“Tức… cười” – Truyện ngắn của Vương Văn Kiểm

Ngày đăng: 09:59 31/01/2020 Lượt xem: 498

------------------------------------------------------------

Tức... cười
(Truyện ngắn)

 
         Lão tự nhủ "Mấy ngày mưa rả rích, không đi chơi với bạn thơ được, buồn quá, hôm nay mát trời, tạnh mưa, trời phù hộ đây" 
         Lão lên đường mang theo ba lô con cóc thời lính, trong đó đựng cái áo có cài sẵn huân chương huy chương để đến Hội trường mặc vào, khi nhận phần thưởng, chụp ảnh cho ra dáng "cụ Bộ đội" chứ. Ban tổ chức đọc tên lão... lão nhận được tấm bằng và bó hoa tươi thắm. Các vị phó nháy chụp ảnh lia lịa. Đèn chụp ảnh flat phát ra tia vui loang loáng, lão mừng khôn xiết, tim lão run lên bần bật, sung sướng cả đời dồn lại hôm nay ... tác phẩm đầu tay của lão viết về chính mình lúc cam go nhất trong đời mình được đăng trên tạp chí. Ông tướng " lừng danh" bắt tay lão. Không ngờ đêm tàn, trong vườn mình... hoa quỳnh nở! Điềm vui năm qua báo hiệu hôm nay.
         Tan cuộc, sách in các tác phẩm được giải và bằng khen - lão cho cả vào ba lô con cóc, còn chiếc phong bì tiền thưởng giải tư...được 3 triệu và phong bì thứ 2 ban Tổ chức đài thọ lộ phí là 2 triệu, lão bỏ cả vào sát rốn, có áo may ô chắn ngoài. Lão yên tâm lắm rồi. Lên xuống tầu xe, bọn trộm cắp có nắn túi cũng chỉ được mấy tờ giấy trắng. Bọn chúng chỉ có khóc. Lão hí hửng: "Chắc ăn rồi". Lão ra khỏi cổng trụ sở đi bộ hơn 100 mét, thấy xe buýt đến, lão giơ bó hoa vẫy thật mạnh, xe buýt không dừng. Một cháu học sinh nhanh nhảu: " Bác ơi, xe buýt không dừng giữa đường đâu ạ"
- Thế hở! Ở đây không có "xe dù bến cóc à?". Mấy người quanh đấy, cười ồ..
- Bác về đâu? 
- Bác đến bến xe Giáp Bát
- Mời bác quay ngược lại 100 mét, có bến xe buýt, gần trụ sở hội Trường Sơn, rồi bác lên xe.
- "Nơi bác dự hội nghị ngay bên cạnh bến xe buýt mà bác không biết. Cảm ơn cháu". Lão tự nghĩ: mình ở quê lên đây như bìm bịp vào rừng.
        Lão trở về bến xe buýt. Xe đến, lão bước lên vội, ngã khuỵu. Người phụ xe nâng dậy, cháu sinh viên nhường chỗ: "Mời bác ngồi"
- Cảm ơn cháu.
         Thấy khách đưa 10 ngàn, lão cũng đưa 10 ngàn. Nhận chiếc vé bỏ túi, lão ung dung ngồi. Đến bến xe cuối cùng, xuống xe, lão ngơ ngác: đây là đâu, bà con ơi?
- "Đây là bến xe Gia Lâm". Một hành khách trả lời
- Tôi từ ngã tư Thanh Xuân đi Giáp Bát... sao lại đến Gia Lâm?
- Bác ơi, bến xe có 4... 5 làn xe. Bác đi không đúng làn đường rồi. Mời bác đi tiếp xe kia về Giáp Bát.
         Thế mới khổ thân tôi chứ. Lão lẩm nhẩm: "Tiên thư cái thự đời" (Tiên sư cái sự đời). Sắp tối rồi có kịp xe về huyện không? Không về kịp lại mất 1 trăm mốt tiền trọ, đau hơn hoạn. May quá, sáu giờ chiều đến bến Giáp Bát, vẫn còn xe về huyện. Cò mồi hỏi : bố về đâu?
- Tôi về huyện Vụ Bản.
- Bố đi theo con. Cò níu cái ba lô của lão, để lão khỏi đi xe khác. Lão sợ mất cái ba lô con cóc của lão mà vàng bạc không mua được. 
- Bố không sợ mất đâu, để con xách cho.
         Thế rồi cái ba lô thành cái dây nối hai người với nhau, cùng rong ruổi đến ô tô đang đỗ ở giữa bến.
         Xe về đến cổng, bà xã đỡ hộ ba lô: "Cái gì nặng thế này?"
- Sách Văn học được tặng kèm theo bằng khen - quý hơn vàng đấy bà ạ!
- Tôi tưởng rằng ông đi tỉnh, được tặng món bở đầy ba lô, hóa ra... tôi mừng hụt.
         Ông cho tay vào sát rốn, moi phong bì ra định khoe bà, chẳng thấy đâu, ông ngây ra như người mất sổ gạo thời bao cấp. Bà hỏi: "Sao thế hở ông? "
- "Ở trên xe nó bật điều hòa lạnh quá, nên cái bụng tôi chịu sao nổi, dẫn đến đau bụng, cái thời 4.0 đôi khi cũng phiền toái" - ông chống chế.
- Tôi lấy cao cho ông xoa rốn nhé, rồi dùng mươi viên bec - be - rin là xong ngay.
         Ông nghĩ bụng: quái thật, áo may ô không rách, bụng mình không thủng, phong bì chui vào đâu? May quá mình có mấy triệu quỹ đen kia, mai đưa bà 1 triệu để liên hoan với con cháu. Phải giấu kín chuyện mất mát này, kẻo không yên với bà lão đâu! 
         Lão nắn đi nắn lại trước bụng. Bà hỏi "có lẽ ông đau lắm, tội nghiệp thân già, được mấy đồng lại ốm với đau, cao đây bôi đi, chần chừ mãi"
- Cứ từ từ nào.
         Bỗng mắt lão sáng bừng lên như tư bản thấy lợi nhuận, nó đây rồi. Thì ra khi ngồi trên xe, lão ngồi ngửa ra, người rung lên sung sướng cộng hưởng với nhịp rung của xe, chiếc phong bì cũng sung sướng rung lên theo chủ, nó lăn xuống sau lưng, mà lão cứ tìm trước bụng thì thấy sao được! 
         Lão bảo bà: Tôi khỏi rồi, không phải thuốc thang gì nữa.
- Ông bị bệnh gì mà chóng khỏi vậy?
- Tôi bị cái bệnh: " phong sương, bì bạch"
- Em chưa nghe thấy cái bệnh nào như vậy, có lẽ nó theo dịch lợn từ châu Phi về hẳn! Mấy năm nay bà ấy không xưng "em" với lão, lần này lão được thưởng cấp "toàn quốc", tặng bà bó hoa mà ông đã nhận được từ chiều nay, bà ấy thưởng lại cho mình tiếng "em" ngọt ngào. Lão tỉnh người lên, bù lại chuyến đi... vất vả. Bà xưng em thì mình cũng xưng "anh" cho "tình củm" và cũng đáp lại mấy câu có văn phong chứ.
- Em yêu mến của anh hãy nghe đây: thời buổi bây giờ cái bệnh "phong sương bì bạch" ở rải rác một số nơi, nào là y tế, nào là giáo dục, nào là đầu tư dự án nọ kia.... nhiều xếp bị căn bệnh mãn tính này. Nếu nặng thì chỉ có "Bác sĩ Kính" mới chữa được. Ông ấy vừa là thầy thuốc, vừa là nhà văn cơ, giỏi lắm
         Nói đến đây, bà vỡ lẽ ra: bệnh "phong sương bì bạch" là bệnh "phong bì". Bà nguýt dài: "Ông hóm lắm"
Việc nọ chưa ọ, lại xọ việc kia. Lão mở cái ba lô cho bà xem cái bằng khen. Bà tròn xoe đôi mắt: "Sao ông lại nhận cái bằng của ông Hoàng Văn Chi về?
- Ấy thế mới chết, lúc ở hội trường, tôi ngồi gần ông Chi, 2 cái bằng để sát nhau, lúc về tôi lấy nhầm bằng của ông Chi... ông Chi lại mang bằng của tôi về tận thành phố Hồ Chí Minh rồi.
- Ông ơi là ông ơi, lều Văn ơi là lều Văn!
- "Cái già cổ... nó làm khổ thân già" vậy đấy bà ạ. 
         Lão lại ngẩn người ra lần nữa ngẫm nghĩ mà xót ruột: trợ cấp thương binh mình được hơn 2 triệu, đi taxi từ nhà đến chỗ bắt xe mất 1 trăm ngàn, đi ô tô 70 ngàn, nằm ở nhà trọ hết trăm mốt, đi xe ôm từ ga Giáp Bát đến trụ sở hết 60 ngàn (lúc về, đi xe buýt chỉ mất có 17 ngàn). Tiếc ơi là tiếc. Lão lại tự nhủ: ban Tổ chức của Quân đội xống xếnh thật... họ cho lộ phí 2 triệu cơ mà, vẫn còn dư. Mình mà ngủ khách sạn thì mất triệu hai. Bỗng lão cười khềnh khệch: không biết mình cũng khôn hay "gờ răng đê" đây?. Năm kia, lão dự thi văn xuôi "Nặng sâu... " mấy chữ gì gì cuối chủ đề nữa..quên rồi.... do hội X... trung ương tổ chức, may không đoạt giải, nếu đoạt thì cái phong bì tiền thưởng không đủ tiền lộ phí đâu... rách việc lắm. Chữ nghĩa thời nay... Cảm ơn ban Tổ chức dự thi quân đội tài trợ cho mình khá hậu hĩnh.
         Bà thấy ông ngây ra như phỗng đực, hình như đọc được điều trăn trở của ông, bà động viên: Thôi đừng... ông ạ .. ./.

 
Vương Văn Kiểm
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
Đt 081. 723. 0806

tin tức liên quan