Giới thiệu cuốn Tiểu thuyết "Tám ngày định mệnh" của Phạm Thành Long (tiếp theo 11)

Ngày đăng: 08:29 07/09/2020 Lượt xem: 468
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
 
           
(Tiếp theo 11)
CHƯƠNG VIII
Đối mặt với sự thật
(Tiếp theo và hết Chương VIII)  
                   
          Ngày 20 tháng 12 năm 1975
        Hôm nay ông Bun Nha có việc phải vào chòi cà phê kiểm tra. Ông lo lắm. Cà phê chất đầy bốn cái bồ lớn trong chòi mà chưa bán được. Chỉ mấy tháng nữa là lại đến mùa hái cà phê của vụ mới. Không biết lúc ấy để cà phê ở đâu đây? Ông vào trong đó còn để đặt bẫy lũ chuột, lũ sóc. Dạo này chúng phá dữ quá. Nhất là lũ sóc. Chúng nó nhảy tưng tưng qua mái chòi để vào ăn cà phê trong chòi. Tiện thể, ông còn mang thêm tay lưới vào kiếm mấy con cá ở con suối cạnh chòi. Đoạn suối này nhiều cá lắm. Có cá tươi, nồi cháo của thằng cháu ngoại sẽ ngon hơn, bổ hơn nhiều… Ông mỉm cười một mình và rảo bước nhanh hơn. Lẽ ra việc đặt bẫy và kiểm tra chòi ông phải làm trước rồi mới ra suối đánh cá, sau đó là tranh thủ tắm táp. Nhưng chả hiểu sao ông lại làm ngược lại. Ông phải bắt cho được vài con cá cho thằng cháu ngoại đã. Ông đi thẳng ra suối. Sau khi quan sát, ông bắt đầu thả lưới. Một lần rồi hai lần. Đến lần thứ ba thả lưới thì ông đã bắt được gần ba mươi con cá các loại. Bụng ông vui lắm. Trưa nay cả nhà ông sẽ được ăn cá. Quan trọng nhất là cá cho nồi cháo của thằng cháu ngoại. Ông sướng cái bụng với cái nết ăn của thằng Bun Hà. Mẹ nó xúc thìa nào nó nuốt thìa ấy. Cái nết ăn này thì chắc chắn nó giống bố nó, chứ mẹ Bun Hoa của nó ngày bé đâu có chịu ăn như thế. Vợ ông, rồi cả ông mỗi bữa cho mẹ nó ăn vô cùng vất vả. Thế mà lớn lên, Trời Phật thương nên mẹ nó vẫn phổng phao, xinh đẹp…
         Thu lưới và cá, ông đi về phía chòi cà phê. Nhưng tự nhiên lòng ông như có lửa đốt. Ông bồn chồn lo lắng. Không biết có chuyện gì vậy? Thằng cháu ngoại ông gặp phải chuyện gì chăng? Hay Bun Hoa làm sao? Thằng Bun Hùm thì loại khỏi sự quan tâm của ông kể từ ngày nó bỏ lên Pắc Sế. Hay Bun Lợt gặp chuyện gì rồi? Bao nhiêu tình huống, bao nhiêu dự cảm cứ ập đến trong đầu ông, khiến ông bồn chồn lo lắng. Phải về nhà thôi! Ông quyết định không rẽ vào chòi cà phê nữa mà đi thẳng về nhà.
         Về gần cổng nhà, ông đã lên tiếng gọi:
- Bun Hoa ơi. Cha có cá tươi cho cháu ngoại của cha đây này. Ở nhà có chuyện gì không vậy?
         Từ trong nhà, Bun Hoa vội chạy ra, ngạc nhiên hỏi:
- Sao hôm nay cha về sớm thế? Mọi lần vào thăm rẫy phải gần trưa cha mới về kia mà?
- Thế thằng cháu ngoại của cha đâu rồi? Nó không gặp phải có chuyện gì đấy chứ?
- Dạ cháu đang ngủ ạ? Mà sao hôm nay cha lạ thế. Cha có bị ốm không đấy? Bun Hoa tiến lại phía cha. Cô đặt tay lên trán cha để kiểm tra thân nhiệt.
- Cha có bị ốm đâu. Nhưng không hiểu sao cha nóng ruột và bồn chồn quá. Cha nghĩ ở nhà có chuyện gì xảy ra với con và cháu Bun Hà. Thế là cha vội về nhà ngay.
         Ngẫm nghĩ một lúc, như sực nhớ ra điều gì, ông hỏi:
- Hay anh Bun Lợt con gặp phải chuyện gì rồi nhỉ?
- Không có chuyện gì với anh con đâu. Hòa bình đã được lập lại với nước Lào chúng ta từ ngày 2/12/1975 rồi mà cha. Trên toàn đất nước Lào, từ ngày ấy đã không còn bom đạn, không còn đánh nhau nữa rồi. Anh Bun Lợt và đơn vị của anh ấy có còn phải ra trận nữa đâu. Dù con tin là không chuyện gì xảy đến với anh ấy, nhưng nhìn cha lo lắng khiến con cũng lây lo lắng của cha đây này. Vừa nói cô vừa giật giật tay của cha như động tác trẻ con bắt đền người lớn việc gì đó mà chúng không vừa lòng…
- Con nói thế thì cha yên tâm rồi. Thôi, con mang cá vào nấu cháo cho thắng cháu ngoại yêu của cha đi. Hôm nay cả nhà mình ăn cá nhé. Cá cho hai cha con mình thì rán lên, con ạ.
         Nói rồi ông đi vào bàn. Ông lại ngồi vào chỗ ngồi quen thuộc.
     Tay cầm chén nước, ông trầm ngâm và nhìn lơ đãng về rặng núi phía tây. Bỗng ông giật mình khi nghe tiếng gọi thất thanh của thằng con út chú Bun Lươn:
- Bác Bun Nha ơi! Bác Bun Nha ơi!
Ông giật mình vội bước ra cửa.
- Có chuyện gì vậy cháu?
- Anh Bun Lợt… Anh Bun Lợt… Nó nói trong hơi thở gấp, khiến lồng ngực ông muốn vỡ tung ra. Có tin xấu về Bun Lợt rồi - ông nghĩ.
- Bun Lợt nhà bác có chuyện gì vậy? Lúc này thằng Bun Hờ mới đỡ thở dốc. Nó cười, chỉ tay ra phía cổng:
- Cháu nhìn thấy anh Bun Lợt nhà bác đang về đấy.
- Thế nhìn anh mày có bị làm sao không?
         Ông Bun Nha buông cái chén xuống đất, chạy ra nắm lấy hai cánh tay của thằng Bun Hờ dồn dập hỏi.
- Anh ấy còn đang tạt vào chào hỏi mọi người. Anh ấy khác trước lắm, mãi cháu mới nhận ra anh ấy. Thế là cháu vội chạy về đây báo tin vui cho bác mà. Ông Bun Nha buông hai tay thằng Bun Hờ ra. Ông ôm mặt:
- Trời ơi! Thế mà mày làm bác lo muốn chết đây. Ôi chao, Bun Lợt không làm sao rồi. Nó được về thăm nhà! Thế mà từ sáng tới giờ ông nóng ruột muốn chết.
- Bun Hoa đâu rồi! Anh Bun Lợt con được về thăm nhà đấy. Con bắt gà làm thịt mừng anh Bun Lợt con nhé.
         Bun Hoa lật đật từ trong bếp chạy ra.
- Đấy, con đã bảo cha là anh Bun Lợt không làm sao đâu mà. Cha đã vui chưa?
         Đúng là sợi dây thần giao cách cảm của hai cha con đã rung lên. Vui quá, cô ôm lấy cha quay tròn khiến ông mất thăng bằng suýt ngã.
- Thôi con đi bắt gà đây.
         Ông Bun Nha nhìn theo con gái. Lòng ông rộn niềm vui. Đã lâu lắm rồi chưa bao giờ ông vui như lúc này.
       Ngoài cổng tiếng người lao xao cười nói ồn ào. Đông quá! Chú Bun Lươn, cô Bun Y, chú Khăm La và rất đông con cháu họ hàng đi quanh Bun Lợt. Bun Lợt tay dắt chiếc Honda. Đằng sau xe anh buộc một chiếc ba lô và một cái túi to đùng. Tất cả “rùng rùng” tiến vào sân nhà ông Bun Nha.
         Ông Bun Nha đứng như trời trồng trước cửa. Miệng ông ú ớ không thành lời. Bun Hoa từ trong bếp chạy ra, thấy cha cứ đứng ngây người ra, cô liền kéo tay cha chạy ra, miệng nói:
- Ơ, sao cha không ra đón anh Bun Lợt!
         Lúc này ông Bun Nha mới tỉnh “cơn mê”. Ông chạy ra ôm chầm lấy con trai. Bun Lợt một tay ôm lấy cha, còn tay kia vẫn giữ chiếc Honda. Thấy thế, chú Bun Lươn vội đỡ lấy chiếc xe trong tay cháu trai dắt đi.
         Căn nhà chật người. Đông quá! Vui quá! Ông Bun Nha nhìn con trai. Nó thay đổi nhiều quá, cao lớn hơn, râu nó nhiều hơn và chững chạc hơn nhiều ngày nó rời nhà xung phong đi bộ đội Pa Thét. Thế là đã sáu năm tròn, hôm nay nó mới lại được về thăm nhà. Ông nhớ một ngày đầu tháng một năm một chín bảy mươi, nó chào vội bố mẹ để lên đường. Ngày ấy súng nổ đì đùng suốt ngày đêm cả vùng Viêng Thoong này. Trước hôm nó vào bộ đội, Bun Lợt chỉ nói thầm với ông là nó sẽ xung phng đi bộ đội để đánh đuổi quân Mỹ và quân Thái Lan ra khỏi đất nước Lào. Ông gật đầu ngay. Có lần ông lên Pắc Sế, nhìn thấy bọn lính Thái Lan đi lại ngông nghênh bên những thằng cố vấn Mỹ mà ông thấy ghét. Tại sao bọn Phu Mi lại rước chúng vào đất nước Lào vậy? Trong lịch sử, quân Thái Lan đã bao lần sang cướp phá của cải, cướp đất của người Lào rồi. Bây giờ chúng lại cấu kết với bọn Mỹ và lũ Phu Mi chiếm đất của tổ tiên người Lào ư? Cho Bun Lượt đi bộ đội để đánh đuổi hết bọn này ra khỏi đất nước thì dân Lào mới yên ổn làm ăn được, ông gật đầu động viên con lên đường…
         Bun Lợt nắm tay cha. Anh cười rất tươi.
- Nhìn cha khỏe thế này con mừng lắm. Rồi anh ngước lên nhìn em gái đang mải rót nước mời mọi người - Bun Hoa cao lớn và xinh đẹp hơn ngày con đi bộ đội rồi. Để anh giới thiệu bạn anh cho em nhé. Nó học cùng với anh ở Việt Nam mà. Nó là một chàng trai tốt đấy. Nghe anh nói, Bun Hoa chỉ cười:
- Khoan nói chuyện của em. Anh hãy kể cho cha và mọi người chuyện của anh ấy.
         Ông Bun Nha cũng giục:
- Con kể đi. Cha và mọi người đều nóng lòng muốn biết câu chuyện sáu năm qua của con. Có đúng vậy không? Ông nhìn mọi người chờ câu trả lời.
- Đúng đấy! Bun Lợt đi lâu quá rồi mà. Chú Bun Lươn thay mặt mọi người cũng yêu cầu.
         Nghe tin Bun Lợt về thăm nhà, bà con trong họ, trong bản kéo đến mỗi lúc một đông.
        Bun Lợt đưa mắt nhìn tất cả mọi người. Anh muốn nhận biết khuôn mặt của từng người họ hàng thân thiết mà sáu năm qua anh không được gặp. Mọi thứ thay đổi nhiều quá. Những thanh niên, những đứa trẻ con, đứa nào cũng lớn lên, cũng khác trước nhiều… Anh từ tốn nói:
- Mời mọi người uống nước đã. Nói rồi anh cầm chén nước đưa lên miệng uống. Thấy vị lạ, anh quay sang hỏi em gái:
- Em cho anh và mọi người uống thứ nước gì mà lạ vậy? Thơm và ngon đấy.
         Bun Hoa cười vui ra mặt:
- Đây là lá cây mâm xôi mọc ở ven suối đấy anh ạ. Bộ đội Việt Nam đã bày cho em chế biến nó thành thứ uống rất mát và ngon này đấy.
- Bộ đội Việt về đóng quân ở bản mình à?
          Nghe con trai hỏi, ông Bun Nha vội trả lời thay con gái:
- Không đâu con. Em con được bộ đội Việt cho đi đào tạo thành y tá đấy. Nó học được chuyện này ở lớp y tá mà. Nó còn biết làm nhiều loại lá và cây rừng uống ngon lắm.
- Vậy sao? Việt Nam tốt lắm cha ạ. Việt Nam phải đánh Mỹ nhưng vẫn giúp đỡ hết lòng cho người Lào chúng ta cùng đánh Mỹ đấy. Có rất nhiều con em người Lào chúng ta được đưa sang Việt Nam đào tạo thành nhà giáo, thành kỹ sư, thành cán bộ đủ loại cha ạ. Riêng lớp sĩ quan của con năm 1971 có hơn năm mươi người. Ai cũng tốt nghiệp và về nước chiến đấu rất giỏi… Ngày con mới nhập ngũ, con là lực lượng của Quân khu Nam Lào. Con đóng quân ở Savanakhet. Tại đây, đầu năm 1971, chúng con đã phối hợp với bộ đội Trường Sơn đánh tan Mỹ, ngụy Sài Gòn, ngụy Lào, ngụy Thái Lan ở Đường 9 - Nam Lào. Trong cuộc chiến đấu ấy, con được làm Trung đội trưởng. Giữa năm 1971 con được chọn sang Việt Nam học Trường Sĩ quan Lục quân. Con học giỏi nhất khóa học. Trở về Tổ quốc, con được trao chức vụ Tiểu đoàn phó của Tỉnh đội Savanakhet. Đầu năm 1975 con là Tiểu đoàn trưởng. Và mới đây, con được điều về làm Tỉnh đội phó của Tỉnh đội Saravan. Từ nay con được ở gần nhà rồi, cha à.
- Ở Pắc Soòng ư con? Cha anh vội hỏi.
- Vâng ạ. Chúng con có nhiệm vụ bảo vệ thị xã, bảo vệ tỉnh Saravan mình. Vì thế mà con mới lấy Honda của đơn vị để về thăm cha đấy ạ.
- Trời ơi, vui quá! Gần nhà thì lấy vợ đi để cho cha còn bồng cháu chứ?
- Đúng rồi. Cháu phải lấy vợ đi. Cháu cũng hai bảy tuổi rồi mà. Chú Bun Lươn quay sang ông anh, nói tiếp: - Thì lâu nay anh được bồng con của Bun Hoa rồi còn gì. Thằng bé thích quá!
         Nghe chú Bun Lươn nói, Bun Lợt quay sang hỏi em gái:
- Em đã có con rồi à? Em rể của anh ở đâu vậy?
         Cha anh lại nói thay con gái.
