Vị tướng an ninh - Truyện ký của Phạm tiến Đặng

Ngày đăng: 05:23 01/06/2019 Lượt xem: 831
  VỊ TƯỚNG AN NINH
 
         Truyện ký của Phạm Tiến Đặng
 

      Trong tôi sẵn có ý định về Cà Mau, miền đất cuối cùng trên bản đồ Tổ Quốc. Về đây để gặp, tìm hiểu về những con người, những địa danh đã từng gắn liền với Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, ghi hình và viết bài trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập bộ đội TS cấp nhà nước (19/05/1959 - 19/05/2019).
       Tình cờ tôi được anh Nguyễn An Ninh - người cựu lính Quân khu 9, nguyên cán bộ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Anh rủ tôi đi theo đoàn làm từ thiện về quê hương Đất Mũi. Đoàn các anh về tài trợ xây cầu để giúp các cháu học sinh hàng ngày cắp sách tới trường; giúp bà con vùng sâu, vùng xa không còn phải bơi qua kênh rạch, hay đi trên những cây cầu khỉ, và tặng một số xe lăn cho người khuyết tật nhằm giúp họ và gia đình vơi bớt phần nào những khó khăn trong cuộc sống.
      Chiếc xe 7 chỗ khởi hành từ TP Hồ Chí Minh vào lúc 14 giờ, đưa anh em chúng tôi thẳng tiến theo QL1 về Miền Tây quê hương Đất Mũi. Ngồi bên tôi là người đàn ông dung dị, gương mặt hiền lành, đức độ. Anh chừng 70 tuổi. Tôi nghĩ ông là nhà giáo. Suốt chặng đường dài từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ ông rất ít nói. Với kinh nghiệm đã từng đi đây đó, tôi hiểu - ông chính là mẫu đàn ông Miền Tây mộc mạc, chân thành, nói ít, làm nhiều. Nhân lúc anh em dừng xe vào quán ven đường uống nước. Tôi hỏi anh Nguyễn An Ninh về người ngồi bên cạnh, được anh cho biết: Đó là Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Cục trưởng cục An ninh miền Tây Nam Bộ. Anh hiện làm Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Cà Mau, Bạc Liêu tại TP.HCM. Sẵn cái máu hay viết bài, viết báo, lên xe tôi liền chộp ngay cơ hội gợi chuyện với ông, để được trực tiếp nghe từ chính vị tướng an ninh kể về những tháng năm chiến tranh vệ Quốc và công tác bảo vệ an ninh, phòng chống tội phạm sau ngày giải phóng mà ông cùng đồng đội đã từng trải.
     Quả như tôi nghĩ - nói những chuyện đời, chuyện vu vơ ngoài xã hội hiếm khi ông góp lời. Nhưng chuyện nằm gai, nếm mật, những gian lao, hy sinh và ác liệt trong khu rừng đước bạt ngàn với kênh rạch chằng chịt để phục kích, đón lõng chờ địch, mặc cho muỗi rừng nhảy điệu "Oantamera" khắp trên cơ thể, thì ông nhớ như in. Ông sôi nổi hẳn lên như đang sống lại thời trai trẻ. Kể cho tôi nghe từng chi tiết cuộc chiến và các vụ việc mang nhiều kỷ niệm khó phai xảy ra cách đây đã gần nửa thế kỷ.
          ...Tôi làm giao liên năm 1962 khi 12 tuổi. Năm 1965, chuyển qua TNXP và tham gia công tác Đoàn. Thời đó tôi cùng anh em đi bốc dỡ hàng từ những con tầu không số, chở bằng những chiếc xuồng ba lá luồn lách theo kênh rạch, chuyển vào các kho được dấu kín dưới rừng đước bạt ngàn. Sau Mậu thân 1968, trên rút về làm Chánh Văn phòng Uỷ ban xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Rồi sau đó chuyển qua an ninh xã. Một thời gian tôi được trên điều về canh giữ trại tù binh của huyện. Anh em