"Tam Đảo mùa đông không lạnh" - BS Lê Lợi - Hội viên TS Sư đoàn 968 - Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
TAM ĐẢO, MÙA ĐÔNG KHÔNG LẠNH
Thường thì người ta hay đến với Tam Đảo mùa hè để trốn cái nắng, cái nóng thế nhưng tôi cũng đôi lần vào mùa đông giá rét đến với Tam Đảo, mỗi một lần đến là thấy Tam Đảo lại khác trước. Cũng bởi thời tiết đôi khi khắc nghiệt nên mùa đông ở Tam Đảo không tấp nập như mùa hè.
Con đường quanh co, khúc khuỷu uốn lượn quanh các sườn núi dễ làm cho mọi người nôn nao, không ít người đã phải mật xanh, nanh vàng khi về với non cao của Vĩnh Phúc. Không dài và hiểm trở như cung đường từ Hà Giang đi Đồng Văn, chỉ hơn chục cây số từ chân núi lên tới thị trấn Tam Đảo, với độ cao trên dưới một ngàn mét so với mực nước biển thì độ dài cung đường trên quả là thử thách đáng kể với những người có hệ thần kinh nghệ sỹ. Tam Đảo được người Pháp phát hiện vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỷ 20, rất nhanh chỉ trong thời gian ngắn họ đã xây dựng khoảng 200 biệt thự, khách sạn, nhà hàng, sân chơi thể thao, bể bơi, sàn nhảy … thế nhưng ngày nay những kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu ấy không còn nhiều bởi tác động của thời gian và cả của con người. Thật tiếc ! Khác với cái lạnh buốt đến cóng tay ở Sa Pa hay se se lạnh ở Đà Lạt, thời tiết Tam Đảo dịp cuối năm Mậu Tuất này thật dễ chịu. Mấy ngày khi chúng tôi tới Tam Đảo thì trời thật đẹp, vừa chấm dứt mưa nhỏ. Chiều tối về đêm, cái lạnh như ngăn ngắt, cái cảm giác rét ngọt cứ bủa vây xung quanh ta, không biết cái màn sương mù hay là mây xốp, khi thì trắng khi lại màu xám bao phủ khắp cái phố thị nhỏ bé. Bên cái lò nướng xuýt xoa với củ khoai hay bắp ngô vùng cao thơm phức, nhai chầm chậm mới thấy thấm đẫm vị ngọt của đất.
Buổi sáng, trời hưng hửng. Đó đây, những làn mây trắng tinh ùn lên, sau đó nhanh chóng thành biển mây che phủ cả cái tòa Dinh Toàn quyền mới phục chế lại trông thật thơ mộng, khiến ta ngỡ như là lạc vào khung trời châu Âu hoa lệ. Những cung đường ngoằn nghèo, trông gần đấy mà xa đấy cứ thoắt ẩn, thoắt hiện trong màn sương.
Những cây thông ở Tam Đảo vươn cao được tắm mình trong mây và gió nên có dáng vẻ thật kiêu hãnh và quyến rũ. Chầm chậm thả bộ theo triền dốc ven sườn núi thăm nhà thờ đá cổ có motip chắc là cùng thời với nhà thờ đá Sa Pa, theo người dân ở đây thì nhà thờ này được xây dựng từ đầu thế kỷ trước. Bức tường có những ô cửa nhìn ra bầu trời thật giống những bức tranh của Italia thời kỳ Phục Hưng, tôi lựa chọn được một khung hình để chụp tuyệt đẹp. Và từ đây nhìn ra xa xa, cái biệt thự triệu đô tai tiếng của Trịnh Xuân Thanh trên một triền núi cao nhìn thấy toàn beton và kính trông thật kệch cỡm. Phủ Toàn quyền năm trước lên còn đang dở dang, nay đã hoàn thành nhìn không khác tòa lâu đài ở nước Phú-Lãng-Sa …
Còn nhớ cái lần đầu tiên đến với Tam Đảo dễ chừng đã trên 25 năm, khi ấy còn ít người lên Tam Đảo. Đường đi hồi ấy bé lắm, hai xe ô tô tránh nhau đã thấy khó vì vậy đoạn gần lên tới Tam Đảo người ta phải làm 2 đường, một lên, một xuống. Chiếc xe ca hồi ấy cơ quan tôi thuê chạy lên tới đoạn đường 1 chiều này thì ì ạch, cứ chực trôi xuống thế là tôi và 1 cán bộ nữa nhảy xuống làm cái chân chèn bánh xe, cứ thế khi xe qua đoạn dốc thì chạy tuột đi mất mà để quên chúng tôi ở lại trên đường. Thôi thì cứ nghĩ là kiểu gì xe cũng phải chạy xuống, sẽ gặp nhau ở dọc đường, thế là chúng tôi cứ lững thững đi lên, ai dè xe chạy xuống theo đường khác. Lưa thưa nhà, lưa thưa hàng quán, người đi đường lại càng vắng vẻ. Cậu cán bộ trẻ sợ lắm còn tôi thấy chẳng nhằm nhò gì, cái thời còn là anh lính Quân tình nguyện tại Nam Lào xa xôi cũng đã mấy lần lạc, trời tối mịt mù vẫn còn một mình trong rừng khộp tìm đường về đơn vị. Tôi động viên cậu cán bộ trẻ đi cùng là không ngại, tìm cách bắt xe đi về Vĩnh Yên vì kiểu gì khi phát hiện thiếu người thì xe cũng chờ. Tam Đảo hồi đó còn hoang vắng, chúng tôi ngược lên tận gần cột phát sóng truyền hình đứng ngắm chán chê, mê mải rồi tạt vào nhà dân ven đường ngồi nghỉ. Đó là gia đình của cặp vợ chồng trẻ, người miền xuôi lên đây làm ăn. Anh chồng thấy có người đến thì mừng lắm, bắt ngay mấy con chim rừng đang rốt sẵn làm lông và nướng trên than củi đãi khách xa lạ. Trong cái bầu không khí tinh khôi của trên dưới ngàn mét so với mực nước biển, ngồi nhâm nhi ly rượu thuốc với miếng thịt chim rừng thơm lừng và béo ngậy, trò chuyện với người bạn mới quen, cái mệt nhọc của leo dốc dường như tan biến hết. Thật tiếc là hồi đó chưa có điện thoại di động, điện thoại bàn còn hiếm nên không nghĩ ra là ghi lại địa chỉ để liên lạc với nhau. Không rõ bây giờ vợ chồng họ còn ở Tam Đảo không hay đã phiêu bạt nơi đâu…
Đường từ chân núi lên Tam Đảo đang được mở rộng gấp đôi, những đoạn gấp khúc cũng đang được san lấp, rải nhựa. Mùa hè 2019 du khách tới Tam Đảo chắc là đỡ vất vả hơn.
