"Người từng đoạt kỷ lục 8 lần vượt Cua chữ A trong một đêm" - Bài dự thi HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN của Phạm Sinh

Ngày đăng: 08:17 11/03/2019 Lượt xem: 977
BÀI THAM GIA VIẾT VỀ “HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN”
 
NGƯỜI TỪNG ĐOẠT KỶ LỤC
8 LẦN VƯỢT CUA CHỮ A TRONG MỘT ĐÊM
 
            Khốc liệt Cua chữ A - Đường 20 Quyết thắng:
         Nói đến đường 20 Quyết thắng - Lịch sử đã ghi lại về sự tàn phá khốc liệt của kẻ thù trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Một trong những nơi được coi là trọng điểm khốc liệt nhất của Trường Sơn ngày ấy là con đường này. Với chiều dài toàn tuyến đường là 128 km nhưng có tới 43km xuyên qua núi đá vôi, địa hình hiểm trở, nhiều dốc đứng, đèo cao, suối sâu; 970 đoạn cua gấp khúc và cua vòng, nổi tiếng nhất là "Cua chữ A". Đường 20 là con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Đây là con đường vận chuyển được cả mùa mưa và mùa khô và điều quan trọng hơn là nó được mở để tránh túi nước ở Seng Phan ở Tây Trường Sơn trên đường 128.
         Trên con đường chiến lược 20 Quyết thắng có một “cụm trọng điểm liên hoàn” gồm đèo Phu La Nhich, Cua chữ A, Ngầm Tà Lê với tên gọi tắt A-T-P là túi bom, tọa độ lửa mà Không quân Mỹ tạo ra để ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam trên con đường này. Tại cụm trọng điểm A-T-P bình quân ngày đêm nào cũng có tới gần 30 lượt máy bay Mỹ quần thảo, oanh tạc. Ban đêm cứ máy bay địch hoạt động thì pháo sáng chúng thả sáng đến chói chang như nắng ban ngày. Tổng cộng máy bay địch đã đánh vào đây hơn 10.000 trận bom, trong đó có 2.450 lần dùng B52, bình quân mỗi chiến sỹ ở đây chịu 1.000 quả bom các loại… Khốc liệt trên đường 20 không riêng gì cụm trọng điểm liên hoàn A-T-P mà còn phải kể đến hàng loạt trọng điểm khác như: ngầm Trạ Ang, Cà Roòng, đèo A Ki, dốc Ba Thang, U Bò, K59, K68... đâu đâu cũng chỉ thấy những quả đồi bị bạt thấp hẳn đi, mặt đường bị bom đạn cày đi xới lại… ngổn ngang cây cối cháy rụi, rừng già biến thành đồi trọc, vùng đất đỏ biến thành ao lầy…Cảnh tượng nơi đây hoang tàn như vùng đất chết…
         Trong một lần vào thăm Bộ đội Trường Sơn, thăm tọa độ lửa Đèo Phu La  Nhích, gặp những người lính, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói “Chỉ có những ý chí thép mới có thể trụ lại ở chiến trường khốc liệt này”.
 
         Và người đoạt kỷ lục 8 lần vượt Cua chữ A trong một đêm:
Năm 1963 chàng thanh niên gốc Hà Nội - Lê Hồng Huân tạm biệt nghề lắp máy tại Nhà máy Bia Hà Nội xung phong lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ngày 12 tháng 4 năm 1963 là ngày đầu tiên anh được mang trên mình màu xanh áo lính và được biên chế về Đại đội 4, Trung đoàn Vận tải 245, Tổng cục Hậu cần. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh Lê Hồng Huân được cử đi học lái xe tại Trường 255, Sơn Tây. Kết thúc khóa học với kết quả xuất sắc, Lê Hồng Huân được Trường 255 tuyển dụng ở lại làm Trợ giáo tại trường, nhưng với bản tính năng động và nhiệt huyết muốn được thử sức mình nơi chiến trường nóng bỏng, Lê Hồng Huân đã đề nghị với Nhà trường xin được trở về với đơn vị (Đại đội 4, Trung đoàn Vận tải ô tô 245) Khi ấy Đoàn bộ 245 đứng chân trên địa bàn Tân Ấp, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Vùng hoạt động vận tải của Trung đoàn 245 giai đoạn này là đường 12; đường 128; 129 và đường số 9. Khi Bộ Tư lệnh 559 tổ chức thành lập Binh trạm 32 thì Trung đoàn Vận tải 245 nhập tuyến và được tổ chức thành Tiểu đoàn 52 trực thuộc Binh trạm 32 và cũng tại thời điểm này Đại đội 4 của Lê Hồng Huân là đơn vị chủ lực được phân công hoạt động trên tuyến đường 20 Quyết thắng. Năm 1966-1967 Trung đội 3, Đại đội 4 của Lê Hồng Huân được phân công hoạt động chuyên tuyến từ Km 72 vào K1 ( cuối đường 20) cung đường này đi qua tọa độ lửa - “cụm trọng điểm liên hoàn” A-T-P.
         Lần ấy Đại đội 4 được lệnh vận chuyển một lô hàng qua “cụm trọng điểm liên hoàn A-T-P”  (nhận hàng điểm cận đầu ngoài cụm và giao hàng điểm cận đầu trong cụm) - Cung đường này có cự ly chưa đầy 10 km và nhu cầu vận chuyển hàng là 4 chuyến xe. Chỉ huy đơn vị gọi Tiểu đội trưởng Lê Hồng Huân lên bàn phương án và giao nhiệm vụ vận chuyển. Không trần trừ Lê Hồng Huân đã đưa ra ngay phương án: Nếu sử dụng một lúc đoàn xe 4 chiếc đi trong đêm thì ánh sáng đèn của các xe thành một giải rộng rất dễ cho máy bay địch phát hiện ra mục tiêu để đánh phá, mặt khác để anh em ở lại nghỉ ngơi lấy sức cho những chuyến đi mới… Và cá nhân anh nhận trách nhiệm vận chuyển lô hàng này mà không cần điều động một lúc đoàn xe 4 chiếc vận chuyển… Tin tưởng vào trí sáng tạo, tay nghề cao và bản tính trách nhiệm, nhanh nhẹn, nhiệt tình của Lê Hồng Huân, Chỉ huy đơn vị đồng ý giao nhiệm vụ cho kíp xe Lê Hồng Huân. Và một kết quả ngoài sức tưởng tượng, vừa tránh pháo sáng vừa tránh bom không kích của địch với 4 cung vận chuyển, 8 lượt đi về qua “cụm trọng điểm liên hoàn A-T-P” chỉ trọn trong một đêm Lê Hồng Huân đã hoàn thành xuất xắc nhiệm vụ bảo đảm an toàn phương tiện, hàng hóa và con người. 
8 lượt đi về qua “cụm trọng điểm liên hoàn A-T-P” chỉ trọn trong một đêm đã trở thành một kỷ lục mà Lê Hồng Huân tạo ra. Kỷ lục ấy đã được tuyên truyền rộng rãi trên khắp những cung đường vận tải của Bộ đội Trường Sơn và bằng chiến công cùng với ý trí nghị lực của mình. Ngoài việc được tập thể vinh danh khen thưởng “ Dũng sỹ gang thép của Cua chữ A”, anh còn được đồng đội yêu mến đặt cho anh cái tên đầy ấn tượng “Con Sóc Hà Nội - Con Sóc Trường Sơn”. 
         Xuất phát từ những thành tích, chiến công đạt được cùng với trí sáng tạo, tay nghề cao và bản tính trách nhiệm, nhanh nhẹn, nhiệt tình của mình – Lê Hồng Huân đã được Chỉ huy đơn vị và cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện thí điểm các phương án hoạt động chiến thuật mới và sử dụng trang thiết bị phục vụ vận tải an toàn, hiệu quả:
         * Thí điểm chạy xe cả ban ngày lẫn ban đêm: Mùa khô năm ấy địch tập trung cao độ lực lượng không quân đánh phá ác liệt. Yêu cầu nhiệm vụ vận chuyển trên tuyến đường 20 rất nặng nề bởi nó là một hướng phục vụ cửa khẩu quan trọng vận chuyển hàng chi viện chiến trường… Chỉ huy cấp trên hoạch định một phương án chiến thuật mới, thay vì mọi khi xe chỉ chạy vào ban đêm, nhưng nay do yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hàng vào chiến trường và làm nghi binh cho địch không đoán trước được thời gian phương tiện vận tải hoạt động cố định của ta nên yêu cầu làm cách nào để xe của ta phải chạy được cả ban ngày lẫn ban đêm.
         Trước khi chuyển sang chiến thuật mới này cần có bước thực hiện thí điểm và Tiểu đội xe do Lê Hồng Huân làm Tiểu đội trưởng được Chỉ huy giao nhiệm vụ quan trọng này. Trước khi Tiểu đội thi hành nhiệm vụ, đích danh Chính trị viên Đại đội đã tập trung anh em lại để vừa giao nhiệm vụ vừa động viên tinh thần anh em trước một nhiệm vụ mang tính cảm tử này. Như một lời tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những Chiến sỹ lái xe - Tiểu đội trưởng Lê Hồng Huân thay mặt anh em trong Tiểu đội nói với đồng chí Chính trị viên Đại đội: “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất đất nước. Anh em chúng tôi hứa quyết tâm hoàn thành xuất xắc nhiệm vụ được giao…”.
         Cung đường chạy thí điểm đã được Chỉ huy đơn vị lựa chọn vẫn là cung đường lửa  - “Cụm trọng điểm liên hoàn A-T-P”. Hàng hóa vận chuyển đợt này là mặt hàng gạo - Trên cung đường vận chuyển này bao giờ cũng có sự phối hợp của lực lượng Công binh, Cao xạ yểm trợ và bảo vệ thông tuyến… Nhưng trên mỗi xe ngoài lái và phụ xe, trên thùng xe còn có 2 xạ thủ đi theo một khẩu súng sử dụng loại đạn 14,5mm kèm cơ số đạn nhằm đánh trả máy bay địch ở bất cứ đâu để bảo vệ đoàn xe.
         Và rồi thành quả đã không phụ ý trí quyết tâm đội bom, ẩn pháo sáng địch để hoàn thành nhiệm vụ thí điểm quan trọng này… Sau thành công của chuyến đi cảm tử ấy Lê Hồng Huân cùng 3 đồng đội của anh đã được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và cả 4 đều được kết nạp Đảng sau chuyến đi thử nghiệm này. Và cũng sau thành công của chuyến đi cảm tử ấy – Chiến  thuật vận chuyển mới chính thức được thực hiện - Xe của các đơn vị tham gia vận chuyển trên toàn tuyến chiến trường Trường Sơn đã áp dụng phương thức: Chạy lấn sáng, lấn chiều, lấn tối tùy theo từng địa bàn và thời tiết. Đây là một chiến thuật thực sự mang lại thành công, an toàn và hiệu quả…
         * Thí điểm sử dụng đèn gầm chạy xe ban đêm: Ở chiến trường xe chạy tối có một nhược điểm là ánh sáng đèn xe dễ làm lộ mục tiêu. Trước tình trạng này Bộ Quốc phòng đã có một công trình nghiên cứu và chế tạo thành công hàng loạt đèn gầm “Con rùa” để phục vụ chiến trường. 15.200 chiếc đèn rùa đã được đưa vào chiến trường vào ngày 28 tết Đinh mùi (1967) Khi ấy Bộ Tư lệnh 559 giao nhiệm vụ khảo sát thực hiện lắp đèn đầu tiên cho Tiểu đoàn xe 52 và đích danh chiếc xe GAZ-63 do Hạ sỹ Lê Hồng Huân lái thực hiện chạy thử loại đèn này. Sau 2 tuần thí nghiệm đèn đã được lắp cho hàng loạt xe hành quân trên đường. Máy bay trinh sát, máy bay T-28 của địch rất khó để phát hiện được xe của bộ đội ta chạy ban đêm trên đường.

 

Lê Hồng Huân bên bức tranh sơn dầu “Trọng điểm ATP Đường 20 Quyết thắng”
của Họa sỹ Trường Sơn Đức Dụ.

 
         Ngày ở chiến trường là thế - Lê Hồng Huân từng là “ Dũng sỹ gang thép của Cua chữ A”, từng tham gia thực hiện và góp phần quan trọng vào những phương án mang tính chiến lược của chiến trường và cũng từng được mang cái tên đầy ấn tượng “ Con Sóc Hà Nội - Con Sóc Trường Sơn”…
         Trở về với đời thường, phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, truyền thống Trường Sơn Anh hùng, Lê Hồng Huân vẫn giữ cho mình bản chất sống tốt, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Anh là người sống nặng nghĩa tri ân, ấm tình đồng đội, tích cực làm từ thiện xã hội, nhất là với đồng đội khó khăn…. Lê Hồng Huân đã nhiệt tình tham gia hoạt động với Hội Trường Sơn Việt Nam ngay từ khi Hội Truyền thống Trường Sơn mới chỉ là “Ban Liên lạc toàn quốc”. Hiện tại anh là Ủy viên BCHTW Hội Trường Sơn Việt Nam; Phó trưởng Ban Tuyên truyền - Thi đua của Hội. Hoạt động trong một tổ chức không có phụ cấp nhưng Lê Hồng Huân đầu tư rất nhiều công sức và cả tiền của cho hoạt động Hội. Được phân công chụp ảnh, ghi hình cho mọi hoạt động của Hội, anh đã tự đầu tư tới cả trăm triệu đồng để mua thiết bị chụp ảnh, ghi hình và mua máy tính để biên tập. Hoạt động của Hội các cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện có nhu cầu phục vụ anh tự nguyện tự túc kinh phí đi lại và mọi chi phí để về giúp làm chương trình theo phương thức miễn phí… Lê Hồng Huân được coi là “người chép sử bằng hình ảnh” của Hội. Anh là kho “Bảo tàng” hình ảnh của Hội Trường Sơn Việt Nam. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (1959-2019) Lê Hồng Huân đang gấp rút để cho ra mắt cuốn sách ảnh “Lịch sử xây dựng và phát triển Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam” kỷ niệm 60 năm Bộ đội Trường Sơn anh hùng với tổng mức đầu tư hơn một trăm triệu đồng bằng nguồn tài chính của riêng mình…
         Là tấm gương điển hình của “Trường Sơn thuở ấy, bây giờ” nhưng có lẽ với chúng ta, với cả Lê Hồng Huân thì “Kỷ lục 8 lần vượt Cua chữ A trong một đêm” vẫn là kỷ niệm đẹp trong ký ức một thời và hoàn toàn không quá để chúng ta nói rằng “Đây là một Kỷ lục huyền thoại”. Nó được xây dựng từ lòng quyết tâm, quả cảm và ý trí sáng tạo của người Chiến sỹ Trường Sơn. Và trong cái đội hình trùng điệp của Cán bộ Chiến sỹ đã làm nên một huyền thoại Trường Sơn thuở ấy Chiến sỹ lái xe Trường Sơn Lê Hồng Huân là một trong những tấm gương sáng…

 
Phạm Sinh
Hải Hòa - Hải Hậu - Nam Định
Điện thoại: 0913 290 817 – Email:
phamsinh22031956@gmail.com
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Bài viết được thực hiện theo lời kể của nhân vật (Lê Hồng Huân) và có phần tham khảo tư liệu từ bài viết có tựa đề “ DŨNG SỸ VƯỢT CUA CHỮ A” (Gương sáng Đoàn Vận tải quân sự Quang Trung)  Đăng trên Báo Lao động số 2014, ngày 23 tháng 10 năm 1968.

 

tin tức liên quan