Cẩm Tú - Phan Văn Thắng, Đà Nẵng Cảm nhận về bài thơ "Cánh võng Trường Sơn" của Hồ Văn Chi.

Ngày đăng: 07:46 15/04/2016 Lượt xem: 645

 

LỜI BAN BIÊN TẬP:

 

         Ban biên tập Trang TT Trường Sơn vừa nhận được thư điện tử của Nhà thơ Cẩm Tú - Phan Văn Thắng - Ủy viên BCH Hội thơ Đường luật Việt Nam - Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật TP Đà Nẵng. Với đôi điều cảm nhận về bài thơ “CÁNH VÕNG TRƯỜNG SƠN” của Hội viên Trường Sơn Hồ Văn Chi.

 

         Xin chân thành cảm ơn Nhà thơ Cẩm Tú - Phan Văn Thắng và trân trọng giới thiệu đến các đồng chí và bạn đọc Trang TT Trường Sơn bài viết của Nhà thơ Cẩm Tú - Phan Văn Thắng.

 

         Xin trân trọng !

* * *

 

Cẩm Tú - Phan Văn Thắng, Đà Nẵng

 

Cảm nhận về bài thơ

 

"Cánh võng Trường Sơn" của Hồ Văn Chi.

 

 

         "Cánh võng Trường Sơn" được viết vào đầu tháng 5/2015 (thể thất ngôn bát cú) theo  luật thơ Đường , là một bài thơ hay. Không phải vì cảm tình hoặc khen để động viên tác giả mà bởi vì thực sự đó là bài thơ nhiều cảm xúc, dễ đi vào lòng người đọc.

 

        Đối với tôi, cả đời lính gắn bó với Trường Sơn, chưa thấy bài thơ Đường luật nào viết về Trường Sơn mà hay như vậy. Bài thơ đã đưa tôi ngược dòng thời gian về quá khứ, hồi tưởng lại cuộc trường chinh cách đây đã hơn bốn mươi năm của người chiến sỹ Giải phóng quân xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

 

         "Một chiếc ba lô.../một túi lương khô/ một tấm võng dù..." với đôi dép cao su, chiếc gậy Trường Sơn... lên đường ra trận.

 

        Ở đây, bài thơ "Cánh võng Trường Sơn" rất khái quát, nhẹ nhàng mà sao sâu sắc, lắng đọng đến tận tâm hồn tôi như vậy.

 

 

                   Cánh võng Trường Sơn

 

 

             Tựa chiếc thuyền con, nhuốm gió sương

 

             Đung đưa gợi nhớ cảnh quê hương

 

             Nâng niu giấc ngủ qua đêm lạnh

 

             Gìn dưỡng đôi chân vượt dặm trường

 

             Một mảnh trăng liềm, tràn cảm xúc

 

             Hai đầu đất nước, nặng tình thương

 

             Rời xa cuộc chiến nhiều năm tháng

 

             Nghĩ đến ngày xưa lại vấn vương

 

                               11/5/2015. Hồ Văn Chi.

 

 

 

 

        Đọc xong bài thơ, hồi tưởng lại với bao nhiêu kỷ niệm lại hiện lên trong tâm trí một thời lính trận, làm tôi rưng rưng, đôi mắt cay xè và bản thảo bị nhòe đi trong từng giọt nước mắt; sự gợi nhớ buồn vui lại có dịp dâng trào:

 

             "Ta đi trong gió/ Ta đi trong mưa...

 

             Là một bài ca, viết thêm trang sử mới."

 

        Nhớ đến lần tôi nhận được thư nhà và tôi đã bật khóc vì nhớ nhà, nhớ cảnh quê hương khi đang ngồi trên chiếc võng đung đưa...

 

       Hai câu mở đầu:

 

             "Tựa chiếc thuyền con, nhuốm gió sương

 

              Đung đưa gợi nhớ cảnh quê hương"

 

        Tác giả đã rất tinh tế khi nhìn nhận cánh võng "tựa chiếc thuyền con". Sao không viết: chiếc võng, cái võng, cái nôi, chiếc thuyền nan, chiếc tàu lá...! Viết như thế, bình thường quá, cụ thể quá! Với bút pháp tài hoa của mình, tác giả đã nhân cách hoá, phát hiện ra "Tựa chiếc thuyền con, nhuốm gió sương". Cánh võng tựa con thuyền của chiến sỹ ta vượt thác bạc đưa hàng ra phía trước mặt trận của một thời Trường Sơn huyền thoại. "Nhuốm gió sương", ở đây là tưởng tượng; lời thơ đâu có nói đến cả nước lên đường, binh đoàn ra trận, điệp điệp, trùng trùng, con thuyền lướt trên dòng sông chảy xiết gập ghềnh sóng gió, kể cả vượt qua bom đạn trong năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước...mà chỉ gói gọn trong ba từ "nhuốm gió sương", thật không dễ gì nói được! Thế mà đã hơn bốn mươi năm sau chiến tranh, nhà thơ Hồ Văn Chi đã nói hộ, gọn ghẽ tưởng chừng không tin nổi. "Nhuốm gió sương" là vậy! Tác giả đã mượn cái võng và Trường Sơn có thực để nâng lên, để nói lên cái vĩ đại của cả một dân tộc, cả một thế hệ trai tráng lên đường đánh giặc bằng câu thơ gắn gọn, êm đềm, ẩn dụ, độc đáo "Tựa chiếc thuyền con". Tôi lại liên tưởng con thuyền ở đây không phải là con thuyền bình thường, mà "con thuyền" đưa ta vào vũ trụ, đưa ta đến các hành tinh sao Hoả, sao Mộc...của giải Ngân Hà. Nhuốm, ở đây mới hay làm sao! Đến chân trời mới "độc lập, tự do, hạnh phúc"   tất phải nhuốm gió sương. Chính những người chiến sĩ lái con thuyền đó chứ không phải là ai khác."Đung đưa gợi nhớ cảnh quê hương". Hai từ "đung đưa" mới thi vị làm sao! Chiếc lá đung đưa trước gió, chiếc thuyền đung đưa trên sóng nước, hay cái võng đung đưa! Ai hiểu thế nào thì hiểu. Thế mới quả thật là xuất chúng! Tâm hồn "đung đưa", suy tư bao nhiêu trong cuộc chiến, nhưng cái cuối cùng là quê hương! Quê hương ở đây là đất nước, là Tổ quốc cần được giải phóng. Trong đó có ông bà, cha mẹ, anh em ta và người yêu đang chờ đợi!

 

        Rồi bốn câu tiếp:

 

               "Nâng niu giấc ngủ qua đêm lạnh

 

               Gìn dưỡng đôi chân vượt dặm trường

 

                Một mảnh trăng liềm, tràn cảm xúc

 

                Hai đầu đất nước, nặng tình thương"

 

        Hai cặp đối thực và luận tràn đầy chất thơ và thật mượt mà, làm người ta quên đi đây là thơ mà hai cặp đối của thơ Đường luật phải được viết chỉn chu, nhưng tác giả

đã viết sâu sắc như vậy, nhuần nhuyễn như vậy, và chiếc võng đã được tác giả nhân cách hoá, thổi hồn vào đó để nâng niu giấc ngủ người chiến sĩ, như trăng lưỡi liềm giữa Trường Sơn bao la soi tỏ để người chiến sĩ bước đi trong đêm tối. Nhìn trăng lưỡi liềm cũng giống như cánh võng, quyện vào thơ.

 

        Cánh võng được mắc lên bởi hai đầu, tác giả lại đưa vào thơ: "Hai đầu đất nước, nặng tình thương", thể hiện sự liên tưởng của tác giả đến đất nước Việt Nam. Hai đầu ở đây là Hà Nội - Sài Gòn của Tổ quốc ta hình cong chữa S. Giải đất miền Trung như cánh cung, như trăng lưỡi liềm, "cong như cánh võng". Tác giả đã nói lên tình cảm của hậu phương lớn miền Bắc XHCN và miền Nam  do Mỹ, Nguỵ tạm chiếm. Tình cảm đó ví như hai đầu cánh võng, tình thương của hậu phương lớn đối với miền Nam ruột thịt. Ai đã từng trải ở Trường Sơn như lớp người trong thời kỳ chống Mỹ mới thấm thía:

 

                "Rời xa cuộc chiến nhiều năm tháng

 

                 Nghĩ đến ngày xưa lại vấn vương"

 

           Thật vậy, hồi tưởng lại sau 41 năm kể cả một số  người trong cuộc cũng đã dần dà quên đi quá khứ hào hùng. Trong thời bình, bộn bề bao chuyện mưu sinh, một số

người làm thơ thường chuyên tâm viết về cái mới trong cuộc sống thường ngày và đi du lịch.

 

          Giờ đây, ta đi tham quan trên con đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh thảm nhựa, ngồi trong xe mát lạnh từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh chỉ mất vài ngày. Thế mà thế hệ chúng tôi, những người lính Trường Sơn phải đi hết nửa cuộc đời mới đến được Sài Gòn bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để có được ngày 30 tháng Tư năm 1975 toàn thắng.

 

                  "Rời xa cuộc chiến nhiều năm tháng".

 

          Cả một thế hệ, với lý tưởng "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Bài thơ "Cánh võng Trường Sơn" để lại một dấu ấn cho người đọc chỉ bằng 56 từ của một bài thơ Đường luật thật mượt mà sâu sắc. Bằng nghệ thuật tài hoa, tác giả đã diễn đạt đến ngưỡng đỉnh cao, làm người khó tính cũng phải thán phục. Những ai chê thơ Đường luật "là cổ", là khắt khe, luật bằng trắc, đối ngẫu, ghép vần, ghép chữ khô khan...Nếu đã đọc bài thơ này thì sẽ có đánh giá khác hoàn toàn, bị cuốn hút với bài thơ từ đầu đến cuối bởi sự nhuần nhuyễn trong câu từ như vốn có trong người tuôn chảy ra thành thơ, không bị gò bó trong khuôn mẫu ràng buộc.

 

          Bài thơ luật Đường "Cánh võng Trường Sơn" của nhà thơ Hồ Văn Chi đã góp bút bằng trí tuệ, bằng sự đam mê của mình, cống hiến cho đời một bài thơ thật xuất thần! Người đọc trong thời gian tới đang chờ đợi sự thăng hoa tiếp theo sau "Cánh võng Trường Sơn" của anh.

 

Ngày 12/4/2016.

 

Phan Văn Thắng - Cẩm Tú

(Ủy viên BCH Hội thơ Đường luật Việt Nam

Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật tp Đà Nẵng)

K526/17 Trưng Nữ Vương, Hải Châu, Đà Nẵng.

Điện thoại: 0983 526 117

 

tin tức liên quan