Chúng tôi dừng chân thật lâu ở quảng trường Tam Đảo. Thật may là hôm nay thời tiết biết chiều lòng người. Lúc thì biển mây từ đâu ùa tới làm tất cả như hư ảo, bảng lảng, mọi thứ dường như xen trộn giữa thực và mơ, khi thì cái màn trắng đục vụt biến mất để bầu trời trở nên xanh trong với ánh nắng rực rỡ. Không phải mùa nào, không phải ngày nào, không phải là ai cũng bắt gặp cảnh tượng lạ lùng như vậy. Thế là chỉ trong chút thời gian ngắn ngủi, chúng tôi đã chụp được những kiểu ảnh có lẽ ít khi gặp lại. Đó là lúc đứng bên cây thông già mịt mờ sương khói, cạnh hình trái tim hồng được làm cách điệu, khi thì với nghệ sỹ đường phố người Pháp đang kéo chiếc vĩ cầm cùng cô gái thôn quê (cùng làm chất liệu đồng) với chiếc xe đẩy đặc trưng, như đang thấy mình lạc vào một vùng đất thần tiên huyền ảo, mơ màng về những vị thần xuất hiện ở nơi chỉ có mây, núi, những rặng thông reo trong gió …
Tại Tam Đảo, có thể đi qua gần 1.400 bậc đá để thăm Tháp truyền hình nằm ở độ cao 1.375m trên đỉnh Thiên Nhị, đến ngắm Thác Bạc nằm ẩn mình trong lòng núi rừng và đến thắp hương tại Đền Bà Chúa Thượng Ngàn…
Chợ Tam Đảo ngay bên đường, theo triền dốc thoải, ở đây tuy nhỏ nhưng cũng có đủ các loại hàng hóa, thực phẩm, từ những tấm vải thổ cẩm sặc sỡ, chiếc khăn, cái mũ để du khách quàng cổ đỡ lạnh khi đêm về, đến nơi bán thịt thú rừng (nhưng được nuôi ở nhà) như lợn, nhím, cheo ... Có thể mua hạt dẻ, dưa pepino, mã thầy, su su về làm quà cho gia đình.
Chỉ tiếc là Tam Đảo đang bị đô thị hóa ồ ạt. Nhiều công trình xây dựng mới quá, tân kỳ quá, trăm hoa đua nở, dường như mạnh ai nấy làm. Nhìn những khách sạn, nhà nghỉ san sát nhau, cái cao, cái thấp theo lối mới, nào có khác đô thị miền xuôi. Như thiếu nữ người dân tộc e lệ phải trút bỏ xiêm y của mình để khoác lên người tấm váy áo sặc sỡ đủ loại, ngắn có, dài có với bao màu sắc lòe loẹt và đôi môi được đánh son đỏ chót… Cần phải có quy định rằng dù xây mới nhưng phải xây dựng những công trình theo lối kiến trúc Pháp xưa.
Phát triển Tam Đảo bền vững là phải hiểu rằng, du khách đến với những thị trấn như Tam Đảo, như Sa Pa ngõ hầu muốn được đến và sống vài đôi ngày thong thả với không khí trong lành, muốn níu kéo thời gian chầm chậm, muốn lãng đãng, phiêu du với cái cốt cách ngàn năm...,
Rằng, họ đến đây để chốn chạy cái xô bồ, náo nhiệt, cái tấp nập chen lấn, cái ô nhiễm khói, bụi, của tiếng cói xe, của cái tắc đường ở những đô thị miền xuôi, rằng nếu phát triển như hiện nay sẽ rất ít người trở lại…
Tam Đảo, cuối năm Mậu Tuất
BS Lê Lợi
Hội viên TS Sư đoàn 968
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn