Chiến tranh và duyên phận - Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Tạo

Ngày đăng: 10:20 28/04/2020 Lượt xem: 595
CHIẾN CÔNG VÀ DUYÊN PHẬN
 
                 Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Tạo

Đêm yên tĩnh. Trường Sơn đại ngàn như mẹ hiền che chở cho đàn con! Tảo nằm võng cạnh với Ần. Tảo nói với Ần:
- Giá như không có chiến tranh chắc chúng mình đang học ở một trường Đại học nào đó rồi nhỉ?
Đôi bạn một thuở cắp sách đến trường, học một lèo đến cuối lớp 10. Có lệnh Tổng động viên! Cả hai đều được cấp bằng tốt nghiệp cấp III. Họ rời quê hương “Núi đọi Sông châu” vào quân ngũ.
Sau khi học lớp ngắn hạn tại Trường Sỹ quan Lục quân, cả hai đều vào chiến trường, cùng kề vai sát cánh trong đơn vị Đặc nhiệm thuộc đơn vị Chủ lực đóng tại miền Tây Quảng Trị, rồi Tây Thừa Thiên Huế…Nhiệm vụ “Bám thắt lưng địch”. Giai đoạn 1966-1968, ở các địa bàn này, nhân dân đều bị dồn vào ấp chiến lược. Chúng thực hiện phương thức “Vành đai trắng” không để “Việt Cộng” có dân. Vì chúng biết: Dân với quân như cá với nước, Không có nước, cá sẽ chết!
Mỹ ngụy quá thâm độc! Nhưng, vỏ quýt dầy thì có móng tay nhọn. Lực lượng đặc nhiệm cùng một số lực lượng khác đã ngày đêm bám địa bàn, bám dân. Biết rằng nguy hiểm, tính mạng của người lính đặc nhiệm giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc!
Có một trận, khi đột nhập vào thị xã Quảng Trị, Tảo và Ần cùng 4 anh em nữa chia nhau thành hai mũi, mỗi mũi ba người, hai mũi trưởng là Tảo và Ần. Màn đêm buông xuống, bật nắp hầm, hai mũi lầm lũi tiến từ bờ một con sông, súng đạn, dao găm, kìm cộng lực, cuộn dây dù…Tiến về một biệt thự, quanh đó ánh đèn đường, đèn bảo vệ ngôi biệt thự sáng trắng…Từng mũi tiến theo kế hoạch vây quanh ngôi biệt thự. Bên trong, ngay ở phía trái biệt thự một con chó béc giê đứng chầu hẫu canh chừng cho chủ. Một gói thịt được quăng vào đúng nơi con béc đứng. Nó cúi xuống và ăn một cách ngon lành. Mấy phút sau con béc nằm xuống, hình như nó đã “ngủ”.
Một mũi từ phía hông bên phải của biệt thự, nơi có một cây xoài khá to, bóng cây che khuất cả một khoảng đất từ tường rào vào tới khu để ga ra ô tô. Tĩnh nặng, hơi rờn rợn!
Mũi ở hông bên trái đã quăng dây có móc lên được tầng hai. Trong nhà tối om cũng tĩnh lặng!
Chả lẽ “chủ” của ngôi nhà này đi vắng? Nơi đột kích duy nhất có thể vào được là cửa nối thông giữa nhà chính và khu phụ, thông với cửa ga ra ô tô. Mũi phải đã cắt xong khóa bên ngoài và mở được cửa. Một chiến sỹ đã lọt vào trong, lần lượt mò được đến phòng ăn ở bếp, phòng khách ở gian giữa! Vẫn yên tĩnh!
Đến lúc này chỉ huy của hai mũi ra ám hiệu rút lui, ra bên ngoài. Nằm bên cạnh bờ tường nơi có cây xoài, bóng tối đang che chở cho các anh.
Như vậy là “chủ” đi vắng! Nhưng buổi chiều hôm sau cơ sở đã báo là vợ chồng hắn có ở nhà.
