Giới thiệu cuốn Tiểu thuyết "Tám ngày định mệnh" của Phạm Thành Long (tiếp theo 8)

Ngày đăng: 07:02 04/09/2020 Lượt xem: 423
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
 
           
(Tiếp theo 8)
CHƯƠNG VII
Người giữ kho công binh giữa rừng
      
          Ngày 23 tháng 12 năm 1975
         Lê Bình vừa vượt qua một trọng điểm cũ trên đường B46. Dù thời gian đã nhanh chóng phủ bóng lên trọng điểm này. Nhưng anh vẫn dễ dàng nhận ra đoạn đường này lở loét, nham nhở. Mặt đường gồ ghề rất khó đi. Những đồi cây dọc hai bên đường khu vực này ngày trước bị bom đạn cày xới, trơ trụi. Cây rừng đaị ngàn ở đây không còn. Hàng ngàn cây rừng cháy đen vẫn còn đó. Những đồi cây dọc hai bên đường đang hồi sinh lớp lớp cây non đang mọc. Đi mỏi chân Lê Bình mới vượt qua được trọng điểm này. Trong trí nhớ, Lê Bình thấy trọng điểm này hình như ở khu vực Bô Phiên thì phải? Nếu vậy, anh đã đi được nửa chặng đường mà anh muốn tới.
Lê Bình tháo ba lô. Anh nằm nghỉ. Anh ra sức hít hà mùi cỏ thơm thơm trên một thảm cỏ nhỏ mà anh ngả lưng bên dòng suối. Đã lâu lắm rồi, mình mới có dịp được ngửi mùi cỏ thơm thơm như thế này. Ngày trước, khi dắt ba con bò của gia đình đi chăn thả, chiều nào Bình cũng ngả lưng trên bãi cỏ. Quê Bình có rất nhiều cỏ mật. Bọn trẻ chăn bò với Bình thường tìm nhổ những khóm cỏ mật, rồi rửa sạch đất cát. Khóm cỏ mật được nhét vào túi quần. Rất lạ là khi cỏ mật héo đi, nó tiết ra mùi thơm mát rất hấp dẫn. Bình thường để lên mũi mà hít hà thật lâu mùi cỏ mật ấy. Nó là thứ “nước hoa” mang hương đồng nội mà đám con trẻ quê Bình vẫn thường mang trong túi. Khi học cấp 3, thỉnh thoảng Lê Bình vẫn lấy cỏ mật để trong túi. Bọn con gái trên phố huyện rất thích mùi cỏ mật. Dân cày đường nhựa như chúng nó làm sao biết được mùi thơm của cỏ mật. Vào mùa cỏ, Bình vẫn lấy cỏ mật mang đến lớp tặng đám bạn gái cùng lớp và bày cho chúng cách để cỏ thơm trong người… Lê Bình nhìn bầu trời. Nhiều đám mây trắng cuồn cuộn trên cao vút di chuyển. Vào mùa khô, người Lào đã rục rịch phát nương. Với cái nắng này, chỉ hai tháng trời thôi, cây xanh ngả xuống, chả mấy ngày đều khô cháy. Tháng ba họ đốt nương rẫy chờ mưa xuống… Tháng ba thì cũng là lúc mùa hoa cà phê đã kết thúc. Những chùm quả hình thành…
- Ngồi dậy! Anh đi đâu? Một tiếng quát đanh gọn khiến Lê Bình giật nảy người. Ngước nhìn thì một họng súng AK đang chĩa vào anh. Anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy một người mặc quần áo bộ đội xuất hiện đột ngột trước mắt mình. Lê Bình ngồi dậy. Anh thoáng nghĩ: Sao cái số mình nó nhọ thế không biết. Lần thứ hai bị bắt mà lại bị bắt một cách lãng sẹt như thế này mới đau chứ. Dù chưa biết người xuất hiện trước mặt anh là người xấu hay người tốt, nhưng bụng anh cũng đỡ lo. Những câu tiếng Việt giữa Trường Sơn mênh mông vang lên khiến anh nghĩ ngay đến việc mình đã gặp được một người Việt. Giơ hai tay lên trời, nhưng mắt Lê Bình thì nhìn thẳng vào mắt người đang chĩa nòng khẩu AK vào anh. Một người tầm thước. Mặt mũi người này toát lên sự hiền lành, chất phác. Mà tại sao anh ta lại xuất hiện đột ngột ở đây…
- Sao anh lại xuất hiện ở đây như thế?
- Tôi cũng hỏi anh điều đó đó!
- Thế anh ở đơn vị nào? Lê Bình hỏi.
- Anh trả lời đi: Anh là người đơn vị nào? Tại sao xuất hiện ở đây?
- Tôi muốn anh trả lời trước. Lê Bình đề nghị.
- Ngược đời! Tôi mới là người có quyền hỏi anh trước đấy!
         Lê Bình hơi khó chịu nhưng biết làm sao được, khi mình đang là “tù binh” của khẩu AK trong tay anh ta.
- Trước kia tôi ở Đoàn M9, Sư đoàn 968 Trường Sơn. Trước nữa thì là lính Trung đoàn 59 bộ binh của Sư đoàn 471. Có cần phải khai báo gì nữa không ạ? Lê Bình đổi giọng có ý giễu cợt.
- Trước đây anh ở Sư đoàn 471 à? Tôi ở Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 1 công binh của 471 đây.
- Ôi thế thì người nhà với nhau rồi! Tôi bỏ tay xuống được chưa? Lê Bình hỏi.
- Được rồi… À mà chưa? Để tôi hỏi thêm cái đã. Anh đi từ đâu đến vậy?
- Tôi mời vừa từ Việt Nam sang đây?
- Thế cậu được về nghỉ phép à?
- Không? Hết chiến tranh rồi. Tôi phục viên. Hôm nay trở lại Lào để làm ăn thôi.
- Anh nói sao? Hết chiến tranh rồi ư?
- Thế anh không biết thật ư? Lê Bình nhìn thẳng vào mắt anh ta để thẩm tra sự chính xác của lời nói.
- Tôi không biết thật mà. Tôi chỉ thắc mắc một điều là lâu nay tự nhiên không thấy xe cộ của mình hoạt động ở đây nữa. Đường vắng tanh. Tôi cứ nghĩ là quân mình rút hết về nước đánh bọn ngụy Sài Gòn cả rồi. Nhưng đánh nhau thế nào thì mù tịt. Không có đồng hồ, không có đài, có báo, không người giao tiếp, tôi như người mù, người điếc mà hai mắt, hai tai vẫn còn nguyên… Nói rồi anh ta buông súng chạy tới ôm lấy Lê Bình mà hét lên: Hoan hô hết chiến tranh rồi! Hoan hô hết chiến tranh rồi!
         Lê Bình nhìn anh ta mà chạnh lòng. Mình lại được gặp một Người rừng thứ hai nữa rồi!
- Đất nước Lào bây giờ cũng hòa bình rồi. Ngày 2/12/1975 vừa qua, đất nước Lào đã giành được độc lập hoàn toàn rồi. Anh không nghe đài ư?
- Làm gì có đài mà nghe kia chứ?
- Thế anh ở đây làm gì suốt thời gian dài vừa qua? Lê Bình hỏi.
- Tôi được Trung đoàn giao coi cái kho vật tư công binh từ cuối năm 1974 đến giờ mà không thấy đơn vị quay trở lại. Kho toàn thuốc nổ và dụng cụ công binh. Vì thế tôi không dám bỏ đi được. Mặc dù rất suốt ruột. Tôi đinh ninh chắc chiến sự diễn biến nhanh quá nên trung đoàn chưa kịp quay lại. Có lúc tôi nghĩ hay là đơn vị bỏ quên mình? Tôi đã lần mò đi tới cả chục cây số mà không gặp một đơn vị nào cả. Đành phải quay lại đây.
         Nghe đến đây, Lê Bình vội giải thích:
- Anh biết không. Các trung đoàn công binh Trường Sơn được điều động khẩn cấp làm nhiệm vụ bảo đảm cầu đường trên quốc lộ 1 và các tuyến quốc lộ trọng yếu, trong chiến dịch Tây nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh. Đơn vị anh cũng vậy do nhiệm vụ khẩn cấp nên không quay lại Trường Sơn chứ em nghĩ họ không bỏ quên anh đâu.
- Thì tớ cũng nghĩ thế.
         Lê Bình hỏi tiếp:
- Thế cái kho mà anh nói đang ở đâu?
- Ở trong kia. Anh ta chỉ tay vào khu rừng phía bên kia suối. Lê Bình liếc nhìn đồng hồ. Bốn giờ chiều rồi. Cũng cần phải tìm chỗ nấu ăn và chỗ ngủ thôi.
- Cái kho của anh có xa nơi này không? Anh có thể dẫn tôi về đó được không? Lê Bình hỏi thăm dò. Anh ta ngẩn người ra một lúc rồi hỏi:
- Anh muốn tới chỗ tôi hay sao? Để làm gì vậy?
- Tôi muốn xác minh lời anh nói. Vả lại nếu tiện, tối nay anh cho tôi tá túc một đêm, được không?
- Để tôi xem đã. Nhưng tôi hỏi. Đằng ấy quê ở đâu vậy? Anh ta nhìn Lê Bình.
- Hà Tây quê Lụa. Còn anh?
- Quê Lụa Hà Tây.
- Thật không? Cụ thể là huyện nào?
- Chương Mỹ.
- Thế ư? Tôi ở Thạch Thất. Lê Bình trả lời.
- Từ Chương Mỹ lên Thạch Thất gần mà. Theo đường 21 qua mấy xã của Quốc Oai là tới đất Thạch Thất rồi.
- Thế anh đã bao giờ đi qua Trường sĩ quan Lục quân chưa?
- Đi mãi rồi, tớ lạ gì.
- Làng tôi ở đấy đấy.
- Thế ư? Đồng hương quê ta rồi. Bây giờ tớ tin đằng ấy nói thật. Nào theo tớ. À mà đằng ấy tên gì nhỉ? Tuổi gì để còn tiện xưng hô.
- Tôi là Lê Bình. Tôi tuổi Dần, tuổi âm năm nay 26. Còn anh?
- Thế đằng ấy kém tớ ba tuổi. Tớ tuổi Tuất. Năm nay ba mươi chẵn. Cậu là em rồi. À quên. Tớ là Nguyễn Thất.    Quê tớ là nơi quân Minh ngày xưa chết như ngả rạ, cậu biết nơi ấy ở đâu không?
         Lê Bình cười. Ông này muốn thử trí nhớ lịch sử của mình đây. Chuyện nhỏ.
- Anh ở xã Tốt Động hay Chúc Động? Đây là hai địa danh ngày xưa diễn ra trận kịch chiến giữa nghĩa quân của Lê Lợi - Nguyễn Trãi tiêu diệt quân nhà Minh ở đây. Quân Minh chết như ngả rạ. Nói rồi, Lê Bình nheo mắt cười.
- Cậu giỏi đấy. Kiến thức lịch sử cũng khá. Tớ ở Tốt Động. Nhà tớ ở ven con sông Đáy. Từ quê tớ đi tắt qua xã Trung Hoàng, lên chợ Gốt, đi vào Xuân Mai rồi ngược lên quê cậu, gần thôi mà.
- Anh nói quá đúng. Ngày mới nhập ngũ, em huấn luyện ở Đồng Tâm, Mỹ Đức. Từ Mỹ Đức, em đã đi tắt qua xã anh để về nhà trước khi đi B đấy.
         Nguyễn Thất nắm tay Lê Bình.
- Nào, đi theo tớ! 
        Trước mắt Lê Bình là một cái chòi nằm nép bên cạnh một cây lớn. Xung quanh cây cối um tùm. Có một lối nhỏ đi vào chòi. Muốn lên chòi phải bước gần mười bậc cầu thang. Nguyễn Thất đi trước. Anh nhấc cánh cửa chòi. Cái chòi khoảng hơn mười mét vuông. Lê Bình đảo mắt quan sát. Chiếm gần hết hai phần ba căn chòi là những chiếc hòm gỗ xếp chồng lên nhau. Bên ngoài các hòm gỗ là ký hiệu thuốc nổ TNT và dây cháy chậm. Bên cạnh đấy là cuốc xẻng và xà beng cùng các vật tư công binh khác. Không gian còn lại là “thế giới riêng” của người coi kho. Ông ấy nấu ăn ở đâu nhỉ? Nhìn mãi không thấy bếp nấu ăn Lê Bình thắc mắc. Chợt anh nhận ra sự ngớ ngẩn của mình. Nấu ăn bên cạnh thuốc nổ và dây cháy chậm để tự sát à? Lê Bình mỉm cười với chính mình.
- Đồng hương để ba lô xuống đây đi. Uống nước này. Đây là nước tớ nấu với lá mâm xôi sao khô đấy. Đồng hương biết cây mâm xôi chứ?
- Em còn lạ gì. Quả nó đỏ và ngọt lắm. Ở đây cũng có cây mâm xôi hả anh?
- Đầy rừng luôn, nhưng chúng chỉ mọc ven suối ban nãy chúng ta đi qua thôi.
- Thế anh nấu nướng ở đâu? Lê Bình hỏi.
- Tớ phải làm riêng một cái bếp nhỏ ở cạnh đây. Nấu ở trên nhà sàn này đâu có được.
- Em hỏi nhé. Thời gian qua anh ăn uống như thế nào?
- Ban đầu đơn vị quẳng cho tớ hai bao gạo và một ít thực phẩm. Tớ phải ăn uống dè xẻn, kéo dài được mấy tháng thì hết. Tớ phải tự lo lấy cuộc sống cho mình thôi. Tớ đi dọc con suối này. Một rừng le và nứa ở cách đây khoảng một nửa giờ luồn rừng. Tớ đào măng về ăn và phơi khô để ăn dần. Rất may cho tớ. Cách đây không xa, có một nương sắn. Một đơn vị bộ đội của ta đã trồng nó. Tớ đào về ăn tươi và thái lát phơi khô, để dành. Việc đào sắn cũng vô cùng vất vả. Những gốc sắn bây giờ bị lút trong cây rừng. Đào được một gốc sắn không dễ chút nào. Nhưng được cái củ rất to. Có gốc sắn tớ đào được mười mấy ký ấy. Nương sắn này phải mấy năm rồi. Củ to lắm. Thời gian qua nếu không nhờ có nương sắn này thì tớ chết đói từ lâu rồi, đồng hương ạ. Trời đã thương tớ nên mới giúp tớ phát hiện ra nướng sắn này. Nghĩ lại chủ trương của bộ đội mình ở đâu phải tăng gia ở đó mới thấy hết giá trị thực tiễn này, đồng hương ạ?
- Thế anh ăn sắn trừ cơm à? Bình ngạc nhiên hỏi.
- Vậy đồng hương bảo tớ ăn gì để mà sống đây? Có sắn mà ăn là tốt lắm rồi. Tớ đã tự chế biến ra khá nhiều món ăn từ sắn để ăn khỏi ngán. Mà rất lạ, xung quanh đây không hề có một bản người Lào nào, cậu ạ. Tớ cố gắng kiếm tìm để được đổi chác hoặc xin đồng bào thức ăn nhưng hoàn toàn vô vọng. Rừng nơi đây chưa từng in dấu chân người cho mãi tới khi bộ đội Việt Nam chúng ta đặt chân đến đây… Hằng ngày, tớ mò mẫm xuống suối bắt cá, bắt cua. Tớ còn đan cả dụng cụ đặt ở dòng chảy của suối để bắt cá. Phải nói là suối ở đây nhiều cá thật. Cá ăn không hết, tớ phơi khô để ăn dần. Đúng là núi rừng Trường Sơn đã nuôi sống tớ đồng hương ạ.
