"Bài thơ gợi nhớ kỷ niệm Trường Sơn". Tác giả: Nguyễn Sơn Hải
Bài thơ gợi nhớ kỷ niệm Trường Sơn
Tình cờ một ngày hè tháng bảy tôi đọc được bài thơ của nhà thơ Hoàng Đại Nhân – Bài thơ đưa tôi trở về một kỷ niệm khó quên thời ở Trường Sơn, đó là vào mùa mưa 1971 tôi vừa vượt qua một cơn sốt rét ác tính, thoát được lưỡi hái tử thần, nhưng suốt hơn 10 ngày toàn là măng rừng với củ chuối, thèm được ăn một bữa rau vô cùng, một buổi sáng ấy tôi ngồi dậy được nhìn ra ngoài qua ngưỡng cửa nhà hầm nửa nổi, nửa chìm thấy chùm tia nắng như những thỏi bạc màu trắng đục, mà ước được ra ngồi đón những tia nắng một tý, nhưng đôi chân tay run lẩy bẩy, miệng thì khô rát, tôi sực nhớ nhà nhớ những vạt rau xanh ngắt trong ruộng nhà, thèm quá tôi lia ngang đầu lưỡi cho đôi môi đỡ khô rát thì anh Quang nuôi quân chắc đi từ nhà bếp lên, trên tay Anh là một chiếc ăng gô, đang phả khói, tôi chưa kịp hỏi anh thì đã nghe anh nói, giọng Hà Tĩnh dứt khoát mà ấm áp, nhẹ nhàng mà chứa đựng yêu thương : “Tau mang cho mi bát canh rau vừa kiếm được ngoài bờ suối, ăn rau này đứt khạt phải tỉnh” anh nói pha chút tiếng Lào. Ôi! Tôi như trong mơ, thật là cầu được ước thấy, tôi nhìn vào ăng gô canh rau nước màu tím nhạt chưa biết là rau gì nhưng thôi, tôi đang cần rau mà, tuy hơi nóng nhưng anh cũng bảo tôi : ăn đi rau sam đấy giải nhiệt đã lắm, cái thứ này cũng khó kiếm lắm, may mà từ suối lên nhìn thấy chúng bên khe đá, vậy là tau nghĩ ngay đến bát canh rau cho mi,
Tôi mừng khôn tả xiết, miệng ăn những miếng rau man mát hơi có vị chua, nhưng tôi ăn ngon và ngọt lắm… Bát canh ở đây không hẳn là bát canh hiện hữu mà điều đáng nói hơn cả đó là tình cảm và sự chăm sóc của anh Quang người lính nuôi quân già (anh hơn tôi đến gần 10 tuổi, anh nhập ngũ năm 1963). Đúng như anh nói tôi ăn một lèo hết ăng gô canh rau sam anh kiếm về và nấu cho tôi ăn, hôm sau tôi tỉnh hẳn, không bị run chân tay nhiều nữa. Đúng là rau sam không chỉ là rau mà còn là một vị thuốc giải nhiệt và tăng lực nữa, đó cũng là một kỷ niệm rất đáng nhớ của tôi ở Binh trạm 44.
Và hôm nay tôi gặp lại rau sam trong một bài thơ của người lính Trường Sơn, tôi thấy sâu sắc quá, các bạn hãy cùng tôi đọc lại một lần để thấy hết sự trải nghiệm của tác giả, anh tản mạn vuốt ve những nhánh cây:
“Mọc hoang nơi mép đường”
giành giật cuộc sống bên khe đá, chen với cỏ dại để tồn tại, lớn lên bởi chắt gạn từng hơi sương, mà vẫn nở hoa vàng rực rỡ, màu vàng màu của niềm tin và hy vọng hay đúng hơn là “màu bất tử” cho nên nó là cây thuốc quý cho con người tăng thêm sinh lực sau cơn suy nhược, một loài cây yếu mềm mọc trên khe đá.
“Vẫn vươn lên bền bỉ
Lá mướt xanh lạ thường”
vượt qua bao nhiêu khắt khe trong cuộc trường sinh để vươn lên, nở hoa thắm mang lợi ích cho người
“Cánh hoa vàng dễ thương
Một loài cây thuốc quý”
Và từ loài cây hoang dại, yếu mềm mà có sức sống mãnh liệt đó, anh đã khéo léo nhân cách đưa ta vào một tư tưởng ý chí kiên trung, không sợ khó không sợ khổ, để vươn lên trong cuộc sống, như đoạn kết anh đã nói lên tất cả
“Ngẫm từ loài cây cỏ
Ta luyện thêm chí bền”
Cảm ơn Tác giả đã cho tôi nhớ về một kỷ niệm giữa rừng Trường Sơn, và một mẫu hình ý thức hệ từ khó khăn gian khổ vươn lên để cuộc sống nhiều hoa thơm và trái ngọt, đức tính ấy cũng là liều thuốc quý cho đời.
Nguyễn Sơn Hải
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
CÂY RAU SAM TRÊN ĐÁ
Thơ Hoàng Đại Nhân
(Phút tản mạn cùng cỏ cây)
Chẳng cần người chăm sóc
Chẳng cần người xót thương
Chen mình cùng cỏ dại
Mọc hoang nơi mép đường
*
Dưỡng chất nhờ không khí
Hút ẩm nhờ hơi sương
Vẫn vươn lên bền bỉ
Lá mướt xanh, lạ thường.
*
Nghĩ một điều thật lạ
Về loài rau dại này
Mang về trồng, chăm sóc
Vài ngày là chết ngay
*
Cây rau sam trên đá
Cánh hoa vàng dễ thương
Một loài cây thuốc quý
Mọc hoang nơi mép đường.
*
Một loài rau hoang dại
Tự mình vươn lớn lên
Ngẫm từ loài cây cỏ
Ta luyện thêm chí bền.