trong đơn vị chỉ tương đương quân số một tiểu đội, nhưng phải quản lý hơn 400 sỹ quan và binh lính ngụy, trong đó có tên ác ôn khét tiếng - Nguyễn Văn Lắm (trùng tên nhưng khác họ với tôi). Nhiệm vụ của tôi là trực tiếp hỏi cung, làm sao cho hắn phải khai ra tất cả. Sau này khi ngồi nghĩ lại có lẽ tôi và hắn gặp nhau là duyên do ông trời sắp đặt ! Tên Lắm đã từng sát hại nhiều bà con và cán bộ cách mạng. Điều đặc biệt ở tên này là hắn không biết chữ. Hắn ra tay ác độc với đồng bào, đồng chí của mình là bởi hắn thường nghe đài và cán bộ chiến tranh tâm lý địch tuyên truyền, nhồi sọ nói xấu về cách mạng "nào là đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ, mổ bụng moi gan con trẻ...". nên mỗi khi hắn ra tay với đồng bào, đồng chí của mình bao giờ hắn cũng cắt lại một cái tai rồi sâu thành chuỗi đeo ngay trước ngực để khoe chiến tích. Tôi được phân công hỏi cung hắn. Ban đầu hắn rất lỳ lợm nhất quyết không chịu nói nửa lời, bởi hắn biết tội của mình dù có nói cũng chết mà không nói cũng chết. (Cấp trên đã gửi báo cáo lên lãnh đạo khu ủy, chỉ chờ quyết định gửi xuống là đưa hắn ra dựa cột ). Qua mấy ngày hỏi cung, hắn thấy tôi đối với hắn vẫn nhẹ nhàng, kiên trì, không đánh đập và nạt nộ. Lại còn ngồi giải thích cho hắn nghe vì sao có Đảng, vì sao đồng bào Miền Nam phải vùng lên đấu tranh và làm cách mạng chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ...Đêm thứ ba hắn bị sốt, có lẽ vì muỗi rừng cắn. Thuốc lúc đó bộ đội ta còn không đủ để điều trị, thì lấy đâu ra thuốc mà cấp cho tên tù binh ác ôn đáng chết. Thấy hắn sốt cao, tôi lẳng lặng vô rừng tìm lá cây về sắc lên cho hắn uống. Nấu cháo cho hắn ăn. Tôi thương và đối xử với hắn là thực tâm của tình người. Bởi nghĩ - do không được học lại bị nhồi sọ nên hắn đã hành động tàn ác, nhưng dù sao hắn cũng là đồng loại. Sau vài ngày được tôi chăm sóc hắn đỡ hẳn. Sau đó hắn tự tìm tôi và khai ra hết mọi việc.
          Bữa đó, đơn vị tôi được trên điều đi chi viện chiến đấu gần hết. Chỉ còn lại năm người ở lại canh giữ 400 tù binh. Hàng ngày chúng tôi vẫn tổ chức chia ra làm ba tổ, dẫn chúng đi lao động bình thường. Chẳng hiểu sao chúng biết được đơn vị đã đi chi viện gần hết. Thế là lũ đầu sỏ bàn âm mưu cướp trại. Chúng đã bí mật sát hại đồng chí Nguyễn Văn Tèo và cướp được khẩu AK, chúng giao khẩu AK cho tên Nguyễn Văn Lắm đứng cách tôi bảy, tám bước chân trực tiếp nhằm vào tôi xiết cò. Trong giây phút sinh tử đó, tính người trong Nguyễn Văn Lắm trỗi dậy. Hắn đã đặt tay vào cò súng không những không siết cò, còn hô lớn: “Cán bộ Lắm chạy đi, tụi nó cướp trại rồi!”. Bằng phản xạ tự nhiên, nhanh như cắt tôi nhảy tới giằng luôn được khẩu súng từ trong tay tên Lắm. Tôi chĩa thẳng lên trời bóp cò Phằng.Phằng.Phằng.Và hô lớn: Ai bỏ trốn tôi sẽ bắn. Tình huống chuyển biến quá bất ngờ làm cho bọn đầu sỏ cướp trại đứng im như trời trồng. Nghe súng nổ. Đồng chí Trần Văn Nở đang dẫn tổ thứ hai đi lao động, biết có biến liền hết sức cảnh giác nên bọn chúng không thể ra tay được. Bên này tôi bảo Lắm lấy dây trói mấy tên cầm đầu lại, rồi chĩa súng vào những tên chưa