Trung tá xuất ngũ, truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức

Ngày đăng: 06:48 26/07/2019 Lượt xem: 1.446
                                         TRUNG TÁ XUẤT NGŨ
                                                               Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức
            Trung tá Đỗ Trọng,Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 46 cầm tờ Quyết định xuất ngũ trong tay mà vẫn không tin đó là sự thật. Nghe nói mình trong diện quy hoạch cán bộ cao cấp, sao mình phải ra quân đợt này.Tại sao Trung tá, Trung đoàn Trưởng mà cũng phải xuất ngũ về địa phương và vì sao v.v…
Ở thời điểm hiện nay thì ai cũng trả lời dễ dàng được các câu hỏi ấy. Nhưng cách đây khoảng gần 30 năm thì khó lắm chứ, nhất là một Trung tá trẻ tuổi như Trọng, con cưng của Sư đoàn trưởng sư đoàn.
Cầm Quyết định trong tay, Trọng không dám về quê ngoài Bắc mà về Bình Dương lập nghiệp. Mà làm gì mới được chứ, khi trong túi chỉ vỏn vẹn hơn mười triệu đồng? Lạ nước, lạ cái, không khó, rồi sẽ quen. Đau đầu, nhức óc nhất là không có nghề ngỗng, rồi vốn, nơi ăn chốn ở của gia đình bốn miệng ăn…giải quyết như thế nào?
Trước hết phải tính chuyện gia đình cho êm thấm. Trong vòng một tháng, Trọng đã đưa vợ và hai con vô ở tạm trong nhà một người thân. Trọng nói với vợ:
- Tôi mà là lính về quê làm ăn là chuyện hết sức bình thường. Nhưng là Trung tá, chỉ huy cả ngàn quân mà về làm ruộng thì ê mặt lắm. Người ta cười cho “thối mũi”, hay là thằng “ chã” bị kỷ luật, chứ làm gì có chuyện “kỳ cục” như vậy!
Thấy vợ không hỡi, không rằng, Trọng nhỏ nhẹ:
- Em nghe anh, về bán hết nhà cửa ruộng vườn ở quê vô đây làm ăn cho dễ, không ai “tiếng to, tiếng nhỏ” gì cho đỡ tủi thân!
            Khoảng mươi hôm, Hòa, vợ Trọng “ nhảy” xe đò vào. Hòa cầm xắp tiền, nước mắt nhòe mi, ra vẻ dận dỗi:
- Đây, tất cả bán được 40 triệu, mua “chòi” mà ở!
Trọng cầm tiền một cách miễn cưỡng, rồi “ thối” lại một xấp nhỏ cho vợ:
- Từ mai chịu khó ra chợ đầu mối Thủ Đức lấy rau về bán kiếm tiền ăn hàng ngày. Còn nhà hay chòi để tôi lo…
Sáng sớm mai trời còn nhá nhem, Trọng đã chở một xe Ba gác đầy các loại rau quả về chợ “ chồm hổm” ở ngã ba. Hai vợ chồng và con gái lớn đang chăm chú bán rau cho khách, thì Tổ Trật tự khu phố bất ngờ đến tịch thu hết cả xe lẫn rau. Hòa vợ Trọng khóc lóc, van xin khản giọng mà họ không cho. Trọng đỡ vợ dậy, nói với con gái:
- Thôi dìu mẹ về đi con, để Bố tính cho!
Trọng quân phục khá chỉnh tề lên Ủy ban phường trình bày hoàn cảnh của gia đình mình, mong có sự thông cảm. Nhưng xin xe rau quả không được lại còn bị mấy ổng rầy la :
- Gia đình cựu quân nhân mà không gương mẫu! Không phạt tiền là tốt rồi, về đi kiếm việc khác mà làm!
Đêm hôm ấy, vợ chồng Trọng không thể nào nhắm được mắt. Sợ hai đứa con thức giấc, Hòa rỉ tai Trọng:
- Mình quay về quê thôi, dù sao ở nhà cũng có anh em họ hàng, bà con lối xóm. “ Buôn có bạn, bán có phường”, ở đây một thân một mình sao nỗi!
- Không về được nữa chứ! Nhà cửa, ruộng vườn bán cho người ta, giờ mà về thì “ muối mặt” lắm!
- Để mai tôi lên Biên Hòa nhờ nhà ông bạn xem sao?
                                                                                ***
            Hỏi thăm đường mãi, gần chín giờ sáng Trọng mới đến được nhà Hoàng. Trọng nói hết mọi chuyện với bạn cùng đơn vị ngày trước. Hoàng hết sức bất ngờ những chuyện vừa xẩy ra với bạn:
- Em hiện là Cửa hàng Trưởng của Công ty. Ngày mai chị đi bán hàng, anh Trọng trước mắt giúp việc cho em, khoảng một tuần sẽ giải quyết cụ thể. Còn hai cháu em sẽ tạo điều kiện để tiếp tục đi học!
