Chuyện một thời...Truyện ngắn của Bùi Hoằng, Hội viên Hội VH-NT Trường Sơn

Ngày đăng: 06:51 04/01/2019 Lượt xem: 544

                                              Chuyện một thời...
 
                                              Truyện ngắn của Bùi Hoằng
 
Con tàu đang lao nhanh về phương nam, bỗng tốc độ giảm hẳn, tiếng bánh sắt nghiến lên đường ray ken két, tôi giật mình choàng dậy.
- Đây là ga nào hở bác? Tôi hỏi người khách bên cạnh.
- Ga Mỹ Đức. Người khách trả lời và hỏi lại tôi:
- Thế anh xuống ga nào?
- Dạ! tôi xuống đây!
Nói rồi tôi xách chiếc cặp và chào mọi người xung quanh bước vội xuống tàu.
Ra khỏi sân ga, tôi bước nhanh về phía đầu làng, vừa đi tôi vừa ngắm cảnh. Cảnh vật ở đây thay đổi nhiều quá. ừ!  thay đổi cũng là lẽ đương nhiên thôi, cũng đã ngót một phần ba thế kỷ rồi còn gì! Hơn nữa giờ đây lại là thời kỳ đổi mới. Đang mải suy nghĩ, chân bước tới ngã ba lúc nào không biết. Tôi dừng lại thì thật may một thiếu phụ dắt xe đi tới, lưỡng lự giây lát tôi lên tiếng!
- Cô làm ơn cho tôi hỏi thăm nhà bà Nga ở xóm Một đầu cầu, nay còn ở đây không?
Thiếu phụ xuống xe nhìn từ đầu đến chân và dừng lại ở chiếc cặp ngoại giao của tôi ngập ngừng:
- Bác là…
- Tôi quen bà ấy. Hồi chiến tranh chống Mỹ đơn vị tôi đóng quân ở đây!
- Thế ạ!
Thiếu phụ mừng ra mặt:
- Mẹ cháu đang ở nhà, mời bác vào nhà ạ.
Thiếu phụ dắt xe đi trước, tôi xách cặp theo sau, vừa đi tôi vừa suy nghĩ: Cô gái này là con của Nga đấy ư? Cô gái này nhiều lắm cũng chỉ tầm hai sáu hoặc hai bảy tuổi.
Tôi đã đứng trước cổng sắt. Vẫn ở vị trí ngày xưa, nhưng giờ đây tôi không tìm nổi dấu vết mấy gian nhà tranh lụp xụp xưa kia. Trước mắt tôi là một cơ ngơi khang trang. Cô gái dắt xe dựng vào góc sân, nói:
- Mẹ cháu mấy năm nay yếu lắm, cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà chăm mấy con gà, con lợn. Mời bác vào trong nhà ạ.
Trong nhà không có người. Tôi tranh thủ ngắm nghía những tấm giấy khen, bằng khen trên tường.
- Mẹ cháu chắc lại sang hàng xóm. Cháu xin lỗi, thế bác tên là gì ạ?
Tôi cười trả lời:
- Bác là Hùng, Hùng  C449 Thanh Hóa.
Cô gái chạy ra vườn gọi với sang nhà hàng xóm:
- Mẹ ơi! Có khách đấy!
- Ai thế con.
Hóa ra chủ nhà đang ở sau vườn. Cô con gái trả lời lễ phép:
- Bác Hùng C449 ở Thanh Hóa mẹ ạ!
Từ phía vườn sau, một người đàn bà nhỏ thó, mái tóc đã có nhiều sợi bạc, luống cuống đi vào. Nắm rau khoai trên tay bà rơi tuột xuống đất từ lúc nào. Bà ngỡ ngàng giây lát, rồi như không tin vào mắt mình
- Anh Hùng…! Anh vẫn còn nhớ cái xóm này a!
Tôi nhìn Nga mà chẳng biết nói gì, đành buột miệng:
- Nga…! Lâu nay vẫn khỏe đấy chứ!
- Nhờ trời, cũng chẳng ốm đau gì, chỉ tội giờ tuổi đã cao.
Rồi Nga gọi với xuống bếp:
- Ngân ơi! Con đem nước lên mời bác đi con!
- Dạ, xong rồi đây mẹ ạ!
Lát sau, cô con gái xách ấm nước chè xanh lên, rót vào hai cái bát sứ Hải Dương:
- Con mời mẹ và bác xơi nước!
- Con để đấy cho mẹ, rồi tranh thủ đi đón cháu, nhớ rẽ qua chợ mua thức ăn về làm cơm nghe con!
- Vâng ạ!
Nói rồi cô chào khách, dắt xe ra cổng.
Chỉ còn có tôi và Nga ở nhà. Không gian yên tĩnh. Chúng tôi bồi hồi trở về với những kỷ niệm xưa cũ của một thời. Thời gian trôi nhanh quá. Mới đó mà đã một phần ba thế kỷ. Thời ấy tóc còn xanh, nay ai nấy tóc đã ngả mầu.
- Anh uống nước đi. Thế ngày ấy, sau khi ở đây, các anh đi những đâu, bây giờ ở đâu cả rồi!
Tôi trả lời Nga và cố ý lái sang chuyện khác.
- Thế ông xã đâu mà nãy giờ không thấy?
Nga thoáng chút buồn, tôi hiểu, tôi đã chạm vào nỗi đau của Nga.
- Cho mình xin lỗi. Lâu quá rồi chúng ta không biết tin nhau.
Lát sau, Nga chậm rãi kể:
- Ngày ấy sau khi các anh chuyển quân vào trong, vài năm sau em học hết phổ thông và thi vào trường sư phạm. ở đây em gặp Thoan, một giáo viên mới ra trường, lúc đầu em cũng chỉ cho rằng mình quen để nhờ Thoan giảng lại những bài tập khó. Có ai ngờ sự việc lại xảy ra. Khi biết em có thai, Thoan đã tìm mọi cách lẩn trốn. Em đã sinh con một mình. Thoan đã cố tình thoái thác trách nhiệm.
Sự việc vỡ lở, em bị trả về địa phương, còn Thoan sau đó xin chuyển công tác vào một tỉnh ở phía nam. Như anh thấy đấy! Cháu Ngân chính là con của Thoan.
- Mình vô ý quá! Mình đã vô tình khơi dậy nỗi đau của Nga.
- Không sao! đấy là sự thật mà anh nên biết.
Nga kể tiếp:
- Sau khi sinh cháu được một năm, em xin vào làm việc ở một lâm trường, công việc tuy không nặng nhọc nhưng lại vất vả về thời gian, do vậy em đành phải gửi cháu ở lại quê với bà ngoại. Năm cháu học hết phổ thông đã trúng tuyển vào Đại học sư phạm Huế. Tốt nghiệp ra trường cháu về công tác ở trên thị xã, chồng cháu Ngân là sỹ quan quân đội hiện nay công tác ở biên giới.
Từ khi em về nghỉ, do hoàn cảnh một mẹ một con nên cháu xin chuyển về huyện cho gần nhà.
- Cũng mừng cho Nga! Thật tình mình cũng không ngờ cuộc đời Nga lại gặp những thăng trầm như vậy!
Tôi bỗng thấy đau nhói trong lồng ngực, toàn thân như nổi gai, như sắp lên cơn sốt. Cũng tại chiến tranh cả. Giá như ngày ấy đơn vị tôi không phải vào sâu trong chiến trường thì có lẽ cuộc đời của Nga sẽ đâu đến nỗi!
 
*
Đêm yên tĩnh lạ thường, một mình trong phòng khách, tôi thao thức không sao chợp mắt được, tôi nghe rõ từng chiếc lá rơi ngoài cửa sổ. Tôi ôm đầu, mặc cho quá khứ của một thời trai trẻ hiện về.
… Nga đi qua cuộc đời tôi như một cơn mưa bóng mây. Ngày ấy đơn vị tôi sau khi từ đường 20 Quyết Thắng ra, được điều động về đóng quân để bảo vệ đoạn đường từ cầu Mỹ Đức đi Thạch Bàn. Nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là đảm bảo an toàn trong mọi tình huống cho từng chuyến xe vào phía Nam để tăng cường cho chiến dịch. Công việc tuy không vất vả lắm, nhưng nơi đây là trọng điểm đánh phá của thằng Mỹ. ở thời điểm này nhân dân ở đây đều phải đi sơ tán. ở lại địa bàn chủ yếu là thanh niên và dân quân tự vệ. Đơn vị chúng tôi đóng quân ở các nhà dân, mặc dù đi sơ tán nhưng bà con ban ngày đi làm đồng thường về nghỉ trưa tại nhà.
Hôm đó, sau đợt bom Mỹ đánh phá ở phía đầu cầu, chúng tôi về đến nhà vừa rửa chân tay xong thì Nga hớt hải chạy vào, vừa thở Nga vừa nói giọng lạc đi:
- Các anh ơi! Các anh cứu mẹ em với!
- Mẹ em… mẹ em làm sao?
Tất cả chúng tôi đều chạy theo Nga. Khi đến nơi, cũng may y tá Khải cũng vừa tới. Sau khi tiêm cấp cứu và làm động tác hô hấp, một lát mẹ Nga tỉnh. Nga sung sướng ôm chầm lấy mẹ, nước mắt trào ra. Nga nhìn chúng tôi với ánh mắt biết ơn và lòng kính trọng.
- Anh Hùng, anh đã cứu mẹ em…
Chúng tôi đã trở thành ân nhân của gia đình Nga từ hôm  ấy. Chúng tôi thường xuyên rủ nhau đến nhà Nga, qua nhiều lần như vậy tôi và Nga đã thầm yêu nhau từ lúc nào không biết. Tôi không ngờ lần mẹ Nga bị cảm lại là cơ hội để tôi và Nga đến với nhau.
… Đêm ấy sau khi nhận được lệnh chuẩn bị hành quân vào tiếp ứng với đơn vị mở đường Đông Trường Sơn. Tôi rủ Thuận đến để nói lời chia tay với Nga, bước vào sân thấy im ắng lạ thường, một ánh sáng đỏ quạch của ngọn đèn dầu hắt ra qua khe cửa. Tôi và Thuận bước lại gần đưa mắt quan sát, trong nhà đều vắng. Tôi nói nhỏ với Thuận:
- Lạ nhỉ giờ này mà Nga đi đâu?
Thuận ghé sát vào tôi bảo:
- Chắc Nga chỉ đi quanh quẩn đâu đây, thôi kệ cậu ở đây, tớ sang nhà anh Tùng đây.
Nói rồi Thuận bước nhanh ra cổng. Khi bóng Thuận khuất vào bóng đêm. Tôi đi ra phía trái nhà, nghe có tiếng nước xối, tôi bước nhẹ chân tới gần khóm chuối thì bất ngờ, toàn thân Nga hiện ra dưới ánh trăng, khắp thân thể như được dát phủ một lớp nhũ vàng, những đường cong mềm mại, trinh nguyên, mờ ảo phơi bày dưới ánh sáng dịu dàng của thiên nhiên ban tặng…
Tắm xong Nga vào mở cửa, vặn to ngọn đèn rồi ra sân đứng chải tóc. Lúc này tôi mới từ khóm chuối đi ra. Sự xuất hiện đột ngột của tôi làm Nga bối rối. Nga nhìn tôi một lúc rồi nghi ngờ hỏi:
- Kìa anh! Anh đến từ bao giờ?
Tôi nhấm nhẳn:
- Đến lúc em đang tắm!
- Trời!
Nga giật mình làm rơi chiếc lược sừng xuống đất, thế nãy giờ anh ở đâu?
Tôi giả bộ ngây ngô, trả lời lát gừng:
- Anh đứng phía sau khóm chuối này này…
Nga đấm thùm thụp vào lưng tôi:
- Em bắt đền anh đấy!
Nga dậm chân, vừa khóc vừa chạy vào nhà. Tôi nhào theo, ôm ngang người Nga nói trong hơi thở:
- Nga, anh xin lỗi, anh thật vô tình, đừng giận anh nhé! Anh yêu em…
- Em ghét anh lắm, tại sao anh lại…
- Nga này, mai anh đi rồi!
Nga ngước nhìn tôi:
- Đi đâu ? Thật không anh?
- Anh không đùa đâu!
- Nga, anh đi xa em có buồn lắm không?
- Em… Em buồn và nhớ chứ, anh biết đấy khi yêu nhau mấy ai muốn xa nhau phải không anh? Nhưng vì điều kiện chiến tranh. Nhưng anh yên tâm đi, em sẽ đợi!
- Nga à! Em thật tuyệt vời, vừa nói tôi vừa xoay người đưa bàn tay nâng lên khuôn mặt bầu bĩnh của Nga.
- Nga ơi! ước gì chúng mình đã cưới nhau… Anh sẽ được hưởng những vị ngọt ngào của hạnh phúc… Hay là… Nga đưa bàn tay xinh xắn lên bịt miệng tôi lại.
- Đừng nói gì nữa anh! Khi đã tin yêu rồi, em có tiếc gì với anh đâu! Nhưng có điều… Ngày mai anh đã đi… nếu có sao ai là người chứng minh cho em!
Tôi nhìn Nga im lặng, đặt một cái hôn lên đôi môi đỏ mọng của Nga. Nga đẩy người tôi, “đừng anh! đừng… Hãy đợi khi anh trở về, em sẽ chờ và giữ trọn vẹn cho  anh…”
 
*
Nước giếng buổi sáng mát lạnh làm tôi tỉnh táo. Bao mệt mỏi sau một đêm trằn trọc, mất ngủ dần dần tan đi. Tôi lững thững dạo một vòng quanh vườn ngắm cảnh vật lung linh huyền diệu của buổi ban mai.
 
*
Thằng cu con Ngân, cháu ngoại Nga cứ vít mãi cổ ông Hùng xuống: “Ông chơi với cháu nữa đi, cháu không cho ông đi đâu”.
Ngân bế con:
- Thôi, con đi mẹ bế để ông Hùng đi công tác nào.
Nga còn tiễn tôi một đoạn nữa rồi mới quay lại:
- Thi thoảng đi công tác, anh rẽ về chơi nhé, để thằng cu cháu có ông ngoại để gọi. Cháu nó quý ông lắm đấy.                                                                                                  
 
 
Bùi văn Hoằng
Hội viên Hội VHNT Ts
Hà Bình-Hà Trung-ThanhHoá
Email:hoang1592@gmail.com
 
tin tức liên quan