Hoàng Đại Nhân - Đến với bài thơ: Trường Sơn - Trường Sa

Ngày đăng: 10:33 25/01/2020 Lượt xem: 867

----------------------------------------------------------

ĐẾN VỚI MỘT ÁNG THƠ
"Lại một mùa xuân nữa đang về trên đất nước hình chữ S thân yêu của chúng ta- mùa xuân với bao ước hẹn về một tương lai ngày càng tươi sáng. Mỗi người dân đất Việt đều cùng tâm trạng háo hức chờ đón xuân về để mình thêm tuổi mới, thêm vạn điều may. Cũng trong những ngày rạo rực đón xuân vui thì những người vì nhiệm vụ phải xa gia đình- đặc biệt là người lính đang canh giữ biển đảo ngoài khơi xa càng nhớ nhà, nhớ mẹ diết da gấp bội…"
 
 
 
         Phạm Sinh- một CCB của Sư đoàn 471 Anh hùng. Với tâm huyết của người lính Trường Sơn từng có những tháng năm tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn thời đánh Mĩ, nên anh hiểu sâu sắc giá trị máu xương của người lính. Anh cũng yêu quý vô cùng từng tấc đất nơi Biên cương, hải đảo của Tổ quốc.
         Viết bài thơ “TRƯỜNG SƠN- TRƯỜNG SA” là những phút trải lòng mình với những người lính nơi hải đảo. Chúng ta hãy cùng anh đến với bài thơ này.

 
TRƯỜNG SƠN - TRƯỜNG SA
 
Anh lính trẻ viết phong thư trên đảo
Gửi đất liền thăm mẹ lúc xuân sang
Giữa bầu trời và biển nước mênh mang
Trọn nghĩa mẹ cùng tình yêu đất nước
Mấy xuân rồi con chưa thăm mẹ được
Nhưng mẹ ơi! Bởi Tổ quốc đang cần
Tuổi trẻ chúng con chẳng thể ngại ngần
Giữa đảo trùng khơi đứng canh trời Tổ quốc
***
Truyền thống gia đình cho con vững bước
Cứu nước - một thời mẹ đã đến Trường Sơn
Năm tháng chiến tranh mẹ đâu quản thiệt hơn
Bão đạn mưa bom, nén căm hờn vươn tới
Tải đạn, mở đường cho ngày mai thắng lợi
Một nhánh Phong lan khi Tết đến, xuân về
Đồng đội bên nhau hồi tưởng chuyện xuân quê
Mẹ mong ước sớm xuân về quê mẹ...
***
Con kể chuyện xuân Trường Sa mẹ nhé
Chẳng quất đào, chỉ một nhánh phong ba
Một loài cây hơn cả những loài hoa
Luôn vươn thẳng trước phong ba bão táp
Hương vị Tết quê sao nồng nàn ấm áp
Bên gói quà xuân gửi bởi đất liền
Anh em chúng con hội tụ khắp mọi miền
Bắc - Trung - Nam chung ngôi nhà trên đảo
Chung ngọn cờ hồng và chung sắc áo
Chung những con tàu mang hai chữ Hải quân
Sát cánh bên nhau cùng vì nước vì dân
Sao cho xứng lời ân cần mẹ dặn...
***
Tự hào lắm - Mẹ ơi! Tự hào lắm
Xưa mẹ Trường Sơn, nay con giữ Trường Sa
Để non sông vang vọng vạn lời ca
Để mãi mãi hoa mùa xuân đua nở
Để mãi mãi đất nước này rạng rỡ
Trường Sơn che bóng mát Trường Sa!

 
 
LỜI BÌNH CỦA HOÀNG ĐẠI NHÂN
 
         Lại một mùa xuân nữa đang về trên đất nước hình chữ S thân yêu của chúng ta- mùa xuân với bao ước hẹn về một tương lai ngày càng tươi sáng. Mỗi người dân đất Việt đều cùng tâm trạng háo hức chờ đón xuân về để mình thêm tuổi mới, thêm vạn điều may. Cũng trong những ngày rạo rực đón xuân vui thì những người vì nhiệm vụ phải xa gia đình- đặc biệt là người lính đang canh giữ biển đảo ngoài khơi xa càng nhớ nhà, nhớ mẹ diết da gấp bội.
         Ngoài đảo xa, khi phương tiện còn rất hạn chế thì cái việc nối đường dây liên lạc còn gì hơn là những lá thư tay viết vội. Chúng ta càng cảm thông biết bao nhiêu, trong giờ phút thiêng liêng đón năm mới, anh lính trẻ nhớ mẹ đến vô cùng. Giữa biển đảo mênh mông sóng gió, hình ảnh người mẹ là hình ảnh rõ nét nhất luôn sưởi ấm tim anh trong những ngày xuân, xa nhà. Anh thầm mong ước lá thư này đến tay mẹ trong ngày đầu năm mới:
“Anh lính trẻ viết phong thư trên đảo
Gửi đất liền thăm mẹ lúc xuân sang
Giữa bầu trời và biển nước mênh mang
Trọn nghĩa mẹ cùng tình yêu đất nước”
         Hơn ai hết, anh lính trẻ với tình yêu mẹ diết da nhưng con tim ấy cũng yêu Tổ quốc- người mẹ thứ hai vô cùng mãnh liệt. Dù mấy xuân chưa được về thăm mẹ nhưng anh nhận thức thật rõ: Khi mà Tổ quốc đang cần, anh luôn sẵn sàng chắc tay súng “canh trời Tổ quốc”. Ôi! Trái tim người lính mới đẹp làm sao:
“Mấy xuân rồi con chưa thăm mẹ được
Nhưng mẹ ơi! Bởi Tổ quốc đang cần
Tuổi trẻ chúng con chẳng thể ngại ngần
Giữa đảo trùng khơi đứng canh trời Tổ quốc”
         Thật bất ngờ khi hiểu về gia cảnh của anh lính trẻ khiến ta càng cảm phục nhiều hơn. Gia đình anh- một gia đình đặc biệt- gia đình của những thế hệ lính. Chắc chỉ ở dải đất hình chữ S này mới có những điều đặc biệt ấy. Một đất nước mà hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm nên các thế hệ cháu con cứ tiếp bước lớp cha ông, tòng quân đánh giặc. Tố Hữu- một nhà thơ lớn đã viết những câu thơ thật hay, thật đúng với những gia đình Việt Nam truyền thống với tinh thần cách mạng quật cường: “Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Người mẹ của anh lính trẻ lại là Chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, từng một thời đạn bom- người Chiến sĩ “xẻ dọc Trường Sơn” mở đường thắng lợi, góp phần làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc. Hôm nay người con trai của mẹ lại tiếp bước: 
“Truyền thống gia đình cho con vững bước
Cứu nước- một thời mẹ đã đến Trường Sơn
Năm tháng chiến tranh mẹ đâu quản thiệt hơn
Bão đạn mưa bom, nén căm hờn vươn tới”
         Anh lính trẻ ngoài đảo xa, trong lá thư đầu xuân biết tâm sự gì với Bà- Mẹ- Trường Sơn yêu quý trong những phút trang trọng này? Chúng ta hãy nghe lời anh kể về nơi hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc: Nơi ấy ngày đầu xuân tuy chẳng có quất, đào- cái nét đặc trưng của ngày xuân Bắc Bộ mà chỉ có “một nhánh phong ba”- một loài cây luôn vươn thẳng trong phong ba bão táp. Nhánh phong ba ấy trên bàn cỗ đón xuân của người lính đảo nó còn đẹp “hơn cả những loài hoa”.
“Con kể chuyện xuân Trường Sa mẹ nhé
Chẳng quất đào, chỉ một nhánh phong ba
Một loài cây hơn cả những loài hoa
Luôn vươn thẳng trước phong ba bão táp”
         Tác giả với cách dùng biện pháp tu từ, ẩn dụ làm tăng sức gợi hình, gợi cảm, ví người lính đảo là nhánh phong ba làm người đọc càng cảm phục hơn về hình ảnh người lính đảo xa. Các anh cũng như những nhánh phong ba cứng cỏi, luôn vươn thẳng trong bão táp biển khơi và hiên ngang trước quân thù, sẵn sàng chiến đấu giữ vẹn biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
         Đối với những người Chiến sĩ ngoài hải đảo thì chẳng có hình ảnh nào đẹp hơn, đúng đắn hơn, khi ví các anh vững vàng như loài cây phong ba trên đảo.
         Đón xuân trên đảo, các anh không hề buồn tẻ, ngoài niềm vui với nhành phong ba là tình đồng đội keo sơn gắn bó, chia sẻ mọi niềm vui, chia sẻ cùng ca nước ngọt. Đó là nơi hội tủ của những người lính trẻ từ khắp mọi miền quê Bắc- Trung- Nam, cùng chung một ngôi nhà trên đảo. Họ cùng chung một sắc áo, chung ngọn cờ hồng, trên đầu họ là chiếc mũ Hải Quân Nhân Dân Việt Nam mà ngọn gió làm tung bay đôi dải nhìn tựa những dải sóng đang tung bay trên biển Đại dương...
“Anh em chúng con hội tụ khắp mọi miền
Bắc- Trung- Nam chung ngôi nhà trên đảo
Chung ngọn cờ hồng và chung sắc áo
Chung những con tàu mang hai chữ Hải quân”
         Cũng vẫn lối dùng tu từ, ẩn dụ khéo léo, tác giả xây dựng một hình ảnh gia đình Cách mạng - gia đình Việt Nam truyền thống. Xưa, người mẹ là Chiến sĩ Trường Sơn suốt những năm đánh Mỹ. Nay, người con trai “Đã thành đồng chí chung câu quân hành”, anh lính trẻ xung phong ra giữ gìn hải đảo để “hoa mùa xuân đua nở” để “mãi mãi nước này rạng rỡ” những mùa xuân.
“Xưa mẹ Trường Sơn, nay con giữ Trường Sa
Để non sông vang vọng vạn lời ca
Để mãi mãi hoa mùa xuân đua nở”
         Chẳng có hình ảnh nào đẹp hơn khi người mẹ luôn là bóng mát che chở cho những đứa con yêu. Và cũng chẳng có trang sử nào hào hùng hơn, đẹp hơn khi Trường Sơn- một thiên anh hùng ca- một trang sử quật cường của dân tộc luôn vươn bóng mát đại ngàn che chở cho Trường Sa, tiếp thêm sức mạnh và truyền thống ngàn đời kiên trung đối với quần đảo dấu yêu của Tổ quốc.
“Để mãi mãi đất nước này rạng rỡ
Trường Sơn che bóng mát Trường Sa!”
         Bài thơ đã khép lại mà tôi như vẫn thấy hình ảnh đẹp rạng ngời của người lính trẻ nơi hải đảo xa xôi đang ngày đêm chắc tay súng giữ bình yên cho những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh luôn vững vàng như cây phong ba trong bão táp biển khơi, “Để mãi mãi hoa mùa xuân đua nở / Để mãi mãi đất nước này rạng rỡ”…
 
Sài Gòn 20/01/2020
Hoàng Đại Nhân
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam

tin tức liên quan