Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào ND và 200 năm ra đời Truyện Kiều: BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN VỚI TRUYỆN KIỀU

Ngày đăng: 07:48 25/09/2020 Lượt xem: 385
Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào ND và 200 năm ra đời Truyện Kiều:
 
                                         BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN VỚI TRUYỆN KIỀU
 
                                                                                        Xuân Bách
 
             Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du là một tác phẩm văn học bất hủ, không chỉ đã đi vào trái tim của quần chúng nhân dân lao động, mà còn được các chiến sỹ bộ đội ta rất yêu mến. Trong đó có bộ đội Trường Sơn.
            Đến bây giờ chưa biết rõ ai là người đầu tiên mang Truyện Kiều vào chiến trường Trường Sơn? Nhưng những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, lớp lớp chiến sỹ bộ đội ta đã được học, đọc Truyện Kiều trên ghế nhà trường, ở giảng đường đại học, nên khi ra trận ai cũng đều thuộc lòng một vài câu Kiều, hoặc mang theo trong ba lô cuốn Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Do đó giữa đại ngàn Trường Sơn sâu thẳm, khốc liệt, bom đạn và chất độc hóa học của kẻ thù ngày đêm trút xuống, để mở tuyến đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử  chi viện cho chiến trường Miền Nam, ngay tại Đại bản doanh Bộ tư lênh 559- Bộ tham mưu cũng thành lập một “Nhóm Kiều học”, do Phó Tư lệnh- Thiếu tướng Nguyễn An làm nhóm trưởng để tìm hiểu về thiên tài Nguyễn Du và tác phẩm bất hủ Truyện Kiều. Nhóm Kiều học Trường Sơn đã thu hút hàng trăm sỹ quan, chiến sỹ tham gia, các buổi sinh hoạt luôn luôn được duy trì đều đặn, bài bản và hết sức khoa học*  
         Truyện Kiều không chỉ có mặt ở các Đại bản doanh , các chỉ huy sở, mà đã theo sát bước chân các anh bộ đội Trường Sơn hành quân vượt đèo vượt dốc, bên những cánh võng rừng sâu, lên  chốt cao trọng điểm, trong chiến hào chờ địch, trong bệnh viện, bệnh xá quân y. Bất cứ ở đâu bộ đôi Trường Sơn cũng lấy Truyện Kiều ra kể, ra đọc, ra ngâm, sôi nổi bàn tán, bình giảng. Cùng với các hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú như: Hò Kiều, lẫy Kiều, đố Kiều, bói Kiều góp phần không nhỏ làm quên đi sự gian khổ, đói khát, hy sinh trước bom đạn ác liệt của quân thù.
           Truyện Kiều đi theo người chiến sỹ vào các chiến dịch, từng trận đánh, trong các cuộc hành quân. Ở Trường Sơn mỗi lần bộ đội gặp các đoàn thanh niên xung phong hay dân công hoả tuyến, dẫu cho "Vai vác nặng, chị gánh anh thồ, trèo đèo lội suối”, các chiến sỹ đã chuyển các câu thơ trong Truyện Kiều thành những điêụ  hò đối đáp thiết  tha: "Người ơi gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không?"  hoặc: "Đến đây Kim mới kháp Kiều /Hỏi em bên ấy chọn yêu anh nào?"v.v..