- Ôi thằng bé con ấy thích lắm. Ơ kìa, thằng Bun Hà đâu rồi, sao không bồng nó ra đây cho bác Bun Lợt nhìn mặt hả con - Ông giục con gái.
- Sao, bố nó cùng họ Bun với nhà ta à? Bun Lợt nhìn em gái hỏi lại. Bun Hoa chưa kịp trả lời anh trai thì cha cô lại đỡ lời:
- Ầy dà, không phải đâu. Họ và tên đầy đủ của nó là Lê Bun Hà đấy.
- Họ Việt? Chồng em là người Việt à?
         Bun Hoa gật gật đầu cười với anh trai rồi cô chạy vào buồng bồng con ra. Ngoài nhà ồn ào thế mà thằng bé vẫn ngủ ngon. Trời thương Bun Hoa, nên cho bé Hà con cô ngoan đến nỗi cô cũng phải ngạc nhiên. Chả ai thấy nó khóc bao giờ. Cô bận luôn tay việc nhà, đặt con trên giường để làm việc mà nó cứ nằm chơi không đòi mẹ bế bồng gì. Cô lấy chiếc nôi mà ngày xưa cô và hai anh trai từng nằm đặt con vào đó. Cái nôi treo gần chiếc bàn mà cha cô vẫn ngồi, để nhờ cha trông chừng thằng bé. Có hôm cô ra vườn chăm sóc rau quả cả giờ mà thằng bé vẫn chơi cùng ông ngoại. Thỉnh thoảng cô mới chạy vào với con. Mỗi khi như thế, cha cô lại thông báo: “nó vẫn chơi ngoan mà”!...
         Bun Hoa đánh thức con dậy. Nó mở mắt, ngơ ngác nhìn mẹ rồi nhoẻn cười. Vừa bước ra nhà ngoài cô vừa nói với con: “Nào ra chào bác Bun Lợt của con về thăm ông ngoại và mẹ con mình đây này”.
         Cô đưa con cho anh trai.
- Thằng Lê Bun Hà của bác đây.
         Bun Lợt đón lấy thằng bé. Nó ngơ ngác nhìn Bun Lợt và mọi người, nó không biết sợ người lạ. Thằng bé lại toét cười.
- Thế cha cháu Bun Hà đang ở đâu? Bun Lợt nắm tay cháu vẫy vẫy như chào hỏi mọi người, anh hỏi em gái.
- Dạ, anh ấy về Việt Nam chiến đấu ạ.
- Thế chồng em về bên ấy lâu chưa?
- Dạ từ cuối tháng 12 năm trước ạ? Nghe tới đây, Bun Lợt thấy có điều gì đó không ổn. Việt Nam đã giải phóng Sài Gòn và thống nhất đất nước từ 30 tháng 4 năm 1975 rồi kia mà? Sao em rể mình vẫn chưa trở lại?… Chắc chắn có chuyện gì uẩn khúc đây. Biết thế, nhưng trong lúc này anh không tiện hỏi thêm em gái. Nghĩ thế, anh nựng thằng bé:
- Ngoan con nhé, cha con sắp về với con rồi.
         Bun Lợt sực nhớ ra chuyện gì, anh giao lại bé Hà cho em gái.
- Ôi con quên mất! Con có mua quà về mời cha và mọi người đây này. Nói rồi anh chạy ra chiếc xe Honda67 mà chú Bun Lươn dựng giúp nó ở trước cửa nhà. Anh tháo ba lô và chiếc túi đựng đồ ra mang vào nhà. Anh lấy ra mấy gói bánh kẹo để mời mọi người. Có cả một ít hoa quả bày lên chiếc bàn nhỏ.
         Ông Bun Nha bóc mấy gói bánh, kẹo ra. Ông chỉ tay mời mọi người. Thấy mọi người chưa ai cầm kẹo ăn, ông lấy bánh kẹo đặt vào tay từng người, miệng không ngớt mời mọc: “Ăn đi mà. Kẹo của cán bộ Bun Lợt đấy”.
         Mọi người cười nói ăn bánh kẹo rất vui. Ông biết, có người lần đầu tiên được ăn kẹo, có người thì không nhớ mình đã ăn kẹo từ bao giờ. Với ông, thì cũng cách đây gần ba mươi năm rồi thì phải. Ngày ấy, ông dắt vợ xuống Pắc Soòng mua sắm đồ trước ngày cưới. Ông nhớ đã mua một gói kẹo nhỏ để mời người vợ sắp cưới. Cái kẹo ngày ấy làm bằng đường trắng. Ăn rất ngọt nhưng không có mùi thơm. Còn cái kẹo hôm nay của Bun Lợt mang về ông đã ngậm trong miệng nó có mùi hoa quả, thơm quá. Đúng là thời gian đã có quá nhiều thay đổi. Ngày ấy Pắc Soòng chỉ có vài cái nhà xây, còn toàn là nhà gỗ. Năm trước, có việc đòi tiền bán cà phê, ông lại xuống Pắc Soòng. Pắc Soòng bây giờ khác quá. Có rất nhiều nhà xây, nhiều cửa hàng bán nhiều thứ thiết yếu. Mặc dù đang chiến tranh nhưng người đi lại vẫn đông hơn ở bản Na của ông… 
         Khi bà con dân bản và họ hàng đã ra về, Bun Lợt kêu em gái đến ngồi bên bàn nước. Cha anh, ông Bun Nha vẫn ngồi ở vị trí của riêng ông. Bun Lợt nhìn em gái, giọng nhẹ nhàng, nhưng thoáng phần lo lắng, hỏi:
- Thời gian vừa qua em có tin tức gì về chồng em không?
         Bun Hoa nhìn con. Cô không dám nhìn anh.
- Dạ không có. Anh Vông Sắc Kha, bạn anh bảo đơn vị M9 của anh ấy trở về Việt Nam giải phóng Tây Nguyên từ đầu năm 1975 anh ạ.
- Đơn vị M9 à? Hỏi em gái nhưng Bun Lợt lại tự hỏi mình: M9 là đơn vị nào nhỉ? Có phải đơn vị của sư đoàn quân tình nguyện 968 Trường Sơn không nhỉ? Nếu là một đơn vị của Sư đoàn 968 thì đúng là họ về đánh nghi binh trong chiến dịch giải phóng Buôn Mê Thuột, giải phóng Tây Nguyên. Điều này thì mình biết qua nghe đài và nghiên cứu tài liệu… Rồi anh hỏi tiếp em gái:
- Thế quê của chồng em ở đâu? Nghe anh trai hỏi, Bun Hoa nói ngay:
- Dạ ở xã Cổ Đông, huyện Thạch Thất, Hà Tây ạ.
- Xã Cổ Đông à. Anh học ở đấy đấy. Mà anh quên không hỏi, tên chồng em là gì nhỉ?
- Dạ là Lê Bình ạ?
- Lê Bình à? Cái tên này hình như anh đã một lần nghe đến. Bun Lợt cố lục lại trí nhớ… Đúng rồi, một lần anh đến chơi nhà cô bạn gái mà anh rất có cảm tình, ở cái làng cạnh nơi anh học. Khi thấy anh ngắm rất kỹ khung ảnh treo trên tường nhà, cô bạn của anh đến gần giới thiệu từng chiếc ảnh trong khung. Đặc biệt, anh chú ý tới một bức ảnh được phóng to cỡ 9 x12. Trong ảnh có một thanh niên cao to và khá bảnh trai chụp với cô bạn gái của anh và một cô gái khác. Thấy vậy, Mận - cô bạn gái của anh đã giới thiệu: - Đây là anh trai con bác ruột của em. Anh ấy tên là Lê Bình. Đứng bên là Lê Thị Loan, em gái anh ấy. Bức ảnh này chúng em chụp kỷ niệm trước ngày anh Lê Bình em vào chiến trường. Mận cũng nói thêm: Anh Lê Bình em đang chiến đấu ở bên Nam Lào, quê hương anh Bun Lợt đấy… Hình ảnh về cái hôm xem ảnh ấy khiến anh không thể quên. Và cái tên Lê Bình vì thế mà anh cũng đã nhớ. Không biết có phải là Lê Bình chồng của Bun Hoa không? Mình biết ở Việt Nam trong một làng cũng có rất nhiều người trùng tên. Những cái tên hay thì được nhiều ông bố, bà mẹ đặt tên cho con cái họ. Bình là một cái tên hay nên người Việt có nhiều người tên Bình lắm. Sợ không phải là chàng trai Lê Bình trong bức ảnh chụp với Mận. Nhưng… Mận còn nói, “anh Lê Bình em đang chiến đấu ở Nam Lào quê hương anh Bun Lợt đấy”. Chẳng lẽ, ở trong làng có tới hai người trùng họ, trùng tên và cùng đang “chiến đấu ở Nam Lào”?
         Ngẫm nghĩ một hồi rồi Bun Lợt nói với em gái:
- Nếu không nhầm thì anh đã nhìn thấy một bức ảnh của chồng em rồi. Cậu ấy là anh con người bác ruột của cô bạn gái thân thiết hồi anh học ở Trường Sĩ quan Lục quân. Bun Hoa nhoài người nắm lấy tay anh trai.
- Thật thế ư? Trời ơi! Sao lại có chuyện này nhỉ? Quê hương anh ấy thế nào ạ? Chắc anh đã vào nhà anh ấy? Bố mẹ anh ấy thế nào? Anh kể cho em nghe đi. Bun Hoa giục giã.
- Nếu đúng địa chỉ mà em nói thì ngôi trường mà anh học nằm trên đất của làng quê Lê Bình. Anh chỉ biết nhà bạn gái của anh là con của cô ruột Lê Bình. Anh chỉ quen bạn gái anh nên chưa bao giờ biết nhà của Lê Bình. Bạn gái anh bảo, “nhà anh họ em cách nhà em hai ngôi nhà”. Anh chưa tới lần nào, nên cũng không biết mặt cha mẹ Lê Bình. Nếu đúng là Lê Bình thì họ là những người tốt bụng, em ạ. Hình như Mận có nhắc tới chuyện vợ chồng bác ruột em đều là nhà giáo thì phải. Bố mẹ cô Mận, bạn gái anh đẹp lắm, nhất là bà mẹ. Họ chăm chỉ và tốt bụng. Lần nào ra chơi, anh cũng được mời ăn sắn, mời ăn hoa quả trồng trong vườn nhà. Họ nuôi nhiều gà lợn lắm. Nhiều chủ nhật anh được giữ ở lại ăn trưa. Khi thì ăn thịt gà, khi thì ăn thịt ngan… Em biết không, Mận đã làm rất nhiều thứ chế biến từ củ sắn cho anh ăn đấy. Sắn luộc, sắn bung với xôi, sắn nạo rán, sắn trộn với thịt đem rán. Người Lào mình cũng trồng nhiều sắn nhưng không biết làm nhiều món ăn từ sắn như bên Việt Nam đâu. Anh sẽ bày cho em cách chế biến từ sắn mà anh đã được ăn ở Việt Nam nhé.
         Bun Hoa như nuốt lấy từng lời kể của anh trai. Cô hồi hộp, cô sung sướng nghe anh trai kể chi tiết câu chuyện về cô bạn gái của anh và chuyện về họ hàng, về làng quê của chồng… Cô mong ước một lần được sang thăm quê của Lê Bình… Bun Hoa lấy tờ giấy mà Lê Bình đã trao cho cô đưa cho anh trai xem.
Bun Lợt đọc nó. Anh gật đầu với em gái.
- Đúng rồi, địa chỉ em rể viết trong này thì đúng quê chú ấy ở trường anh học đấy. Có lẽ chàng trai trong bức ảnh chụp với Mận - bạn gái của anh có thể là chồng em. Chú ấy cao to, khá đẹp trai phải không?
         Bun Hoa gật đầu:
- Vâng, chồng em cao hơn anh và đẹp trai, da trắng lắm anh ạ.
        Bun Lợt đắn đo suy nghĩ. Đã sáu tháng sau ngày Việt Nam thống nhất, tại sao Lê Bình vẫn chưa có tin tức gì? Giao thông khó khăn, thủ tục đi lại giữa hai nước không còn dễ dàng như thời chiến tranh… Những thứ ấy có thể cản trở việc Lê Bình trở lại Lào. Cũng không loại trừ việc Lê Bình đã thay lòng, đổi dạ khi trở về quê hương? Cũng rất có thể cậu ấy đã hy sinh trong cuộc chiến đấu giải phóng cuối cùng?
         Bao nhiêu tình huống “có thể” cứ đặt ra trong đầu Bun Lợt. Anh lo cho em gái. Hạnh phúc vợ chồng của em nếu gặp trắc trở thì thiệt thòi cho em quá. Em xinh đẹp, nết na không đáng phải chịu sự bất công, thiệt thòi ấy… Nhưng trong anh lại có một luồng ý nghĩ ngược lại, bênh vực cho Lê Bình. Lê Bình chắc chắn không phải là người dễ thay lòng như thế. Như trong tờ giấy viết cho Bun Hoa, chứng tỏ Lê Bình yêu Bun Hoa nhiều lắm. Người Việt rất coi trọng lời thề. Mà Lê Bình thì nhiều lần thề ước với Bun Hoa… Chắc Lê Bình gặp điều gì khó khăn trắc trở…
         Bun Lợt động viên em gái về những điều anh tin tưởng ở Lê Bình như trong suy nghĩ của anh.
- Hãy tin tưởng chờ đợi em ạ. Em hãy nuôi cháu Lê Bun Hà khôn lớn nhé. Khi nó học nói, em phải dạy nó cả hai thứ tiếng Việt và Lào đấy.
         Nghe lời khuyên, lời động viên an ủi của anh trai, Bun Hoa không cầm được nước mắt. Cô tựa vào vai anh trai khóc. Khóc vì nhớ thương Lê Bình, khóc cho số phận phải xa cách giữa Bình và cô, khóc cho đứa con bé bỏng của cô chưa biết mặt cha, chưa có được hơi ấm của cha… Cô không đủ dũng cảm để kể hết sự thật về mối tình định mệnh giữa cô và Lê Bình cho anh trai nghe. Bun Lợt vỗ nhẹ lên đầu em gái để an ủi em:
- Đừng buồn em ạ. Anh tin Lê Bình sẽ trở lại với hai mẹ con em một ngày không xa đâu. Hãy tin tưởng mà sống nhé! Người ta vẫn bảo: Mất lòng tin là mất tất cả. Lòng tin làm cho con người ta vững vàng hơn. Nếu em có lòng tin thì em sẽ vượt lên chính em để sống tốt hơn, em ạ.
         Ngồi yên lặng từ lâu nghe hai con trao đổi, bây giờ ông Bun Nha mới lên tiếng:
- Anh con nói đúng đấy. Con hãy tin ở chồng con chứ! Con cứ nhìn thằng bé mà xem. Nó lúc nào cũng vui, cũng cười thế thì sao cha nó lại không về với nó kia chứ! Cha tin lắm. Nói rồi, ông đứng lên. Nhìn bóng nắng, ông vội giục:
- Quá trưa rồi các con. Dọn cơm ăn thôi!
         Bữa trưa hôm ấy là bữa ăn đầu tiên sau sáu năm trời ba cha con ông mới được ngồi ăn bên nhau.
tin tức liên quan