Sức mạnh từ ý chí và “tinh thần thép”

Ngày đăng: 08:47 09/04/2020 Lượt xem: 502
Sức mạnh từ ý chí và “tinh thần thép”
Bạch Đằng - 05:10 09/04/2020 GMT+7
 
 
         Suckhoedoisong.vn - Trở về sau cuộc chiến với 14 vết thương, 22 lần phải động đến dao kéo với tổng cộng 54% sức vóc để lại chiến trường nhưng nhà báo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lê Bá Dương vẫn miệt mài dùng cây bút và máy ảnh làm “vũ khí” trên “mặt trận” thông tin.

         Có được sức làm việc như vậy là nhờ ý chí và “tinh thần thép” của người lính Cụ Hồ đã từng “vào sinh ra tử” trong những trận chiến ác liệt nhất.

         Nếu ai đó hỏi trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào “mùa hè đỏ lửa” năm 1971 ác liệt thế nào thì xin trích 4 câu thơ bình dị nhưng đã trở thành bất hủ của người cựu binh Lê Bá Dương: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

         Tác giả của những câu thơ ấy, giờ đây cũng đã bước vào tuổi 67, với mái tóc ngả màu sương nhưng dáng đi còn khá nhanh nhẹn, đôi mắt sáng và chất giọng xứ Nghệ ấm áp. Với tư cách phóng viên báo Quân khu 5 rồi báo Văn Hóa thường trú tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và hiện nay là Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Tạp chí Di sản Việt Nam, ông đã rong ruổi đến với những mảnh đất mới để tìm tòi, trải nghiệm làm phong phú thêm những trang viết và kho ảnh của mình. Và có một mảnh đất thiêng liêng luôn thôi thúc, giục giã đôi chân và cả con tim người lính già, đó là quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc, huyện đảo máu thịt của tỉnh Khánh Hòa.

Nhà báo, NSNA Lê Bá Dương trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa.

Nhà báo, NSNA Lê Bá Dương trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa.

         Nhưng cũng thật đặc biệt, trong 4 chuyến ra Trường Sa, ông đều chọn thời điểm vào mùa giông bão khi mà đến cả những người lính biển còn say sóng mà ông lại chẳng hề hấn gì. Nơi đó ông đã chụp hàng ngàn bức ảnh về người lính biển, về biển, trời, đảo nổi, đảo chìm, cỏ cây, chim chóc và những chú chó. 4 chuyến đi Trường Sa, ông đã chụp hàng ngàn bức ảnh chân thật, sinh động, nên thơ mà ở đó người xem có thể thấy được khát vọng, tình yêu của người lính biển; sự gần gũi, thân thiết của con người với thiên nhiên như: “Khát vọng Trường Sa”, “Đất nước ở Trường Sa”, “Nền Tổ quốc”, “Mắt đảo Trường Sa”... Gần đây, từ nguồn cảm hứng về bức ảnh “Ra về nhớ mãi mắt vàng” của ông mà bài thơ “Bơi vào đi” của tác giả Hoàng Hải Lý ra đời và làm “cay mắt” nhiều độc giả.

         Trong cuộc trò chuyện gần đây, ông bảo, có lẽ khi người ta nhận thấy sức khoẻ của mình vốn đã bị giữ lại ở chặng đường đời đã qua và mỗi ngày đang mỗi vơi bớt thì việc hối hả đi, đến và làm việc như một cuộc tự đua nước rút vậy thôi. Với ông, nếu tính chi li, sau khi trừ đi 54% tỷ lệ mất sức vì thương tật thì với 46% còn lại trong chặng đường cuối thì sự lựa chọn những chuyến đi, đến, làm việc cũng là cách thực hiện tâm nguyện sống thay cho những đồng đội đã hy sinh, không còn cơ hội để đi, để đến, để nghĩ và làm những điều nên làm, phải làm. Cái tâm nguyện sống thay đồng đội đúng nghĩa đó cũng chính là nguồn lực giúp ông mải miết với những chuyến đi đây đó, làm được những điều nên làm, đáng làm và phải làm một cách tự nguyện, trách nhiệm một lẽ tự nhiên như ông vẫn nhẩn nha dọc đời: “Cuộc đời là những chuyến đi/ Đi rồi mới biết những gì đã qua/ Đời là những chuyến đi xa/ Có đi mới biết đã qua những gì”.

        Là một nghệ sĩ nhiếp ảnh sở hữu hàng ngàn bức ảnh có giá trị về nhiều vùng miền của Tổ quốc, ông quan niệm một tác phẩm ảnh cũng là một bài viết về cái sự “thấy” từ cái “nhìn” của mỗi người với một sự kiện, sự vật... Đơn giản cùng nhìn vào một sự vật hay sự kiện nhưng tuỳ theo tâm thế, góc nhìn, mỗi người sẽ thấy khác nhau. Phần còn lại là sử dụng nghệ thuật biểu đạt của mỗi người để chuyển tải đến mọi người cái sự thấy của mình. Cái khác biệt của bài viết bằng ảnh so với bài viết bằng mẫu tự là khi bài viết trên không gian ba chiều của ảnh, người viết lại cái sự thấy của mình bằng ngôn ngữ hình ảnh mà thôi. Có lẽ vậy nên cứ mỗi lần bấm máy là ông có ngay một chú thích ảnh bằng nguyên một câu thơ. Và thơ ông thường ngắn như một phần giây đóng mở ống kính máy ảnh để thay vì đọc thì lại xem - xem thơ, ngắm  thơ. Được vậy, bài viết bằng ảnh sẽ không chỉ sống mà còn sống bền với thời gian.

         Ông đã tập hợp hàng trăm bài thơ của những đồng đội đã hy sinh rồi dùng tiền bạn bè cho để in thành “tuyển” thơ liệt sĩ với tựa đề khiêm nhường “Nhật ký trung đoàn viết bằng văn vần”. Thấy ông dùng tiền bạn bè ủng hộ để in thơ của liệt sĩ, đem tặng đơn vị và tặng cho các thân nhân liệt sĩ thờ di cảo của người thân, anh em hối nhắc ông nên có tập thơ riêng của mình. “Hiện tại, tôi đang tập hợp hình thành bản thảo tập thơ Lời người bên sông và hy vọng sẽ in trong năm nay”, NSNA Lê Bá Dương chia sẻ.

         Lê Bá Dương cho biết, ông sống theo “sô lô gan” của riêng mình: “Tôi làm báo trại thơ lều/ Chắp câu, nối chữ để phiêu một mình/ Rong chơi giữa chốn vô tình/ Ta là ta, mãi chính mình ta thôi/ Ngẩng đầu sống giữa cuộc đời/ Nuôi câu ân nghĩa giữ lời thuỷ chung/ Thấy đúng bảo vệ đến cùng/ Thấy sai quyết chẳng riêng chung nhập nhằng”.

Bạch Đằng
(PS sưu tầm)


tin tức liên quan