kịp đào thoát vào rừng. Bảo chúng lấy dây tự trói lẫn nhau cột vào thành chuỗi, tôi ra lệnh cho chúng cùng rút nhanh về trại. Sau đó tôi tức tốc liên lạc với dân quân, du kích địa phương cùng khép vòng vây truy bắt hết những tên vừa đào thoát. Lần đó chỉ có một tên xổng trại thoát thân. Sau vụ việc đào thoát bất thành đó, tôi nghe tụi tù binh nói lại: Thằng Lắm ác ôn bảo: “Thượng cấp bảo hắn bắn ai nó cũng bắn hết, nhưng với cán bộ Hồ Việt Lắm thì hắn không thể”.
          Mùa khô năm 1972, ông về phụ trách hình sự công an huyện. Đến năm 1979 ông được bổ nhiệm làm Phó Công an huyện, đồng thời là Huyện ủy viên. Người đời thường nói "thời thế tạo anh hùng" hay bởi cái "duyên" của ông suốt cuộc đời làm cách mạng phải gắn với nghề an ninh ? Với suy nghĩ riêng tôi thì người cán bộ an ninh Hồ Việt Lắm có lẽ cả hai điều trên đều ứng. Năm 1979 - 1980 ông được trên cho đi học lớp bổ túc sỹ quan, do Bộ Nội vụ tổ chức. Được cho về nghỉ phép, vì nhớ đơn vị và anh em đồng đội, ông chỉ ở nhà có 3 ngày rồi chèo xuồng lên thăm anh em, đơn vị. Cũng là lúc ông được cấp trên có trách nhiệm thông báo cho biết chuyên án AB27 không thành. Năm 1981, chuyên án mang mật danh CM12 được cấp trên chính thức khởi động, nhằm đấu tranh với bọn phản động lưu vong do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Ông được ban lãnh đạo chuyên án tin tưởng, giao nhiệm vụ thâm nhập sâu vào hàng ngũ địch. Với nhiệm vụ làm người báo cáo tình hình ban đầu và làm giao liên dẫn đường cho bọn phản động lưu vong mỗi lần chúng đưa người, trang thiết bị, vũ khí thâm nhập vào lãnh thổ ta. Ta đã khéo léo dùng biện pháp nghiệp vụ cùng mưu trí sáng tạo, bắt được tên phụ trách điện đài. Đồng chí khác hỏi cung, hắn nhất định không chịu khai nửa lời. Hồ Việt Lắm lại được giao nhiệm vụ. Không hiểu ông thuyết phục và làm công tác địch vận thế nào mà chỉ vài ngày sau tên phụ trách điện đài tự xin giấy mực và ghi ra tất cả. Ngày 22/05/1981 ta thông qua tên điện báo viên đã được cảm hóa, lên sóng liên lạc với trung tâm chỉ huy của địch ở nước ngoài. Nhờ có những tài liệu vô cùng quý giá đó mà cấp trên đã vạch ra kế hoạch cụ thể chi tiết, ta hoàn toàn chủ động bắt chúng phải thụ động cuộc chơi theo các phương án sắp xếp sẵn của ta. Dụ chúng vào từng tốp, từng đợt. Bắt sống và tiêu diệt, thu toàn bộ vũ khí, khí tài cùng các trang thiết bị quân sự cho đến ngày kết thúc chuyên án vào năm 1989. (chuyên án này tôi nhớ trước đây đã được báo công an đăng chi tiết nhiều kỳ).
Tôi hỏi ông không sợ nguy hiểm sao khi một mình cùng với tên biệt kích mới được ta cảm hóa cùng thâm nhập vào hàng ngũ địch và làm cách nào mà dụ địch đi vào đúng trận địa phục kích do ta chuẩn bị ?
      Ông cười hiền trả lời:
     -Anh nói đúng - Quả là rất nguy hiểm. Vì chỉ cần một sơ xuất nhỏ để chúng nghi ngờ là bị khử ngay. Nhưng điều kiện và hoàn cảnh lúc đó người làm cán bộ an ninh như tôi và rất nhiều đồng chí khác chẳng ai ngại hy sinh, gian khổ sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chỉ với một mục đích và niềm tin sắt đá quyết chiến đấu để giải phóng Miền Nam, giành độc lập, giữ gìn sự bình an cho dân tộc.