       Trong những cuộc hành quân gian khổ, có ai đó đã nghĩ ra việc đố kiều. Như: Kiều có bao nhiêu người yêu; Kiều là con ai; Kiều yêu lúc bao nhiêu tuổi; có mấy người chồng?... làm cho cả đoàn quân sôi nổi bàn luận quên đi trước mặt là đèo cao, vực  thẳm, đói khát gian truân, những cơn sốt rét rừng ớn lạnh. Trong các bệnh viên, bệnh xá, tiền phương, có bác sỹ quân đội đã nghĩ ra cách đố các thương binh câu Kiều: "Khi tựa gối, khi cúi đầu / khi vò chín khúc, khi chau đôi mày” đó là bênh gì?; Từ Hải có phải là thương binh không?. Ai trả lời đúng sẻ được tặng bánh lương khô hoặc hộp sữa, làm cho các thương bệnh binh nằm trong bệnh xá sôi nổi thảo luận, quên đi nổi đau đớn mất mát trên cơ thể.
           Đố Kiều đã vậy, lẩy Kiều càng được các chiến sỹ quân đội ta vận dụng thật tài tình. Trong Truyện Kiều Nguyễn Du viết đến 77 lần chữ "Khi", thế mà được các chiến sỹ bộ đội nfd Sơn vận dụng rất đa dạng, dí dỏm cho từng binh chủng. Đối với lính bộ binh phải hành quân bộ nên đã lẩy: “Khi lên thác, khi xuống gềnh / Khi vồ phải đá, khi kềnh giữa sông"; Đối với lính lái xe Trường Sơn thì: "Khi leo dốc, khi xuống đèo / Khi bon bon chạy, khi trèo lên bom"; Đối với các chiến sỹ pháo binh và bộ binh làm  nhiệm vụ trên chốt bảo vệ trọng điểm: "Khi cúi xuống, khi đứng lên / Khi xem lại đạn, khi lên đỉnh đồi"... Kể cả lúc thiếu gạo, khẩu phần ăn chỉ một bát cơm vơi, ăn rồi mà bụng vẫn cồn cào rất đói, các chiến sỹ ta đã lẩy Kiều: "Biết bây giờ đến bao giờ / Đã đi rửa bát còn ngờ chưa ăn". 
           Truyện Kiều còn được bộ đội ta vận dụng trong việc bói Kiều. Ở giữa chốn chiến trường khói bom và đạn lửa, nhưng lúc tiến hành bói Kiều lính ta vẫn thực hiện đúng thủ tục để tìm sự linh nghiệm.Vẫn dùng hai tay nâng cuốn Kiều lên trước mặt rồi lầm rầm khấn: "Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thuý Kiều, con xin một quẻ". Dẫu cũng chỉ là vui thôi, nhưng cũng có lúc những quẻ bói đó thật là ứng nghiệm. Có một lần một tổ trinh sát được đơn vị cắt cử đi tìm địa điểm để đặt chỉ huy sở. Sau một thời gian tìm được một địa điểm đẹp, thuận lợi, ưng ý, gần với suối nước, với đơn vị bạn. Trước khi đi đến quyết định, có một đồng chí lấy cuốn Kiều ra xin một quẻ, ứng ngay phải câu: "Vậy nên những chốn thong dong/ Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng". Thấy câu Kiều ứng vậy, các đồng chí không chọn điểm đó nữa mà tìm địa điểm khác sâu hơn, đi lại, sinh hoạt khó khăn hơn địa điểm trước. Một tháng sau quay lại, địa điểm thuận lợi đã bị bom B52 rải thảm tan hoang. Sau này ai cũng bảo, nhờ có quẻ Kiều của cụ Nguyễn Du báo trước mà tránh được tổn thất cho toàn đơn vị. Một chuyện nữa, năm 1971 có một đơn vị đóng quân ở Làng Ho, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, cắt cử một tiểu đội xuống cứ lấy gạo. Tiểu đội có 12 người đi từ mờ sáng đến đêm tối mới về, nhưng về đến nơi thiếu mất 3 chiến sỹ, mọi người ai cũng lo lắng đi tìm. Có một đồng chí lấy cuốn Truyện Kiều mang theo mở ra xin một quẻ thì ứng 2 câu: “Lo gì việc ấy mà lo / Kiến trong miệng chén có bò đi đâu”. Câu Kiều vừa đọc xong, 20 phút sau, 3  chiến sỹ lù lù trở về, trên vai vẫn ba lô đầy gạo, còn cọng thêm con nai rừng. Bước đầu đồng chí tiểu đội trưởng bức xúc mắng mỏ, nhưng một chiến sỹ nhanh nhảu phân bua: "Hôm nay nhân có gạo, đi qua rừng chiều, bọn em gặp con nai rừng ra suối, dừng lại bắn mang về, tiện thể làm bữa liên hoan, nên về đơn vị chậm". Nghe vậy, lại nghiệm thấy câu Kiều cụ Nguyễn cho (Miệng chén là 3 chiến sỹ còn ở trong vòng yên ổn, chưa đi đâu xa, sẻ quay về). Đồng chí tiểu đội trưởng "hạ hỏa" nở nụ cười xin lỗi các chiến sỹ và cảm ơn quẻ Kiều cụ Nguyễn Du mách bảo. Rồi chuyện một tiểu đội trinh sát đặc công cũng vậy. Trước khi đi tiêu giệt đồn địch, có chiến sỹ mở cuốn Kiều xin một quẻ, bắt được câu "Cất mình qua ngọn tường hoa/ Lần đường theo ánh trăng tà về tây". Theo lời câu Kiều, đêm đó các chiến sỹ ta vượt qua dãy hàng rào dây thép gai (tường hoa), chờ đến lúc trăng tà, đánh vào mạn sườn phía Tây của đồn địch. Thắng lợi giòn giả trở về, cả tiểu đội làm liên hoan để tạ lễ với cụ Nguyễn Du..v..v. 
           Phải có hàng nghìn nghìn trang giấy mới kể hết chuyện bộ đội Trường Sơn với Truyện Kiều. Suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến, ở đâu, vào thời điểm nào, bộ đội Trường Sơn cũng tạo nên những sinh hoạt đa dạng phong phú, làm vơi đi sự gian khổ, ác liệt của chiến trường đầy đạn bom khói lửa, mất mát và hy sinh. Chính vì vậy nhà thơ Chế Lan Viên khi viết bài thơ: "Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ" đã căn dặn em cũng như căn dăn chung các chiến sỹ quân đội ta trước khi ra trận:
                                    "Đất nước mình còn nghèo lắm hởi em yêu
                                     Một giọt lệ của ông cha cũng có ích với ta nhiều
                                     Dẫu súng đạn nặng đường ra hoả tuyến
                                     Vượt đường dài nhớ mang Truyện Kiều theo"
           Trong kháng chiến chống Mỹ là vậy, hiện nay đất nước đã được thống nhất, các đơn vị Trường Sơn đang tập luyện trên thao trường, canh giữ trên biên cương, ngòai biển cả, hay đang tham gia xây dượng kinh tế trên mọi miền đất nước, ở đâu bộ đội Trường Sơn cũng vẫn  say mê, yêu thích bàn luận Truyện Kiều. Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du đã góp phần làm cho các chiến sỹ thêm lạc quan yêu đời, quên đi sự gian khổ, hy sinh, để bảo vệ  từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, giữ cho nền độc lập dân tộc mãi mãi trường tồn. Vì vậy, dẫu Nguyễn Du - tác giả của Truyện Kiều không trực tiếp tham gia trong đoàn quân của cuộc kháng chiến, nhưng những đóng góp tinh thần, tạo nên sức mạnh lớn lao cho quân đôi ta nên nhiều người đã mệnh danh cho Đại thi hào là "Nhà chính uỷ tài năng" của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có bộ đội Trường Sơn ./.
       
------------------------
  • Theo cuốn "Trên đỉnh Trường Sơn kể chuyện Kiều". Thiếu tướng Nguyễn An. Nhà XB Quân đội. Năm 1999.(Thiếu tướng Nguyễn An mất năm 2011 tại Tp Hồ Chí Minh, thọ 80 tuổi)
 
                                                                                              Xuân Bách
                                                                              Số 3, đường Tôn Thị Quế, Tp. Vinh
                                                                                          ĐT: 0912591362

                                                                                             
 
tin tức liên quan