Phò và Noong Hoe - Hồi ức của Lê Vĩnh Lạc

Ngày đăng: 10:58 20/12/2019 Lượt xem: 602
 
PHÒ VÀ NOONG HOE
               Hồi ức của Lê Vĩnh Lạc

Tám, Lượng, Thìn, Tranh, Khanh, Kháng với tôi quê Nam Định cả. Nhập ngũ cùng ngày, ở cùng đơn vị, vào chiến trường chung một chuyến xe. Song thời gian công tác trên đất bạn Lào thì mỗi thằng mỗi ngả. Nay được điều về Phân trạm Bộ cùng ngày. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, chuyện trò hàn huyên suốt một buổi chiều không hết.
Sáng hôm sau anh Ty trợ lý quân lực tập trung chúng tôi lại, đọc quyết định thành lập đội cảnh vệ gồm 9 người, do tôi làm tiểu đội trưởng. Đọc xong anh Ty giao nhiệm vụ: Tiểu đội các đồng chí làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác cả ngày đêm bảo đảm an toàn cho chỉ huy và phân trạm bộ. Đồng thời kiêm quân bưu đưa công văn giấy tờ thư tín ra tiền tiêu và nhận công văn, giấy tờ từ tiền tiêu về các đơn vị trong toàn phân trạm. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng. Các đồng chí phải hạ quyết tâm cao, phải thật sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau thì mới hoàn thành được nhiệm vụ. Các chú rõ chưa?
Nói rồi anh dẫn chúng tôi ra địa điểm dựng lán, làm vọng gác cách cửa hang Lạc Sao khoảng 300 mét về phía trái cửa hang. Chúng tôi nhanh chóng ổn định nơi ăn ở, rồi bắt tay vào nhiệm vụ ngay.
          Trời đã chuyển mùa lúc mưa, lúc tạnh. Những đám mây đen từ đâu kéo về, trời tối xầm lại rồi mưa đổ xuống như chút, chỉ trong chốc lát tạnh luôn, bầu trời trở lại trong xanh. Nhưng chỉ mấy ngày sau lượng mưa càng tăng, càng dồn dập hơn, cái nóng oi ả chỉ lóe trên trong chốc lát rồi lại trìm hẳn trong màn mưa phủ trắng. Suối Lạc Sao trong xanh êm dịu bỗng đục ngàu, dữ tợn. Nước từ trên cao đổ xuống như thác cuốn cành lá, cây khô thành bè trải kín mặt suối. Hai bên bờ suối cỏ mọc um tùm, cóc nhái, ễnh ương rên rỉ suốt ngày đêm đến não ruột. Một buổi chiều đầu tháng tư năm 1969, Thủ trưởng Diễn – phân trạm phó gọi tôi lên:
  • Cậu về chuẩn bị sáng mai đi với mình và anh Khang phân trạm trưởng.
  • Báo cáo thủ trưởng có phải mang tư trang và hậu cần đi không ạ!
  • Không cần! Chỉ mang theo một khẩu AK nhớ mang theo đủ cơ số đạn đấy nhé.
  • Rõ!
 9 giờ sáng hôm sau tôi cùng hai thủ trưởng luồn rừng theo con đường mòn ra kho X4. Hai thủ trưởng đi trước tôi khoác súng đi sau bảo vệ. Con đường mòn quanh co trong rừng già, vắt ngang những đồi đất thoải còn ngổn ngang cây cối cuả đồng bào phát nương, phát giẫy chỗ tươi, chỗ khô đốt cháy nham nhở. Hôm nay trời ít mưa hơn mọi ngày. Cái nắng hè ngột ngạt, mùi hôi của tro bụi, mùi thối của cành cây khô lá tươi cuộn lại trong các vũng nước thấp nước thối đen ngòm. Chân chúng tôi bước lên bọt sùi bắn tung tóe. Cái mùi ngai ngái đến ngạt thở. Từng cơn gió Lào đưa hơi nóng về, rồi những đợt mưa ập xuống ào ào cơn to, cơn nhỏ, cơn thì kéo dài vài ba chục phút, cơn thì bất chợt tạnh ngay, để lại cái nóng oi hơn, không khí ngột ngạt hơn. Chúng tôi ai cũng khoác ny lông mà trong người ướt đẫm mồ hôi. Mới đi được gần chục cây số mà chúng tôi đã mệt nhoài. Anh Diễn chỉ tay nói với thủ trưởng Khang:
  • Con đường này thẳng đến bản Na Chết. Bản này rất lớn, đông dân, họ rất quý bộ đội Việt Nam. Đi vào bản lội qua suối Na Chết là ra X4 gần thôi.
Anh lại giảng giải:
  • Con đường mòn này cách đường 8A khá xa, là đường giao liên rất an toàn, không có bom mìn nổ chậm, nhưng đi ngược lên mấy bản trên kia thường có phỉ.  Mùa mưa nó tăng cường hoạt động.
      Thủ trưởng khang cười:
  • Anh là thổ địa ở đây rồi còn gì?
Anh Diễn quay sang tôi:
  • Hôm nay cho cậu đi thị sát đường cho quen, cậu phải nhớ kỹ đấy nhé! Mấy hôm nữa mưa nhiều, cây con, cỏ dại um tùm lấp hết đường mòn. Nếu không nhớ không định được hướng chính xác là lạc đấy. Còn phải lấy cây lâu năm làm mốc, cậu nhớ kỹ chưa.
  • Vâng ạ! (tôi thấy lo lo)
Hai thủ trưởng đi trong rừng nhanh như chạy. Thỉnh thoảng tôi phải xách súng chạy theo. Không biết anh Diễn ở Lào từ bao giờ mà cái gì cũng biết. Anh giảng giải cho Thủ trưởng Khang và tôi về phong tục tập quán của người Lào, cách xưng hô chào hỏi, cả khi ngồi trong nhà như thế nào? Tỉ mỉ từng ly từng tý. Mải nói chuyện, bản Na Chết đã hiện ra trước mặt. Anh dẫn chúng tôi vào một ngôi nhà sàn khá to đẹp và sạch sẽ. Chủ ngôi nhà là một ông cụ trên 75 tuổi, thân hình cao lớn vạm vỡ da trắng hồng hào, râu tóc bạc phơ. Ông cụ từ trong nhà bước ra đón khách. Sau khi bắt tay anh Diễn cụ mời chúng tôi vào chỉ chỗ ngồi bên bếp lửa nhà sàn. Anh Diễn giới thiệu đây là Phò Sao Xí. Phò rất quý bộ đội Việt Nam. Rồi anh lại quay sang Thủ trưởng khang giới thiệu với Phò:
  • Phala ngan nhờ!
Phò cúi chào thủ trưởng Khang đưa tay bắt rồi rót nước mời khách. Một lúc sau phò gọi cô con gái tên là Noong Hoe có vóc dáng người cao lớn da trắng hồng, hai mắt đen láy sắc sảo, tác phong nhanh nhẹn tháo vát chẳng kém gì những cô gái việt Nam đã từng trải. Phò ghé tai con gái nói nhỏ gì đó, cô gái nhỏe miệng cười rất tươi rồi quay ra ngay. Chỉ trong chốc lát cô gái đã mổ xong con gà đặt lên bếp luộc. Phò nướng món thịt khô trên bếp lửa nhà sàn. Xôi thì đã đồ từ khi nào không rõ. Hoe đóng xôi vào típ rất gọn và đẹp mắt. Những típ xôi bốc khói thơm phức. Phò chặt gà rồi cạo món thịt nướng vàng ươm có mùi thơm là lạ. Phò cùng hai thủ trưởng xếp chân ngồi quanh mâm cơm. Các món thức ăn còn nghi ngút khói. Phò rót rượu mời thủ trưởng Khang:
  • Sơn Phala  ngan….
Anh Diễn xua tay:
  • Phò nói tiếng Việt đi Phala ngan không biết tiếng Lào mô.
      Phò cười rất tươi cùng hai thủ trưởng nâng cốc:
  • Thịt khô chi rứa? - Anh Diễn hỏi.
  • Thịt hổ đó! Món này uống rượu tốt lắm vớ.
Tôi không dám uống rượu, khép nép mời Phò và 2 thủ trưởng rồi vớ lấy típ xôi, tay rón một miếng thịt gà to làm một lèo no căng rồi xin phép Phò và 2 thủ trưởng chạy ra chỗ ngồi lúc nãy. Anh Diễn nhìn theo tôi:
  • Cậu tốc hành gớm nhỉ?
Nói xong anh cười sằng sặc. Noong Hoe liếc mắt nhìn theo tôi làm tôi ngượng chín mặt. Câu chuyện của Phò và hai thủ trưởng càng sôi nổi hơn.
  • Ở đây có phỉ không? Thủ trưởng Khang hỏi.
  • Mấy năm trước thì có nhưng từ khi bộ đội Việt Nam sang nhiều thì nó không dám đến nữa, mà nhà Phò nó cũng khong dám vào.
Anh Diễn gọi tôi lại.
  • Đây là cậu Lạc, lính của đơn vị con đó. Mùa mưa này nó sẽ đi công tác qua bản luôn. Nếu gặp khó khăn gì thì nhờ Phò giúp đỡ nghe.
Phò cười và gật đầu.
Nắng chiều đã nhuộm vàng không gian của bản. Cái ngột ngạt của chiều hè đã giảm dần. Trời trở lại mát mẻ. Từ các ngõ vào bản huỳnh huỵch những tiếng đập, dồn dập bước chân của những con trâu, tiếng líu la líu lô của trẻ nhỏ, tiếng cười nói quát tháo của những ông Phò, bà Me giục con cháu làm nhộn cả lên. Không khí của bản thay đổi hẳn. Trên trời những đám mây đen đùn như núi đổ, kéo về dày đặc khiến bầu trời tối sầm lại, báo hiệu những cơn mưa lớn sẽ kéo dài. Hai thủ trưởng chào Phò cùng tôi vượt ngầm sang X4.
          Cuối tháng 6, tôi đem lệnh của thủ trưởng phân trạm sang X4. Lần này tôi đi một mình. Trời mưa rả rich. Cây cối rậm rạp mà tôi lại không nhớ rõ đường nên không dám đi theo đường mòn, mà đi theo trục đường 8A gần tới đường rẽ vào kho X4. Đoạn này cây cối không có, đồi đất bị bom đạn đào sới đỏ au trống trải. Hai bên đường chi chít những hố bom. Trên đầu tôi đã nghe thấy tiếng máy bay trinh sát OV10. Có lẽ nó đã phát hiện được tôi thì phải. Cũng vừa lúc đó nó bắn đạn cối ùm ùm. Cũng may cho tôi là trước mặt có chiếc hầm kèo khá rộng và vững chắc. Tôi chui tọt vào ôm khẩu súng AK ngồi nín thở. Nó bắn tiếp vài loạt cối nữa rồi bay đi. Đợi nó bay xa không nghe rõ tiếng nữa, tôi mới chạy một mạch tới đường vào kho X4. Hôm sau anh Giật chính trị viên kho gọi tôi lên:
  • Cậu về đi theo đường mòn ấy nhé! Đường 8A trống trải OV10 nó bay thấp lắm đấy chạy không kịp đâu.
Bấy giờ tôi mới kể lại chuyện bị OV10 rợt đuổi hôm qua, anh Giật lắc đầu dặn thêm:
  • Đi lối đường mòn cây cối lấp kín khó nhận ra. Mà cậu phải chú ý phỉ đấy. Nếu phát hiện có người thì nấp vào chỗ kín quan sát cho kỹ, chớ có manh động một mình không chống đỡ được đâu.
  • Vâng ạ!
Cơm nước xong đã hơn 8 giờ sáng. Tôi chào anh Dật và các anh trong ban chỉ huy kho, rồi vượt ngầm bám theo phía sau bản La Chết, đi theo đường mòn anh Diễn dẫn đi hôm trước. Mưa đã kéo dài hàng tháng. Hôm nay lượng mưa càng tăng. Nước từ trên đổ xuống ngập trên cổ chân. Đôi giầy vải của tôi  òm ọp những nước. Cây non, cỏ dại um tùm. Trận này mưa như dội nước, cây cỏ từ trên cuốn về lấp trên dòng chảy ứ đọng như ao. Tôi đi được mấy cây số thì không tìm ra đường mòn nữa. Đoạn này toàn cây cứt lợn cao hơn đầu người, rồi cả cỏ gai chằng chịt. Tôi nghĩ bụng chết rồi! Mình không tìm được lối ra nữa. Tôi quay lại rạch cỏ tìm đường. Lúc này đã đi được tầm 3 km bỗng thấy có tiếng người từ xa. Tôi ngồi sụp xuống trong lùm cây để quan sát. Nhìn rõ 3 người đầu tóc bù xù bước đi hớt hải. Tôi cũng không xác định được là dân hay phỉ. Để giữ an toàn tôi cố nấp chờ họ đi xa rồi mới tìm đường đi lên lối mòn mà họ vừa đi. Quanh quẩn mất khá nhiều thời gian mà mới ra khỏi bản Na Chết được hơn một cây số. Vừa lúc bí tắc chưa tìm ra được cách giải thoát nào thì tôi nhìn thấy một cô gái Lào vai đeo gùi đi phía trước. Tôi đánh tiếng. Cô gái quay lại:
  • Tà hán Việt!
Thì ra là Noong Hoe con gái của Phò Sao Xí. Cô ấy nhận ra tôi ngay. Vì tôi chỉ biết lõm bõm mấy tiếng Lào nên không hiểu được. Tôi lắc đầu: - Bò hụ. Cô gái biết ý chuyển sang tiếng Việt ngay.
  • Bộ đội Việt Nam về bản em đã.
Tôi như chết đuối vớ được cọc, mừng quá:
  • Thế em đi đâu về?
  • Em vào nương. Trời hôm nay mưa to quá.
Tôi theo em về bản, đã thấy Phò đang ngồi bên cầu thang đợi con gái. Thấy tôi đi theo sau Phò nhận ra ngay.
  • Con không nhớ đường đi lạc rồi vớ. Mùa mưa cây cối um tùm, mưa to mù hết cả trời, không định được hướng mô. Anh Diễn đã dặn Phò rồi. Để Phò cho em nó đưa về một quãng đường. Qua hết nơi cỏ dậm là đến rừng cây cao tìm đường dễ hơn.
  • Con cám ơn Phò ạ!
Em nai nịt gọn gang, chiếc váy ngắn cũn cỡn. Em đeo dao đi rừng vào hông trái, chiếc vòng bạc to nằm gọn trên vòm ngực căng phồng, trắng nõn. Em nở nụ cười rất tươi, rất hóm hỉnh. Tôi lấy trong ba lô ra đưa cho em một tấm nynon còn mới nguyên bảo em khoác vào, tôi chắp tay chào Phò. Em cười và giục:
  • Bay bay thôi.
Em đi trước, tôi đi sau. Cái vóc dáng to khỏe, đôi vai tròn, bước chân nhanh nhẹn chắc nịch của cô giao liên nước bạn, nhấp nhô trên con đường mòn khúc khủy, gập gềnh, chằng chịt những cây cỏ dưới màn trời trắng xóa toàn nước của những trận mưa rừng. Cứ đến đoạn rẽ nào em lại tìm cây to rút dao băm đánh dấu ngang tầm mặt.
  • Lần sau anh nhớ dấu mà đi không sợ lạc mô!
  • Sao em lại biết nhiều tiếng Việt thế?
  • Bố em người Việt quê ở Hương Khê Hà Tĩnh sang đây từ lúc nhỏ. Mẹ em người Lào.
  • Thế em đã biết quê nội chưa? Em lắc đầu hỏi tôi:
  • Anh quê ở tỉnh nào?
  • Anh ở Nam Đinh em ạ!
Lời qua tiếng lại tôi thấy vui lên đã bớt lo. Đoạn đường đi khá xa rồi sợ em về một mình có điều gì xảy ra thì…… Tôi giục:
  • Đoạn này anh nhớ đường rồi em về đi kẻo Phò mong đấy.
Chúng tôi đã đi đến cánh rừng cây cao. Đoạn này trở vào rừng quang đãng hơn, rõ đường hơn: Em chỉ tay:
  • Từ đây đi vào hang Lạc Sao anh đừng rẽ đâu nữa nhé.
  • Cảm ơn em, anh nhớ rồi.
Em quay về, tôi không yên tâm lại lẽo đẽo đi sau một đoạn đường dài, khi hết chỗ rậm rạp, nguy hiểm mà em ít đi đến tôi mới quay về.