      Tôi hỏi ông:
      -Như ông kể về cái lần dụ địch vào điểm ta phục kích, tất nhiên ông phải đi cùng với chúng. Đạn thì đâu có mắt. Vậy khi ta nổ súng ông làm sao thoát được ?
     -À ! Lần đó là tôi và một số người của tụi nó bị bắt trước đây đã được ta cảm hóa, thuyết phục. Ngoài tên điện báo viên, còn có Sáu Tư. Nên khi tầu chở tụi biệt kích tới gần bờ, lấy lý do để đảm bảo bí mật, tụi tôi bắt chúng phải xuống nước bơi vào. Quần áo và một số trang bị ngấm nước nên nặng, làm chúng mệt nên không thể đi nhanh được. Nhân lúc chúng nghỉ giải lao, tôi nói với tên toán trưởng là mình phải về gấp vì đã tới thời gian quy định đón tiếp, nếu trễ cấp trên sẽ sinh nghi lại bố trí lực lượng phòng thủ. Không khéo quân ta đánh quân mình thì chết. Tên đoàn trưởng nghe tôi nói có lý hắn gật đầu đồng ý. Vậy là tôi băng ngay vào rừng đước mất dạng. Chuyên án CM12 thành công trọn vẹn phải khẳng định rằng: Ngoài kinh nghiệm dày dạn, sự chỉ đạo mưu trí, sáng tạo của cấp trên cùng tinh thần kiên quyết, khôn khéo của những cán bộ, chiến sỹ an ninh. Một phần không nhỏ để góp nên sự thành công là quần chúng nhân dân đã tự giác tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nên bất cứ một dấu hiệu, một tàu lạ xuất hiện gần bờ biển là nhân dân báo ngay cho cơ quan chức năng biết. Tôi nhớ có lần ta cử một số cán bộ, chiến sỹ về vận động bà con giúp đỡ để đặt cơ sở, kho tàng trong nhà giả làm cơ sở của địch, để bọn chỉ huy từ nước ngoài về kiểm tra tin tưởng. Không biết mấy ông cán bộ, chiến sỹ ta về làm công tác dân vận thế nào mà bà con nhất quyết không chịu. Họ bảo: Mấy chú cứ về gọi chỉ huy và Mười Lắm (Hồ Việt Lắm) xuống đây nói chuyện, thì muốn gì tụi tôi cũng giúp. Chúng tôi xuống gặp, bà con bảo: “Gia đình chúng tao ba đời theo cách mạng, tụi bay muốn làm gì tao cũng chịu, đừng có làm tụi tao mang tiếng ủng hộ, chứa chấp những thằng bậy bạ”. Thế rồi bà con giúp chúng tôi đào hầm, dựng kho, ngụy trang chuẩn bị đón địch về kiểm tra cơ sở và cũng chính chúng ta đã làm tốt công tác địch vận, nên đã cảm hóa, thuyết phục được những tên biệt kích sừng sỏ, từng gây nhiều tội ác quay lại cùng đi chung con đường phụng sự dân tộc. Tự nguyện, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giúp ta phá án. Tôi nhớ mãi tên Sáu Tư - toán trưởng biệt kích. Khi lãnh đạo ta phân công đi với đồng chí khác cho bớt phần nguy hiểm, hắn nhất quyết không chịu. Chỉ xin đi cùng tôi dù biết chắc đi cùng Mười Lắm thì chín phần chết, chỉ còn một phần sống. Chúng tôi đi với nhau ăn ý đến mức chỉ cần một ánh nhìn, một cái gãi đầu, một cái lắc đèn pin soi đường trong đêm là đã hiểu ý nhau phải làm gì và xử trí thế nào… 
Sau chuyên án CM12 ông được trên điều động lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng công an huyện, Phó Giám đốc công an tỉnh rồi Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau. Năm 2004, ông được điều về Bộ làm Cục trưởng Cục an ninh Miền Tây Nam Bộ, cho đến năm 2011 thì nghỉ hưu. Với những cống hiến và thành tích của ông, năm 2017 ông được Đảng và Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
        Tôi quay qua hỏi ông về gia cảnh ?
          Nét mặt ông đang trầm tư, dãn ra. Ông bảo:
       -Mình nghỉ hưu lương tháng xài còn dư chút đỉnh dành lại làm lộ phí để cùng anh em trong Hội Đồng hương Cà Mau, Bạc Liêu đi vận động quyên góp các công ty, mạnh thường quân trong và ngoài nước chung tay ủng hộ. Cùng anh em đi làm từ thiện, giúp bà con vùng sâu, vùng xa. Những mảnh đất, tình người đã từng giúp đỡ, chở che cho mình và anh em đồng đội trong những năm dài chiến tranh máu, lửa…
      Qua anh Nguyễn An Ninh tôi được biết: Vị tướng an ninh Hồ Việt Lắm có bốn người con - ba trai, một gái. Cháu đầu - Hồ Việt Triều nối nghiệp cha, hiện làm Giám đốc Công an thành phố Cà Mau. Cháu thứ hai - Hồ Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc nhà máy điện khí cụm Cà Mau. Cháu thứ ba - Hồ Minh Kiệt, Giám đốc Cty cung ứng vật tư Viempiti tại TP Hồ Chí Minh. Cháu gái út Hồ Việt Lam đang công tác tại Ngân hàng Ngoại thương Cà Mau. Cả bốn người con của ông đều tốt nghiệp đại học, trong đó có ba người có bằng Thạc sỹ.
      Anh Nguyễn An Ninh "khoe" với tôi giọng đầy tự hào - Hội Đồng hương Cà Mau, Bạc Liêu chúng tôi gần hai năm nay anh Lắm được anh em tín nhiệm bầu làm lãnh đạo đã cùng với các anh: Cường, Phó Chủ tịch Hội và các anh Thông, Huy... trong BCH lăn lộn đi khắp nơi vận động, đến nay chúng tôi đã xây và bàn giao được 48 cây cầu cho các địa phương đưa vào sử dụng, hơn một ngàn xe lăn tặng cho người khuyết tật, ba ngàn xe đạp cùng hàng ngàn tập vở tiếp bước cho các cháu đến trường và một số căn nhà tình nghĩa…
          Chúng tôi mải nói chuyện, quãng đường dài từ TP. Hồ Chí Minh về Cà Mau trên ba trăm cây số xe chạy qua vòng xoay trung tâm TP. Cà Mau lúc nào không biết. Chỉ tới khi tài xế nhắc: “Chuẩn bị tới sông Cà Mau là đến khách sạn Cà Mau rồi đó!” (nơi đoàn nghỉ lại đêm nay), mọi người chúng tôi mới tạm dừng câu chuyện. Anh Nguyễn An Ninh dặn tôi:
      -Anh về thăm, làm việc lấy tư liệu để viết về Đường Hồ Chí Minh trên biển, nếu cần viết về cuộc chiến đấu gian khổ, hào hùng của đồng bào, chiến sỹ Quân khu 9 tôi sẽ kể anh nghe. Bởi tôi cũng là người đã một thời trong cuộc. Có gì cứ nói tụi tôi sẵn sàng trợ giúp nhé, Tiến Đặng !
Tôi cảm ơn anh - người cựu sỹ quan Quân khu 9.
Cà Mâu về khuya, không ồn ào, xô bồ như một số thành phố khác. Những con đường sáng đèn đã ít người qua lại, tĩnh lặng, yên bình như cái chất vốn có của người dân Đất Mũi.
          Xe qua cầu Cà Mau, từng cơn gió mát rượi mang hương biển tràn vào trong xe làm bồng bềnh mái tóc muối tiêu của những cựu lính già đã từng một thời vào sinh, ra tử. Tôi nhìn đồng hồ đã 23 giờ 20 phút.

         Kỳ sau: Những người lính của đoàn tàu không số.
 


Hội Đồng hương Cà Mau, Bạc Liêu của Hồ Việt Lắm trao xe lăn cho người tàn tật ở Cà Mau.



Những chiếc xe lăn - quà tặng của Hội.



Các đại biểu dự Lễ trao quà.



Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Càu Mau dự Lễ trao quà từ thiện.



Và phát biểu cám ơn.



Anh hùng Hồ Viết Lắm và Nguyễn An Ninh tại Lễ trao quà từ thiện.


tin tức liên quan