         Nguyễn Thất ngừng lại, nhìn Lê Bình. Chợt anh nhận ra mình đang kể lể tốn quá nhiều thời gian…
- Mà thôi! Luyên thuyên chuyện ấy là gì nhỉ. Tớ đi hông sắn để đãi đồng hương nhé. Đi theo tớ! Thất vẫy Bình bước xuống cầu thang. Anh dẫn Bình đi ra phía sau chòi. Một cái bếp nhỏ được thưng bằng nứa hiện ra. Mái bếp cũng được lợp bằng nứa. Những tấm liếp bằng nứa được nối từ mái bếp này đến mái chòi. Chắc là chủ chòi muốn che mưa, che nắng khi ra vào nấu ăn đây mà.
- Em có mang theo một ít gạo đấy. Để em lấy gạo nấu hai anh em mình cùng ăn.
- Thật sao? Thế thì hôm nay là đại tiệc với tớ rồi. Tớ nhớ không nhầm thì gần tám tháng rồi chưa được ăn cơm đấy. Nói rồi Thất vỗ tay reo lên như một đứa trẻ.
- Vậy, tớ đãi đồng hương cá suối kho với chuối rừng nhé. Hôm qua tớ vừa bắt được khoảng hai ký cá đấy. Được rồi, tớ phụ cùng đồng hương nấu ăn nhé. 
         Bữa cơm được dọn ra. Trời chưa tối nên hai anh em dọn cơm ra trước cửa chòi để ăn. Cơm ăn với cá kho ngon thật. Lê Bình lấy sắn ăn với cá kho. Anh có ý nhường cơm cho Thất. Anh biết người thèm cơm thường ăn không biết no. Số cơm trong nồi mỗi người chỉ được ba bát cơm là cùng… Thấy Lê Bình không ăn cơm, Nguyễn Thất vội giục:
- Sao đồng hương không ăn cơm? Nhường tớ à? Lâu nay tớ ăn ít quen rồi. Hôm nay tớ sẽ ăn ba bát. Đây là bát thứ ba rồi. Ngon quá! Tớ chỉ ăn bát này nữa thôi. Đồng hương ăn đi, không phải nhường tớ.
- Không phải đâu. Lâu rồi không được ăn sắn. Em thấy sắn của anh ngon mà. Ăn được, anh cứ ăn nữa đi.
- Tớ đủ rồi. Ăn cố không tốt đâu. Nói rồi Thất đứng dậy vươn vai. Tay anh xoa xoa vào bụng - No quá! Ngon quá! Cám ơn đồng hương.
- Em nghĩ nó ngon vì cá kho của anh ấy. Chứ nếu ăn cơm không của em thì có gì mà ngon. Từ xưa người ta chả đã nói “Có cá phải vạ rá cơm” là gì? Cá của anh thật tuyệt!
- Đồng hương không hiểu được người thèm được ăn cơm như thế nào đâu. Nhưng mà thôi. Bàn về chuyên ăn cơm thì có cả đêm nay cũng không hết chuyện. Bây giờ đồng hương hãy kể cho tôi nghe diễn biến của chiến tranh như thế nào đi?
- Nhưng chúng ta dọn dẹp đi đã. Lên chòi em sẽ kể tỉ mỉ cho anh nghe.
         Nguyễn Thất mắc màn, rải chăn. Anh nói như ra lệnh:
- Tối nay anh mời chú ngủ chung màn với anh. Lâu rồi anh thèm một hơi ấm đồng đội. Chú đồng ý chứ? Ở rừng nhưng anh sạch sẽ lắm. Chú yên tâm đi.
- Không không, đi đường nên người em mới bẩn đấy. Được rồi, đêm nay ta ngủ chung. Lê Bình bấm đèn pin. - Mới chưa đến bảy giờ tối anh ạ.
- Thế hôm nay là ngày bao nhiêu rồi đồng hương? Tôi quên cả năm tháng rồi. Ban đầu tôi cũng học người dân tộc, khắc ngày tháng lên một chiếc gậy. Nhưng rồi nghĩ chả để làm gì, nên tôi thôi không khắc nữa. Không thèm để ý đến thời gian thì thời gian sẽ trôi qua mau. Lúc nào cũng nhớ đến nó thì thời gian càng trôi qua một cách chậm chạp, khiến người ta càng sốt ruột. Tớ đã tự áp dụng “phép chiến thắng tinh thần” của AQ trong chuyện này - quên béng thời gian đi. Nhưng sống giữa đại ngàn Trường Sơn một mình tớ mới thấm thía câu nói “con người quá bé nhỏ trước thiên nhiên”, đồng hương ạ. Đêm nằm một mình tớ tưởng tượng ra từng hơi thở của rừng Trường Sơn. Rừng thở qua những tiếng sương rơi, qua tiếng suối chảy, tiếng con hoẵng ăn đêm, tiếng con chim từ qui nó hót… Nẫu gan nẫu ruột lắm. Cố gắng ngủ để không phải nghe những âm thanh ấy nhưng nào có được. Đêm tớ ngủ ít lắm. Chỉ sợ mình thiếp đi, có kẻ đột nhập tới đây thì… Nghĩ thế nên mỗi đêm tớ chỉ ngủ vài ba tiếng, thành quen rồi. Mà đồng hương biết không? Ban đầu cái kho này được anh em đơn vị dựng ở tít ngoài kia chỉ cách con đường B46 này chưa đầy một trăm mét. Tớ thấy không ổn nên đã tự mình làm nên cái chòi này đấy. Mất gần hai mươi ngày tớ mới dựng xong cái chòi. Rồi mất gần một tuần mới vận chuyển hết số hàng vào đây. Ở đây kín đáo và chắc chắn. Thuốc nổ và dây cháy chậm được để trên sàn chòi cách mặt đất gần hai mét, luôn khô ráo, không bị ẩm ướt về mùa mưa. Cái kho cũ chỉ để thuốc nổ và dây cháy chậm trên mấy cây gỗ kê sát mặt đất. Lũ mối đã bắt đầu tấn công những thùng gỗ đựng thuốc nổ. Tớ hoảng quá! Vì thế buộc phải di chuyển chúng tới đây…
         Nghe anh Thất kể, Lê Bình lè lưỡi thán phục trước sức lực và sự kiên trì, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao của anh. Chiều nay mình đã tận mắt được thấy công trình vĩ đại ấy của anh. Thật không thể tưởng tượng được chỉ với đôi bàn tay và con dao trong tay anh đã làm nên một cơ ngơi to rộng và chắc chắn như thế. Con người như anh thật đáng quý…
- Đấy, tớ lại lan man rồi. Thông cảm cho tớ nhé. Lâu rồi chả được nói chuyện với ai nên hôm nay tớ nói như chưa bao giờ được nói ấy. Mà lạ nhỉ? Trước đây ở đơn vị, ai cũng bảo tớ ít nói lắm mà. Mình đổi tính đổi nết từ bao giờ vậy?
- Anh không đổi tính đổi nết đâu. Có câu ngạn ngữ rằng “Người im lặng không phải là người ngu. Người ngu là người nói nhiều, lắng nghe ít”. Nhưng lại cũng có câu: “Khi cần phải nói nhiều mà không nói nhiều mới là người thiếu khôn ngoan”, anh ạ. Trong hoàn cảnh này thì anh hoàn toàn đúng với vế thứ hai. Anh cần phải thông tin để em chia sẻ chứ!
- Thôi được rồi. Chú không phải động viên anh. Kể chuyện chấm dứt chiến tranh đi.
         Trong sự tĩnh lặng giữa đại ngàn Trường Sơn, Lê Bình kể cho Nguyễn Thất nghe lần lượt từ chiến dịch mà Trung đoàn M9 của anh và sư đoàn 968 đánh nghi binh ở Kon Tum, rồi chiến dịch giải phóng Buôn Mê Thuột. Quân ngụy tùy nghi di tản khỏi Tây Nguyên; chiến dịch giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung; chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế, giải phóng Đà Nẵng. Cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 11 giờ 30 ngày 30/4/1975 lá cờ Tổ quốc đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Sài Gòn và miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng…
- Trời ơi, như thế là đất nước đã thống nhất được bảy tháng rồi ư? Thế mà tớ vẫn ở còn đây ư? Nguyễn Thất bật dậy. Hai tay ôm lấy đầu rồi kêu lên.
- Thế đồng hương bảo mình phải làm gì bây giờ? Thất hỏi Lê Bình.
         Lê Bình hoàn toàn thông cảm với tâm trạng của Nguyễn Thất lúc này. Hoàn cảnh khiến anh đã lãng phí một quãng thời gian thật đáng tiếc. Thời gian ấy, anh có thể đã lấy vợ và sắp sinh con… Giờ thì anh vẫn đang ở trong rừng. Chiến tranh thật không công bằng với những người như anh… Hoàn cảnh dù có nghiệt ngã với anh, nhưng anh vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống giữa đại ngàn Trường Sơn. Họ mãi mãi không được trở về…
- Theo em, ngày mai anh có thể thu xếp để trở về Việt Nam.
         Nguyễn Thất bần thần người. Anh hỏi Lê Bình:
- Tớ bỏ cái kho này để về Việt Nam liệu có ổn không nhỉ? Bỏ đi như thế có vi phạm kỷ luật quân đội không? Đơn vị có kỷ luật tớ không nhỉ?
         Lê Bình nhìn Nguyễn Thất. Anh hoàn toàn thông cảm với sự lo lắng ấy của một người lính chân thật, kỷ luật và đầy trách nhiệm như anh. Suy nghĩ một hồi rồi Lê Bình thẳng thắng trao đổi với Nguyễn Thất:
- Anh đã làm hết trách nhiệm của một người lính với nhiệm vụ được giao rồi. Đơn vị bỏ quên anh chứ anh có bỏ đơn vị để ra đi đâu. Thời gian qua đã chứng minh anh là một người lính vô cùng kỷ luật và đầy trách nhiệm.”Nỗi buồn chiến tranh” là có thật anh ạ. Anh cần phải thực tế. Nếu mình cứ quá máy móc trước tình cảnh hôm nay thì không khôn ngoan đâu anh ạ. Theo em, anh phải trở về.
- Nhưng tớ không có một mảnh giấy nào trong tay, liệu có ổn?
- Kể cũng khó nhỉ? Nhưng chả lẽ anh cứ ở đây mãi ư?
- Nghe đồng hương phân tích thì tớ dứt khoát không ở thêm ngày nào nữa rồi. Nhưng tớ không biết đơn vị mình bây giờ đang ở đâu để mà tìm về?
         Chợt nhớ lại lời dặn của Nguyễn Hà trước hôm chia tay: “Nếu cần gì, cậu hãy đến Trạm 63 của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đặt ở Kim Giang, Hà Nội. Đấy là Trạm đón tiếp cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn của Bộ Tư lệnh. Họ sẽ hướng dẫn cậu.” Lê Bình vội reo lên:
- Có lối thoát rồi đồng hương ơi! Rồi Lê Bình hướng dẫn Nguyễn Thất như Nguyễn Hà đã hướng dẫn anh ngày cầm giấy tờ ra quân.
         Lê Bình còn dặn thêm:
- Anh nhớ, khi về Trạm 63, hãy viết bản tường trình về sự việc này, gửi cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn anh ạ. Theo em thế là là anh đã hết trách nhiệm rồi.
         Nguyễn Thất vội ôm lấy Lê Bình.
- Cám ơn đồng hương! Cám ơn đồng hương! Ngày mai, tớ sẽ lên đường!
tin tức liên quan