- Nhưng chổ ở đâu?
- Chuyện nhỏ như “ con thỏ”. Anh chị cứ theo em!
Đi được một quảng, Hoàng chỉ về phía trước:
- Căn nhà nhỏ ấy trước kia vợ chồng em ở. Bọn em về nhà mới gần hai năm nay rồi. Bây giờ mời anh chị về ở cho nó vui!
- Cảm ơn chú rất nhiều!
Căn nhà ở gần ngã tư khá rộng, đã lâu không có người ở nên mốc meo, mạng nhện giăng kín che hết lối đi, đầy cỏ rác. Cả nhà Trọng mất gần trọn ngày mới dọn dẹp xong.
Trước khi dọn về ở, Trọng vốn tính cẩn thận nên hỏi Hoàng:
- Căn nhà vợ chồng chú không ở nữa thì bán cho anh chị. Tính anh chú biết đấy “ cưa đứt, đục suốt ” sòng phẳng để được lâu dài!
- Anh nói thế cũng phải, người ta trả em trên 100 triệu, em không bán. Nhưng với anh, chỗ ân tình, em…
Hoàng chưa nói hết câu, Trọng đã lên tiếng:
- Anh trả em 100 triệu chẵn, nhưng hiện chỉ đủ một nữa, số còn lại sau này anh chị kiếm được sẽ trả em, được không?
Vợ Hoàng từ đằng xa nghe hai anh em cười nói vui vẻ liền xen vào:
- Em đồng ý luôn!
                                                                          ***
            Khi ở chiến trường K, Hoàng là Trung đội Trưởng, Trọng là cán bộ Tiểu đoàn. Cả hai chơi thân với nhau vì đồng hương đã đành, cái chính ở chỗ Trọng là ân nhân đã cứu sống Hoàng dạo còn là chiến sỹ.
Hôm ấy, Hoàng rủ bạn vào rừng hái nấm về cải thiện bữa ăn. Vừa đến cửa rừng thì bị bọn Pôn Pốt phục kích nã súng xối xả vào nhóm 3 người của Hoàng. Lũ giặc khá đông, hung hăng hò hét chạy đón đường hòng bắt sống bọn Hoàng. May là lúc ấy, cách đó không xa, Trọng đang chỉ huy một Tiểu đội trinh sát đang nghiên cứu trận địa thì nghe tiếng súng nổ chói chang. Biết là có chuyện không bình thường ở gần khu vực đóng quân,Trọng ra lệnh cho Tiểu đội triễn khai ngay đội hình chiến đấu:
- Tổ một, bên phải nghi binh lừa địch, tiết kiệm đạn!
- Rõ!
- Tổ hai, phục kích!
- Rõ!
- Tổ ba, theo tôi!
- Rõ!
Chỉ trong vòng vài phút đồng hồ, Trọng và Tiểu đội trinh sát đã lừa bọn giặc vài chục tên lọt vào vòng vây cài sẵn của tiểu đội trinh sát. Đó là một bãi mìn đủ các loại, chính bọn giặc đã cài cách đây không lâu  hòng ngăn chặn bước chân thần tốc của quân ta khi tiến về phía Tây sào huyệt của bọn Pôn Pốt. Một loạt tiếng nổ chát chúa vang lên…
- Bọn chúng đã bị bãi mìn thiêu rụi !
Lúc ấy Tiểu đội trinh sát mới đồng loạt nhả đạn. Bọn giặc bị tiêu diệt gần hết, chỉ còn một số bị thương đang nằm la ó như bò “ chẹt cống” bên những hố mìn chi chít. Đúng là “ gậy ông đập lưng ông”. Sau lần lập công cứu đồng đội ấy, Trọng được đề bạt làm Tiểu đoàn Trưởng…
Nhung đôi mắt đen lay láy, ngồi chăm chú nghe chồng kể chuyện chiến trường, giờ mới thốt lên:
- Chuyện quan trọng vậy mà bây giờ mới kể với em?
- Nếu không có anh Trọng thì làm gì anh còn sống mà về với em và làm gì chúng mình có hạnh phúc như có ngày hôm nay!
- Anh nói phải rồi! Từ bây giờ mình phải coi anh Trọng như anh Hai của mình!
- Anh ruột chứ!
Nước mắt ứ tròn lăn dài trên gò má Nhung, Hoàng đưa tay lau nước mắt trên má vợ:
- Anh bàn với em thế này, nếu anh Hai đưa tiền nhà, em đừng cầm vội, để anh chị có đồng vốn làm ăn!
- Dạ phải!
                                                             ***
            Khoảng nữa tháng sau, Trọng mua được một lô đất ở trục đường vào khu Công nghiệp Sóng Thần ở Bình Dương. Mặt tiền lô đất gần chín mét, dài hơn hai mươi mét với gía gần 100 triệu đồng. Tiền giao trước một nữa, một nữa còn lại có sổ đỏ sẽ thanh toán sòng phẵng.
Khi nghe tin Trung đoàn Trưởng xuất ngũ và đang lập nghiệp ở Bình Dương. Nhiều cán bộ, chiến sỹ cũ tìm đến thăm và động viên gia đình. Vợ chồng Trọng rất cảm động và hứa sẽ cố găng vượt qua để phát huy truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ.
Chính khu đất “ cửa ngõ” khu Công nghiệp Sóng Thần đã trao cơ hội làm giầu cho gia đình Trọng. Chỉ trong vòng năm năm mở cửa hàng bán tạp hóa ở đây mà Trọng đã mua thêm được một khu đất ở thị xã Dĩ An rộng gần ba trăm mét vuông và vay tiền ngân hàng xây 25 phòng trọ cho công nhân trong khu công nghiệp thuê.
Nhiều người trong khu phố “ nhỏ, to”:
- Chắc dạo ở chiến trường ông “ lượm” được nhiều vàng lắm?
- Vàng của người ta dùng “ xui” lắm, không gặp “hên” như vậy đâu?
- Nhà “ổng bả” bán hàng nhiều cái hay, khẩu hiệu hành động là: rẻ hơn, nhanh hơn, thuận lợi và “biết điều” hơn!
- Cửa hàng tạp hóa của gia đình ổng nề nếp, quy cũ lắm. Nhân viên nhanh lẹ đã đành còn lễ phép, thật thà!
- Bữa rồi nghe nói cái cô gái trẻ bán quầy gạo nhặt được cả vài chục triệu đồng trả lại cho khách. Nhận lại tiền đánh rơi, khách “bo” cả triệu, cô ta không nhận còn cám ơn lia lịa mới hay chớ!
 Mấy ông bà bán hàng quán ở khu phố lại có nhận xét khác:
- Họ chịu khó lắm, bọn tôi không theo kịp!
- Mở cửa sớm, đóng cửa muộn, còn khách là con phục vụ! Cái đó nói dễ, nhưng thực hiện được là cả một vấn đề!
- Kiên trì lắm!
            Khoảng mười năm nay, khi trả hết nợ nần, thu nhập của gia đình ổn định, ông Trọng dành tâm huyết, thời gian làm công tác từ thiện và được bà con nhân dân bỏ phiếu bầu làm Trưởng khu phố hơn tám ngàn nhân khẩu. Ông kể lại chuyện ngày đầu làm ăn, bán rau quả trên xe ba gác ở chợ ngã ba bị tịch thu hết. Mọi người cười ông:
- Bây giờ ông “ bênh vực” người bán hàng rong phải không?
- Bắt người ta là “ hạ sách”!Tạo việc làm cho người nghèo khó mới là việc tốt!
Nói là làm. Ông đã giúp hàng chục gia đình nghèo khó bằng cách: Cho vay không lấy lãi, ứng hàng đi bán, thuê nhà không cần đưa tiền trước và cứ đến ngày rằm âm lịch hàng tháng, nhà ông nấu 200 xuất cháo trực tiếp vào bệnh viện Thị xã phát cho người bệnh khó khăn, neo đơn… Rồi mấy năm nay, ông được Nhà nước cho hưởng lương theo chế độ người có công, mỗi tháng mấy triệu đồng. Nhưng ông tự nguyện dành toàn bộ số tiền đó đóng góp vào Quỹ Hội Cựu Chiến Binh phường để giúp hội viên trong Hội đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Nhiều người hỏi:
- Trước kia ông là Trung tá, Trung đoàn Trưởng sao không được về hưu?
Ông Trọng cười. Bạn ông, Hoàng Người Biên Hòa ngồi bên cạnh trả lời:
- Anh Hai tôi lúc ấy chưa đủ tuổi quân và tuổi đời thôi mà!
- Thế bây giờ khá giả, đủ tuổi rồi, ông chịu về hưu chưa?
Ông Trọng bây giờ mới lên tiếng:
- Hưu là sao, còn sức còn phải làm ăn chớ!
Trong đám đông ngồi uống cà phê trong quán có người nói:
- Ông bà ta nói khá hay: “ Có thân thì khổ, có khổ mới nên thân!”
Mọi người cười vang, bắt tay nhau ra về tiếp tục công việc ngày mới thật là rôm rả!
 
                                    Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16-7-2019
                                                      
                                                  Trịnh Huỳnh Đức
            ( Cựu chiến binh Sư đoàn 316 – Hội viên CCB thành phố Hồ Chí Minh )

             ĐT: 0969406504 ; Email: ductrinhhuynh1950@gmail.com
             Địa chỉ liên hệ: Số 115 Nguyễn Du, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An,
Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương


tin tức liên quan