Vượt Phu La Nhích nối thông liên lạc - Trần Hữu Đạo

Ngày đăng: 04:10 31/05/2019 Lượt xem: 2.007
  VƯỢT PHU LA NHÍCH NỐI THÔNG LIÊN LẠC

                                                                         TRẦN HỮU ĐẠO
                                                       Phường Đồng Nguyên – TX Từ Sơn - Bắc Ninh
                                                                                           

Ngày 01/11/1968, Tổng thống Mỹ Giôn Sơn tuyên bố chấm dứt mọi hành động chiến tranh với Miền Bắc và chấp nhận hội đàm 4 bên tại Pari bàn về chiến tranh Việt nam. Hòng gỡ thế bị động chiến lược ở miền Nam Việt Nam. Sau 3 ngày tuyên bố ngừng chiến, chúng mở chiến dịch cường kích ồ ạt bằng các loại máy bay, kể cả B52 ngăn chặn tuyến đường huyết mạch Trường Sơn, chi viện sức người, sức của cho cách mạng Miền Nam, trong đó chúng tập trung đánh vào 2  “điểm huyệt” xung yếu nhất ở trên 2 tuyến đường cửa ngõ vào chiến trường, đó là Xiêng Phan (trên đường 128) và ATP ( trên đường 20). ATP là cụm liên hoàn 3 trọng điểm: Cua chữ A, ngầm Tà lê và đèo Phu La Nhích, có địa hình hiểm trở và vị trí xung yếu trên đường 20A.
- Cua chữ A là đoạn đường đi theo men sườn đồi ở khu vực km 78, do địch đánh phá nhiều lần, nên khi sửa chữa, công binh không cho đi theo đường cũ, mà cắt thẳng xuống, tạo thành hình chữ A..
- Tà Lê là tên con sông, bắt nguồn từ Việt Nam chảy sang Lào, cắt đường 20 ở km 82. Điểm vượt sông có ngầm. Từ năm 1967 trở về trước còn có cầu cáp nhưng đã bị địch đánh hỏng.
- Phu La Nhích là một quả đồi đất có lẫn đá mồ côi, nằm ở phía Tây bến vượt Tà Lê. Đoạn đường 20 qua đây đi men theo sườn đồi một đoạn dài 4 km.
Gần 1 tháng cụm ATP liên tục mỗi ngày hứng chịu trên dưới 30 lần/chiếc máy bay B52 và khoảng 50 lần/chiếc máy bay cường kích các loại trút xuống hàng vạn quả bom, biến toàn bộ khu vực này thành bãi “sa mạc” đất đá. Đèo Phu La Nhích bị bóc hết cây cối. Hàng ngàn mét đường bị khoét sâu vào ta luy. Giao thông bị ách tắc dài ngày, hàng trăm xe nối đuôi nhau, chờ đường thông nhập tuyến. Việc khắc phục trọng điểm ATP trở thành nhiệm vụ cấp thiết quan trọng bậc nhất ở hướng Đường 20 lúc này.
Ngày 15/11/1968, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên xuống BT32 cùng chỉ huy binh trạm, đến trọng điểm ATP trinh sát thực địa tìm giải pháp khắc phục.
Theo nhận định của Tư lệnh, ách tắc do nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân quan trọng là chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp, vì chưa có mạng thông tin chỉ huy trực tiếp, và hợp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng.
Khi về Sở chỉ huy, Tư lệnh yêu cầu Thông tin của Đoàn, cử người và phương tiện xuống phối hợp với BT32 tổ chức mạng thông tin chắc chắn đến các đơn vị tham gia mở đường, bảo đảm giao thông và tác chiến phòng không trên toàn trọng điểm.
Tôi được Phòng thông tin cử phụ trách, cùng đi có thiếu úy Nguyễn Đức Nam và 4 chiến sỹ báo thoại của đại đội thông tin Sở chỉ huy, với các phương tiện khí tài cần thiết đầy ắp một xe gát 69.
Đến Sở chỉ huy tiền phương binh trạm 32 đặt trong rừng sát trọng điểm PhuLa Nhích, chúng tôi bàn phối hợp triển khai ngay với thông tin đơn vị. Sau 2-3 ngày đã nối thông liên lạc bằng HTĐ và VTĐ đến tất cả các đầu mối tiểu đoàn, đại đội, công binh, pháo binh và 2 chốt điểm: Cua chữ A và đèo Phu La Nhích.
Còn ngầm Tà Lê nơi khó khăn nhất, ở giữa do Đại đội 1 công binh đảm bảo. Đại đội trưởng Nguyễn Vũ chỉ huy, cùng anh em trú quân trong hang sâu núi đá, cách ngầm 50m, chỉ có thể liên lạc bằng VTĐ 2W (71 si lích). Việc đặt ra: Làm thế nào đem máy đến Đại đội 1?
Sau khi nghiên cứu quy luật đánh phá của địch 2-3 ngày liền, và trinh sát qua ống nhòm khu vực sạt lở ở đèo Phu La Nhích. Chúng tôi bàn thống nhất, có thể đem máy vượt đèo vào giờ trưa khi địch ít đánh phá. 6 anh em trong bộ phận ai cũng sẵn sàng đi, để bảo đảm chắc ăn, tôi quyết định: Đi trước có tôi và 2 chiến sỹ báo thoại, số còn  lại chuẩn bị sẵn sàng thay thế nếu người trước gặp sự cố. Ba người đi đều mặc quần áo dài, mũ tai bèo, trát đất bụi đỏ làm ngụy trang, có gậy chống, nước mỗi người một bi đông, bám sát nhau để co kéo khi cần. Cam kết chết cùng chết, không được bỏ nhau giữa đường.
Hơn 12 giờ trưa ngày 22/11/1968, chúng tôi xuất phát, dự kiến trót lọt mất hơn 1 giờ. Chúng tôi lần lượt vượt qua chân đèo rồi bám bò qua các mô đất, những tảng đá cuội sạt lở bên cạnh lụy lởm chởm cao vút.
Đến giữa đèo, xuất hiện một chiếc VO10 lượn lờ trinh sát. Chúng tôi nằm áp sát mặt đất để nó không phát hiện và bay đi qua rồi đi tiếp. Hết đoạn chỗ sạt lở nhiều, gặp một tổ chốt thanh niên xung phong trú trong hầm chữ A. Thấy chúng tôi họ hét lên “Thông tin đi nhanh lên., địch sắp đánh đấy!”.
Một anh chắc khát nước lắm hỏi tôi: “Còn nước cho một hụm ?”- Tôi đưa bi đông ra, hai anh thay nhau uống ừng ực hết cả.
Vượt qua thêm một đoạn vách núi đá cao, chúng tôi nhìn thấy ngầm Ta Lê, hai bên bờ hố bom chi chít sâu hoắm, và trước là hang đá trú quân của Đại đội 1.
Thấy động có người trước cửa hang, đồng chí Vũ chạy ra, biết là thông tin đến, đồng chí ôm chầm lấy tôi và nói rất to.
- Các ông đi bằng cách nào mà đến được đây?
- Tôi cười và nói: Vượt Phu La Nhích.
- Anh Vũ tiếp : Liều quá, không sợ bị xóa sổ à?
- Chiến sĩ đi cùng tôi đáp lời: - Không đến được với anh còn nhiều người phải ngã.
Ngay sau đó thông tin mở máy bắt liên lạc được về Sở chỉ huy Tiền phương. Đầu máy bên kia như đã trực sẵn. Đồng chí Phan Hữu Đại - Chính ủy Binh trạm đàm thoại ngay với đại đội trưởng Vũ. Thấy hai người nói nghe trôi chảy chúng tôi như quên hết mệt nhọc và niềm tin đường sẽ nhanh thông.
Do có thông tin liên lạc thông suốt, Sở chỉ huy Tiền phương binh trạm nắm bắt được kịp thời các hoạt động trên tuyến nên việc chỉ huy và chỉ đạo giải tỏa trọng điểm tiến triển rất hiệu quả. Điều mong đợi đã đến. Ngày 02/12/1968, sau hơn một tháng ách tắc, cụm ATP đã được giải tỏa hoàn toàn.
Hàng trăm xe nối đuôi nhau nườm nượp vượt khẩu, tạo chân hàng cho tuyến trước, làm cho khắp tuyến phấn khởi bừng bừng khí thế quyết tâm hoàn thành kế hoạch vận chuyển vào các mặt trận, tiếp sức cho chiến trường đánh to thắng lớn.
                                    
                                                           

tin tức liên quan