Vài tuần sau tôi lại cùng anh Tranh quê ở Tiên Hào, Vụ Bản cùng quê với tôi đi đưa công văn ra tiền tiêu. Thời gian này mưa to kéo dài lắm. Chúng tôi đi tới ngầm Na Chết thì gặp lũ lớn. Nhiệm vụ lại cấp bách, chúng tôi quyết định vượt ngầm. Ra đến giữa dòng thì bị nước cuốn trôi, may có cây to đổ tôi bám được một cành, hai anh người Lào lao xuống vớt tôi lên đưa về bản Na Chết, đốt lửa sưởi ấm cấp cứu cho tôi. Khi tôi tỉnh lại đã thấy Phò và Noong Hoe ngồi bên cạnh. Phò đưa tôi về nhà sưởi ấm và nấu cháo cho tôi ăn. Đêm đó tôi và Tranh ngủ ở nhà Phò. Nửa đêm tôi tỉnh giấc thấy Phò vẫn ngồi yên bên bếp lửa, hai mắt Phò sáng rực chăm chú nhìn ngọn lửa. Ánh lửa hồng bập bùng trong ánh mắt của Phò. Râu tóc bạc phơ của Phò được ánh lửa đỏ nhuộm hồng. Lúc này tôi thấy mình như đứa con đẻ của Phò. Tôi chồm dậy:
  • Phò ơi! Phò đi ngủ đi Phò. Con thức rồi, con khỏe rồi Phò ạ!
  • Con cứ ngủ đi. Phò biết con mệt lắm. Các con lại có giấy tờ quan trọng Phò cũng lo lắm. Nằm ngủ yên làm sao được. Mà Phò cũng thức đêm quen rồi, để Phò coi cho các con ngủ, con đừng lo.
Thế là Phò thức cả đêm coi cho chúng tôi ngủ. Tôi cảm kích với tấm lòng của Phò, thế là tôi lại ngồi nói chuyện với Phò đến sáng. Phò đã kể cho tôi nghe cuộc đời trôi nổi của Phò từ lúc nhỏ. Phò được như thế này là nhờ tấm lòng và tình thương của dân bản nhất là người vợ chung thủy và gia đình bố mẹ vợ là người Lào. Từ đây đã cho tôi thấy cái tình thủy chung của hai dân tộc Việt- Lào đã gắn bó từ bao giờ và mãi mãi đến đời sau. Sáng ra Noong Hoe đã chuẩn bị mấy típ sôi cho tôi và Tranh ăn no. Ăn xong chúng tôi xin phép Phò vượt ngầm đưa công văn ra tiền tiêu. Chuyến này chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, không để xảy ra sự cố gì là nhờ công đức lớn lao của Phò và Noong Hoe.
Cuối mùa mưa đã giảm dần. Chúng tôi chăm vào bản nơi đơn vị đóng quân, tiếp xúc với dân vừa để học tiếng Lào, tìm hiểu phong tục tập quán của nước bạn, chủ yếu là để quan hệ, giao lưu cho được lòng dân nước bạn…  
Cái bài vè nửa Lào nửa Việt mà chúng tôi thích nhất là:
                             Phò ơi xích lại gần đây
                             Soi lửa tà hán tu cay nhầy nhầy
                             Khẩu niêu một típ cho đầy
                             Lục kin im lẹo, lục bay mưa hườn
Mùa khô đã đến trên tuyến đường 8A. Các đoàn xe đã cuồn cuộn trở người, phương tiện hàng hóa vào tuyến trong. Tiểu đội cảnh vệ kiêm quân bưu của chúng tôi đã được lệnh giải tán. Một số về kho cũ, một số thì di chuyển công tác. Còn tôi được đơn vị cho đi học. Tháng 4 năm 1970, tôi chuẩn bị về nước. Tôi đã tâm sự rất nhiều với anh Diễn về Phò và Noong Hoe. Tôi nhờ thủ trưởng Diễn chuyển lời cảm ơn và lời chào của tôi đến Phò và Noong Hoe. Cái luyến tiếc nhất của tôi là không được sống mấy năm nữa trên đất bạn, không còn dịp nào để được gặp Phò và Noong Hoe thổ lộ tâm tình và lòng cảm kích vô tận mà tôi được đùm bọc che trở.
Đến nay đã gần 50 năm rồi. Chắc Phò không còn nữa. Noong Hoe người con gái hiền thục nết na, mang trong mình hai dòng máu Việt Lào không biết bây giờ ra sao. Cái tình cảm chân thật, lòng nhiệt tình đầy trách nhiệm của Phò và Noong hoe in đậm trong trái tim tôi. Hình ảnh ấy tôi không bao giờ quên.

            Ngày 15 tháng 11 năm 2019

  Lê Vĩnh Lạc
  Hội viên Hội VHNT Trường Sơn – Nam Định
  (email: levinhlac45@gmail.com)
 
--

 

tin tức liên quan