Tìm quê - Truyện ngắn Trịnh Huỳnh Đức

Ngày đăng: 08:39 23/09/2019 Lượt xem: 627
                                    TÌM QUÊ
 
                                                Truyện ngắn Trịnh Huỳnh Đức
 
Trần Văn Luống đã 43 tuổi, vẫn chưa biết quê mình ở đâu.Trước khi mẹ qua đời, bà nói với Luống trong hơi thở gấp gáp, tiếng được, tiếng chăng:
-Bố quê Quảng Trị. Lớn lên nhớ tìm nghe con!
Luống định hỏi địa chỉ cụ thể, nhưng mẹ mệt quá, thiếp đi. Từ đó đến nay đã gần ba mươi năm. Luống nghe người cao tuổi trong làng nói, bố là người Quảng Trị. Nhưng chỉ biết thế thôi. Anh gõ cửa nhiều nơi, nhưng chưa có thông tin gì thêm. Có lần, anh lên Ban Tổ chức Tỉnh ủy hỏi, người ta trả lời:
-Bố anh là cán bộ miền Nam tập kết năm 1954. Tháng 4 năm 1975 đã chuyển sinh hoạt Đảng về tỉnh Quảng Trị. Toàn bộ giấy tờ ông đã mang theo, sổ sách thất lạc nên không rõ quê quán cụ thể ở đâu?
Luống nhiều lần gặp gỡ, hỏi chuyện người thân của bố, họ cũng chỉ biết có thế. Nghe nói, sau khi Quảng Trị được giải phóng, ông xin tổ chức về quê. Trên đường đi, ông bị tai nạn hay mất tích nên không có tin tức gì. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã gửi công văn cho Tỉnh ủy Quảng Trị kiểm tra lại việc này, nhưng vẫn chưa tìm được nguyên nhân.
Hoàn cảnh gia đình Luống trước đây rất khó khăn. Chồng trước của mẹ là Liệt sỹ Lê Văn Vạt. Ông đi bộ đội năm 1966, hy sinh trong trận đánh sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân năm 1968. Liệt sỹ Vạt là con nuôi của ông Lê Văn Nam và bà Hoàng Thị So, ở xóm Eo. Ông bà cưới nhau khi 16 tuổi, nhưng mấy chục năm không có con. Hôm đi chợ Hoàng, tình cờ người ta cho bà một bé trai còn đỏ hỏn. Từ đó, hai ông bà hú hí bên con trai, nuôi ăn học đàng hoàng. Năm học lớp 10, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, Vạt bỏ học làm ruộng. Năm sau anh cưới chị Gạo, con bà Thìn làm vợ. Khi chị Gạo có thai được vài tháng, anh Vạt xung phong đi bộ đội. Từ khi con đi B, ông bà thương nhớ con, bị bệnh già yếu, cả hai lần lượt ra đi khi đã ngoài tuổi 75.
Di vật còn lại của liệt sỹ Lê Văn Vạt là thư gửi cho mẹ vợ và vợ trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. Những năm cuối đời của mẹ Luống, cứ đến ngày 30 tháng 4, cả nhà lại ngồi chụm đầu bên nhau, nghe đọc lá thư của chồng:
Tân Kỳ, Nghệ An, ngày…tháng…năm 1967
Mẹ kính thương!
Em và con trai thương yêu!
Chỗ này cách nhà mình không xa, nhưng con không về được. Mẹ, em và con thông cảm vì con là người lính. Lính con cháu Bác Hồ nên kỷ luật phải nghiêm. Con đang trên đường hành quân vào miền Nam đánh giặc. Mẹ ở nhà cố gắng giữ dìn sức khỏe, động viên, giúp đỡ vợ con, dạy dỗ cháu Hai nên người. Bao giờ con về gia đình mình xum họp, vui biết nhường nào, phải không?
Lần nào cũng vậy, cứ đọc đến đoạn này là cả nhà đều khóc. Mẹ khóc mất tiếng, mắt sưng húp, không còn nước mắt! Người trong làng nói với anh em Hai: Mẹ con khóc nhiều, nghĩ lắm nên tổn thọ đó thôi!
Bà con nói đúng. Mẹ khóc cho chồng trước nhiều, khóc vì bố Luống còn nhiều hơn . Trước khi về quê Quảng Trị, bố Luống nói với vợ con:
-Tôi đi cùng lắm ba ngày sẽ có tin mừng cho mẹ con bà, lo gì? Quảng Trị giải phóng lâu rồi, ngồi đây nóng ruột lắm!
Từ ngày ấy, không có tin tức gì về ông. Ông không bao giờ về với mẹ con Luống nữa!
Ông Bí thư Đảng ủy xã kể cho Luống nghe: Bố Luống tên là Trần Văn Năm. Ông bị thương trong trận chống càn ở Quảng Trị năm 1953. Năm 1954 ra Bắc tập kết. Học văn hóa ở Hải Phòng. Năm 1958 là cán bộ của Tỉnh tăng cường cho phong trào Hợp tác hóa nông thôn huyện nhà. Bà Hoàng Thị Gạo là vợ liệt sỹ, có hoàn cảnh khó khăn nên ông thường lui tới giúp đỡ và dần dà hai người thương nhau. Hội Phụ nữ xã đứng ra làm lễ cưới cho hai người. Họ sống với nhau thật hạnh phúc và đầu năm 1975 sinh được Trần Văn Luống.   
Anh Hai là con liệt sỹ Lê Văn Vạt rất thương yêu em trai. Khi được tin bố dượng mất, Hai càng thương yêu mẹ và em nhiều hơn. Việc gì khó Hai làm dùm mẹ, thay em. Mỗi khi em buồn hoặc có chuyện gì khúc mắc, Hai ân cần khuyên giải:
-Chuyện đó giải quyết sau. Trên đời này, có rất nhiều việc khó khăn, nếu đoàn kết kiên trì và cố gắng sẽ vượt qua tất cả!
Có lần, Hai dẫn em vào tận thành phố Đông Hà, Quảng Trị để tìm bố. Đến Sở Lao động- Thương binh - Xã hội tỉnh người ta trả lời: Hồ sơ trong chiến tranh bị thất lạc. Chờ khi nào có thông tin gì mới, họ sẽ cho gia đình biết.
Một lần, Hai trốn mẹ và em ra tận ngoài Bộ Lao động -Thương binh - Xã hội ở Hà Nội để tìm thêm thông tin về bố dượng. Không có kết quả gì, Hai lặn lội xuống Hải Phòng hỏi về trường học sinh Miền Nam may ra có những thông tin hữu ích. Nhưng cũng không có kết quả. Khi về Hai kể lại cho mẹ và em nghe về chuyến đi vất vả của mình. Luống càng thêm quý mến anh và vặn hỏi:
-Sao anh không tìm nguồn cội, quê hương của mình mà lúc nào cũng âu lo chuyện của em?
Hai rơm rớm nước mắt, nhưng không dám khóc:
-Chuyện của bố lâu quá rồi,vô ích thôi!
Nghĩ thế, nhưng thâm tâm của anh thật đau khổ. Nhiều đêm anh nhớ hình ảnh chú bộ đội mình gặp chỉ một lần, cách đây mấy chục năm trời:
-Mẹ ơi sao chú bộ đội lại ở nhà mình?
-Bố con đấy!
-Bố con về ở đây luôn phải không?
-Vài hôm bố lại đi công tác xa!
-Thế thì con không thèm bố nữa đâu!
Vợ nằm bên cạnh thấy anh sụt sùi:
-Anh nghĩ gì mà khóc vậy?
-Nghĩ ngợi gì, chắc bị cảm đó thôi. Ngủ đi, lấy sức ngày mai đi cấy đồng xa.
Khuyên vợ ngủ lấy sức, nhưng anh không sao nhắm được mắt. Hình ảnh bố trong bộ quân phục màu xanh bạc màu cứ ẩn hiện lờ mờ trong trí nhớ…
            Một hôm, hai anh em Luống đang lúi húi quyét vôi khu tường rào xung quanh khu mộ ông bà ngoại ở chân đồi Ngộn Sơn, chuẩn bị cho lễ Vu lan rằm tháng bảy thì chuông điện thoại reo. Luống cầm điện thoại đưa lên tai:
-A lô!  Cháu Hà? Cậu nghe đây! Sao có thông tin về ông hả? Trời ơi! Sao cháu biết? Tìm người thân trên Báo Quảng Trị ? Nhắn tin số điện thoại cho cậu ngay!
Mặt Luống tái mét, tim đập thình thịch, thở hổn hễn:
-Anh Hai, nhận được thông tin về bố rồi!
-Ai điện vậy?
-Cháu Hà!
-Nói sao?
-Trang Thông tin - Quảng cáo của báo Quảng Trị nhắn tìm người thân của ông Trần Văn Năm!
-Ông trời có mắt! Cảm ơn trời Phật rất nhiều!
Anh Hai lại bàn thờ nghĩa trang, đốt nhang khấn vái linh hồn những người thân đã mất.
Nghe tiếng ‘Tít’ trên điện thoại. Luống bấm máy gọi:
-A Lô! Ông ở Quảng Trị phải không ạ?Dạ! Ông tìm người thân của ông Trần Văn Năm ? Tôi con của ông ấy đây! Dạ! Tôi gặp ông ở đâu? Dạ! Dạ vâng. Cảm ơn ông rất nhiều!
-Anh Hai, mình ráng làm chút nữa cho xong để đi Quảng Trị!
-Ông ta nói sao?
-Chuyện dài! Cứ vào, sẽ hay!
-Nhưng địa chỉ?
-Trong tin nhắn!
 
***
            Hai anh em Luống bắt xe đò vào thành phố Đông Hà. Vừa xuống xe, đã có người đến đón:
-Có phải anh là Trần Văn Luống?
-Sao anh biết tôi?
Người thanh niên to khỏe, rắn rỏi, trạc tuổi Luống mĩm cười:
-Cha tôi bảo ra bến xe đón các anh. Mời hai anh về nhà!
-Xin lỗi! Cha anh tên gì?
-Lê Văn Hồng!
-Còn anh?
-Tôi tên Hằng!
-Đúng rồi! Mình theo anh Hằng về thôi!
Anh Hai gọi Tắc xi. Hằng bảo:
-Nhà gần đây! Hai anh ngồi lên, em đưa về cho tiện!
Khoảng năm phút sau, Hằng đã đưa hai anh về nhà. Ông Hồng ra tận cổng đón khách:
-Chào hai cháu!
-Chào bác!
-Vô nhà đi, rửa tay chân, ăn sáng rồi hẵng hay!
Trong khi Luống đang rửa mặt, anh Hai đi một vòng xung quanh nhà. Nhà cấp bốn, bố trí rất ngăn nắp, màu sơn tường xanh nhạt, thoáng mát. Quanh sân trồng nhiều loài hoa đẹp. Trước nhà hai chậu cây cảnh lớn, nhiều tầng, cân đối, uốn lượn, tĩa cắt công phu, trông rất đẹp mắt. Hai nghĩ thầm, chủ nhà là người có trình độ, óc thẩm mỹ và cẩn thận lắm!
-Thôi nào! Mời hai cháu dùng bữa sáng!
Vừa ăn, vừa nói chuyện với chủ nhà, nhưng hai anh em Luống nóng ruột, muốn đi thẳng vào chuyện của bố. Biết được ý của khách, ông Hồng bắt đầu câu chuyện:
-Ăn xong chưa? Xong rồi phải không! Uống nước đi rồi ta ra thăm ông ấy. Ở gần đây thôi!
-Bố con ở gần đây?
-Ở ngoài sau vườn! Đi nào!
Đưa hai người khách trẻ vòng đằng sau nhà, ra mấy bụi tre ngoài bờ mương, đứng trước ngôi mộ xây khá kiên cố, quét vôi trắng tinh, ông Hồng chỉ tay:
-Ông Năm nằm ở đây mấy chục năm rồi!
Luống đổ sụp xuống, quỳ trước mộ bố:
-Có phải bố không? Tại sao bố bỏ mẹ, bỏ con mà không báo mộng về? Con khổ lắm bố ơi!
Hai nước mắt chảy dài trên má, cầm bó nhang thơm để trên đầu mộ châm lửa đốt, đưa cho em ba nén. Luống khóc nức nở, khom người vái lạy, cắm nhang lên phần mộ bố. Anh Hai cắm nhang xong, đứng nghiêm trước mộ,khấn thầm: “Hôm nay, anh em con đã gặp được bố. Bố tha tội cho chúng con. Mong bố nơi suối vàng được siêu thoát. Bố sống khôn, chết thiêng về phù hộ cho gia đình làm ăn khấm khá, mạnh khỏe và hạnh phúc”…
Ông Hồng cắm nhang lên mộ ông Năm, nói với hai cháu:
-Bố cháu bị tai nạn giao thông năm 1975 trên đường về thăm quê. Bác thấy không có người nhận, đem về vườn nhà mai táng. Bác đã đi tìm khắp nơi mà không không có thông tin gì cả.
-Sao bác biết tên bố cháu?
-Bố cháu bị tai nạn vào ban đêm. Lúc bác đến không còn gì cả. Lục trong túi quần có chiếc vé xe ghi tên ông và nơi lên xe. Đây, chiếc vé bác còn giữ đây!
Ông Hồng trao cho Luống tờ giấy mỏng, bằng ba ngón tay, màu vàng nhạt. Trên tờ giấy ghi: Hành khách Trần Văn Năm. Nơi đi: Thanh Hóa. Nơi đến: Vinh…Còn ngày tháng năm để trống.
-Thôi! Hai cháu xin phép bố vào trong nhà, ta nói chuyện.
Luống không muốn rời khỏi mộ bố, cứ luẫn quẫn quanh mộ như người mất trí. Hai vỗ vai em, nói khẽ :
-Em à! Thôi, đừng khóc nữa! Nhà mình có phúc mới gặp được người tốt bụng! Lúc nhiễu nhương mà được chu tất thế này là may mắn lắm rồi. Giờ sự tình đã tỏ, mình về xin phép các cụ cho bố về với mẹ!
Luống ôm chầm lấy anh Hai nức nở. Hai dìu em thắp tuần nhang nữa xung quanh mộ, khom người, xin phép bố vào trong nhà.
 
***
            Lập đông được hai tuần, anh em Luống đưa hài cốt của bố từ Quảng Trị về quê, lập mộ bên cạnh mẹ và ông bà ngoại. Trong vòng trăm ngày cải táng, chiều nào hai anh em Luống cũng ra mộ thắp nhang. Một hôm, ở mộ về, Luống hỏi anh:
-Chuyện bố em đã tạm ổn. Bố mẹ đã về bên ông bà. Em đã yên bề gia thất. Anh chị  các cháu và gia đình em sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng…
- Quê hương anh ?
- Chị Hai và hai cháu thường tâm sự với em, làm sao tìm quê cha đất tổ dù chỉ là những thông tin nhỏ thôi cũng vơi đi, nhẹ nhõm bớt những suy nghĩ thường trực trong đầu.
-Anh biết nổi khổ, sự dày vò người không quê. Người mất gốc, không biết cội nguồn là bất hiếu!
-Thế phải tìm cho bằng được!
-Cách gì?
-Thời đại bùng nổ thông tin mà bó tay sao?
-Nhắn tin!
            Đêm ấy, anh em Hai bàn bạc viết xong tin nhắn:
Tìm người thân. Nạn đói năm 1945, bố tôi khoảng 3 tháng tuổi, bà tôi xin được ở chợ Hoàng…Người cho là phụ nữ dáng nhỏ con, khoảng trên dưới 20 tuổi. Ai biết việc này xin liên hệ với anh Lê Văn Hai ở xóm…Điện thoại 093…Xin cảm ơn và hậu tạ!
Hai hỏi em:
-Được chưa?
-Sao cụt ngủn vậy?
-Có gì khác nữa mà dài?
-Đăng báo nào?
-Gửi chương trình Thông tin - Quảng cáo của Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân Dân Chủ Nhật và Báo, Đài Phát thanh -Truyền hình các tỉnh khu vực.
-Em nhất trí!
            Vài ngày sau đó điện thoại của Hai liên tục réo chuông. Người hỏi thì nhiều, nhưng chưa trường hợp nào trúng địa điểm, thời gian, hoàn cảnh… như trước đây ông bà kể cho người thân trong gia đình, bà con lối xóm.
Rồi thời gian sau, chuông điện thoại thưa dần, vắng hẳn, không ai nghĩ tin nhắn còn tác dụng. Khoảng gần năm sau, giữa đêm đông gió lạnh, cả nhà Hai đang ngủ say, tiếng điện thoại vang lên. Lạ quá, ai gọi vào lúc này kìa? Một thoáng suy nghĩ vụt trong đầu Hai, hay là chuyện chẵng lành…Hai cầm máy,tay run run:
-A lô! Tôi Hai đây! Dạ vâng! vâng…anh chờ tôi ra ngay!
Hai vội vàng không kịp mặc áo rét, quấn chăn kín người chạy ra ngoài cổng. Khi cánh cổng mở ra, Hai bất ngờ, trước mắt mình là một thanh niên lực lưỡng dắt ông già lưng còm sát đất, tay chống gậy tre, run bần bật, miệng xuýt xoa.
-Chào ông và anh! Mời vào trong nhà. Ngoài này lạnh buốt lắm!
Ông già mệt quá, bước không nổi, Hai phụ anh thanh niên dìu cụ vào trong nhà.
Vừa ngồi xuống tấm phản gỗ, anh thanh niên nóng ruột, muốn đi thẳng vào câu chuyện:
-Thưa anh! Chúng tôi từ Thái Bình vào! Đây là ông nội tôi. Chúng tôi…
-Anh chờ chút, mời cụ uống ngụm nước nóng cho đỡ mệt nào!
- Nội 75 tuổi, cao huyết áp, tiểu đường, đường xa quá, bị mệt chút thôi!
-Ông và anh đã cơm nước gì chưa?
-Mới dùng ở bến xe!
-Thế thì khuya rồi, đi ngủ mai hẵng nói chuyện!
-Không sao! Nói để anh rõ, chúng tôi vào đây tim người thân. Bố anh chính là em ruột của nội tôi đây!
-Anh biết thông tin ở đâu?
-Trên tờ báo cũ. Đây, tôi bọc kỹ cả tuần nay rồi!
-Còn gì khác nữa không?
Ông già lấy trong bọc ra một cái khăn vuông bằng sợi màu nâu bạc:
-Em tôi cũng có một cái thế này để quấn đầu, bịt tai, che mặt mỗi khi ra đường tránh cảm lạnh.
-Em ơi! Cái khăn nâu mẹ cho em dạo trước đâu rồi?
Chị Hà, vợ Hai từ trong buồng bước ra chào khách, mở tủ lấy chiếc khăn đưa cho chồng:
-Trước khi mất mẹ trao vật này và dặn rằng: Đây là kỷ vật thời thơ ấu của bố con! Con nhớ giữ dìn cẩn thận!
Ông nội người thanh niên xen vào:
-Anh xem hai cái khăn giống nhau hay không?
Anh Hai cầm đôi khăn vuông, tay run run:
-Trời ơi! Sao giống nhau thế này!
-Khi mẹ tôi cho em ở chợ Hoàng, đầu em tôi chịt khăn này. Mấy chục năm gia đình đi tìm mãi mà không có tăm tích gì! Đúng là em tôi rồi! Hu…hu…hu!
Ông già khóc như đứa trẻ. Anh Hai mừng rơi nước mắt, chạy lại ôm lấy ông:
-Đúng là bác con đây rồi! Bác ơi! Con có tội nhiều lắm, bác tha cho con nha bác!
Anh thanh niên cũng khóc theo. Chị Hà đánh thức con dậy. Ba mẹ con chạy lại phía ông già, quỳ xuống. Hà nước mắt lăn dài trên má, mếu máo nói:
-Chúng con xin lỗi bác!
-Các cháu không có tội lỗi gì, đứng dậy đi cháu! Bác và bố cháu là hai anh em sinh đôi. Khi đó nạn đói khủng khiếp, bố mẹ không nuôi được con nên phải cho đi. Nhưng may bác gần nhà nên không phải xa bố mẹ, xa quê !
 
***
            Hai tuần sau, có kết quả xét nghiệm ADM của ông bác người Thái Bình và anh Hai. Đúng họ là máu mủ của nhau. “Máu chảy đến đâu, ruột đau đến đó”. Mấy hôm nay, Luống và anh Hai ra Thái Bình ra mắt dòng họ và gia đình bà con hàng xóm ở ngoài ấy. Khi về, anh Hai xin các cụ, bác Cả ba chân nhang trên bàn thờ gia tiên mang về bổ sung vào bát nhang bàn thờ và xin bà con giống lúa nếp thơm, đặc sản ở vùng quê Đông Hưng về nhân giống ở trong quê. Bà con thân tộc và làng xóm trong này ai cũng mừng cho anh em Hai và Luống đã tìm được quê cha đất tổ. Ông Mười, cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đến thăm anh em Luống, vừa đến đầu ngõ, ông cười vui:
-Chuyện lớn thế này phải mở tiệc mừng chớ các cháu.
-Dạ! Chủ nhật này cháu cúng tổ, mừng các cụ xum họp một nhà. Mời cụ đến chung vui với gia đình nhà cháu!
Ông Mười vỗ nhẹ vai Hai:
-Nhà cháu đại hồng phúc đấy! Nhớ cố gắng nắm bắt và phát huy!
-Dạ! Các cháu xin hứa! Cảm ơn tất cả mọi người! Cảm ơn cuộc đời cho gia đình nhiều hạnh phúc!
 
                                                Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9-2019
                                                                 T. H. Đ

tin tức liên quan