“Người trở về sưởi ấm nguồn vui” - Trích bút ký của Vương Văn Kiểm – Nam Định, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam

Ngày đăng: 07:18 01/12/2019 Lượt xem: 1.072
“Người trở về sưởi ấm nguồn vui”-  
Trích bút ký của Vương Văn Kiểm

 
Cùng quê, chung một chiến hào
Lời Hòa nhắn Mạnh lặn vào trong tim
Nhớ nhé” ngày ấy hãy tìm…
Dặn nhau trước lúc con tim mãi ngừng…
         Một câu chuyện có thật rất cảm động, nhân văn, nặng nghĩa đồng đội, sâu thẳm tình người… Có lẽ chỉ có từ những người “Lính Cụ Hồ”. Cảm ơn tác giả Vương Văn Kiểm đã tích tụ vào tâm trí của mình tình tiết sự việc và đã “thổi” nó vào dòng Văn chương với một bút pháp sống động bẳng chính tiếng lòng mình…
         Bên thềm thời gian hướng về Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2019) và 30 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (06-12-1989/06-12-2019). Ban Biên tập Trang Điện tử Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc Trích bút ký “Người trở về sưởi ấm nguồn vui” của tác giả Vương Văn Kiểm.
  
 
Người trở về sưởi ấm nguồn vui
(Trích bút ký của Vương Văn Kiểm)

 Ảnh minh họa
 
        …Trong khi Mạnh còn trong trại giam của địch ở Lộ Tẻ (Cần Thơ) thì năm 1974 các đồng chí lãnh đạo xã Hải Ninh huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đưa giấy báo tử, kèm theo 200 đồng, một tút thuốc lá, một lạng chè, đến gia đình anh… làm lễ báo tử. Mẹ và bảy em khóc hết nước mắt. Bố anh không nhận đồ lễ. Cụ nói: “Con tôi không chết”. Đến năm 1975 Ủy ban xã lại báo tử lần thứ 2. Bố anh vẫn từ chối. Mỹ đã cút, Ngụy đã nhào, Mạnh làm việc ở Ban Quân quản, để giữ bí mật tuyệt đối, anh không được viết thư về nhà. Anh thoát khỏi cõi chết hơn nửa năm kể từ ngày giải phóng miền Nam mà cán bộ địa phương tưởng rằng anh đã yên giấc ngàn thu.
      Tôi chăm chú nghe những lời tâm huyết của đồng đội, thì đồng chí Hinh- người đồng hành với tôi còn muốn nghe câu “chuyện tình ly kỳ” sẩy ra trong những năm khói lửa . Đã gần nửa  thế kỷ mà câu chuyện còn tươi rói. Năm 1972 các anh Mai Văn Tường (xóm 4 xã Hải Phong), Nguyễn Văn Hòa xóm 2 Hải Sơn) và Trần Văn Mạnh (xóm 9 Hải Ninh), cùng sống trong một Đại đội, tri âm tri kỷ với nhau, hai anh Tường và Hòa “cưới vợ chạy” trước khi nhập ngũ bảy ngày, Mạnh thì tay trắng. Hòa bảo Mạnh: “Bố mày tên là Thụ, bố tao cũng tên là Thụ. Nếu tao hy sinh thì mày lấy vợ tao nhé. Thế là vợ tao tên là Nhung, vợ mày cũng là Nhung”… Tối 5/10 /1972 đơn vị đào hầm chiếm lĩnh trận địa xã Chánh Lưu, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, Hòa nói: “Cách đây 2 tháng, tao đã viết thư cho Nhung nói gửi ảnh gia đình vào cho tao. Mai tao chết, chưa kịp nhìn ảnh bố mẹ, vợ và các em… gửi tới”. Hình như anh tiên đoán được số phận mình. Sáng hôm sau, lệnh phát hỏa, Anh nghển lên cầm chắc súng, xiết cò, bỗng viên đạn độc ác đối phương trúng người anh, anh chạy đến chỗ Mạnh, nói hai tiếng: “nhớ nhé” rồi nằm vật ra, máu chảy lênh láng. Mạnh ôm lấy Hòa, nước mắt của Mạnh hòa vào máu của Hòa, khi Mạnh gật đầu thì Hòa mới nhắm mắt. Trận đánh kéo dài từ sáng đến tận tối. Gần nửa đêm Mạnh cùng đơn vị mai táng Hòa ở cạnh ba cây mít xã Chánh Lưu (gần đường 14)
      Tháng 1/1976 Mạnh ra Bắc, mang theo chiếc ba lô con cóc, giấy quyết định phục viên, lòng đầy phấn khởi. Anh về rất bất ngờ không thư tín, không có “quẹt kêu”. Khi báo tử, mẹ khóc; anh từ cõi chết trở về, mẹ cũng khóc: “Nước mắt dành cho ngày gặp mặt”. Bố anh gật gù: “Bố vẫn tin là thằng Mạnh còn sống sẽ trở về với bố mẹ ” Vui thì vui thật, nhưng suốt mấy đêm không ngủ, anh trăn trở: Trước lúc hy sinh Hòa nói: “Mày lấy vợ của tao nhé”. Lời nói thật hay bông đùa? Không phải bông đùa, mà tự trái tim của Hòa, thể hiện trên  nét mặt nghiêm chỉnh… lời nói tha thiết chân thành. Mạnh sực nhớ lại, sáng 6/10/1972 khi trúng đạn, Hòa chạy đến với Mạnh, nằm vật ra, nói hai tiếng: “Nhớ nhé” có ý nhắc nhở Mạnh điều di chúc hôm trước là giúp đỡ Nhung xây dựng lại hạnh phúc. Có những lúc Hòa tâm sự với Mạnh, Hòa thể hiện tình cảm thương nhớ Nhung da diết, Nhung là cô gái quê… hiền dịu chăm ngoan. Hòa tâm sự với Nhung trước lúc lên đường: “Nếu đời anh chẳng may tan vỡ, thì cũng đành, anh sẽ đời đời yên nghỉ, em hãy xây dựng lại tổ ấm”. Nhung chỉ khóc… Bây giờ Mạnh kết tóc với Nhung là làm theo di chúc của Hòa- người đồng đội thân yêu. Thế rồi anh đến thăm, chia sẻ với hai cụ Trần Thụ- bố mẹ của anh Hòa, và hai cụ Trần Lý- bố mẹ của cô Nhung. Mạnh mạnh dạn trao đổi với Nhung về ý nguyện của  anh Hòa trước lúc hy sinh: muốn Mạnh và Nhung gắn bó với nhau, giảm nỗi đau của Nhung, các cụ đôi bên đỡ lo lắng phiền muộn và yên lòng người dưới suối vàng. Mạnh dặn thêm: “Em về xin ý kiến của bố mẹ anh Hòa và  bố mẹ đẻ nữa…” Nhung xin phép anh Mạnh… một thời gian suy nghĩ…
       Hai bên gia đình đồng ý. Lòng Nhung rối bời, vừa thương anh Hòa, vừa cảm kích tấm lòng chân thành của anh Mạnh. Nhung đã có chồng, anh Mạnh trai tơ, gắn kết với nhau có thuận không? Nhung rất sợ những lời đàm tiếu của thiên hạ, ảnh hưởng đến tình cảm của Mạnh. Những điều đàm tiếu đó biết đâu như con dao sắc nhọn cắt đứt mối tình, xé nát đời mình lần thứ hai. Nhung nhìn khuân mặt anh hiền lành tử tế, có lẽ anh một lòng một dạ với mình cho đến khi đầu bạc răng long. Thế rồi Nhung quyết định gắn kết với anh. Sau 4 năm 8 tháng, kể từ khi anh Hòa hy sinh, tháng 6/1976 lễ thành hôn được tổ chức… Một đêm Nhung bông đùa với Mạnh: “Lấy vợ thừa mà vẫn lấy” Mạnh ôm chặt Nhung vào lòng: “Cấm không được nói câu ấy nữa nhé, chúng ta quý nhau về tâm hồn, yêu nhau về tình cảm, em ạ….” Nhung bồi hồi tấc dạ, bủn rủn chân tay, sung sướng lạ lùng… 

 
Vương Văn Kiểm
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam

tin tức liên quan