"Từ những giấc mơ, anh về". Bút ký của Phạm Hồng Loan

Ngày đăng: 04:32 25/07/2020 Lượt xem: 581
TỪ NHỮNG GIẤC MƠ,  ANH VỀ
Bút ký
 
         Sau 27 năm đằng đẵng xa quê, Liệt sĩ Nguyễn Thế Quang trở về quê hương nhưng không phải trong tiếng kèn chiến thắng mà trong tiếng kèn đồng với những nghi thức quân đội. Người em rể Trần Trọng Vũ- cũng là một Cựu chiến binh, kể cho chúng tôi nghe về hành trình đi tìm anh về với gia đình qua những giấc mơ.
          Sau khi tốt nghiệp trường cấp III Lê Hồng Phong (Nam Định), Nguyễn Thế Quang thi vào trường Đại học Y. Tháng 5/1971, anh tạm biệt quê hương, gia đình, bạn bè, lên đường chiến đấu. Vào quân đội, anh được cử đi học lớp y tá. Đơn vị của anh đóng quân ở Thái Bình. Sau đợt huấn luyện, anh được lệnh vào miền Nam chiến đấu. Mải miết hành quân từ Thái Bình, qua phà Tân Đệ, anh như bừng tỉnh. Quê hương đây rồi. Ở nhà, chắc mẹ và các anh chị em đang mong ngóng anh đêm ngày. Anh gặp ban chỉ huy, bày tỏ nguyện vọng được ghé qua nhà, dù chỉ trong giây phút. Người chỉ huy trưởng gật đầu:
- Cho phép đồng chí về nhà, nhưng không được trễ hẹn vì thời gian của chúng ta không có nhiều.
Anh băng qua bao dãy phố, tìm về ngõ nhỏ quen thuộc (Ngõ Yên Thế, Hàng Tiện, thành phố Nam Định), nơi chứa đựng bao tình cảm gia đình, bạn bè  từ thuở ấu thơ. Nơi đầy ắp kỉ niệm của một thời cắp sách đến trường. Đây căn nhà nhỏ thân quen. Anh ùa vào, nghĩ đến giây phút ôm lấy bờ vai nhỏ nhắn của mẹ mà trào nước mắt. Nhưng anh chợt sững người. Cả nhà đi vắng, chỉ có bé Hiền ở nhà. Làm sao gặp được mẹ đây? Anh nhìn đồng hồ. Đã hết thời gian. Anh ôm chặt đứa em gái bé nhỏ vào lòng:
- Anh phải đi cho kịp đơn vị. Em nói với bố mẹ và mọi người là anh vẫn khoẻ. Đừng buồn, đừng nghĩ ngợi nhiều về anh nhé. Chiến thắng quân giặc, anh sẽ về. Nhét vào tay em phong lương khô, anh vội vã ra đi.
          Tháng 7/1972, gia đình nhận được giấy báo tử của đơn vị gửi về. Nỗi đau thương, mất mát bao trùm lên căn nhà bé nhỏ. Nhưng biết làm sao, bởi chiến tranh là mất mát, là đau thương.
          Sau ngày đất nước giải phóng, ước mong cháy bỏng của mẹ là đưa được anh về với quê hương. Nhưng tìm anh ở đâu giữa những nơi trước kia bom cày, đạn xới? Tìm anh nơi đâu khi thông tin về anh thật mơ hồ với dòng chữ vô cảm trên giấy báo tử: Hy sinh tại mặt trận phía Nam. Thôi thì đành đợi đến dịp 27/7 xem có thêm thông tin gì mới. Bao năm trôi qua, bao năm mẹ mòn mỏi đợi chờ trong vô vọng để rồi ra đi khi nguyện vọng cuối cùng là đưa anh về với gia đình không đạt được.


(Ảnh minh họa)
 
          Thế rồi một chuyện bất ngờ đã xảy ra. Một hôm, vào khoảng tháng 2/2008, người con trai của anh Trần Trọng Vũ nói với bố:
- Bố ơi, không hiểu sao đêm qua con nằm mơ thấy bác Quang. Bác nói: “Bác đang ở Quảng Trị, bị cụt một tay. Cháu hãy nói với bố mẹ vào đưa bác về.”
      Cả nhà bàng hoàng, bán tín bán nghi. Liệu giấc mơ của người cháu có đúng không? Có đúng là bác đã hiện về báo tin cho gia đình không? Nhưng nếu đi tìm thì phải bắt đầu từ đâu? Bao câu hỏi đặt ra, không có lời giải đáp. Trong lúc mọi người đang lưỡng lự thì một hôm, người con trai lại nói: “Bố ơi, đêm qua con lại thấy bác Quang về. Bác bảo: “Sao bác đã nói thế mà cháu không nói cho bố mẹ làm hồ sơ đưa bác về?” “ Thưa bác, bố mẹ cháu đang làm hồ sơ, chờ họ duyệt rồi sẽ vào đưa bác về ạ.” “ Được rồi, bảo bố mẹ là đi theo con đường to, đến ngã ba rẽ phải sẽ thấy hai hàng cây rậm, bên trái có một căn nhà nhỏ. Đến tượng đài rẽ phải. Bác nằm ở lô số 12, hàng số 2, mộ số 14”.
          Trong thời gian đó, gia đình nghe tin có một người quen ở Hà Tĩnh vừa đi tìm hài cốt liệt sĩ về. Anh Vũ gọi điện để tìm hiểu tình hình. Người đó cho anh số điện thoại của Trung tâm đón tiếp thân  nhân liệt sĩ ở Đông Hà (Quảng Trị) để liên hệ và nhờ tìm kiếm giúp. Anh lập tức điện vào, gặp cán bộ Trung tâm đề đạt nguyện vọng của gia đình và cung cấp mọi thông tin về liệt sĩ Nguyễn Thế Quang. Người cán bộ của Trung tâm hẹn một tháng sau sẽ trả lời.
          Trong lúc cả nhà đang hồi hộp đợi chờ tin tức thì một hôm người con trai lại nói với bố: “Bố ơi, đêm qua con lại mơ thấy bác Quang. Bác nói: “Sao không bảo bố mẹ đưa bác về? Bác đợi lâu lắm rồi.”
          Nghe con  nói,  anh Vũ điện thoại luôn cho Trung tâm đón tiếp thân nhân liệt sĩ. Người cán bộ trả lời:
- Chúng tôi đã đi tìm khắp 72 nghĩa trang liệt sĩ, chỉ duy nhất có một nghĩa trang ở xã Hải Lăng huyện Hải Thượng có tên liệt sĩ Nguyễn Thế Quang. Đối chiếu thông tin gia đình cung cấp và thông tin trên bia mộ, chúng tôi thấy trùng khớp, chỉ khác là trên bia mộ có địa chỉ quê, nhưng không ghi số nhà. Nhưng chúng tôi linh cảm đây chính là người mà gia đình đang tìm kiếm.
          Ngay lập tức, hai vợ chồng anh cùng người chị cả lên đường vào Quảng Trị. Đến nơi, mọi người được đón tiếp ân cần, chu đáo. Anh Chí -Giám đốc trung tâm nói với anh:
- Ngày mai, gia đình sẽ đến nghĩa trang xã Hải Lăng để tìm liệt sĩ. Anh có muốn mượn ô tô của tôi để đi không?
Anh Vũ ngạc nhiên:
- Anh biết tôi là ai không mà dám cho mượn xe?
- Nhìn các anh chị đây là tôi biết anh là người tốt rồi. Cái xe 7 chỗ này tôi mới mua hơn một tỉ, anh chỉ cần đổ xăng vào để đi. Hơn nữa anh là lái xe Trường Sơn thì tôi yên tâm rồi.
- Rất cảm ơn tấm lòng hào hiệp của anh. Nhưng tôi chỉ dám phiền anh một việc. Đó là anh cho chúng tôi mượn một xe khác, một người lái xe thông thuộc đường sá để đưa chúng tôi đi. Mọi chi phí, gia đình tôi sẽ lo chu toàn.
          Ngày hôm sau, anh  vào Uỷ ban nhân dân xã Hải Lăng làm việc với bộ phận chính sách - xã hội rồi tiếp tục lên đường. Ngồi cạnh người lái xe, anh Vũ hồi hộp quan sát cảnh vật trên đường. Trong tâm trí anh như hiện lên lời chỉ dẫn của  liệt sĩ Quang qua lời nói của con trai. Đây rồi, ngã ba rẽ phải. Kia, hàng bạch đàn xum xuê toả bóng dẫn vào nghĩa trang. Bên trái là nhà quản trang. Anh xuống xe gặp người quản trang trình bày mục đích của chuyến đi.
- Các anh chị có cần tôi hướng dẫn không?
- Không ạ. Chỉ xin anh cho biết lô 12 ở phía nào ạ?
- Đây là lô 9, lô 10, lô 11, lô 12 ở phía kia
          Nghe như tiếng liệt sĩ Quang văng vẳng bên tai anh Vũ: “Đến tượng đài rẽ phải. Bác nằm ở lô số 12, hàng số 2, mộ số 14”. Tim mọi người như đập dồn dập theo từng bước chân. Lát sau nấm mộ số 14 hiện ra. Anh đây rồi. Người con yêu thương mà bao năm mẹ mỏi mòn ngóng trông đây rồi. Bao cảm xúc nghẹn ngào vỡ oà trong những dòng nước mắt.
          Trở về Trung tâm nghỉ ngơi nhưng anh Vũ vẫn không yên tâm. Anh tìm đến Tỉnh đội Quảng Trị để tìm hiểu thêm. Biết đâu ở đó có sơ đồ mộ chí của liệt sĩ trong các nghĩa trang của tỉnh. Đến nơi, anh được biết tất cả các sư đoàn đều có sơ đồ mộ chí của liệt sĩ trong sư đoàn của mình. Anh lại trở về nhờ Trung tâm tìm hộ Sư đoàn F320B của anh Quang bây giờ ở đâu. Sau một hồi điện thoại đi các nơi, người cán bộ Trung tâm cho biết trước đây, sư đoàn ở Pleiku. Những năm 1970-1971, sư đoàn tham gia mặt trận Quảng Trị sau đó rút về Bỉm Sơn (Thanh Hoá). Tìm cách liên hệ được với sư đoàn, anh biết người phụ trách chính sách hiện đang học ở Hà Nội, hai ngày nữa mới về. Lại những ngày dài chờ đợi.
          Hai ngày sau, trở về đơn vị, người cán bộ mải miết mở máy dò tìm sơ đồ mộ chí. Không có. Mọi người nén tiếng thở dài. Anh tiếp tục mở sổ ghi chép. Cuốn thứ nhất, lật đến trang cuối cùng, anh gấp lại. Cuốn thứ hai. Không có. Anh mở tiếp cuốn thứ 3. Mới lật được mấy trang đầu, khuôn mặt anh rạng rỡ hẳn lên:
-Đây rồi. Liệt sĩ Nguyễn Thế Quang. Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Lăng, huyện Hải Thượng. Lô số 12, hàng số 2, mộ số 14.
          Mọi người thở phào nhẹ nhõm mà nước mắt tuôn trào. Thế là qua giấc mơ của người cháu, gia đình đã tìm thấy anh. Cả nhà lại được toàn tụ tuy âm dương cách biệt. Mẹ chắc cũng đang ngậm cười nơi chín suối. Đất Mẹ quê hương dang rộng vòng tay, ôm anh vào lòng với những tình cảm yêu thương giành cho người con đã hiến dâng trọn cuộc đời cho đất nước. Ngủ đi anh trong lòng đất mẹ Việt Nam.
 
Phạm Hồng Loan
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan