Giới thiệu cuốn Tiểu thuyết "Tám ngày định mệnh" của Phạm Thành Long (tiếp theo 6)

Ngày đăng: 07:37 02/09/2020 Lượt xem: 432

----------------------------------------------------------------------------------
           
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
 

----------------------------------------------------------------------------------
           
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
(Tiếp theo 6)
CHƯƠNG V
Bất ngờ gặp người rừng
(Tiếp theo Chương V)
         ...                         
         Lê Tứ mắt nhìn vào ngọn đèn dầu. Giọng buồn, nó nói như tâm sự:
- Em vừa thi xong tú tài thì bị bắt vào lính. Ba em nhờ người quen, đút tiền chạy mãi mới giúp em thoát đi lính. Nhưng em chỉ trốn tránh được bảy tháng thôi. Cuối cùng em vẫn bị bắt đi lính. Ban đầu em đóng ở Đà Nẵng. Tám tháng sau em bị đẩy lên căn cứ Đắc Pét ở Kon Tum. Nghe đến đây, Lê Bình vội cắt ngang:
- Em nói em bị đẩy lên Đắc Pét à?
- Dạ. Anh có biết căn cứ này sao?
- Anh có biết sơ sơ thôi. Đắc Pét cách đây gần một trăm ki lô mét đấy. Nó ở Kon Tum. Còn chỗ này là biên giới Việt Lào thuộc đất Phước Sơn, Quảng Nam.
- Xa vậy sao anh? Thế là em đã lạc rất xa nơi ấy rồi. Em kể tiếp anh nghe. Ở Đắc Pét, em bị đẩy lên chốt Văng Viêng cách Đắc Pét chừng hơn một ki lô mét. Lê Bình lại cắt ngang:
- Chốt Văng Viêng ư? Lê Bình nhớ lại bức thư thằng bạn thân cùng nhập ngũ, cùng ở chung đơn vị một thời gian kể rằng trung đội của nó đã làm nhiệm vụ khống chế cái chốt của bọn ngụy ở Văng Viêng… - Thôi em kể tiếp đi.
- Anh biết không, Đắc Pét là nơi đóng giữ của tiểu đoàn biên phòng Việt Nam Cộng hòa. Tiểu đoàn này đã hai lần được đích thân Tổng thống Thiệu phong là “Anh hùng biên phòng” đó anh. Tiểu đoàn này có rất nhiều người Thượng. Đắc Pét là một căn cứ phòng thủ sát biên giới với Lào. Nó án ngữ trên đường 14. Từ đây có thể đi ngược lên Quảng Đà và xuôi xuống Kon Tum. Sau Hiệp định Pari, căn cứ Đắc Pét của tụi em nằm lọt thỏm giữa một vùng giải phóng của Việt Cộng - ý em quên - của bên cách mạng. Hình như trước đó hai lần quân giải phóng đã tấn công nhưng đều chưa nhổ được căn cứ này. Anh biết không, ở đây có hệ thống hầm hào rất kiên cố. Lớp lớp thép gai phòng thủ và hầm chông dày đặc. Nhiều lô cốt nửa chìm nửa nổi, yểm trợ nhau rất hữu hiệu. Nhưng rồi anh biết không. Một ngày tháng năm năm một chín bảy tư. Bất ngờ quân giải phóng dội bão lửa xuống căn cứ. Những khẩu pháo 130 ly từ các điểm cao bắn thẳng xuống căn cứ… Lúc đó, em đang ở chốt Văng Viêng. Nhưng sở dĩ em biết diễn biến ban đầu của cuộc tấn công là vì thằng chỉ huy chốt của em có liên lạc về căn cứ. Ở dưới đó họ thông tin lên nên tụi em mới biết…
         Anh biết không, thằng chỉ huy tụi em ở chốt Văng Viêng là một tên Đại đội phó khét tiếng. Nó là Nguyễn Cảnh, quê gốc ở Ba Làng, Thanh Hóa. Nó khoe, quê nó gần với Sầm Sơn. Làng nó theo Đạo. Gần như cả làng nó di cư vào Nam năm 1954 và lập lại làng Ba Làng ở Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang. Nó tự hào khoe Tổng thống Ngô Đình Diệm đã về thăm Ba Làng. Rồi đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đỡ đầu cho làng nó…
Cái chốt của bọn em sống rất khổ. Thiếu thốn nhiều thứ lắm anh ạ. Mỗi tuần được trực thăng từ thị xã Kon Tum tiếp tế lên. Khổ nhất là thiếu nước. Chúng em đâu có dám mò xuống lấy nước ở chân núi đâu. Sợ đụng với bộ đội giải phóng.
         Năm ấy, bộ đội giải phóng mở một con đường ô tô chạy gần chốt Văng Viêng của tụi em. Công binh của giải phóng đông lắm. Họ bạt núi mở một con đường rộng ở lưng chừng núi. Mà họ rất lạ. Giờ giải lao, họ chơi bóng chuyền, rồi hát hò vô cùng thoải mái. Bằng mắt thường bọn em cũng quan sát thấy hết mọi hoạt động của họ. Nhiều lần, họ kêu tụi em xuống chơi… Em không hiểu tại sao bộ đội giải phóng lại yêu đời và hồn nhiên đến thế. Bọn em mà nổ súng thì chắc chắn sẽ tiêu diệt được họ… Nhưng họ không sợ. Em nghĩ chắc chắn họ có lực lượng bảo vệ cho việc thi công này chứ. Thế là tụi em dùng ống nhòm để quan sát các điểm cao xung quanh. Trời ơi! Bọn em phát hiện ra có ba điểm chốt đang bí mật theo dõi và khống chế tụi em đêm ngày mà lâu nay chúng em không phát hiện ra. Chúng em quan sát thấy có ba điểm chốt khống chế tụi em lận. Ở mỗi điểm chốt đều có súng khá lớn hướng nòng về chốt Văng Viêng của tụi em. Chỉ cần một phản ứng từ chốt của tụi em thì chắc chắn bọn em sẽ hứng đủ bão lửa… Hèn nào mà bộ đội công binh mở đường lại bình tĩnh và vui vẻ như thế. Con đường thì mỗi ngày một vươn xa… Toàn bộ diễn biến của quân giải phóng được Nguyễn Cảnh - chỉ huy của tụi em điện về báo cáo hằng ngày cho căn cứ Đắc Pét.
         Một hôm nghe mấy anh bộ đội giải phóng kêu gọi tụi em bỏ ngũ về với gia đình, đừng nghe theo bọn phản nước hại dân. Thế là thằng Nguyễn Cảnh, định dùng súng bắn xuống chỗ mấy anh giải phóng để cảnh cáo. Tụi em ra sức can ngăn hắn. Em bảo:
- Chỉ cần ông nổ súng thì tất cả chúng ta chết chắc. Ông không thấy từ ba điểm chốt đối diện của quân giải phóng à. Hỏa lực của họ sẽ tiêu diệt chúng ta ngay lập tức. Thằng Nguyễn Cảnh hậm hực buông súng và chửi đổng: “Đù má chúng nó! Mặt đối mặt xem, ông không ngán thằng Việt cộng nào hết!”…
         Lê Bình nghe Lê Tứ mô tả diễn biến ở chốt Văng Viêng khiến anh lại nghĩ đến Cấn Văn Lục. Nó người xã Kim Quan, cùng nhập ngũ một ngày với anh. Hai đứa khi vào Trường Sơn cùng được về Đại đội 7 bộ binh của Binh trạm 35. Khi thành lập Sư đoàn 471, Đại đội 7 được chuyển lên trực thuộc Phòng Tham mưu Sư đoàn. Thế rồi khi sư đoàn thành lập Trung đoàn bộ binh 59, Lê Bình được điều chuyển về bộ phận trinh sát của Trung đoàn. Mùa mưa năm bảy hai, Trung đoàn được điều đi phối thuộc với Sư đoàn quân tình nguyện 968 làm nhiệm vụ chống lấn chiếm và giải phóng khu vực Pắc Soòng. Rồi từ đây anh được bổ sung cho trung đoàn M9 của Sư đoàn 968. Cấn Văn Lục vẫn ở lại Đại đội 7. Nó được điều đi bao vây chốt Văng Viêng. Nếu còn ở lại thì chắc chắn Lê Bình cũng nằm trong lực lượng khống chế chốt Văn Viêng rồi. Thật may là chuyện đụng độ đã không xảy ra. Nếu không thì biết đâu đấy mình sẽ nổ súng tiêu diệt thằng em họ này… Trong cuộc chiến tranh giải phóng vừa qua thật không có điều gì là không thể xảy ra… Nghĩ đến đấy, Lê Bình như trút được gánh nặng chợt xuất hiện trong anh.
- Rồi số phận của cái chốt Văng Viêng của em sau này ra sao? Lê Bình hỏi.
- Ngày quân giải phóng đánh chiếm căn cứ Đắc Pét. Đồng thời chốt của bọn em cũng bị quân giải phóng bao vây. Họ gọi hàng. Thằng Nguyễn Cảnh kêu gọi tụi em tử thủ đến cùng. Nhưng tất cả chúng em đều phản ứng và khống chế nó. Chúng em kéo cờ trắng ra hàng. Chúng em bị dẫn về căn cứ. Tại đây, những binh sĩ người Thượng được cách mạng cho về làng bản. Còn những sĩ quan và binh sĩ người Kinh thì được cách mạng đưa về trại tù binh trong vùng giải phóng.
         Anh biết không, bọn em được dẫn giải đi dọc đường 14, sau đó rẽ vào một con đường rừng. Nguyễn Cảnh ghé tai em thì thầm: “Chúng ta sẽ bị đưa vào rừng để thủ tiêu đấy. Mày có dám cùng tao chạy trốn không? Nếu đồng ý thì bao giờ thuận lợi tao sẽ ra hiệu. Mày phải nhớ, mày chạy về phía tây nhé. Còn tao sẽ chạy về phía đông. Có như thế mới đánh lạc hướng được tụi Việt cộng. Ba mẹ mày đang chờ mày ở Đà Nẵng đấy. Biết không?” Lúc đầu em rất hoang mang. Trước khi rời căn cứ Đắc Pét, cán bộ giải phóng đã tuyên bố: “Nếu các anh cải tạo tốt, cam kết trở về quê hương làm người lương thiện thì cách mạng sẽ khoan hồng để các anh trở về gia đình… ”. Vậy tại sao lại đưa tù binh đi thủ tiêu chứ? Em không tin. Nguyễn Cảnh đi cạnh em tiếp tục đe dọa: “Mày đừng có tin vào những lời đường mật của bọn Việt cộng. Nếu mày không muốn trốn cũng được thôi. Tao sẽ đi một mình. Nhưng mày nhớ nếu bị… đòm - hắn giơ ngón tay lên làm động tác bị súng bắn vào đầu - thì đừng có hối hận vì tao đã cảnh báo trước nhé!”. Cuối cùng thì em cũng gật đầu với Nguyễn Cảnh.
         Trưa hôm ấy, đám tù binh khoảng gần một trăm binh lính tụi em được nghỉ để ăn trưa. Khẩu phần của mỗi người là một gói cơm nếp, ăn với một ít thịt kho. Tù binh bọn em và các anh giải phóng dẫn giải tụi em cũng đều ăn như bọn em, không hề có phân biệt gì. Điều này làm em rất ngạc nhiên và không lý giải được tại sao các anh giải phóng lại khác với tụi sĩ quan cấp trên của tụi em thế. Bọn chúng với tụi lính bọn em luôn có một khoảng cách khác biệt về đối xử và tiêu chuẩn.
         Lợi dụng mọi người mải ăn trưa, Nguyễn Cảnh ra hiệu cho em. Thế là hai đứa chúng em lao thẳng vào rừng theo hai hướng. Thấy bọn em chạy trốn, bộ đội giải phóng đã nổ súng cảnh cáo những tù binh còn lại và đuổi theo bọn em. Em chạy thục mạng vào rừng mặc gai cào, đá cứa. Em cứ hướng tây mà chạy. Em chạy suốt một giờ liền. Với động cơ chạy thoát để được sống, em đâu có biết đường, cứ nhè hướng tây mà chạy. Không ngờ bị lạc tới khu vực này. Em không biết mình đang ở đâu. Chỉ sợ lớ ngớ mà bị quân giải phóng bắt lại thì khốn. Vì thế em sống chui lủi trong rừng. Mãi cho tới khi em lần mò phát hiện ra khu kho cũ của bộ đội. Em đoán chắc quân giải phóng đã bỏ đi nơi khác, em mới hết lo...
         Lê Bình ngồi trầm ngâm. Mình phải làm sao với thằng em họ này đây. Đưa nó theo mình thì chắc chắn không được rồi. Phải làm sao hướng dẫn để nó trở về Đà Nẵng… Nó không thể trở về với bộ dạng như thế nàỳ được… Liệu trên đường trở về nó có gặp trở ngại nào không?... Hàng chục câu hỏi hiện lên trong đầu, bắt Lê Bình có lời giải đáp thỏa đáng… Thôi được rồi. Lê Bình tự trấn tĩnh.
- Thế em sống ở đây thế nào?
- Dạ em có chăn, có màn, có ni lon lót chỗ nằm anh ạ. Chỉ tội tất cả đều là thứ bị rách nát, bộ đội bỏ lại. Em nhặt về vá víu, rồi giặt lại sạch sẽ để dùng. Rất may, nếu không có cái màn rách này thì em sống làm sao với lũ muỗi rừng ác ôn ở đây hả anh. Nói rồi Lê Tứ mang ra những thứ mà nó vừa khoe với anh. Lê Bình cảm động thật sự. Những thứ mà nó nhặt nhạnh được đã giúp Người rừng vượt qua cuộc sống chui lủi trong rừng ngần ấy thời gian. Nếu mình mà không gặp được nó thì không biết cuộc sống của nó sẽ như thế nào? Thật may, trời Phật đã run rủi để cho hai anh em gặp nhau trong một hoàn cảnh thật đặc biệt như thế này. Có lẽ hoàn cảnh éo le này chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng của các nhà văn mà thôi…
- Sáng mai, công việc trước tiên là anh sẽ cắt tóc, cạo râu cho em để trở về người bình thường.
         Nghe Bình nói, Lê Tứ ái ngại:
- Nếu mà anh dùng dao thì… em thà để râu tóc thế này cũng được. Em đã mài dao để cắt mấy lần rồi mà đau không chịu được anh ạ.
- Vớ vẩn. Anh có mang kéo và dao cạo râu đây. Anh biết bên Lào hai thứ này không sẵn nên anh phải mang từ nhà đi. Anh cũng có râu quai nón giống chú mà. Nếu không có dao cạo râu thì ít ngày là râu tóc cũng dài như của chú thôi. Coi sao được. Việc quan trọng tiếp theo là anh sẽ vẽ đường để em về Đà Nẵng.
- Nhưng em đi đường liệu có bị người ta bắt lại không anh? Em sợ lắm.
- Em yên tâm. Anh sẽ bày vẽ cho em cụ thể. Anh sẽ viết một tờ giấy diễn giải việc em bị thất lạc nên tìm đường về nhà. Anh sẽ ghi rõ tên tuổi, chức vụ, đơn vị cũ của anh giới thiệu về em. Nếu có ai hỏi thì em đưa ra. Nếu không ai hỏi thì thôi. Nhưng khi trở về Đà Nẵng, em phải ra trình diện với chính quyền cách mạng ở địa phương nơi gia đình em sinh sống. Trình bày trung thực thời gian qua em ở đâu, làm gì. Em chưa gây tội ác, chưa làm hại cho ai… Chắc chắn em sẽ phải học tập một thời gian ngắn, sau đó em sẽ được chính quyền cho về gia đình làm ăn sinh sống như mọi người dân có liên quan đến chế độ cũ thôi. Tất cả đều được đối xử công bằng, bình đẳng. Em không việc gì phải lo sợ. Hãy tin ở lời anh nói. Đừng tin ai nói tầm bậy nhé. Nói rồi, Lê Bình móc túi, lấy ra cái ví tiền. Số tiền Việt anh mang theo chi tiêu trên đường vẫn còn. Còn tất cả hai mươi lăm đồng. Bây giờ mình đâu có cần đến tiền Việt nữa. Anh đưa tất cả cho Lê Tứ.
- Em cầm lấy số tiền này. Đây là tiền miền Bắc, có hình ảnh Cụ Hồ. Tiền này hiện nay cũng tiêu được ở miền Nam. Có những đồng tiền này trong tay, cộng với tờ giấy viết có chữ ký của anh, chắc người ta không làm khó em đâu.
         Cầm ba tờ tiền giấy Bình đưa, Lê Tứ lật đi, lật lại. Nó giơ gần vào ngọn đèn quả dứa để ngắm.
- Hình ông cụ này là Cụ Hồ như anh nói phải không ạ?
- Đúng rồi. Đấy là tờ mười đồng. Tờ tiền có mệnh giá cao nhất hiện nay của miền Bắc đấy. Hai tờ này là hai mươi đồng. Còn cái tờ màu xanh kia là tờ năm đồng. Tất cả anh còn hai mươi lăm đồng thôi. Anh đưa cả cho chú đấy. Thôi bây giờ chúng ta đi ngủ thôi. Anh cũng mỏi lưng lắm rồi. 
         Lê Tứ giúp anh trải chiếc tăng xuống nền hang cạnh vị trí mà nó vẫn ngủ lâu nay. Nó đi ra cửa hang chặn cái cánh cửa làm bằng cây rừng và nứa để phòng thú dữ.
- Em biết che chắn thế này đâu có tác dụng gì nhiều, nhưng vẫn đỡ lo hơn anh ạ.
         Nói rồi nó vào nằm cạnh Lê Bình. Đêm ấy gần như hai anh em không ngủ. Lê Tứ bắt Bình kể cụ thể về ông bà nội, về họ hàng, về làng quê, về chuyện làm ăn, kinh tế của quê hương ngoài Bắc ra sao. Còn Bình thì hỏi Lê Tứ về gia đình chú Lê Ba và thím Huỳnh Thị Hoa, mẹ của Lê Tứ…
- Anh ba ơi! Chắc anh không được biết bà Lan đâu nhỉ? Khi ba em và bà Lan vô trong này thì anh mới bốn hay năm tuổi gì đó thì làm sao mà nhớ được, phải không anh?
- Ờ, hồi đó anh còn nhỏ quá mà.
- Bà Lan trẻ và đẹp lắm anh à. Khi em lên mười tuổi thì bà Lan bị mấy thằng lính Mỹ uống rượu say, gặp bà trên đường. Chúng tròng ghẹo bà. Bà phản ứng lại, thế là chúng rút súng bắn bà ngã gục ngay trên đường phố. Rồi chúng vu cho bà là Việt cộng… Bà ở cùng nhà với ba má em mà. Cái nhà và tiệm bán đồ tơ lụa là của bà đó anh. Bà chỉ hơn ba em có mười tuổi thôi mà. Bà vẫn chưa chịu lấy chồng. Bà bảo, lo cho gia đình ba em cho ngon lành là bà vui rồi. Nếu không vì nghe sự rủ rê của bà thì bây giờ ba em được sống cùng bố mẹ ở ngoài Bắc. Vì thế trách nhiệm của bà là phải lo lấy vợ cho ba em, rồi lo cho gia đình êm ấm. Bà quí em lắm anh ba. Thế mà bà đã ra đi oan ức quá! Anh biết không, hồi ấy ở Đà Nẵng, tụi lính Mỹ đông như kiến cỏ ấy. Đi chỗ nào cũng đụng Mỹ không à! Đà Nẵng là vị trí chiến lược của cả Trung phần mà… Đà Nẵng của em được lịch sử lựa chọn thật kỳ cục. Năm 1885 là nơi Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược đặt ách đô hộ lên đất Việt suốt hơn 80 năm. Rồi năm 1965, lính Mỹ lại ồ ạt đổ bộ lên Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc chiến tranh đặc biệt ở Việt Nam. Học sinh, sinh viên tụi em ở Đà Nẵng ghét Mỹ lắm anh. Bởi từ Đà Nẵng máy bay, tàu chiến, lính Mỹ xuất phát đi gieo giắc đau thương cho nhiều vùng quê suốt dải miền Trung… Nhiều thanh niên tụi em bắt buộc phải khoác áo lính đánh thuê cho Mỹ, tụi em đâu có muốn… Nhưng anh ơi, em hỏi: Thế chuyện miền Bắc đưa quân vào đánh lại Mỹ ngụy để giải phóng miền Nam có đúng không anh?
         Nghe thằng em họ nói thế, Lê Bình biết chú em ít nhiều đã bị “nhồi sọ” rồi. Suy nghĩ một lúc, anh thẳng thắn trao đổi với Lê Tứ.
- Chú nghe anh hỏi nhé và hãy trả lời thẳng thắn mỗi câu hỏi của anh.
Anh hỏi em: miền Bắc và miền Nam là một nước hay hai nước?
- Dạ là hai miền của nước Việt Nam ạ.
- Thế hai miền nói cùng một thứ tiếng hay là hai ngôn ngữ khác nhau?
- Chỉ một ngôn ngữ duy nhất là tiếng Việt ạ.
- Như thế, dù là miền Bắc hay miền Nam thì đều là cùng một nước Việt Nam, đúng không? Vậy miền Nam Việt Nam có phải là một bang của nước Mỹ không?
- Dạ làm gì có chuyện đó, anh ba.
- Thế tại sao nước Mỹ lại đổ nửa triệu quân vào xâm lược miền Nam?
- Cái này… cái này thì Mỹ vào giúp chính quyền Sài Gòn chống lại Việt cộng từ miền Bắc vào xâm lược ạ?
- Sai toét! Những người lính miền Bắc tụi anh vào để đánh Mỹ, đuổi Mỹ ra khỏi đất nước mình thì sao lại gọi là xâm lược được. Chỉ có kẻ ngoại bang đến xâm chiếm đất nước mình mới gọi là xâm lược! Em hiểu không?
- Anh cho em hỏi: Có lúc nào anh thấy hối tiếc về sự hy sinh, gian khổ quá lớn trong cuộc chiến đấu của tụi anh vừa qua không ạ?
- Không. Không bao giờ! Nếu những thanh niên như anh mà hối tiếc thì thử hỏi có đất nước hòa bình, thống nhất như hôm nay hay không? Và liệu anh có được gặp em ở đây như thế này không? Rồi ba mẹ em và các em liệu có được đoàn tụ với ông bà nội, với các bác, các cô ở quê hay không? Từ nay không bao giờ còn có sự chia cắt nữa…
         Thằng Lê Tứ im lặng. Chắc nó ngẫm nghĩ về những lời Lê Bình, rồi nó nói:
- Vâng. Em xin lỗi anh về suy nghĩ của em nhé.
- Anh tin rồi thực tiễn sẽ thuyết phục em. Dần dần cuộc sống mới sẽ làm cho em hiểu ra chân lý. “Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội” mà em! Đất nước phát triển trong hòa bình, không bom đạn sẽ là sự thuyết phục mạnh mẽ nhất, trả lời cho câu hỏi: tại sao chúng ta lại kiên quyết đấu tranh với kẻ thù để thống nhất đất nước, em ạ!
Thôi ngủ đi em. Khuya lắm rồi. Hai con chim cái và chim đực “bắt cô trói cột” đã hót gần nhau lắm rồi. Em biết không, hai con chim này chúng dùng tiếng hót để tìm nhau. Khi tiếng chúng hót gần nhau thì bao giờ trời cũng đã hai giờ sáng đấy. Ở Trường Sơn, bọn anh đã phát hiện ra được đặc điểm kỳ lạ này của chúng. Không sai chút nào đâu. Hai giờ sáng rồi đấy em. Thôi, sáng mai tâm sự tiếp nhé. Ngủ đi. 
         Mới chưa tới sáu giờ sáng mà nắng đã bỏng rát. Bầu trời không một gợn mây. Trời xanh cao vút, báo hiệu lại một ngày nắng khắc nghiệt đầu mùa khô của Trường Sơn. Từ dãy núi trước mặt, tiếng vượn hót buổi sớm càng làm cho rừng Trường Sơn thêm hun hút, cô quạnh.
         Con suối trước cửa cái hang nhỏ, nơi trú ngụ của Người rừng lâu nay nước đã bắt đầu cạn. Dòng nước vẫn cần mẫn chảy róc rách, luồn qua những tảng đá lớn. Lê Bình tung chăn đi ra bãi trống nhỏ trước cửa hang làm vài ba động tác vươn mình sau một đêm ngủ chưa đẫy giấc.
- Dậy chưa Lê Tứ? Lê Bình từ ngoài cửa hang hỏi vọng vào.
- Đêm qua em có ngủ được đâu anh ba. Gặp anh em mừng muốn chết. Em cứ nghĩ được về gặp lại ba má em và gia đình mà em lâng lâng, miên man. Em lại nghĩ về chặng đường từ đây tới Đà Nẵng. Em lo sợ trên đường em sẽ bị bắt lại… Vừa chợp được mắt, em lại chập chờn mơ được anh dẫn về thăm nội. Nội già quá. Nội không nhận ra em. Thế là em ôm mặt khóc nức nở…
- Anh hiểu và cảm thông với em. Nhưng em chớ quá lo lắng như thế. Thôi, dậy ra suối rửa mặt đi, rồi anh tranh thủ cắt tóc cho. Nói rồi Lê Bình mang xoong ra suối vo gạo. Sáng nay phải nấu thêm nhiều để nắm hai nắm cơm ăn đường cho hai anh em. Lê Bình nhìn bao gạo vơi đi mà tần ngần. Liệu có đủ cho những ngày sắp tới của anh. Biết làm sao được. Đến đâu hay đấy. Không chết đói đâu mà sợ… Cái xoong nhỏ không đủ nấu ăn sáng cho hai anh em, lại còn phải nắm hai nắm cơm. Thế là cái ăng gô cũng được đem ra nấu cơm…
         Tranh thủ cơm chưa sôi, Lê Bình bắt Lê Tứ ngồi trên một tẳng đá trước hang để anh cắt tóc. Chiếc kéo cắt tóc, hộp dao cạo râu Chinna mới toanh, lần đầu tiên được anh mang ra dùng. Trước hôm vào đây, Lê Bình đã nhờ em Mận con bà cô ruột dẫn đi mua ở làng Nủa. Làng Nủa (Hữu Bằng, huyện Thạch Thất) nổi tiếng cả miền Bắc. Lâu nay người ta đồn đại: Ở Nủa có thể mua được bất cứ thứ gì, trừ vũ khí quân sự. Tất cả đều được đáp ứng nhanh gọn. Chỉ sợ người mua không có tiền. Ngày chưa vào chiến trường, Lê Bình đã nghe người ta kể: Thuế vụ chả bao giờ có thể bắt được người ta buôn bán hàng lậu ở đây cả. Thời bao cấp, nhiều nơi không có thịt lợn bán chứ làng Nủa lúc nào cũng có. Ở Nủa, người ta thịt một con lợn nhanh như điện. Thịt lợn ngày ấy rất khó khăn. Thường phải mổ lậu. Vì thế việc giết thịt đã trở thành nghệ thuật. Ở đây, chỉ cần một phích nước sôi 2,5 lít, người ta có thể cạo lông và mổ thịt một con lợn bảy tám chục cân chỉ mất khoảng nửa giờ. Họ dùng một miếng nilon dày lót xuống một cái hố hình lòng chảo nhỏ. Con lợn sau khi chọc tiết được đưa xuống cái hố nilon này. Người ta lấy nước sôi trong phích dội lên. Nước sôi được giữ lại trong nilon. Vì thế mà chỉ cần một phích nước sôi họ có thể cạo sạch lông một con lợn ngon lành. Sạp thịt lợn bày bán công khai ở chợ của làng. Nhưng chỉ cần thấy bóng cán bộ thuế và cán bộ thương nghiệp xuất hiện, mỗi người dân đi chợ đều tự động đến cầm mỗi người một miếng thịt. Cả sạp thịt lợn chỉ loáng một cái là “bay” hết. Khi cán bộ thuế đi về, người dân lại tự động mang trả cho người bán thịt. Không suy suyển một lạng. Dân ở đây đoàn kết, trung thực và tự nguyện giúp đỡ lẫn nhau. Vì thế họ mới tồn tại và sống khỏe giữa thời bao cấp…
         Chỉ loáng một cái, bộ tóc người rừng của Lê Tứ đã được cắt gọn gàng. Cảm giác của Lê Tứ rất lạ. Cái đầu nó bỗng nhẹ bẫng. Hai bàn tay Tứ cứ xoa xoa lên cái đầu vừa được cắt ngắn đi. Lê Tứ nhìn anh Lê Bình cười - nụ cười biết ơn. Rồi bộ râu quai nón mọc dài của Lê Tứ cũng được cạo đi nhẵn nhụi… Lê Tứ chạy vội xuống suối. Nó cởi quần áo nhảy tùm xuống một vũng suối đầy nước. Buổi sáng sớm, nước còn khá lạnh. Nhưng nó cần gội bỏ tất cả râu, tóc còn dính trên đầu, trên mặt.
         Lê Tứ lên bờ thì cơm cũng đã gần cạn.
- Em coi nồi cơm và ăng gô cơm cho nó chín nhé. Anh tranh thủ viết cho em tờ “chứng nhận” để em đi đường và tranh thủ viết vài dòng nhờ em về Đà Nẵng gửi ra quê cho anh.
         Lê Bình nói rồi anh mở ba lô lấy ra cuốn vở nhỏ. Anh cẩn thận ghi địa chỉ cụ thể ở quê cho Lê Tứ.
         Cầm tờ giấy nhỏ “chứng nhận” của anh đưa cho, Lê Tứ ngần ngại, hỏi:
- Anh viết “Tôi là Lê Bình, nguyên trung đội phó trinh sát đoàn M9, Sư đoàn quân tình nguyện 968. Tôi chứng nhận anh Lê Tứ, một lính ngụy đã lạc trong rừng nhiều tháng. Gia đình anh ở số 51 Đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Rất mong được các cơ quan, đơn vị và bà con giúp đỡ để anh Tứ trở về với gia đình, an toàn, thuận lợi”. Anh chỉ ký tên anh làm sao thuyết phục người ta về chữ ký của anh. Anh phải điểm chỉ bên cạnh chữ ký của anh nữa thì người ta mới tin anh ạ.
         Ngẫm nghĩ một lúc Lê Bình thấy Lê Tứ nói cũng có lý. Thế là anh lấy chiếc bút Hồng Hà ra bôi mực lên ngón tay cái phải rồi điểm chỉ lên tờ giấy “chứng nhận”.
- Em coi được chưa? Lê Tứ đón tờ giấy từ tay Lê Bình. Nó cười.
- Thế chứ anh ba. Có cả điểm chỉ của anh thì người ta mới tin lời chứng nhận và chữ ký của anh là thiệt chứ!
- Về Đà Nẵng, em nhớ ghi phong bì, gửi bức thư này cho bố anh nhé. Cầm bức thư nhỏ của Lê Bình trên tay, Lê Tứ nhìn ra xa, lo lắng.
- Từ đây về Đà Nẵng xa quá anh ba. Không biết bao giờ mới về tới nhà đây? Lê Bình vỗ vai Tứ, an ủi:
- Nếu em đã xác định được mục tiêu rồi thì con đường đi tới dù xa cũng sẽ ngắn lại thôi mà em. Hãy nhìn về ngôi nhà 51 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng của em để mà động viên chính mình nhé.
        Hai anh em cùng ăn bữa cơm thứ hai. Bữa cơm lần này vẫn rất ngon miệng nhưng có vẻ cả hai anh em không còn hào hứng như bữa cơm tối hôm qua. Lê Tứ ăn chậm rãi. Nó không muốn ăn nhanh. Vì muốn được ngồi bên, được ngắm người anh họ Lê Bình bất ngờ được gặp trên rừng Trường Sơn thêm chút nữa. Chỉ lát nữa thôi, nó phải chia tay anh để bước vào một cuộc hành trình tìm đường trở lại Đã Nẵng…
         Rồi giờ phút chia tay không ai muốn cũng đã đến. Lê Tứ không có ba lô. Lê Bình lấy cái bao nilon đựng gạo đồ mà nó lượm được ở kho cũ của bộ đội, giúp nó buộc dây làm thành chiếc gùi đựng một số đồ dùng cần thiết mà nó có. Ngắm nhìn Lê Tứ mặc bộ quần áo lính ngụy đã sờn rách, Lê Bình ra lệnh:
- Không được rồi. Em cởi bộ quần áo lính ngụy ra đi. Em không thể mặc như thế mà về Đà Nẵng được. Lấy bộ quần áo bộ đội của anh mà mặc. Nói rồi anh lấy từ trong ba lô ra bộ quần áo mới nhất mà trước khi ra quân, đơn vị đã cấp phát cho anh.
- Nhưng cho em thì anh lấy gì mặc? Lê Tứ đắn đo khi cầm bộ quần áo bộ đội trên tay.
- Anh có ba bộ quần áo bộ đội và một bộ đồ thường. Em phải mặc bộ đồ này. Ít ra, về hình thức, nó cũng sẽ là sự “giới thiệu” có sức nặng với mọi người đấy. Em nhớ, trên đường đi nếu không ai hỏi thì em cứ lẳng lặng mà đi, không được nói gì về quá khứ của mình. Thật cần thiết thì mới sử dụng cái “giấy chứng nhận” của anh nhé. Em nhớ, cứ con đường này về thẳng Khâm Đức. Đến Khâm Đức, em hỏi đường về thị trấn Thượng Đức. Từ Thượng Đức có xe đò để về Đà Nẵng đấy. Nhưng xe không nhiều chuyến đâu. Khó khăn lắm. Nếu đi nhờ được xe Honda của ai đó xuôi về Đà Nẵng càng tốt. Nhưng này. Khi về Đà Nẵng thì em nhớ phải lên chính quyền phường để trình diện đấy nhé. Tuyệt đối không được trốn tránh sự thật về quá khứ. Thôi, chúng ta lên đường thôi.
 Nói rồi Lê Bình kéo tay Lê Tứ bước đi. Lê Tứ ngoái nhìn cái hang đá mà anh đã tá túc ở đây một thời gian dài. Cái hang đá nhỏ ấy thật ấm áp. Nó đã giúp anh vượt qua một mùa khô, một mùa mưa dữ dội giữa rừng Lào. Cũng cái hang nhỏ này nó là nơi giúp anh lưu giữ được khá nhiều đồ đạc mà anh lượm được từ cái kho cũ của bộ đội giải phóng. Vì thế mà anh đã vượt qua được ngày tháng gian khổ cùng cực… Chợt nghĩ ra điều gì, Lê Tứ vội giật tay khỏi Lê Bình. Anh quay lại trong hang. Cầm cái đèn bom dứa trong tay, Lê Tứ nhét nó vào trong túi đồ. Không thể bỏ lại chiếc đèn đặc biệt này được. Nhờ nó đã mang lại ánh sáng trong đêm. Nhờ nó mà mình đã không có cảm giác trở thành người rừng mông muội gần một năm trời đã qua.
- Em phải lấy cái đèn này mang về làm kỷ niệm anh ạ. Nó đã giúp em nhận ra mình là một con người, không phải là người nguyên thủy. Ánh sáng mà đêm đêm nó mang đến cho em nhiều ấn tượng lắm, anh ạ.
Lê Bình gật đầu:
- Một kỷ vật quý đấy em ạ. Khi rời Trường Sơn, anh cũng có hai kỷ vật. Đó là chiếc lược làm bằng đuya ra từ máy bay của Mỹ bị bọn anh bắn rơi ở Chà Vằn. Một chiếc hộp đựng bàn chải và thuốc đánh răng anh làm từ chiếc ống pháo sáng của Mỹ. Mùa mưa năm 1971, anh đã làm hai vật này. Nó đã theo anh đi suốt nhiều năm. Trong ba lô hôm nay, anh vẫn có hai vật quý này đấy…
         Ra tới con đường lớn. Hai anh em chia tay trong sự bịn rịn. Dù chỉ mới gặp và nhận ra nhau từ chiều tối hôm qua trong một tình huống kỳ lạ. Nhưng hình như “mật mã” của huyết thống đã làm cho họ nhanh chóng gần gũi và quý mến nhau đến lạ. Người ta bảo: “Tình máu mủ không rủ cũng đến”, có lẽ đã rất đúng? Nhưng phải thú nhận một điều anh rất có cảm tình với Lê Tứ. Vì sao thì anh không thể tự giải thích được…
- Em đi thuận lợi nhé. Gắng lên. Đừng nản. Anh tin là mọi việc sẽ thuận lợi với em.
         Bình ôm chặt và vỗ vỗ vào lưng Lê Tứ. Nước mắt đã chảy trên khuôn mặt của anh. Lê Tứ cũng gạt nước mắt dặn lại:
- Anh đi thuận lợi nha. Tới nơi, làm ăn thuận lợi nhớ viết thơ cho em đấy.
- Thôi. Đi đi. Nói rồi Lê Bình đẩy nhẹ Lê Tứ ra. Hai anh em cứ đi giật lùi và giơ tay vẫy chào nhau rất lâu. 
         Nắng đã chiếu rất gắt. Mồ hôi túa ra. Lê Bình xốc lại ba lô rồi rảo bước. Anh kiên quyết không ngoái đầu trở lại nữa. Con đường phía trước với anh còn gian nan và rất dài, phải hơn một trăm cây số nữa…  
         Lê Bình hối hả bước. Hình ảnh Bun Hoa hiện lên trong chiếc chòi cà phê. Anh thấy Bun Hoa đứng ở bậc cầu thang bước lên chòi hướng mặt về phía đông như ngóng chờ anh. Đã tròn một năm anh phải xa em rồi. 365 ngày qua có điều gì xảy đến với em không? Hãy gắng chờ anh chỉ ít ngày nữa thôi. Anh sẽ về bên em. Anh sẽ dành cho em những chiếc hôn nồng nàn, cháy bỏng, những chiếc hôn mà anh đã dồn nén tình lực cháy bỏng để dành cho em…
         Mùa này dãy cà phê đang chuẩn bị cho một mùa ra hoa trái mới… Không biết Bun Hoa có thường ra chòi cà phê hay không? Em có chờ đợi anh không? Hay là em đã… Chỉ nghĩ đến đấy, Lê Bình không muốn nghĩ tiếp nữa. Anh sợ một tình huống xấu đến với anh… Nhưng từ trong sâu thẳm, anh tin Bun Hoa sẽ chung thủy chờ đợi anh… Anh tin anh và Bun Hoa đến với nhau như một định mệnh. “Hãy tin ở hoa hồng”… Lê Bình mỉm cười với chính mình.
tin tức liên quan