Đứa con chung - Trịnh Huỳnh Đức

Ngày đăng: 10:14 21/08/2019 Lượt xem: 651
                         ĐỨA CON CHUNG
                                      Truyện ngắn của Trịnh Huỳnh Đức.
 
- Cô ơi, cho con về Thuận An!
- Chỗ nào cháu ?
- Con về ngã sáu An Phú!
Đưa nón bảo hiểm và dặn dò khách ngồi cẩn thận, Ngọc nổ máy. Đợi xe khởi động thật êm mới vào ga cho chiếc Honda từ từ lăn bánh. Khi gần tới địa điểm cho khách xuống cô hỏi lại:
-Xuống đây phải không cháu?
Khách gật đầu, xuống xe và trả tiền. Ngọc cười tươi:
- Cảm ơn! Của cháu còn dư năm ngàn đây. Nhớ lần sau điện trước cho Sáu khoảng mười phút nghe cháu!
- Dạ!
 Thời buổi xe “ôm công nghệ” này mà có người mau miệng, tử tế như vậy ở thành phố không nhiều. Vì thế mà Sáu Ngọc ngoài tuổi năm mươi, nhà tận ngách 25, ngõ 38 trong khu phố xóm ga hàng ngày vẫn đắt khách. Khách “hợp đồng” trả tiền tháng của Sáu cả hơn chục “mối”. Nào chị Bảy bán cá ngoài ngã ba, bác Tư bán xôi sáng chợ gà, Bà Hoan nước mía cổng Viện quân y... Hết xe tháng, đón khách đi tàu, khách quen gọi điện và khách ngã sáu xuống xe Buýt số 8…Hàng ngày, khoảng 21 giờ cô Sáu mới về đến nhà. Có hôm xe máy trục trặc phải năn nỉ thợ sữa để sớm mai còn chở hàng cho khách hợp đồng. Khuya về tới nhà, Sáu còn phải lo cho chồng. Chú Sáu là thương binh. Hai năm nay bị thoát vị đĩa đệm nặng, đi lại khó khăn, đau nhức suốt ngày, điều trị nhiều nơi mà không khỏi. Đã vậy, khoảng hơn nửa năm nay, hai  người còn có thêm một đứa con nuôi. Huân là con trai mới mấy tháng tuổi, không hiểu lý do gì người ta bỏ ngoài chợ, giữa đêm khuya khoắt. Mãi đến gần 5 giờ sáng khi chở khách về ngang chợ, thấy tiếng trẻ khóc, cô dừng xe, thấy bé nằm chỏng chơ, tay chân lạnh cóng trên sạp gỗ bán rau, liền đem về nuôi. Cũng may, thằng bé hay ăn, chóng lớn, ít khi bệnh và rất ngoan. Suốt ngày ăn no chơi quanh quẫn bên cạnh ba nuôi. Chơi chán lăn ra ngủ, trông thật dễ thương!
Về đến ngõ, khóa xe cẩn thận vào gốc cây to bên hiên nhà,“chân ướt, chân ráo” cô chạy vào nhà trong:
- Con ngủ rồi hả mình?
- Nho nhỏ thôi, khuya rồi, để con ngon giấc nào!
Dưới bóng đèn ngủ lờ mờ, Sáu lần nhẹ xuống bếp tìm cơm ăn qua loa rồi lên giường nằm ngủ.
Trên chiếc giường con ọp ẹp trong gian chái nhà, hai ba con Huân nằm ngủ cạnh nhau. Nhưng những cơn đau hành hạ về khuya không làm sao chú ngủ được. Chú lồm cồm ngồi dậy, lần trong chiếc gối để đầu giường lấy ra hai viên thuốc đưa vào miệng, đi tìm nước uống. Vừa nằm chưa ấm chỗ, Huân tè ra quần, cựa quậy, chú lại lần mò lấy quần áo thay cho con. Cả đếm ấy Sáu không ngủ được, mỗi khi như thế thường nhớ về thời gian còn công tác trong quân ngũ …
Sau gần ba tháng huấn luyện ở quân trường Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, Sáu được điều về Bộ đội Biên phòng Long An và được phân công trực tiếp đứng chốt biên phòng thuộc huyện Đức Huệ, phía Tây Đồng Tháp Mười.
Cách đây khoảng hơn mười năm, khu vực vùng biên nơi đây thường hay xẩy ra những va chạm nhỏ về đất đai dòng tộc. Bọn phản động thường “nhè” vào điểm “nghẽn” này để chia rẽ mối đoàn kết của nhân dân vùng biên giới. Một hôm, trong khu vực gần biên thuộc địa phận bên mình có đám ma, dòng họ đem thân chủ ra cánh đồng chôn cất. Mọi nghi lễ, thủ tục hạ quan đã xong thì một đám đông trên tay mang cuốc xẻng, dao rựa, gậy gộc, từ bên kia kéo đến. Họ không cho để người quá cố ở khu vực này mà phải dời địa điểm khác do người ta chọn. Vì theo họ, người chết có gốc gác lâu đời với dòng tộc ở bên kia. Chuyện có thế, nhưng hai bên không nhường nhịn nhau đã xẩy ra xô xát lớn. Hai bên cãi cọ nhau, la hét om xòm và lao vào ẩu đã đấm đá, đâm chém nhau. Trong lúc ra can thiệp giải tỏa vụ việc, Sáu bị dính nhiều đòn đau và thình lình một nhát cuốc bổ trúng đầu, máu tuôn chảy lênh láng khắp người, phải đi cấp cứu ở quân y viện. Lúc sau, nhờ lực lượng tăng cường của công an, bộ đội biên phòng mọi việc được vãn hồi ổn thỏa. Qua vụ việc này, dân làng cả hai bên vùng biên biết rõ đó là âm mưu thâm độc của kẻ thù muốn chia rẽ mối tình lâu đời bền chặt của hai dân tộc Việt Nam – CămPuChia.
Sau một thời gian khá dài điều trị ở các bệnh viện, vết thương của Sáu hồi phục, nhưng chứng đau đầu thường xuất hiện, nhất là thời tiết thay đổi thất thường. Hơn một năm sau Sáu được về địa phương hưởng chế độ thương binh 2/4.
 
***
            Lạ thật! Hôm nay đã gần 8 giờ sáng mà thằng cu Huân chưa dậy. Hay là cu cậu bệnh, ngủ thiếp đi. Nghĩ vậy, chú Sáu chạy vào sờ trán con. Người Huân nóng bừng bừng, chú vội nhúng khăn ướt trườm lên đầu cho bé và gọi điện cho vợ lấy thuốc cho con. Trong lúc hai ba con Huân lụi khụi trong nhà thì có tiếng hỏi giật giọng ngoài cổng:
- Ai trong nhà hông?
- Đợi một chút ra liền đây!
Chú Sáu bế con trên tay, vỗ nhẹ mông nựng yêu con, đi ra ngoài sân. Từ ngoài cổng, người đàn bà đứng tuổi, mặt đen nhẽm, xăm xăm xấn tới quát:
- Bọn bay lì lợm, con người ta mà nhận xằng, nhận bậy!
- Bay đâu, vô bắt thằng nhỏ cho tao!             
Đám người theo sau người đàn bà lố nhố ùa vào cướp thằng nhỏ trên tay chú Sáu.
Sáu quá bất ngờ, định tung cú đá vào mặt thằng đi đầu, nhưng kịp ôm chặt con vào lòng,bình tỉnh nói:
- Chuyện đâu còn đó, các anh chị vào trong nhà uống nước đã!
- Nước, nước cái con khỉ, trả thằng bé đây! Có đưa nói, không ăn đòn!
- Đòn đây!
Cô Sáu Ngọc và ba dân phòng từ ngoài cổng đi vào. Bọn người lạ lúng ta lúng túng như “gà mắc tóc”, định chuồn. Nhưng hai công an khu vực đã đứng đợi sẵn ở phía ngoài cổng.
-Mời anh chị lên đồn!
Nghe nói, bọn người hôm ấy nằm trong đường dây buôn bán trẻ con trái phép. Công an thành phố đang tập trung điều tra để truy tố.
Như vậy là chỉ trong vòng mấy tháng trời mà đã xẩy ra hai chuyện tranh chấp cháu Huân. Lần trước, cách đây gần hai tháng, một người thanh niên chừng ba mươi tuổi cũng đến nhận con mình. Cô chú Sáu nhẹ nhàng nói:
-Nếu có giấy tờ chứng minh rõ ràng thì sẽ cho mang con về!
Đợi mãi không thấy anh ta đến nên cô chú đã lên Ủy ban làm giấy tờ đàng hoàng cho con.
            Chuyện tưởng như êm thấm, nhưng vài tháng sau, một cặp vợ chồng từ Long Khánh đến. Họ rất biết điều, đem nhiều quà cho bé Huân và vợ chồng nhà Sáu. Đợi cô Sáu Ngọc về, họ mới thưa chuyện:
- Kính thưa chú thím! Nhà cháu sanh cháu ở bệnh viện, hôm xuất viện bị người ta lừa bế cháu lên một chiếc xe Taxi khác đem đi bán. Suốt cả năm qua gia đình đi tìm con khắp nơi nhưng không có tin tức gì. Nay, nhờ ơn Trời Phật biết tin chú thím nuôi cháu như ruột thịt của mình, vợ chồng cháu đội ơn rất nhiều!
- Huân là con tôi có giấy tờ đàng hoàng!
- Bọn cháu biết là vậy, nhưng mong cô chú lượng tình máu mủ cho mẹ con cháu được đoàn tụ với nhau!
- Được rồi! Nhưng phải có giấy tờ chứng minh hợp lệ!
- Dạ!
Sau hơn hai tuần có kết quả ADM, vợ chồng trẻ quê Long Khánh về lại nhà cô chú Sáu. Lần này có cụ ông đã ngoài 75 tuổi đi cùng.
Ông lên tiếng:
-Thưa anh chị! Tôi là ba của hai con đây. Hôm nay đến thưa chuyện với anh chị. Đã có kết quả ADM của Viện Khoa học. Nay xin anh chị cho …    
Ông vừa nói, vừa trao giấy tờ có mộc đỏ cho chú Sáu. Sáu xem xong chuyển cho vợ:
-Như vậy là đầy đủ thủ tục! Nhưng bụng tôi đang đói, nói thực tình chúng tôi thương Huân lắm, như máu mủ ruột thịt của mình vậy. Mong cho chúng tôi thời gian…
Chồng cô gái trẻ, nhỏ nhẹ:
-Chú thím cứ để con ở đây, thỉnh thoảng gia đình cháu tới chơi, có dịp sẽ cho con về!
Cô gái trẻ, mẹ đẻ Huân cầm khăn lau nước mắt sùn sụt:
-Đến gần Tết cháu về cũng được ạ!
Rồi gần Tết nguyên đán, ông nội Huân đến. Tưởng ông đem cháu về, nhưng sau khi trao quà Tết cho vợ chồng Sáu và quần áo mới cho cháu Huân, ông nói thật lòng:
-Tết mà cho cháu về trên ấy thì anh chị ở đây buồn chết. Tôi đã bàn với mấy xấp nhỏ trên nhà cứ ăn Tết cho vui vẻ rồi tính sau.
Vợ chồng Sáu cám ơn ông nội Huân và gửi biếu gia đình hai cặp bánh tét để cúng các cụ trên nhà.
-Thưa Bác, hỏi không phải, mong sự thông cảm. Tại sao tay Bác lại…?
- À, chuyện thế này, sau khi tham gia chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa ở Huế, đơn vị tôi được lệnh tăng cường cho mặt trận B2. Trên đường hành quân vào phía trong, bị máy bay Mỹ ném bom. Mảnh bom cắt đứt mấy ngón tay này. Nhưng hổng sao, vẫn cầm bánh tét, bánh chưng ăn được!
Nói rồi ông đi lại ôm Huân vào lòng, hôn lên má thằng cháu nghe chùm chụp và xin cứu ra về.  
Từ khi tìm được con, mẹ đẻ Huân tươi trẻ ra, lúc nào nụ cười cũng trên môi, trông thật đẹp và phúc hậu. Sáng sớm nay, vợ chồng chị lại xuống thăm mang quần áo và đồ chơi cho con, chị bảo:
-Cô chú Sáu cứ cho cháu ở đây ăn Tết cho vui. Huân bây giờ là con chung của hai gia đình ta! Chú thím có chịu không nào?
Vợ chồng Sáu cười rất tươi,vui như “ mở cờ trong bụng”, bế Huân tâng lên cao thay nhau hôn lấy, hôn để!
Căn nhà trở nên ấm cúng và hình như chật chội hơn mọi ngày.
Bố Huân chạy lại bên con, liên tục chọc nhẹ vào nách thằng bé. Huân cười như nắc nẻ, hai tay ôm chầm lấy cổ Bố:
-Bố mẹ cho con ở với ba mẹ Sáu nha!
Cả bốn người đều hết sức bất ngờ, nhìn chằm chằm vào thằng bé vừa tập tẹ biết nói. Nước mắt họ tràn trề trên khuôn mặt, nhưng không ai đưa tay lên lau. Vì ai cũng biết, đó là những giọt nước mắt hiếm hoi và hạnh phúc nhất ở trên đời!
            Rồi khoảng hai tháng sau, cả gia đình năm người ấy chuyển về ở chung trong căn nhà vừa mua ở chợ Thị xã. Ngôi nhà khá rộng rãi, đối diện với sạp hàng rau Sáu gặp Huân ngày nào. Nhà một trệt hai tầng. Tầng trệt vợ chồng chú Sáu bán tạp hóa, tầng một để gia đình sinh hoạt, nghỉ ngơi và tầng hai là lớp học dạy tiếng Anh ngoài giờ của mẹ đẻ Huân. Bố mẹ đẻ Huân cũng đã xong thủ tục chuyển trường về dạy ở gần nhà.
Nghe đâu, số tiền mua nhà do ông bà nội Huân đầu tư sau khi sang nhượng hai vườn cà phê ở ngoại ô thành phố Long Khánh, thuộc tỉnh Đồng Nai.
Hôm liên hoan về nhà mới, ông nội Huân chỉnh tề trong bộ quân phục sỹ quan bạc màu, trịnh trọng tuyên bố lý do:
-Hôm nay tôi thay mặt bà xã thưa với mọi người vài lời: Vợ chồng tôi thuộc lớp người
“ xưa nay hiếm”. Mà hiếm thật, bằng tuổi này mà mới có cháu “đích tôn”. Nên chúng tôi quyết định, tặng cháu Nguyễn Sáu Huân căn nhà này. Chúc mọi người mạnh khỏe và ngon miệng!
Tiếng vỗ tay không ngớt. Trong không khí nhộn nhịp tưng bừng của buổi liên hoan, người ta nhìn thấy ông bà nội cháu Huân đến gần vợ chồng chú Sáu, tay bắt, mặt mừng:
-Cảm ơn rất nhiều, nếu không có anh chị thì không biết sẽ làm sao? Anh chị cho vợ chồng tôi nhận là con có được không?
Vợ chồng Sáu khẽ gật đầu. Chú Sáu xúc động, nghẹn ngào, nói không thành lời:
-Ba con sống lại thật rồi!
Nói xong, chú Sáu nước mắt rưng rưng, ôm chầm lấy ông nội Huân như ôm ba mình trước lúc lên đường nhập ngũ.
                                                           
                                                Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7-2019
                                                            Trịnh Huỳnh Đức
 
                        *ĐT: 0969406504 ; Email: ductrinhhuynh1950@gmail.com
                        *Địa chỉ liên lạc: Số 115 Nguyễn Du, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An
                                                            Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương
                         
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan