cũng đến, phong thái tự nhiên như chủ gia đình.

 

Có một điều lạ là dù ông Phương cứ nằm thiêm thiếp như vậy, nhưng hễ có ai ngồi bên cạnh và nói phải đưa ông đi viện, là ông lại thều thào nói:

 

- Tôi không đi viện đâu. Để tôi chết ở nhà.

 

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong


 
tin tức liên quan