Tình em gửi trọn con đường

Ngày đăng: 08:32 10/10/2015 Lượt xem: 1.794
Chương trình giao lưu nghệ thuật "Tình em gửi trọn con đường" do TƯ. Hội tổ chức sẽ được công diễn tối  mai 11/10/2015 tại Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội...BBTxin giới thiệu bài của tác giả viết về sự ra đời của bài hát "Tình em gửi trọn con đường"

                             "Tình em gửi trọn con đường"

 

Mùa khô năm 1971, Đoàn văn công xung kích của chúng tôi nhận được lệnh đi phục vụ các đơn vị trên tuyến đường Trường Sơn. Tôi không còn nhớ rõ là đơn vị phiên hiệu gì, chỉ biết đó là 2 tiểu đoàn nữ bộ đội và thanh niên xung phong công binh quê ở tỉnh Thái Bình. Họ là những cô gái xinh đẹp tuổi chừng mười tám, đôi mươi, rất hồn nhiên, rất yêu đời, trong sáng và bình dị, các cô tập trung dưới khu rừng già bên một dòng suối nhỏ.

Ngay từ 4 giờ chiều, tôi đã thấy các cô gái ngồi len lỏi bên những gốc cây cười nói ríu ran, lích rích như đàn chim. Họ háo hức đón chờ chương trình biểu diễn của chúng tôi. Ở trong rừng núi trập trùng, heo hút, hiếm hoi lắm mới được xem văn công, văn nghệ. Diễn viên và khán giả như hòa lẫn vào nhau, vui vẻ và đầm ấm tình người. Chả thế mà loáng một cái gần 2 tiếng đồng hồ đã trôi qua rất nhanh. Kết thúc rồi mà các cô gái vẫn cứ háo hức đón đợi. Nhìn những ánh mắt lưu luyến, những ánh mắt đẹp nhất của sự huyền diệu, tôi thấy lòng mình trào dâng một tình yêu thương lạ lùng…

Thế rồi các cô chuẩn bị và hành quân ra tuyến đường để trực tuyến, đón xe và sẵn sàng sửa chữa, san lấp đường khi bom địch đánh phá.

Đoàn văn công chúng tôi nghỉ lại tại đơn vị trong những căn hầm chữ A cách xa tuyến đường.

Đêm Trường Sơn lạ lắm, có những lúc sự im lặng sâu thẳm đến gai người, rồi thỉnh thoảng lại rồ lên tiếng máy gào thét của những chiếc xe tải bị “Ba-ti-nê” đang vượt dốc. Rồi tiếng gầm rú của những máy bay phản lực và AC-130 soi mói tìm dấu vết của những đoàn xe vận tải chở hàng vào các chiến trường… Rồi lại im lặng-sự im lặng mà chỉ có những chiến sĩ mở đường trên Trường Sơn đã đêm ngày sống bám đường mới hiểu điều gì sắp xảy ra.

Bỗng có tiếng động lạ trên bầu trời tối sẫm, tiếng động nặng trình trịch như muốn đè sập cả bầu trời… B52 đã đến, từng loạt bom nổ dây chuyền liên tiếp từ xa đến gần rung chuyển cả núi rừng. Tôi lo lắng, hình dung điều gì đã xảy ra? Và rồi…

Vừa mới đây thôi, hơn 2 tiếng đồng hồ trước những cô gái trẻ măng, hồn nhiên, yêu đời còn vỗ tay, reo hò đề nghị hát lại bài hát “Đường tôi đi dài theo đất nước” mà giờ đây trên 20 cô đã nằm im lặng trong những bao tăng ni lông…

Để có con đường mà ngày đêm xe chở hàng ra tiền tuyến, đã có biết bao con người mãi mãi nằm lại với con đường, trong đó có những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi mà máu các cô đã nhuộm đỏ những cung đường. Kể cả những cô gái may mắn được trở về khi chiến tranh đã kết thúc, thì cũng đã gửi lại Trường Sơn cả một thời thanh xuân đẹp nhất của người con gái…

Đêm đó tôi thổn thức, ngậm ngùi một tình cảm trào dâng miên man nghĩ về những tấm gương anh dũng kiên cường của những nữ chiến sĩ Trường Sơn mảnh mai mà gan góc… Cảm xúc dâng trào. Trong hầm chữ A, tôi đã viết dưới ngọn đèn dầu làm bằng ống bơ thịt hộp.

Sáng hôm sau tôi và đoàn đến đội điều trị thăm những cô gái bị thương đang điều trị tại đó và hát bài hát mới sáng tác cho các cô nghe. Lúc đó tôi vừa hát vừa khóc…

Trong một chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam nhân kỷ niệm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh đã mời tôi với tư cách là một nhạc sĩ của Trường Sơn, người dẫn chương trình có hỏi tôi: “Nhạc sĩ có một bài hát được đặt tên “Tình em gửi trọn con đường”-ông có thể cho biết…”. Tôi không kìm nổi lòng mình đã bật khóc khi cảnh tượng năm xưa ập về với những loạt bom B52 rải thảm trên cung đường mà các cô gái đang làm nhiệm vụ. Sau phút lắng đọng, tôi trả lời: “Không phải tôi đặt tên cho tác phẩm đâu, mà chính các nữ chiến sĩ công binh Trường Sơn đã đặt tên cho tác phẩm. Tình yêu của các cô đã gửi trọn con đường…”.

                                                                                                        ĐÀO HỮU THI

 

tin tức liên quan