"Chuyện của Lý" - Truyện ngắn của Bùi Văn Hoằng, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn, Cộng tác viên Trang TT&BT Trường Sơn tại Thanh Hóa

Ngày đăng: 07:05 31/07/2019 Lượt xem: 550
Chuyện của Lý
Truyện ngắn

 
      Đêm đã về khuya, ánh trăng thượng tuần chênh chếch sau khóm tre cuối thôn. không gian yên lặng, thỉnh thoảng tiếng xe ôtô chạy ngoài quốc lộ vọng lại nghe rì rầm.Trong căn nhà nhỏ ở cuối thôn Lý vẫn không sao chợp mắt được, Lý với cái điện thoại mở đọc tin nhắn mà cậu con trai mới gửi về ban tối “Mẹ ơi ! vậy là ước mơ của mẹ đã trở thành sự thật rồi, sáng nay con vừa bảo vệ luận án với số điểm khá, con cám ơn mẹ đã tạo điều kiện cho con trong những năm tháng qua. Con chúc mẹ mạnh khoẻ hẹn gặp lại mẹ sau !” . trong lòng Lý trào lên niềm vui, nước mắt ứa ra, vậy là biết bao vất vả lo toan trong những năm qua đến nay đã được đền đáp, đứa con yêu của Lý đã trưởng thành thật rồi, vậy là nó đã trở thành Kỹ sư Cầu đường mà trước đây mình mơ ước, nghĩ tới đây một thời  tuổi trẻ lại ùa về .       
       Ngày ấy sau khi học hết cấp 3 nay là Phổ thông Trung học, đất nước có chiến tranh, Thanh niên nô nức lên đường ra trận, Lý cũng viết đơn tình nguyện gia nhập đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, ngày Lý lên đường tập trung thì cũng là ngày có giấy báo Lý đã trúng tuyển vào Đại học sư phạm. Tuy nhiên Lý đã quyết định lên đường ra trận cùng bạn bè, những ngày tháng ở Trường Sơn đơn vị Lý đã chốt giữ ở nhiều cung đường mà ở đó có những trọng điểm  máy bay Mỹ bắn phá suốt ngày đêm, dù khó khăn ác liệt cái sống, cái chết cận kề nhưng Tiểu đội của Lý luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị giao cho. Trong một đêm cả Tiểu đội đang san lấp hố bom để giải phóng cho đoàn xe chở hàng ra trận, thì một tốp hai chiếc máy bay F4 của Mỹ lao đến bắn phá, ném bom xối xả xuống đoàn xe, cả Tiểu đội đã lao vào dập lửa và cứu hàng hoá, chẳng may Lý bị thương. Khi tỉnh dậy thì đã thấy mình đang nằm ở Trạm Quân y tiền phương, vì vết thương quá nặng nên sau khi cấp cứu tạm thời Lý được chuyển về phía sau. Từ đó Lý phải xa đồng đội, xa những cung đường mà ở đó có biết bao kỷ niệm vui buồn, ở nơi đó đã để lại trong Lý nhiều bài học bổ ích, những bữa cơm với rau rừng, những đêm trên tuyến rồi những ngày đi tải thuơng, chuyển hàng đã mãi mãi lùi xa. ở Trại điều dưỡng Lý khóc rất nhiều, phần vì nhớ đồng đội, phần vì phải xa những cung đường…

(Ảnh minh họa)
      Ngày tháng qua đi sức khoẻ Lý cũng đã ổn định, khi trở về gia đình Lý có ý định tìm lại giấy báo trúng tuyển truớc khi lên đường, thế nhưng vì thôn Lý bị máy bay Mỹ ném bom và nhà Lý bị trúng bom nên hy vọng trở lại trường của Lý chấm hết, lúc này Lý đã không nản và xin thi vào trường kế toán tài chính của tỉnh. Sau khi tốt nghiệp Lý chạy khắp nơi nhung chẳng nơi nào nhận, nơi thì: cô chịu khó chờ thêm thời gian nữa , nếu có chỉ tiêu chúng tôi sẽ báo sau ! nơi thì: cô đến hơi chậm mất rồi …! đại loại như thế, suốt mấy tháng chờ đợi chạy đôn chạy đáo nhiều lúc Lý thấy chán nản, giữa lúc ấy Lý gặp Thắng một đồng đội ở Trường Sơn và Thắng cũng là  Thương binh đang công tác tại một bộ phận của sở Kế hoạch tỉnh, rồi sau đó ít lâu, Thắng đã xin cho Lý vào làm kế toán ở một Công ty xây dựng. Thời gian thấm thoát trôi đi tình cảm của Thắng và Lý đã đưa họ gắn kết với nhau, rồi họ nên vợ, nên chồng. Trong cuộc sống hiện tại họ gặp không ít khó khăn, dù khó khăn thiếu thốn nhưng họ sống rất hạnh phúc, thời gian thấm thoát trôi đi rồi tiếng trẻ thơ cũng đã bi bô trong căn phòng nhỏ nhoi của Thắng Lý. Giữa lúc cuộc sống yên bình đã và đang sưởi ấm gia đình nho nhỏ ấy thì một tai hoạ ập đến, cháu Phương cô con gái yêu quí đã gặp căn bệnh hiểm nghèo và cháu đã ra đi vĩnh viễn. Nỗi đau xé nát tâm can Lý, mọi hy vọng như đổ vỡ hoàn toàn, Lý không ăn, không uống đến mấy tuần, nhưng nhờ sự động viên an ủi của mọi người trong cơ quan cũng như sự chăm sóc tận tình của Thắng, Lý đã dần dần hồi phục và trở lại với cuộc sống thường nhật và rồi công việc cơ quan cũng như mọi lo toan của cuộc sống phần nào nguôi ngoai nỗi đau trong lòng Lý. Giữa lúc đó thì nền kinh tế thị trường ra đời, cơ chế quản lý thay đổi, nhiều Cơ quan Xí nghiệp gặp không ít khó khăn, thậm chí có Xí nghiệp đã phải giải thể hoặc sát nhập với các Xí nghiệp khác, tróng đó có Xí nghiệp xây dựng của Lý cũng bị giải thể, đa phần anh chị em trong Xí nghiệp về một lần theo chế độ 176. Riêng đối với Lý thì tính cả thời gian công tác và thời gian qui đổi thì Lý được nghỉ với chế độ mất sức, như vậy trong cái rủi lại có cái may, tuy nhiên với thực tế của cuộc sống thì không đơn giản chút nào, trở về với cuộc sống đời thường Lý xoay đủ cách, làm đủ việc,  thậm chí có thời gian Lý phải đi làm thuê cho một gia đình ở nông trường, công việc  hàng ngày làm cỏ vun xới chăm sóc mía , dứa…Lý không nề hà việc gì hễ ai có việc gì là Lý làm ngay miễn sao mỗi ngày kiếm thêm ít tiền chi tiêu cho gia đình. Nhiều lúc thấy vợ vất vả Thắng có ý can ngăn nhưng Lý không chịu: 
- Anh bảo em không làm việc chẳng nhẽ em chỉ ngồi nhà chơi sao, mà em thì không thể như vậy đuợc, với lại đi làm cũng là niềm vui chứ anh ! Anh nghĩ mà xem nếu em không cố gắng làm thêm mà chỉ trông chờ vào luơng của anh và số tiền phụ cấp thương tật của vợ chồng mình, thì sau này khi sinh con thì lúc ấy xoay sở thế nào!  với lại mỗi khi trái gió trở trời vết thương của anh và em lại hành hạ nên cần phải thuốc thang nữa chứ! Nghe vợ giãi bầy Thắng cũng đành chiều vợ. Tuy vậy nhiều lúc ngồi suy nghĩ thì Lý thấy cuộc đời sao trớ trêu vậy, mấy đứa bạn cùng học hồi cấp ba, sức học thì thua kém hơn Lý nhiều, vậy mà sau mấy năm Lý đi xa về chúng nó nghiễm nhiên là công chức Nhà nước lại làm ở ngay Ủy ban huyện, suy cho cùng chúng nó là con cháu mấy ông Phó Bí thư, và Chủ tịch huyện, đời sao mà bất công thế nhỉ ! xét cho cùng dù vất vả, khó khăn nhưng Lý vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều đồng đội khác, cùng đơn vị với Lý cái Hoa, cái Thuý rồi cái Loan sau khi giải phóng miền Nam trở về đem theo trên mình bệnh tật, cái sắc xuân đã để lại Trường Sơn, sống một mình thui thủi như cái bóng. Cứ mỗi lần nghĩ tới đồng đội nước mắt Lý lại trào ra, mấy năm nay thỉnh thoảng gặp lại trông chúng nó già đi nhiều so với tuổi.
       Thời gian thấm thoát trôi đi cuộc sống của vợ chồng Lý đã có phần nào khá hơn và niềm vui đến với họ, đó là cậu con trai của họ ra đời, càng lớn cậu bé càng giống bố như đúc. Vợ chồng Lý đặt tên cho cháu là Lê Trường Sơn. Khi cháu Lê Trường Sơn lên năm tuổi thì điều không may lại đổ ập xuống gia đình Lý, người chồng thân yêu của Lý đã ra đi vĩnh viễn bởi một căn bệnh quái ác mà di chứng chiến tranh để lại. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, quả như người ta thường nói: “ Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí”. Sự ra đi vĩnh viễn của Thắng đã để lại cho Lý sự mất mát quá lớn, sự đau đớn tột cùng đè lên vai người phụ nữ. Thời gian qua đi Lý cố gượng dậy để sống và nuôi con, điều làm cho Lý nguôi bớt đi sự đau đớn ấy là chính cậu con trai càng lớn cháu càng ngoan và học giỏi. Năm học nào cháu cũng đạt học sinh tiến tiến, vì vậy Lý cố gắng tạo điều kiện để Trường Sơn học thật tốt. Trường Sơn thương mẹ vất vả nên đã giành nhiều thời gian để phụ giúp mẹ trong mọi công việc gia đình. Khi tốt nghiệp phổ thông Trung học, Trường Sơn đã thi vào trường Đại học Giao thông và học khoa Cầu đường, những năm học ở Đại học năm nào Trường Sơn cũng đạt học sinh tiên tiến.  
       Thấy con học tiến bộ cho nên dù khó khăn vất vả kiếm tiền cho con ăn học nhưng Lý vẫn thấy vui, bở lẽ những mơ ước của Lý đã đưuợc Trường Sơn  phấn đấu thực hiện. Nhiều đêm nằm nghĩ mặc dù trong cuộc đời Lý đã gặp nhiều vất vả song cũng may Trường Sơn lại ngoan, nếu nó không thuơng mẹ mà chơi bời theo bạn bè như nhiều đứa trong thôn thì có lẽ mình không thể sống nổi. Giờ đây điều mong muốn của Lý là Trường Sơn tìm đuợc nơi công tác ổn định rồi lấy cô vợ,, sinh cho Lý đứa cháu là mãn nguyện rồi. Nghĩ vậy Lý cười một mình, hồi năm ngoái vào dịp nghỉ hè Trường Sơn về nghỉ và đi về quê ngoại thăm các bác với Lý, trên đường đi Trường Sơn gặp mấy cô bạn cùng học ở Phổ thông Trung học, trong số đó có cô bé tên Hoài trông cũng xinh, Hoài đang học Cao đẳng y lại cùng ở thôn bên, tối hôm đó về nhà, Lý  đã bảo với con: cái Hoài nó cũng khéo đấy chứ, lại là người cùng xã hay con…mới nói vậy Trường Sơn hiểu ý mẹ liền cười, Mẹ thì cứ hay…người ta cười cho đấy, chúng con chỉ là bạn bè chứ có gì đâu, con bao giờ học xong, công việc ổn định mới tính, mẹ cứ yên tâm. Mà chuyện này đừng nói với ai đấy nhé, mẹ sợ con trai mẹ ế vợ hay sao ! Là mẹ nói vậy chứ có bảo con phải thế đâu!  
-   Mẹ ơi, sang năm con học xong đi làm nhỡ ra con lấy vợ ở thành phố thì mẹ có đồng ý không ? 
- Con lấy ở đâu thì việc đấy còn phải tính sau, nhưng đời mẹ sống ở quê quen rồi, với lại hoàn cảnh gia đình mình thế này, ngưuời thành phố người ta không ưng đâu ! 
 -Con đùa mẹ thôi, chứ con chưa nghĩ tới chuyện ấy đâu! mà có khi con ở vậy nuôi mẹ đấy !
 
(Ảnh minh họa)
      Trong sâu thẳm trái tim Lý luôn giành tất cả tình thương cho con, cho những đồng đội và cho những người thân yêu của Lý. Giờ đây dù chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương vẫn còn đó trong mỗi con người, mỗi đồng đội đã một thời cùng nhau xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ. Lúc này đây Lý cũng như bao đồng đội của Lý phải biết sống như thế nào đây để xứng đáng với những đồng đội mãi mãi không về./
 
Bùi Văn Hoằng
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn
Cộng tác viên Trang TT&BT Trường Sơn tại Thanh Hóa

tin tức liên quan