Gặp lại tác giả bài thơ "Giàn mướp", dự thi Hào khí Trường Sơn của Xuân Bách

Ngày đăng: 01:31 10/12/2018 Lượt xem: 807


                  GẶP LẠI TÁC GIẢ BÀI THƠ "GIÀN MƯỚP"
 
                                                                    Xuân Bách
 
Trên suốt chặng đường đánh Mỹ, chiến sĩ Trường Sơn ai cũng thuộc nhiều bài hát, bài thơ về người lính lái xe. Trong một buổi gặp mặt gần đây của các cựu lái xe Trường Sơn tại thành phố Vinh, có một cựu chiến binh tuổi quá thập tuần đứng lên  đọc bài thơ “Giàn mướp”. Giọng của anh hào sảng, thiết tha như một nghệ sĩ. Sau đó, chúng tôi được biết, anh là Nguyễn Khắc Liên - tác giả của bài thơ.
Chúng tôi gặp lại anh tại gia đình riêng, ngôi nhà anh ở trong ngõ nhỏ của phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ An. Vẫn ngôi nhà thấp bé đơn sơ, nhưng tất cả các phòng đều chất đầy sách vở, trên tường treo đủ huân chương, huy chương, kỷ niệm chương thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Anh kể cho chúng tôi nghe xuất xứ của bài thơ: Mùa khô năm 1971 anh là lính thợ sửa chữa của xưởng tiểu tu Binh trạm 33, Sư đoàn 470, Đoàn 559, đóng tại Kon Tum. Trong mùa chiến dịch, cả Binh trạm xuất kích vận chuyển hàng ra tiền tuyến, cánh thợ được lệnh đi cùng các đoàn xe để khắc phục sự cố kỹ thuật xe do bom đạn Mỹ đánh dọc đường. Ngồi trong buồng lái của đoàn xe ra trận, có giàn mướp phủ xanh lá ngụy trang, dù lên dốc, vượt trọng điểm, đi trong đêm tối hay chạy giữa ban ngày, kẻ thù không thể nào phát hiện được. Anh khâm phục người đã sáng tạo ra cái giàn mướp ngụy trang trước buồng lái xe ấy. Ngay đêm đó trở về cứ, anh đã làm bài thơ “Giàn mướp”.

 

Tác giả Nguyễn Khắc Liên
 
Những khổ thơ đầu, anh Nguyễn Khắc Liên chỉ nói về cái "giàn mướp" trước buồng lái để ngụy trang xe ra trận. Tuy rất giản dị, đơn sơ nhưng lại gắn với tâm hồn lãng mạn của người chiến sỹ, đem họ về với gió, với trăng, với núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.
Chẳng biết từ đâu có tên giàn mướp
Từ buổi ra đời chưa thấy mướp leo
Chỉ nghe trong gió lá ngụy trang reo
Thấp thoáng đằng xa trăng treo chênh chếch.
Chắn đạn, đỡ bom điên cuồng của địch
Hứng bụi, che mưa đi chiến dịch nối mùa.
Nói về "Giàn mướp" để ngụy trang xe, nhưng chính điều anh Nguyễn Khắc Liên muốn nói, muốn khắc họạ, đó là tâm thế dũng cảm, tự tin, thông minh của người chiến sỹ lái xe trên các cung đường ác liệt. Đó là những bông "Hoa dũng sỹ Trường Sơn" anh hùng.
Đẹp biết bao những chiếc xe Trường Sơn
Mất kính, rách tai, thùng cháy, bong sơn
Vẫn nặng căm hờn những chuyến hàng đánh Mỹ
Vẫn đêm đêm chạy trên đường thiên lý.
Luôn giữ bên mình hoa dũng sĩ Trường Sơn.
Có "Giàn mướp" ngụy trang phía trước, xe của ta cứ thế nối đuôi nhau nườm nượp vượt đạn bom ra trận. Các chiến sỹ lái xe chẳng ngại hy sinh vẫn lạc quan yêu đời, sáng ngời lòng dũng cảm, vững vàng tay lái  vượt đèo cao, suối sâu, vượt đạn bom pháo sáng, vượt sự truy đuổi của máy bay địch đưa vũ khí, hàng hóa đêm ngày cho mặt trận.
Có giàn mướp xe lại đẹp thêm hơn
Buồng lái ta ngồi
Cảm ơn người đã sinh ra giàn mướp
Suốt dãy Trường Sơn xe đi về nườm nượp.
Trong gió núi rừng ta nhận được những tiếng ca.
Rất lạc quan từ giàn mướp bay ra.
Bài thơ ra đời vào những năm tháng quyết liệt nhất của chặng cuối thời kỳ đánh Mỹ. Trên các nẻo đường Trường Sơn, ở đâu các chiến sĩ cũng thuộc lòng bài thơ này. Bài thơ có sức mạnh truyền cảm nên một thời gian sau, nhạc sĩ Huy Loan thuộc Đoàn Văn công Sư đoàn 470 đã phổ nhạc thành bài hát: “Bài ca giàn mướp”. Vào những buổi phát thanh quân đội thời kỳ đó, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã đọc và giới thiệu nhiều lần bài thơ “Giàn mướp”. Bài thơ, bài hát đã lan tỏa khắp chiến trường. Các đoàn Văn công của Tổng cục chính trị, của các sư đoàn, lữ đoàn, đơn vị mang đi biễu diễn khắp nẻo đường Trường Sơn và sống mãi suốt cả chặng đường dài kháng chiến.
Gặp lại nhau, anh hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm của chiến tranh, những tháng ngày gian khổ của người lính. Anh còn mang cho chúng tôi xem những kỷ vật: Một băng tiếp đạn AK; mấy quả bom bi, mìn vướng đã lấy ngòi nổ; chiếc êtô xách tay của người lính thợ tiểu tu đã từng được anh mang theo sửa chữa xe dọc đường ra trận. Đặc biệt  một cuốn sổ tay ghi chép hàng trăm bài thơ của anh mực đã nhạt màu, với tiêu đề: “Đường Trường Sơn một thời để nhớ”. Đây là những bài thơ tuyển chọn từ ngày nhập ngũ vào với chiến trường Trường Sơn  cho đến ngày anh trở lại quê hương.
Sau khi chiến tranh kết thúc, tháng 5 năm 1978 anh Nguyễn Khắc Liên rời chiến trường Trường Sơn chuyển ngành về làm công nhân Nhà máy Bia Nghệ An rồi lên làm Chủ tịch Công đoàn nhà máy. Điều hết sức cảm phục, khi tuổi đã ngoài 40, lại từ một người lính trở về anh vẫn theo học trường Đại học Công đoàn để nâng cao trình độ. Làm việc trong thời kỳ đổi mới anh đã cùng tập thể lãnh đạo, đoàn kết sáng tạo, động viên cán bộ công nhân nhà máy hăng hái sản xuất, nên nhà máy luôn đạt lá cờ đầu của tỉnh. Bản thân anh đã được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam 2 lần tặng bằng "Lao động sáng tạo" do có sáng kiến xuất sắc cải tiến kỹ thuật trong sản xuất.
Năm 2001 anh về nghỉ hưu chưa được một tháng Chi hội CCB đã bầu anh làm chi hội trưởng và nhân dân đã tín nhiệm bầu anh làm khối trưởng và đại biểu của Hội đồng nhân dân phường. Vẫn con người năng nổ, nhiệt tình, giữ được bản chất của người lính Trường Sơn năm xưa, anh đã đưa khối phố của anh thành khối văn hóa tiêu biểu của thành phố. Trong bộn bề của công tác Xã hội, anh vẫn là người có trách nhiệm cao với gia đình. Suốt 30 năm người vợ bị bệnh hiểm nghèo không đi lại được, anh đã giành thời gian chăm sóc tận tình chu đáo, nhân dân ai cũng cảm phục.
Từ ngày trở về anh tham gia ngay vào hoạt động của Hội TTTS. Qua hai kỳ Đại hội Hội TS tỉnh Nghệ An, anh luôn được bầu vào Ban chấp hành. Nhiệm kỳ đầu anh làm Chánh thanh tra và nhiệm kỳ thứ hai này anh đang đảm nhiệm Trưởng ban Tài chính của Hội. Ở vị trí nào, lĩnh vực nào anh vẫn năng nổ, nhiệt tình, xông xáo để xây dựng Hội TTTS - Đường Hồ Chí Minh lớn mạnh.
Bên cạnh những tấm huân huy chương của thời kỳ đánh Mỹ, căn nhà của anh hôm nay lại tiếp tục có nhiều bằng khen, giấy khen của nhà máy, của phường, của thành phố, của UBND tỉnh Nghệ An, của Trung ương Hội TTTS. Anh là tấm gương sáng của anh bộ đội Cụ Hồ, luôn được mọi người trong cộng đồng dân cư và các đồng đội hết lòng tin yêu./. 
 
                                                            
                                                                Nguyễn Xuân Bách

                                              Số 3, đường Tôn Thị Quế, Tp. Vinh. NA
                                                               ĐT: 0912 591 362
                                              Email: xuanbachnguyendu@gmail.com    
 
 

 
 
tin tức liên quan