Người lính từ ba mặt trận trở về, dự thi Hào khí Trường Sơn của Xuân Bách
NGƯỜI LÍNH TỪ BA MẶT TRẬN TRỞ VỀ
Xuân Bách
Mới 18 tuổi, vừa tốt nghiệp xong lớp 10 trường phổ thông Nghi Lộc, anh Nguyễn Hồng Minh quê ở xóm 15, xã Nghi Liên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An chuẩn bị lên đường vào giảng đường trường Đại học Nông nhiệp Hà Nội nhập học thì giữa tháng 9 năm 1971 anh được lệnh điều vào Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chỉ mới mấy tháng huấn luyện điều lệnh, đầu năm 1972 anh cùng đồng đội cấp tốc hành quân vào chiến trường Trường Sơn. Anh Nguyễn Hồng Minh vào làm lính Sư đoàn 473 thuộc Bộ tư lệnh 559. Sư đoàn gồm nhiều binh chủng hợp thành, công binh mở đường, pháo binh, thông tin liên lạc, vận tải hàng hóa vũ khí cho chiến trường và bảo vệ tuyến đường Trường Sơn. Là người có trình độ và nhanh nhẹn anh đươc biên chế vào Đại đội Thông tin 32. Đơn vị mới được thành lập, nằm trên vùng đất Quảng Trị phía tây Khe Sanh, giáp với sông Sê Pôn giữa hai nước Việt - Lào anh em.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ngoại thành thành phố Vinh, trắng trẻo thư sinh, hiền lành như con gái, bước vào chiến trường ngày đêm bom đạn, mưa rừng xối xả, những chiều hoàng hôn âm u, buổi đầu anh có chút nao lòng. Nhưng sống chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn khốc liệt, chứng kiến những tấm gương hy sinh dũng cảm của đồng đội, bỏ qua những phút nao núng phân tâm, anh đứng dậy xốc lại tinh thần của chính mình khi ra trận.
Làm người lính thông tin hữu tuyến, phải vượt bom đạn, vượt dốc cao, suối sâu để giữ mạch máu liên lạc cho cả tuyến đường Trường Sơn, bất cứ ở đâu, công việc gì, khó khăn nào, anh cũng sẵn sàng nhận về mình. Có những lần trực trên chốt một mình giữa những cánh rừng mênh mông, hoang vắng, ăn uống thiếu thốn, 3- 4 tháng mới về lại đơn vị, người như thổ phỉ, đồng đội nhận không ra. Vào thời kỳ ác liệt địch dùng cây ăng ten nhiệt đới rải khắp núi rừng Trường Sơn nhằm phát hiện các tuyến đường mới mở, kho tàng, bãi tập kết hàng hóa của ta, Đại đội thông tin của anh vừa đảm bảo liên lạc, vừa làm nhiệm vụ kích hoạt sóng âm thanh để đánh lạc hướng kẻ thù. Nhiều lần không quân địch bắt được tín hiệu lạ, chúng đã cho máy bay B52 rải thảm, cả tổ thông tin của anh năm giữa tọa độ, bị bom, đất đá vùi lấp, máu trào ra hai tai, ra miệng nhưng vẫn tiếp tục đứng dậy chuẩn bị cho các trận đánh tiếp theo. Đầu năm 1975 chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cả Sư đoàn 473 được lệnh bí mật của Bộ tổng Tư lệnh lật cánh sang Đông, anh và đồng đội được cấp tốc đi nhận những chiếc công trình xa thông tin hiện đại, cùng với cả Đại đoàn quân cơ giới tấn công vào các thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, tiến vào Sài Gòn giải phóng miền Nam.
Anh Nguyễn Hồng Minh
Đất nước được thống nhất, sự bình yên chưa được bao lâu, một thời gian sau chiến trường biên giới Tây Nam tại Campuchia nổ ra. Năm 1977 đơn vị anh được điều động lên chi viện cho Tây Ninh. Ranh giới của cuộc chiến giữa ta và địch thời kỳ đó đan xen lẫn nhau từng buôn sóc, từng hàng cây thốt nốt. Trung đội thông tin của anh chốt trong ngôi chùa cổ của đồng bào Khơme có lúc dùng bộ đàm bên này có thể nghe được tiếng nói của địch bên kia, cái sống cái chết gần nhau gang tấc. Những ngày ấy anh Nguyễn Hồng Minh cùng với đồng đội chiến đấu quyết liệt với bọn Pôn Pốt để gìn giữ từng tấc đất cho Tổ Quốc.
Phía Nam tạm thời bình yên, chiến tranh biên giới phía Bắc lại bị gây hấn. Cuối năm 1978 đơn vị anh lại cấp tốc hành quân ra Bắc. Tham gia chiến dịch chống quân Tàu nống sang Đông Khê – Cao Bằng, rồi quay về bảo vệ vùng biên giới ở Lạng Sơn. Đầu năm 1979, anh trực tiếp chỉ huy trận đánh quân Tàu ồ ạt tràn sang biên giới chiếm các trọng điểm của ta. Đại đội của anh cắm chốt trên mỏm núi đá Tam Thanh nhìn được cả sang bên kia biên giới. Nhiều trận đánh kéo dài, không cân sức. Để bảo vệ từng điểm chốt, thiếu cơm, thiếu đạn dược, lại bị mưa rừng quật ngả, căn bệnh tràn dịch màng phổi do bị sức ép của bom và chất Đioxin do Mỹ rải xuống những ngày ở chiến trường Trường Sơn tái phát, anh được đồng đội chuyển về phía sau, điều trị tại bệnh viện tiền phương suốt hàng tháng trời. Năm 1987 sức khỏe yếu, anh được đơn vị giải quyết về nghỉ chế độ bệnh binh.
Khoác trên mình chiếc ba lô đã đi qua ba chiến trường cùng với bộ quần áo lính bạc màu, khét mùi bom đạn, anh Nguyễn Hồng Minh trở về địa phương mang quân hàm thượng úy. Vào những năm đó đất nước và quê hương vừa thoát ra khỏi các cuộc chiến tranh. Đồng ruộng Nghi Liên đất cát khô cằn, địa bàn lại nằm trên trục đường quốc lộ I A, có đường sắt và cảng hàng không đi qua, an ninh không ổn định, văn hóa xã hội phức tạp. Thấy một người lính gầy gò từ chiến trường trở về, da thịt còn xanh xao, giọng nói mang âm sắc quê hương nhưng rất lưu loát, sống chân thành cởi mở, nhiệt tình với công việc. Tháng 5 năm 1988 các đồng chí lãnh đạo UBND xã mời anh tham gia Ban văn hóa của địa phương, anh nhận ngay, không một lời từ chối. Chủ trương của cấp trên phải nhanh chóng xây dựng một làng quê văn hóa, văn minh. Mô hình làng văn hoá thời kỳ đầu chưa có, vừa làm vừa học hỏi, anh Nguyễn Hồng Minh cùng với các đồng chí trong chính quyền địa phương đã xuống từng người, vận động từng gia đình, bước đầu xây dựng các gia đình văn hóa, rồi làng văn hóa, tiến đến xã văn hóa. Năm 1990 anh được nhân dân tín nhiệm bầu vào HĐND, phụ trách văn hóa, thể dục thể thao của xã Nghi Liên. Anh còn là một trong những thành viên trong Ban vận động thành lập Hội CCB xã, sau đó trúng vào Ban thường vụ Hội CCB hai khóa liền. Với trách nhiệm của mình nhiều đêm về trăn trở: vùng đất quê mình ở ngoại thành thành phố, nhưng làm gì để vừa đưa được kinh tế đi lên, vừa xây dựng được văn hóa để thay đổi được bộ mặt nông thôn.
Thời kỳ ấy ở một số thôn trong xã Nghi Liên đã xuất hiện các hộ gia đình trồng hoa cây cảnh, cứ mỗi dịp tết đến xuân về đưa hoa vào thành phố Vinh để bán thu nhập khá cao, các khu vườn xưa hoang sơ được cải tạo thành vườn cây hoa lá. Nhân một chuyến đi khảo sát để xây dựng điển hình làm kinh tế giỏi, trở về anh phổ biến mô hình trồng hoa với tất cả các hội viên Hội CCB. Trồng hoa cây cảnh vừa được về kinh tế, vừa làm đẹp cảnh quan môi trường. Ý kiến đó được mọi người chấp nhận và lan tỏa ra các thôn xóm trong địa bàn toàn xã. Chỉ trong một thời gian ngắn nghề trồng hoa và cây cảnh ở Nghi Liên ra đời và phát triển, cả làng có phong trào trồng hoa tươi. Bộ mặt nông thôn bừng lên sắc mới.
Anh Nguyễn Hồng Minh tiếp tục bắt tay xây dựng Các câu lạc bộ văn nghệ "Hát cho bà con tôi nghe"; đứng ra vận động bà con xây dựng các sân bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, thi đấu thể thao; xây dựng các câu lạc bộ thơ do anh phụ trách. Những hoạt động ấy đã cuốn hút mọi người xích lại gần nhau, xóa đi sự hiềm khích, đố kỵ, làng trên xóm dưới đoàn kết gắn bó, yên bình. Xã Nghi Liên bừng lên sự đổi thay chóng mặt làm cho nhiều vùng quê khác phải trầm trồ khen ngợi và đến tận nơi học tập. Năm 2004 nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, xã Nghi Liên được UBND tỉnh Nghệ An tăng danh hiệu xã Văn hóa đầu tiên của tỉnh. Uy tín và lòng tin của nhân dân đối với anh Nguyễn Hồng Minh ngày càng cao. Năm 2005 để chuẩn hóa cán bộ cấp xã, cộng với bệnh tật của cuộc chiến tranh để lại, anh Nguyễn Hồng Minh đã viết đơn xin nghỉ hoạt động ở cấp phường xã, nhưng nhân dân vẫn bầu anh làm Bí thư chi bộ thôn, kiêm giữ chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa xã cho đến nay.
Năm 2009 có chủ trương của trên thành lập Ban liên lạc Trường Sơn các cấp, các đồng chí trong lãnh đạo địa phương và Hội CCB xã đề cử anh Nguyễn Hồng Minh làm Trưởng ban. Tháng 10 năm 2014, Đại hội thành lập Hội TTTS xã Nghi Liên anh được bầu làm Hội trưởng. Bất cứ ở thời điểm nào, làm việc gì, hàng ngày anh vẫn giành thời gian xuống các gia đình những người đồng đội đã tham gia hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn để thăm hỏi, nắm bắt tình hình, củng cố và xây dựng Hội phát triển. Hội TTTS Nghi Liên luôn luôn duy trì hoạt động có nền nếp, đi vào thực chất và lấy "Nghĩa tình đồng đội" làm mục tiêu phấn đấu.
Năm 2012 chương trình "Nghĩa tình đồng đội" của Hội TTTS thành phố Vinh có chủ trương ủng hộ một suất quà 45 triệu đồng làm nhà cho hội viên Trường Sơn xã Nghi Liên gặp hoàn cảnh khó khăn. Anh trực tiếp đi khảo sát và đề nghị tặng cho hội viên nữ Nguyễn Thị Châu. Số tiền ấy không đủ để xây một ngôi nhà, anh Nguyễn Hồng Minh đã ra đặt vấn đề với các đồng chí trong cấp ủy xã, tất tưởi ngược xuôi vận động các cơ quan đơn vị, các hội viên Trường Sơn ủng hộ thêm mỗi người một ít. Việc thu dọn, giải phóng mặt bằng, phá dỡ nhà cũ, anh đứng ra vận động Đoàn viên thanh niên và người dân trong thôn ra đóng góp ngày công để giảm bớt kinh phí. Sau hơn một tháng đội nắng dầm mưa trực tiếp xắn tay ra làm, ngôi nhà cho đồng đội hoàn thành, với tổng giá trị ngôi nhà 198 triệu đồng. Cán bộ và nhân dân trong xóm vui mừng đến chung vui và ai cũng bảo đây là công lớn của anh Minh, nhưng anh chỉ mỉm cười và khiêm nhường bảo: "Đây là công lao chung của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, nhân dân trong địa phương cùng với nghĩa tình đồng đội Trường Sơn, chứ đâu gì của riêng tôi".
Tháng 6 năm 2014 trong Ban liên lạc TTTS có hội viên Hồ Thị Minh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, sức khỏe ngày càng cạn kiệt. Anh Nguyễn Hồng Minh trăn trở và suy nghĩ, để cho đồng đội ốm đau ra đi trong ngôi nhà lụp xụp này thì không yên lòng với những người đang sống. Nhất thiết phải làm cho chị ấy một ngôi nhà, xong trước khi mất càng tốt, dẫu qua đời thì chị cũng yên lòng biết được nghĩa tình đồng đội tri ân mình. Anh đôn đáo lên trực tiếp đặt vấn đề với UBMTTQ thành phố Vinh ủng hộ được 30 triệu đồng, UBMTTQ xã ủng hộ 10 triệu đồng, Chủ tịch UBND xã hứa ủng hộ toàn bộ phần mái tôn để lợp. Thiếu bao nhiêu anh tiếp tục kêu gọi các tổ chức đoàn thể ủng hộ thêm. Thời gian đó anh bỏ công việc gia đình, trực tiếp đứng ra chỉ đạo làm nhà cho đồng đội. Chỉ trong một tháng, ngôi nhà 3 gian lợp ngói, có mái che rộng rãi, kiên cố hoàn thành. Sau khi quyết toán chi phí xây dựng còn dư 21,7 triệu đồng anh giao lại cho người con gái dùng để chăm sóc, nuôi mẹ. Ngày bàn giao nhà, người đồng đội nằm trên dường bệnh, dẫu không nói được thành lời, đưa bàn tay run run cầm lấy tay anh Minh, hai dòng nước mắt cứ trào ra.
Hội TTTS Nghi Liên sau ngày Đại hội có đủ tư cách pháp nhân, uy tín của người Chủ tịch Hội được đồng đội và nhân dân tin yêu, đặc biệt được các cấp chính quyền địa phương ủng hộ. Hoạt động của Hội ngày càng có hiệu quả, bền vững, có số lượng hội viên đông - 99 người. Đã thành lập được Hội nữ chiến sỹ Trường Sơn cấp xã; Hội cũng đã gây quỹ với số tiền 34 triệu đồng. Nguồn quỹ đó không lớn nhưng đủ để chủ động giúp đỡ thăm hỏi khi hội viên ốm đau và mừng thọ cho các hội viên cao tuổi.
Hàng năm Hội TTTS xã Nghi Liên đã tổ chức cho hội viên đi thăm lại chiến trường xưa, các địa chỉ Đỏ, các di tích lịch sử, danh thắng trong tỉnh. Đặc biệt vào những ngày lễ lớn của đất nước và ngày truyền thống, Hội đã đứng ra tổ chức gặp mặt hội viên để ôn lại kỷ niệm sâu sắc những ngày sống, chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa. Những ngày vui ấy, các đồng đội tay bắt, mặt mừng, cùng nhau hát vang những bài ca truyền thống và bước quân hành của người chiến sỹ năm xưa. Hội TTTS xã Nghi Liên hiện nay là một hội tiêu biểu đứng đầu về mô hình hoạt động "Nghĩa tình đồng đội", năm nào cũng được UBND xã, Hội TTTS từ Trung ương đến cấp tỉnh khen thưởng. Bản thân đồng chí chủ tịch Hội Nguyễn Hồng Minh nhận được nhiều bằng khen và giấy khen của các cấp.
Hội TTTS Nghi Liên hiện nay là hội tiêu biểu của thành phố, của tỉnh. Những cuộc họp tổng kết hàng năm của hội luôn được cấp trên chọn làm mô hình hoạt động. Trưởng thành, phát triển được như vậy là nhờ hội biết tạo dựng một khối đoàn kết thống nhất, đặc biệt xây dựng và củng cố lòng tin đối với lãnh đạo các cấp và các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Bản thân đồng chí Nguyễn Hồng Minh là người chủ tịch - người đứng đầu Hội có nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, có lòng tin và uy tín; luôn giữ vững được phẩm chất người lính cụ Hồ, người lính đã đi qua ba mặt trận trở về vẫn một lòng với đồng đội Trường Sơn trên quê hương Bác Hồ./.
Nguyễn Xuân Bách
Số:3 , đường Tôn Thị Quế, Tp. Vinh, NA
ĐT: 0912 591 362
Email: xuanbachnguyendu@gmail.com