“Bài thơ gửi người lính Trường Sơn” – Tác phẩm dự thi “Hào khí Trường Sơn” của Nguyễn Hiền Lương, hội viên Trường Sơn tỉnh Yên Bái

Ngày đăng: 05:47 21/02/2019 Lượt xem: 661
BÀI DỰ THI "HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN"   
 
Bài thơ gửi người lính Trường Sơn
Truyện ký của  Nguyễn Hiền Lương
    
         Năm 1972, chiến trường miền Nam vô cùng khốc liệt. Song cũng chưa lúc nào tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến” và khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của cả nước lại sôi sục đến thế. Thanh niên nô nức lên đường. Sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học cũng “xếp bút nghiên” cầm súng ra trận. Trong không khí ấy, Doanh và 4 bạn cùng lớp xung phong nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, Doanh được cử đi học lái xe, rồi được điều về Sư đoàn ô tô Trường Sơn 471, chuyển hàng từ Tổng kho Bố Trạch, Quảng Bình xuyên Trường Sơn vào tập kết ở Ngã ba Đông Dương. Từ đây vũ khí, lương thực, thuốc men được chuyển tới mặt trận phía Nam. Con đường Trường Sơn lúc ấy là động mạch chủ nối nhịp đập từ hậu phương tới chiến trường. Các chiến sỹ lái xe Trường Sơn được coi là những “phi công mặt đất” dũng cảm, tài trí.
         Để động viên chiến sỹ ngoài mặt trận, các nhà trường ở miền Bắc phát động phong trào “Viết thư cho các chú bộ đội”. Mỗi ngày hàng ngàn lá thư của học sinh từ hậu phương gửi ra tiền tuyến. Trong đó thư gửi cho các chiến sỹ lái xe Trường Sơn rất nhiều. Thư được phát về từng đại đội. Song đang là mùa khô, xe tranh thủ chạy hết tầm, lái xe ít khi có mặt ở đơn vị nên thư của các cháu học sinh chuyển về không có thời gian đọc. Dịp ấy, Doanh bị một mảnh bom chém vào bắp đùi. Vết thương không quá nặng nên anh xin điều trị ngay tại đơn vị. Thấy vậy, Đại đội trưởng liền giao cho Doanh nhiệm vụ ở nhà vừa dưỡng thương vừa tranh thủ đọc thư các cháu học sinh, rồi chọn đọc cho cả đơn vị nghe, nếu cần thì thay mặt đơn vị viết thư trả lời các cháu. Trong khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt ấy, có bức thư của một cháu học sinh lớp 7 tên là Hương, quê Yên Phong, Bắc Ninh, kín cả 4 trang giấy học sinh, lời lẽ khá chững chạc. Hương tự giới thiệu, tuy học lớp 7, nhưng vì đi học muộn nên cháu lớn nhất lớp, được cử làm lớp trưởng. Cháu còn bảo, dù biết các chú rất bận song nếu có thể thì viết thư trả lời cháu, lá thư của chiến sỹ từ mặt trận gửi về thiêng liêng lắm, ai nhận được cũng vô cùng sung sướng, tự hào. Thấy Hương nói vậy, Doanh liền viết thư trả lời. Thế rồi hai chú cháu bắt đầu thư đi, thư lại. Ngoài thăm hỏi, động viên, Hương còn kể kể rất nhiều về làng Diềm của mình. Hương khoe, làng Diềm có Đền thờ Vua Bà, là công chúa Nhữ Nam, con gái Vua Hùng. Đến tuổi cài trâm, vô cùng xinh đẹp, nết na nhưng bà không lấy chồng mà xin vua cha cho đi chu du thiên hạ. Đến làng Diềm, thấy phong cảnh hữu tình, yên ả, bà ở lại, dạy dân làng trồng dâu nuôi tằm, xe tơ dệt vải. Vào những đêm trăng thanh, gió mát, bà đặt lời dạy cho trai gái làng Diềm hát đối đáp. Khi bà mất, dân làng lập đền thờ, tôn bà là Thủy tổ quan họ. Từ đó làng Diềm có tục mở hội vào mùng 6 tháng giêng, rước kiệu Vua Bà từ đền sang đình, rồi tổ chức hát quan họ sân đình vui lắm. Ở làng Diềm, từ trẻ con, thanh niên nam nữ, đến các cụ bô lão ai cũng say sưa hát quan họ. Hương cũng đã biết hát các bài “Mười nhớ”, “Mời trầu, “Trăng thanh, gió mát”… Còn thư Doanh, lại kể về những chuyến xe xuyên Trường Sơn. Nỗi nhớ bố mẹ, các em, bạn bè, Doanh cũng chia sẻ với Hương như một người bạn. Cứ vậy, những bức Hương gửi Doanh ngày càng dài hơn, lời lẽ cũng người lớn dần lên. Thư Doanh nhận được vào tháng 5/ 1974, Hương tâm sự, học xong lớp 7 sẽ không học cấp III mà xin đi bộ đội. Hương còn đùa, sắp trở thành đồng đội rồi nên xin phép không gọi là chú nữa mà gọi là anh thôi. Vào bộ đội, thể nào Hương cũng xin đi chiến trường và hẹn gặp Doanh ở Trường Sơn. Khi ấy Hương sẽ dành cho Doanh một điều bất ngờ. Trong thư Hương còn viết một bài thơ đặt tên là “Gửi anh chiến sỹ lái xe Trường Sơn”. Đọc xong lá thư, Doanh cảm nhận thấy những đổi thay trong tình cảm của Hương với mình. Điều ấy Doanh giấu kín, chỉ đọc bài thơ cho cả đại đội nghe. Nghe xong anh em vỗ tay rào rào, bắt Doanh đọc chậm từng câu, rồi mỗi người mỗi ý tham góp sửa chữa những câu từ, hình ảnh chưa thật chuẩn với thực tế chiến trường song vẫn giữ cái ý, cái tình của cô gái hậu phương tha thiết, hồn nhiên:

 
Viết thư cho em anh báo tin rằng
Con đường Trường Sơn mùa này đẹp lắm
Em thì nghĩ chắc là anh rất bận
Suốt đêm ngày xe anh cứ băng băng
Con suối mùa mưa nước lũ lên nhanh
Con đường mùa khô bụi mù trọng điểm
Nhưng chẳng nơi nào xe anh không đến
Và tháng ngày kháng chiến lại dài thêm
Viết thư cho em đừng lo em buồn
Xe hỏng trên đường là em giận đấy
Nghe anh bảo đơn vị toàn xe mới
Em đoán thể nào xe anh cũng xanh hơn
Tính tháng, tính ngày yêu anh, yêu thêm
Yêu con đường, yêu chiếc xe anh lái
Anh đừng cười thì em mới nói
Những đêm dài là đêm em nhớ anh
Em biết các anh lái xe Trường Sơn
Địch công kích vẫn không rời tay lái
Nên ở nơi xa có người vẫn đợi
Và cũng thèm tay lái giống như anh
Em thấy đoàn xe anh đi thâu đêm
Xuyên rừng Trường Sơn tiến về thành phố
Nhất định xe anh đi đầu anh nhỉ
Có lá cờ phấp phới hướng tương lai.

 
         Không ngờ bài thơ có sức lan tỏa rất lớn. Cả đại đội ai cũng thuộc, thỉnh thoảng lại ngẫu hứng nghêu ngao đọc. Buổi sinh hoạt đại đội nào cũng có người xin ngâm bài thơ. Thắng Thái Bình, hát chèo rất hay còn chuyển bài thơ sang điệu chèo rồi giả giọng gái hát. Thấy vậy, Chính trị viên đại đội chuyển bài thơ cho Đội Văn nghệ xung kích 27 (tiền thân của Đoàn Văn công Trường Sơn) xem xét để biểu diễn. Bài thơ được nghệ sỹ Hồng Lới thể hiện rất ngọt ngào tình cảm, trở thành một tiết mục “đinh” của đêm diễn. Nó gây nóng đến mức Đài Phát thanh Trường Sơn cũng thu âm giọng ngâm Hồng Lới để phát hàng đêm. Lá thư này, Hương đề ngày 1/ 12 / 1973, khi Doanh nhận được thư đã là tháng 5/ 1974. Có thể Hương đã vào bộ đội. Doanh mong nhận được thư Hương, để biết đơn vị của Hương. Một sự mong đợi khác hẳn với những lần chờ thư trước. Không biết điều bất ngờ mà Hương nói là gì nhỉ? Giữa bom đạn ác liệt của chiến trường, những chuyến xe trắng đêm gối nhau, cái chết luôn rình rập với người chiến sĩ lái xe Trường Sơn, vậy mà một câu nói nửa chừng của cô gái chưa một lần gặp gỡ đã làm cho Doanh chờ đợi, mong ngóng, da diết nhiều đến vậy. Chừng 2 tháng sau Doanh mới nhận được thư Hương báo tin đã nhập ngũ, được cử  đi học lớp báo vụ, khi có hòm thư sẽ viết thư ngay cho Doanh ngay. Trong thư này, Hương gửi kèm tấm ảnh mặc quân phục mới, đầu đội mũ mềm, tóc tết thành 2 dải đuôi sam thả buông trước ngực, mặt sau tấm ảnh ghi dòng chữ: “Thân yêu tặng anh”. Quả là Hương đã lớn và rất xinh đẹp, không còn dáng vẻ của cô học trò lớp 7. Hương cười rất tươi và hồn nhiên, đôi lúm đồng tiền tròn sâu trên má. Doanh ngắm bức ảnh Hương hàng giờ không chán mắt, tim Doanh đập thình thịch. Trở về lán, Doanh quyết định viết một bức thư tỏ tình sẵn, khi có hòm thư của Hương sẽ gửi đi ngay, kẻo lúc đó công việc bận không có thời gian viết. Nhưng rồi 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng trôi qua không có thư Hương. Càng cháy lòng mong thư thì càng vô vọng. Lẽ nào Hương bận đến mức không thời gian viết thư cho Doanh? Điều gì đã xảy ra với Hương? Hay thư Hương không tới được Doanh. Từ Bắc vào Nam thư phải đi vòng vèo, có khi qua cả nước bạn Lào, Căm Pu Chia, vào Nam bộ rồi mới vòng ra miền Trung, nên bị thất lạc là thường tình. Có trường hợp xe chở thư bị trúng bom cháy hết thư. Những lúc rỗi Doanh lại mang những bức thư cũ của Hương ra đọc, rồi viết thư cho Hương. Đã có tới 10 lá thư Doanh viết, cất kín dưới đáy ba lô chờ ngày gửi đi. Nhưng rồi những lá thư ấy đã không bao giờ được gửi đi. Sau 30/4/ 75 Doanh về làng Diềm mới biết Hương đã hy sinh tại Nha Trang trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Biết Hương là lính thông tin của Sư đoàn 10, Doanh đã tìm gặp Thủ trưởng Sư đoàn hỏi về trường hợp hy sinh của Hương. Được biết, đêm Nha Trang được giải phóng nhân dân kéo đến xem bộ đội giải phóng đông lắm. Tiểu đoàn cử một số đồng chí ra gặp gỡ, trò chuyện với dân, trong đó có Hương. Một bà má già cứ ôm chặt Hương, khen con gái miền Bắc đẹp quá. Hỏi thăm, biết Hương là con gái Kinh Bắc, bà vồn vã bảo: Mẹ cũng người Kinh Bắc, vào đây từ 54.  Đã lâu lắm rồi, mẹ không được nghe quan họ. Nhớ quá. Con có thể hát cho mẹ nghe một bài được không? - Thấy ánh mắt của bà nhìn mình da diết, Hương đứng dậy hát bài “Mười nhớ”. Khi tiếng hát của Hương cất lên: “Một em nhớ đôi ta chung tình/ Hai em nhớ yểu điệu/ Ba em nhớ tiếng nói/ Bốn em nhớ tới người Đồng Xuân…”, cả đám người lặng đi. Bỗng có hai tiếng nổ liên tiếp từ phía tòa nhà đối diện bắn sang. Hương gục ngay xuống. Đồng đội vội bế Hương vào trong nhà cấp cứu. Đám đông la hét, tán loạn, một số người chạy sang căn nhà đối diện tìm kẻ bắn lén. Đã tìm được, đó là một tên lính dù bị thương không chạy kịp theo tàn quân, lẩn trốn trong gác xép. Bắn Hương xong nó cũng tự sát luôn. Còn Hương, vết thương quá nặng nên không qua khỏi. Đơn vị an táng Hương ở chân đèo Rù Rì. Bà con nhân dân đến tiễn đưa đông lắm. Ai cũng nghẹn ngào không cầm nổi nước mắt…
         Khi Doanh ra chân đèo Rù Rì nắng chiều đã tắt. Gục xuống ngôi mộ phủ dầy cây muốn biển, Doanh cắn môi đến bật máu. Những bông hoa màu tím biếc bỗng rung lên. Doanh có cảm giác như Hương hiện về trò chuyện. Tới khuya, Doanh mới trở về thành phố để sáng mai Nam tiến. 
 
Dựa theo lời kể đồng chí Vũ Ngọc Doanh (nguyên chiến sỹ lái xe Trường Sơn)
 
Nguyễn Hiền Lương, hội viên Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái
Địa chỉ: SN 259, đường Trần Phú, P. Đồng Tâm , TP.Yên Bái, T.Yên Bái
Điện thoại: 0983085090
Email: hienluongyb@gmail.com

tin tức liên quan