Y là một tên ác ôn, đã chỉ điểm bắt những cán bộ nằm vùng của cách mạng, bắt nhiều người dân lương thiện khi khả nghi họ là cơ sở của cách mạng. Bên ngoài y đóng giả như một nhà buôn, nhưng thực chất y đã được mật thám cảnh sát ngụy nhồi nhét tư tưởng chống Cộng. Y mù quáng và làm theo một cách mụ mẫm quá như “con chiên ngoan đạo!”…
Không thể để y tồn tại! Bởi, y tồn tại là tai họa còn ập xuống với nhân dân, với cơ sở cách mạng.
Đang mông lung suy nghĩ, Tảo giật mình khi thấy một xe ô tô con từ ngoài đường lớn đang lừ lừ tiến vào cửa ngôi biệt thự. Nhanh như cắt, cả hai mũi triển khai kế hoạch.
Vợ chồng y xuống xe, mở cổng và bước vào sân nhà. Chiếc xe lùi lại và chạy ra đường lớn. Y tới gần con béc giê. Y đá vào bụng nó lẩm bẩm: “Mày coi nhà thế này thì chu cha chỉ còn cái nóc!”. Con béc uể oải, gầm gừ rồi ngủ tiếp! Hắn đi trước, vợ theo sau xách túi đồ và đặt ngay cửa ra vào. Y mở khóa, bước vào nhà… Mọi hành động của vợ chồng y, các anh đều quan sát được.
Quyết không để y tồn tại. Từ hai phía, nhanh như chớp các anh đã ập vào. Mũi từ phía phải nơi có ga ra ô tô lọt vào trước. Mũi còn lại vượt ngay qua nơi con béc đang nằm. Khi vợ y vừa xách cái túi thì một chiến sỹ đã ghì chặt đầu thị với chiếc khăn đã chuẩn bị trước bịt chặt mồm thị lại! Còn y vừa đặt tay bật công tắc điện thì một họng súng đã gí sát bạng sườn. Một tiếng quát đủ nghe:
- Im thì sống! Chống thì chết!
 Y bất động. Lập tức mồm y bị bịt ngay lại bằng mảnh băng dính.
- Mày biết tội của mày rồi đấy. Cách mạng không thể cho mày tiếp tục giết hại nhân dân, giết hại cán bộ cách mạng - Đồ man rợ! Tảo chỉ thẳng vào mặt tên chỉ điểm.
Một phát súng giảm thanh đanh gọn. Y gục xuống! Một tờ giấy đã viết sẵn: “Đáng đời tên ác ôn!” Đặt vào ngực y…
…Khẩn trương rút lui kẻo con béc giê và vợ y tỉnh lại không biết chuyện gì sẽ sảy ra.
Ngay sáng hôm sau, cơ sở cho biết: bọn cảnh sát ngụy, và bọn ngụy quyền, cố vấn Mỹ đã đổ đến, xe cộ rầm rập. Nhiều kẻ bề ngoài như bình thản, nhưng bên trong chúng lo sợ. Biết đâu đến lượt chúng cũng bị sử lý như thế!
Tin tên ác ôn bị tiêu diệt loan truyền làm nức lòng dân chúng. Sau đó chúng lùng sục, trà soát xem Việt Cộng ẩn náu ở đâu mà đột nhập vào một nơi chúng cho là an toàn, nhà cao, cửa kín có hàng rào bao quanh, có cả chó béc giê canh giữ nữa…Thật khủng khiếp!
Chiến công của đội Đặc nhiệm do Tảo và Ần chỉ huy được cấp trên khen thưởng và là bài học kinh nghiệm cho Đội đặc nhiệm.
“Mưu trí, dũng cảm, quyết đoán”!
Cứ thế đơn vị các anh tiến hành các cuộc hành quyết ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam…Việc làm, chiến công…Chỉ có các anh và cấp trên trực tiếp biết được! Nó không ồn ào, không phô trương, nó thầm lặng, thầm lặng đến ghê người. Chỉ những người trong cuộc, những người có thần kinh thép được lựa chọn vào đội quân đặc nhiệm này mới hiểu nổi.
Đến giai đoạn 1971-1972 ở Quảng Nam, đơn vị của các anh luôn ở trong rừng, thiếu thốn mọi thứ. Duy chỉ có súng đạn vẫn được trang bị khá đầy đủ.
Tảo nhớ rõ, đó là tết Nguyên đán 1972. Cứ tưởng dịp Tết là địch đỡ càn quét, lùng sục hơn, nào ngờ chúng ráo riết gom dân triệt để vào ấp chiến lược. Lệnh của trên là phải “rằn mặt” chúng để nhân dân được hưởng cái Tết cổ truyền.
Đơn vị các anh lại đột nhập vào một ấp chiến lược, đúng thời khắc mọi người chuẩn bị giao thừa. Ấp chiến lược đó ngay sát tỉnh lỵ Quảng Nam. Từ chỉ huy đến lính tráng cai quản bị ở đây bị tiêu diệt. Cả ấp như đàn ong vỡ tổ. Nhân dân ùa ra khỏi ấp.
Một thời gian sau, tại một quả núi cao, bên trên địch dùng máy bay lên thẳng thả bọn tinh nhuệ của Mỹ xuống. Chúng quyết tiêu diệt một lực lượng lớn của ta, chúng nghi đang ở quả núi này? Ở dưới chân núi, một tiểu đoàn lính ngụy, cũng thuộc loại tinh nhuệ, được trang bị cả xe bọc thép, chúng cho rằng lần này thì “Việt Cộng” không thể thoát!
Tảo và đồng đội hồi hộp đến cực độ. Bọn giặc ở trên đỉnh núi đánh ép xuống, bên dưới đánh lên. Các anh ở giữa. Chỉ có rừng núi là bùa hậu mệnh cho các anh! Lúc này, Tảo nhớ tới Ần. Giá như Tảo ở cùng với Ần thì chắc chắn sẽ chụm đầu vào nhau tìm phương kế! Từ sau trận đánh vào ấp chiến lược ở Quảng Nam tết Nguyên đán 1972, Ần được cấp trên điều đi làm Đại đội trưởng một đơn vị Đặc nhiệm tiến sâu vào Sài Gòn Gia định và liên tiếp có những chiến công oanh liệt từ bài học kinh nghiệm “mưu trí, dũng cảm, quyết đoán”. Nhưng lúc này đây, không phải là đột nhập mà là đối đầu!
So sánh lực lượng, một chống 10, 20. Giặc đông như kiến cỏ. Còn Tảo chỉ có vẻn vẹn có 12 người. Với phương châm: “bám chặt thắt lưng địch mà đánh”, Tảo chỉ huy anh em di chuyển lên cao, bám sát nơi quân Mỹ từ trực thăng vừa đổ xuống. Phân công cho 3 người ở lại lưng trừng núi. Đây là ngòi nổ cho cuộc tấn công.
Lũ lính ngụy ào ào tiến lên. Xe bọc thép leo dốc, chĩa nòng pháo lên lưng chừng núi yểm trợ cho lũ lính “tinh nhuệ” xông lên!
Hàng loạt AK, rồi lựu đạn xả thẳng vào đội hình là lính ngụy. Chúng bị bất ngờ chết như ngả rạ.
Lập tức đạn từ các xe bọc thép khạc lửa, tiếp đó là các loại đạn cối của giặc nã vào nơi tổ tam tam đang nổ súng! Chúng lại choáng váng khi hai quả B40 và B41 thiêu cháy luôn hai xe bọc thép …
Tiếng la ó ầm ỹ: Bắt, bắt …Ba chiến sỹ lao ngược lên phía trên, nơi có một rặng cây cổ thụ ở đó có một loạt hang, hốc đá các anh đã trinh sát trước. Bọn ngụy ào ào đuổi theo. Than ôi! Chúng ở dưới ngẩng mặt lên, Các anh ở trên nhìn xuống. Từng loạt AK khiến chúng khựng lại, la ó. Nhiều tên trúng đạn lăn xuống sườn núi. Tưởng ăn tươi nuốt sống được các anh, nào ngờ, chiến thuật đánh ở rừng núi nó có giống như ở đồng bằng đâu.
Cả khu đồi núi khói đạn mịt mù. Đạn cối, đạn pháo, cả rốc két từ máy bay đổ xuống nơi hai bên giao tranh. Các anh đã rút về vị trí dự bị theo kế hoạch. Lúc này bọn Mỹ ở trên núi cũng trút lựu đạn, súng máy xả xuống nơi chiến trận ở lưng trừng núi! “Gậy ông lại đập lưng ông!”. Bọn ngụy kêu la và thông báo là Mỹ và ngụy đã “choảng nhầm” vào nhau rồi…
…Màn đêm buông xuống. Máy bay tuần tiễu thả pháo sáng, bắn rốc két vào nơi chúng nghi “Việt Cộng” ẩn náu. Sự “phung phí” đạn bom của bọn phi công là vậy!
Cả đơn vị luồn rừng rút về căn cứ. Một số đồng chí bị thương do mảnh đạn cối, đạn pháo…Tảo và đồng đội bụng đói, mắt như mờ đi…Khi xoong cháo củ mài nấu với thịt hộp được chia đều để mọi người “thưởng thức”, họ nhìn nhau mãn nguyện! Không ngờ đánh Mỹ, đánh ngụy có trận lại kịch tích như vậy!
Có lẽ chỉ có người trong cuộc mới hiểu nổi! Cha ông ta cũng đã từng có cách đánh còn tài tình hơn thế nhiều. Khi địch đã rơi vào thiên la địa võng mà ta chủ động thì không phải chỉ có hàng chục mà hàng trăm, hàng ngàn tên sẽ bị tiêu diệt! Quân ta thì vẫn an toàn hoặc có mất mát hy sinh nhưng không lớn. Đó là cách đánh của một lực lượng “xuất quỷ nhập thần”.
Sau đấy là cuộc hành quân gấp di chuyển vào Sài Gòn - Gia định.
Một loạt những trận đánh, Tảo là Đại đội phó được phân công dẫn một trung đội đột nhập vào khu vực gần Thủ Đức. Tại đây các cơ sở của ta đã chờ đón. Lúc này sỹ quan, binh lính ngụy và cả quân Mỹ đã đổ về các đô thị. Chúng đã bị đẩy lùi dần từ những vùng rừng núi, kể cả vùng đồng bằng xa cách nơi đồn bốt, khu vực đóng quân của ngụy và của Mỹ về sát đo thị. Bọn Mỹ hầu như chỉ còn đóng vai trò “Cố vấn”. Chúng không muốn bỏ mạng ở chiến trường miền Nam Việt Nam nữa. Chúng nhạy cảm trước sự tiến triển trên bàn đàm phán ở Pa ri. Thế và lực trên chiến trường là lợi thế nghiêng hẳn về phía Bắc Việt là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Bằng nhiều cách đánh, lực lượng đặc nhiệm, đặc công cùng lực lượng an ninh cùng biệt động thành…Choảng cho bọn ngụy, bọn Mỹ những đòn kinh hoàng.
Hàng loạt ngụy quân đã đảo ngũ, nhiều tên trong hàng ngũ ngụy quyền cũng đã rời bỏ nhiệm sở…
Dấu hiệu sự sụp đổ của bộ máy chế độ Sài Gòn từ Trung ương tới địa phương đã bộc lộ rõ. Dấu hiệu này, lực lượng an ninh, biệt động, đặc nhiệm, đặc công đã linh cảm và nhận thấy từ tết nguyên đán 1975!
*          *
    *
…Sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tảo được trở về Miền Bắc, về lại nơi những ngày đầu nhập ngũ - Trường sỹ quan Lục quân ở Sơn Tây.
Một lần về nghỉ phép, em gái Tảo đã dẫn một người bạn về nhà chơi. Hương, người bạn của em gái Tảo là giáo viên cấp II. Hương được em gái Tảo kể khá tỷ mỷ về anh mình, nên khi tiếp xúc, Hương không quá ngỡ ngàng. Tảo cũng được em gái báo trước qua những lá thư gửi anh trai…Bởi vậy cũng nhanh chóng có cảm tình với nhau.
Trong thời gian Tảo làm giảng viên ở trường, nhiều học viên rất muốn nghe Tảo kể về những chiến công của lực lượng Đặc nhiệm. Có học viên quý mến Tảo, cũng mon men gạ gẫm…có ý định “giới thiệu” chị gái mình làm bạn với Tảo. Lúc này một sỹ quan Đặc nhiệm Huân chương đầy ngực, quân hàm Thượng úy quý như mỳ chính cánh vậy!
Tảo luôn nhận được thư của Hương. Tảo cũng chăm chỉ viết thư trả lời. Thế rồi họ đã “bén duyên”.
Mùa xuân 1976, lần đầu tiên đoàn tàu Thống nhất Bắc Nam nối liền Hà Nội - Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh). Tảo có chuyến công tác phía Nam. Anh đi bằng tàu hỏa. Hương cũng được mời đi cùng. Niềm hân hoan vô hạn đối với Hương! Lần đầu tiên được thỏa sức ngắm nhìn, chiêm ngưỡng núi sông, bờ cõi đất nước từ Thủ đô Hà Nội đến Thành phố mang tên Bác!
Sau chuyến đi ấy, tất cả bố mẹ Tảo, bố mẹ Hương và anh chị em của hai bên gia đình đều hy vọng và tin tưởng đến một ngày nào đó sẽ tổ chức lễ thành hôn cho Tảo và Hương!
…Nhưng rồi năm tháng cứ qua đi, chuyện thành hôn của đôi trai gái chưa hề có một tín hiệu khả quan nào? Nhiều lần gặp nhau, Hương chủ động gợi ý, nhưng Tảo im lặng hoặc lẳng đi chuyện khác! Thật khó hiểu về con người Tảo.
Khi tảo được chuyển về Bộ Tư lệnh Thủ đô, cự ly từ nơi công tác về gia đình rút ngắn thuận lợi cho việc thường xuyên tháng hoặc tuần Tảo có dịp về thăm nhà. Lúc đó bố mẹ Tảo đã thực sự nóng lòng và đem chuyện “vợ con” nói với Tảo. Tảo chỉ nói với bố mẹ hãy từ từ. Con còn phải phấn đấu.
Làng xóm ai cũng khen đôi trai gái “Tảo - Hương” đẹp đôi quá. Hương cũng không hiểu vì sao tình cảm giữa hai người không tiến triển hơn được? Nhiều đêm Hương cố suy xét xem mình có lỗi gì với Tảo? Có lần gặp nhau Hương đã khóc và nói với Tảo “Em có lỗi gì với anh phải không?”
- Không, em không có lỗi gì. Tảo nói vậy.
 Có lẽ chỉ có Tảo là người thấy được căn nguyên của sự bế tắc trong tình yêu giữa Tảo và Hương! Nhiều tháng ngày Tảo trăn trở, Tảo mang chuyện của mình tâm sự với bạn hữu, có cả những y, bác sỹ. Một loạt những cuộc khám, xét nghiệm một cách âm thầm “sau những lần bị ốm” từ ngày trở lại trường.
Tảo đã bị nhiễm chất độc màu da cam, và kèm theo là tiền liệt tuyến! Nhưng Tảo vẫn bình tĩnh - Đó là hậu quả của chiến tranh, không phải lỗi của Tảo! Chỉ có điều Tảo day dứt: “Nếu mình cứ lấy Hương, sẽ được người vợ trẻ đẹp, có kiến thức, có công ăn việc làm. Cuộc sống sẽ ung dung. Chồng Đại úy quân đội, vợ Giáo viên cấp II thật tuyệt vời! Nhưng mình là một quân nhân cách mạng, đã từng lăn xả vào nơi hiểm nguy để tiệt trừ cái ác! Mang lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Vì mình bị ảnh hưởng chất độc da cam, bị tiền liệt tuyến. Mình có mang lại hạnh phúc cho Hương được không? Nếu như có con, nhưng nó là những sinh linh không hoàn chỉnh rồi cả đời nuôi con tàn tật vậy có cam lòng không?...”
Giải phóng cho Hương! Cũng là cứu vớt hạnh phúc cho một con người. Phần thiệt sẽ thuộc về mình. Nhưng không còn cách nào khác!
 
*          *
    *
 
         Sau gần 5 năm yêu nhau, cả hai đều quý mến nhau. Nhiều người khen đẹp đôi, hai bên gia đình chờ mong ngày làm lễ thành hôn của hai người!
Một chiều thứ bẩy. Tảo rủ Hương đi lễ chùa. Hương vui lắm. Khấp khởi mừng thầm. Chắc anh ấy quyết định vấn đề “hệ trọng” về cuộc đời của hai người chăng?
Tảo chủ động dẫn Hương vào chùa. Cả hai đứng ngay ngắn trước ban thờ Phật. Họ chắp tay trước ngực, mắt nhìn lên tượng Phật. Tảo lẩm nhẩm: “Nam mô a di đà Phật! Nam mô a di đà Phật! Nam mô a di đà Phật! Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương. Hôm nay là ngày…
…Khi ra khỏi chùa, Tảo cầm tay Hương đi trên con đường có hàng cây hoa lan, hoa đại, cây bàng xen nhau. Hương hoa đại dịu êm! Nhưng Hương thấy xốn sang, phấp phỏng?
Thế rồi Tảo nói với Hương:
- Hôm nay anh phải nói thật với em về quan hệ của chúng mình nhé! Hương ngơ ngác.
- Anh và em không thể ở bên nhau được đâu! Tảo vừa nói xong, Hương sững lại, trố mắt nhìn vào mắt Tảo.
- Tại sao vậy anh? Hương hỏi Tảo.
- Tại anh! Tảo nói vậy.
- Chắc anh lại có người nào rồi phải không? Hương như muốn thét lên!
- Không, không! Anh không có ai cả.
- Vậy thì tại sao? Hương lại thét lên.
- Anh thương yêu em lắm nhưng số phận không cho anh được ở gần em. Em hãy tìm người yêu xứng đáng với em và xây đắp hạnh phúc vợ chồng em nhé!…
… Sau khi chia tay, về tới nhà Hương lao ngay vào buồng. Hương nằm vật xuống giường. Ôm lấy chiếc gối ập vào mặt khóc nức nở! Chết lặng.
Nghe tiếng khóc, mẹ Hương lao vào. Sao vậy con ơi! Bà vừa nói, vừa ngồi xuống cạnh Hương, lật ngửa Hương lại, dựng Hương dậy, bà ôm Hương vào lòng âu yếm! Sao? Có việc gì con nói cho mẹ biết đi?
Vừa khóc Hương vừa nói với mẹ:
- Anh Tảo chia tay con rồi!
- Sao lại thế? - Mẹ Hương gặng hỏi?
- Anh ấy nói anh ấy bị bệnh vô sinh! Hương nói vậy.
- Có thật thế không? Hay tại lý do gì? Mẹ Hương như đay nghiến!
Sau lần đi lễ chùa, Tảo và Hương còn viết cho nhau vài lá thư nữa. Hương như muốn “cứu vãn” tình thế! Nhưng Tảo đã dứt khoát!..Đôi trai gái chia tay nhau đã gây dư luận xôn xao ở một vùng quê! Những con mắt không thiện cảm luôn lém về phía Hương. Ngược lại, Tảo và gia đình cũng nhận được những lời phàn nàn, chê trách “lòng dạ đổi thay”-  của nhiều người!
 
*          *
    *
Ngày tháng trôi đi, Hương cũng trườn mình theo năm tháng! Có lúc bố mẹ Hương lo lắng sợ Hương trầm cảm! Tới vài năm sau, Hương nguôi ngoai và bình tâm trở lại.
Hình như số phận Hương cứ phải gắn với đời người lính. Chiến cùng trang lứa như Tảo, sau khi giải phóng miền Nam, anh tiếp tục chiến đấu chống quân bành chướng phương Bắc trở về. Chiến được chuyển ngành về công tác ở một cơ quan của tỉnh và như duyên số, trong một dịp hội xuân, họ gặp nhau và rồi kết bạn!
Hai năm sau một cuộc hôn nhân chân thành được tổ chức. Tảo không về được Tảo nhờ em gái chuyển quà mừng tới Chiến và Hương!
     Như mạ già ruộng ngấu. Một năm sau Hương sinh một hoàng tử niềm vui tràn ngập của Chiến và Hương, gia đình nội, ngoại!
Tảo đã có quà mừng gửi vợ chồng Hương và “hoàng tử!”
Hương không thể hiểu nổi, khi được tin Hương sinh con - Tảo vui sướng đến nhường nào! Đó là niềm vui của lòng nhân ái.
 
*          *
    *
 Thấm thoát thế mà đã hơn 40 năm! Cuộc đời một người lính Thượng tá Tảo trở về với gia đình. Tảo yêu bố mẹ Tảo lắm! Cả đời ông bà lam lũ nuôi hai người con. Giờ đây con gái đã có hai con một gái, một trai, chúng đều đã đi học. Cháu lớn đã bước vào phổ thông trung học, gia đình hạnh phúc. Những lúc con gái bà ngồi với bà phần lớn những lời tâm sự là thương cho Tảo. Chiến tranh tàn khốc quá! Chỉ có những người thân, hoặc những người đi từng năm tháng trong chiến tranh mới thấu hiểu nổi, về sự hy sinh mất mát đó!
Tảo nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống của gia đình và quê hương. Đây là bến đậu cuộc đời! Tảo xin nhập Hội Cựu chiến binh, rồi Hội Khuyến học của xã và làm quen với những người đang làm giầu trên chính mảnh đất quê hương mình…Hơn một năm sau, Tảo báo cáo chính quyền, địa phương và đề nghị xin đổi ruộng cấy lúa ngoài đồng để lấy cái đầm nhỏ của hợp tác xã sát cạnh đất ở gia đình. Mọi việc đều được chấp thuận. Cởi áo lính, mặc áo nông dân, Tảo thuê người cùng Tảo nạo vét xây kè và mô hình đưới thả cá, trên trồng cây và chuồng nuôi vịt gà…
Tảo luôn tâm sự với bố mẹ:
     - Con sẽ làm tất cả để bù đắp lại công lao bố mẹ đã sinh ra anh em con. Hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc đó chỉ là một thời! Còn phụng sự mẹ cha là lẽ đời phải vậy.
Từ ngày Tảo về bố mẹ Tảo khỏe hẳn lên. Bố mẹ anh đã gần 80. Hai cụ ngày đêm theo sát mọi việc mà Tảo đang làm. Gia đình sung túc, nhà cửa được sửa sang khang trang, đường ngõ chung với những gia đình đi cùng sạch đẹp. Nhà cửa Tảo cũng được “nâng cấp”. Việc gì Tảo trao đổi, đề đạt, những gia đình ở cạnh nhau hầu như đều đồng ý. Hàng xóm láng giềng quý mến, trân trọng về một cựu chiến binh hiền lành, đức độ.
Mọi người chỉ tiếc, Tảo khỏe mạnh, tráng kiện, trí tuệ! Thế mà “ế vợ”. Băn khoăn ray rứt nhất là bố mẹ và cô em gái! Từ trước khi Tảo có ý định khi nghỉ hưu sẽ về quê. Cô em gái bắt đầu trăn trở, lùng sục và chấm điểm những “công chúa” lỡ thì hoặc vì hoàn cảnh nào đó mà đang sống cô đơn để lo “chuyện” cho anh mình. Trong số những người trong “sổ vàng” của cô em, có tiểu Tần, chạc ngoài 30. Do tình duyên trắc trở, bị người yêu phản bội. Nàng đã xuống tóc và nhập vào cõi tu hành. Đã gần 10 năm nay cô ở trong chùa. Tần luôn được các sư, các thầy và phật tử quý mến. Tần đẹp người, đẹp nết. Em gái Tảo đã có lần dự bữa cơm chay của nhà chùa nhân dịp lễ Phật Đản và nhiều ngày rằm, mùng một khi tới thắp hương ở chùa. Cô đều cố tìm gặp và tâm sự với Tần. Bởi vậy hai người quý mến nhau.
Ngay sau khi anh trai về, cô em gái đã mon men “bật mý” khi gặp gỡ tiểu Tần. Tiểu đã tâm sự về cuộc đời và có đoạn về cuộc tình dang dở và Tần thề sẽ không bao giờ “gần gũi” với đàn ông nữa!
Do tâm tính của Tảo cũng thích những nơi yên ả, nơi có hoạt động tâm linh. Việc đi vãn cảnh chùa đối với Tảo là điều thú vị. Tảo thích nghe hát văn, nghe những giá đồng sao động lòng người. Ở đó có nhiều mặt tốt, dạy người ta cách sống, dạy làm việc từ thiện, dạy làm người lương thiện…
Về Tiểu Tần, Tảo cũng đã gặp từ những ngày còn đang ở quân ngũ khi về chơi, về phép khi Tảo đến chùa những ngày đó. Giờ đây cô em gái lại “bật mý” về đời tư của Tần. Tảo thỏang nghĩ! Ngày ở chiến trường, nhiệm vụ đột nhập vào nơi hang hùm, miệng cọp để tiễu trừ cái ác mình và đồng đội đều chiến thắng. Lẽ nào ở cõi trầm tục này mình không thể cứu vãn một con người, một cuộc đời ra khỏi cõi trầm luân, để trả lại với đời của một người bất hạnh như thế ư?
Nhân tâm thắng thế! Chưa đầy một năm tiếp xúc với Tảo, Tần đã xuôi lòng và âm thầm nuôi tóc. Cứ mỗi dịp Tảo đến chùa, Tảo dành thời gian làm các nghi lễ, từ đặt lễ vật thắp hương ở ban thờ Đức ông trước, sau đó khấn vái rồi đi thắp hương ở các ban thờ khác và cuối cùng là nhà thờ Tổ (Nhà Hậu). Và dừng lại khá lâu ở nhà khách nói chuyện với Sư, Tăng trụ trì. Đặc biệt với tiểu Tần.
Lòng kiên trì, với phương châm “mưa lâu thấm dần”.
Sau gần 5 năm, Tảo đã thành công. Tảo đưa Tần từ cõi Phật tới cõi tình và về với cõi đời! Họ sống với nhau đã hơn 5 năm rồi…Cả hai bên tâm nguyện: Sẽ sống mãi mãi bên nhau, thương yêu nhau trọn đời để bù đắp cho nhau qua những tháng ngày gian nan vất vả. Chồng thì bị di chứng chiến tranh, vợ thì bị bạc tình…Nhưng niềm vui tràn ngập là đất nước đã hòa bình, thống nhất!
 
                                           Đại tá Nguyễn Trọng Tạo
                                    HỘI VIÊN Hội VHNT TS VIỆT NAM 

 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan