"Nam Lào-một thời để nhớ" - Giới thiệu của CCB Sư đoàn 968 Bộ đội Trường Sơn của Lê Lợi

Ngày đăng: 12:38 01/01/2019 Lượt xem: 863

----------------------------------------------------------------------------------------

NAM LÀO, MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Bs Lê Lợi, CCB sư đoàn 968, quân tình nguyện Việt Nam tại Lào
Hội viên Hội VH-NT Trường Sơn, Việt Nam
 
Mười bảy năm, hai lần sang giúp Bạn,
Máu đổ, xương tan đâu có ngại ngần.
Vẫn vang lên hành khúc Sư đoàn 968,
Xứng danh Anh hùng, quân tình nguyện Việt Nam.
 
         
         Trên đây là một đoạn trong bài thơ Về với sư đoàn 968 của Bs Lê Lợi, cựu chiến binh sư đoàn 968 khi về dự kỷ niệm 50 năm thành lập Sư đoàn bộ binh 968 anh hùng (28/6/1968-28/6/2018) được đăng tải lúc 06:53 28/06/2018 trên trang Báo điện tử http://hoitruongson.vn/tin-tuc/2119_52075/-ve-voi-su-doan- 968-tho-bs-le-loi-ccb-su-doan-968.htm
         Trong đội hình các đơn vị của quân đội nhân dân Việt Nam, Sư đoàn bộ binh 968 có một vị trí hết sức quan trọng. Là đơn vị được sinh ra từ đất Lào vào năm 1968 để đáp ứng với yêu cầu của cách mạng 3 nước Đông Dương, lúc đầu lực lượng quân tình nguyện Nam Lào mang phiên hiệu 968 được thành lập từ một nửa của đoàn 565 Chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào với các Tiểu đoàn bộ binh, các đại đội binh chủng... bảo vệ hành lang phía Tây của đường Trường Sơn. Đây cũng là Sư đoàn bộ binh duy nhất trong số gần chục đơn vị cấp sư đoàn thuộc Bộ Tư lệnh 559 (Binh đoàn Trường Sơn). Tròn 50 năm hoạt động, có 17 năm làm nhiệm vụ quốc tế, chiến đấu, giải phóng và bảo vệ Trung-Hạ Lào, trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, xứng đáng với truyền thống: “Kiên trì bền bỉ, mưu trí dũng cảm, bạn tin dân mến, đã đánh là thắng” và” Cơ động liên tục, khắc phục khó khăn, đoàn kết lập công, trọn vẹn nghĩa tình, dân tộc- quốc tế”. Mặc dù địa bàn chiến đấu quen thuộc là Trung-Hạ Lào, thế nhưng cuối năm 1974 theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng, sư đoàn nhanh chóng chuyển quân về Tây Nguyên tham gia nổ súng mở màn cho đại thắng mùa xuân 1975. Trung đoàn bộ binh 9 thuộc sư đoàn 968 tách ra chiến đấu trong đội hình Quân đoàn 2, giải phóng miền Nam, có mặt ở dinh Độc Lập vào trưa ngày 30-4-1975.
         Cuốn sách Nam Lào-một thời để nhớ tập 3 được viết, biên tập và xuất bản nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Sư đoàn bộ binh 968 bởi Ban liên lạc truyền thống sư đoàn 968 anh hùng, những cựu chiến binh của sư đoàn 968 qua các thời kỳ. Ở đây chúng ta bắt gặp những người ở lứa tuổi U.90, U.80 cho đến người ít tuổi nhất cũng đã ngoài 50. Những ký ức của thời kỳ gian khổ sống trong bom đạn của những người trực tiếp cầm súng lăn lộn khắp Nam Lào hiện lên một cách đời thường, không lên gân, từ cách ăn, mặc, đến cách nói chuyện, cầm súng cho thấy ở đó không có sự màu mè, là cuộc sống người lính chiến xa nhà. Sự thực có thể nói là trần trụi không tô vẽ cuộc sống chiến sĩ chỉ mầu hồng như một số cuốn sách của không ít các tác giả ngoài cuộc chiến ngồi trong phòng máy lạnh tưởng tượng và công bố sau này.
         Ngoài các bài viết của các cựu sỹ quan như Thượng tá Hoàng Hữu Bảo với: Sư đoàn 968 trên chiến trường Nam Lào, Đại tá Hoàng Văn Xiển: với Sư đoàn 968 trong đội hình mặt trận 968 Nam Lào và Bộ tư lệnh Trường Sơn, Đại tá Lê Quang Huân với: Tiêu diệt căn cứ sân bay Phù Cát mùa xuân 1975 ... với cái nhìn của những cán bộ trung, cao cấp của sư đoàn qua các thời kỳ từ những ngày mới thành lập sư đoàn gian khó, ta còn gặp ở đây những cây bút hồi đó mới chỉ là những hạ sĩ quan, chiến sĩ mà phần lớn là lính Hà Nội nhập ngũ ngày 4 tháng 9 năm 1971 mà trên mạng xã hội hay gọi là lính 4971. Các anh tham gia chiến đấu ở các đơn vị như bộ binh, thông tin, cao xạ, công binh, quân y, vận tải ...có những người đã để lại một phần máu xương ở Nam Lào và chiến trường miền Nam trong thế kỷ trước. Có những cây bút đã tham gia viết ở các cuốn Nam Lào, một thời để nhớ tập 1, 2, có người mới tham gia lần đầu thế nhưng cả 3 thời kỳ: chiến đấu chống Mỹ cứu nước của sư đoàn trước 30/4/1975, xây dựng và tiễu phỉ Fulro từ 5/1975-11/1977 và làm nghĩa vụ quốc tế lần 2 (1977- 1987) đều được tái hiện trong cuốn sách gần 200 trang này. Có thể kể ra đây một loạt tên tác giả mà gần 50 năm trước là những anh lính trực tiếp chiến đấu, đánh nhau với quân Hoàng gia Thái Lan, phỉ Lào ở khắp Nam Lào như Nguyễn Chí Mão với Giải phóng Paksoong mùa khô 1971; Nhớ mãi một trận đánh của Phạm Trung Lương, Tôi vẫn chờ tin anh của Phạm Văn Quang. Nhiều đồng đội của các anh ngã xuống trên mọi nẻo đường chiến tranh chưa bao giờ bị lãng quên, được Lưu Trọng Oánh kể lại trong Nhớ một người đồng đội, Nguyễn Hồng Lâm với Tình đồng đội, Trần Việt Dũng với Chiếc áo của đồng đội... Chúng ta còn gặp Vũ Công Chiến với trích đoạn Gặp hổ trong cuốn Hồi ức lính nổi tiếng đã được giải Tác phẩm đầu tay xuất sắc của Hội nhà văn Hà Nội. Với giọng văn chân thật, giản dị, không tô vẽ nhưng đầy sống động, tác giả cho bạn đọc biết cuộc sống chiến trường, người lính các anh hiện lên một cách chân thực, đời thường và con người nhất. Tác phẩm Những kỷ niệm một thời và mãi mãi của Lê An Khánh kể lại hình ảnh bình dị của Đại tướng Khăm Tày Siphandon khi Tổng tư lệnh quân đội Pathet Lào đến thăm đại đội pháo cao xạ 23 mm đang bảo vệ Păc Xoong năm 1974.
         Nhật ký tìm cha của Hoàng Kim Thông, một người con xa xứ hiện ở tận Ba Lan xa xôi (qua phần biên tập của Bs Lê Lợi) đau đáu khi đến tận bây giờ vẫn chưa tìm được mộ phần của người cha là liệt sĩ của sư đoàn 968 dù đã được các cựu chiến binh đồng đội của cha mình giúp đỡ tận tình, hi vọng qua bài giới thiệu này trên trang báo sẽ có ai đó biết và giúp đỡ cho chị.
         Một thế hệ được giáo dục, sống rất tử tế cầm súng và trở về đời thường bình dị. Người dân các bộ tộc Lào (Mẹ Thơm của Nguyễn Đức Nối) hay Việt Nam (Thơ hậu phương-Nguyễn Thị Vinh) coi người lính, tiếng Lào là ta-hán như là con em mình, trân trọng người họ yêu chứ không phải những anh lính bặm trợn, bạo liệt và đi tới đâu cũng thấy chuyện tình dục như nhiều trang viết đang làm lệch lạc hình ảnh người lính.
         Những trang viết của Bùi Thượng Toản Trở lại Tây Nguyên truy quét Fulro kể về thời kỳ sư đoàn tiễu phỉ ở Tây Nguyên khi sư đoàn được tái lập sau khi có thời gia rất ngắn đổi tên thành Nông trường kinh tế 968 ở Thuận Hải với nhiệm vụ trồng bông làm kinh tế.
         Giai đoạn làm nghĩa vụ quốc tế lần II với hơn 10 năm từ 1977-1988, khi đó chiến tranh Biên giới phía Tây Nam và phía Bắc đang cận kề, một lần nữa sư đoàn 968 lại hành quân sang Nam Lào, trở lại chiến trường quen thuộc, về với nhân dân Lào đang chờ đón những đứa con Việt Nam. Viết về thời kỳ này có Nguyễn Quốc Lập với: Ngày ấy trên đất nước Triệu voi, Đinh Thanh Niên với: Mùa khô và Bên nhớ bên thương, Lê Lợi với: Bây giờ chị ở đâu, kể về những năm tháng gian khổ mà hào hùng của anh lính tình nguyện trong các trận chiến đánh phỉ, giúp dân xây dựng và giữ vững chính quyền bạn tuy không nhiều bom đạn và ác liệt như trong chiến tranh chống Mỹ. Cũng cần nói thêm một chiến công tuy nhỏ nhưng hiện vẫn còn ý nghĩa to lớn, đó là vào tháng 4/1984 những người lính sư đoàn 968 bảo vệ thành công chuyến công tác của Bí thư kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Xavanakhet, ông Bounnhang Volachit khi bị địch phục kích dọc đường 13. Hiện nay ông Bounnhang Volachit là Tổng Bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
         Ký ức về tuổi trẻ một thời hào hùng được thể hiện bởi Vũ Công Chiến với: Trở lại chiến trường xưa Nam Lào, Nguyễn Sông Cầu với: Hè về lại nhớ Nam Lào, Nguyễn Doãn Thiết với: Ký ức trận vườn Lê, Lê Lợi với Về thăm sư đoàn và Nhớ Tết Lào… những trang văn, thơ thấm đẫm những kỷ niệm.
         Cuốn sách gần 200 trang, được in trên giấy mỏng và đẹp, trình bày trang nhã, bìa 1 là hình ảnh bộ đội Việt Nam đang đi cạnh nhà sàn và bìa 4 là bản đồ Nam Lào thời chiến tranh do nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.
         Nam Lào, một thời để nhớ là cuốn sách do các cựu chiến binh sư đoàn 968 tập hợp, viết và in ấn không tránh khỏi một số sạn nhỏ, tuy nhiên đây là cuốn sách đáng để các độc giả tìm đọc trong những ngày kỷ niệm 50 năm thành lập sư đoàn bộ binh 968 anh hùng, 75 năm ngày thành lập Quân đội, 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn.
         Xin trân trọng giới thiệu!
tin tức liên quan